+ Nhóm D (nguy cơ cao – đối tượng xác định): Trẻ có thể không có lịch sử về rối loạn hành vi hoặc cảm xúc và đang có động cơ gây hại hoặc không thiện chí với một đối tượng cụ thể. Một chỉ báo quan trọng cho nhóm này là có những ý tưởng và dự kiến kế hoạch thực hiện hành vi bạo lực và đã từng có hành vi đe doạ đối tượng. Can thiệp cho trẻ thuộc nhóm này hết sức cẩn trọng, bao gồm việc cho trẻ ký cam kết không thực hiện hành vi bạo lực, không cho trẻ tiếp cận với những dụng cụ có thể sử dụng làm vũ khí, thông báo về nguy cơ cho đối tượng, tăng cường sự giám sát ở nhà và ở trường, huấn luyện kỹ năng kiểm soát tức giận, đánh giá nguy cơ tự sát và các vấn đề khác. + Nhóm E (nhóm nguy cơ cao – tính cách hung hãn): Trẻ được giới thiệu đến đánh giá với những rối nhiễu hành vi, cảm xúc hoặc phát triển nhận thức đã được xác định. Nguy cơ bạo lực của nhóm E cũng giống như nhóm D chỉ khác ở chỗ nguy cơ của bạo lực chịu ảnh hưởng bởi các rối nhiễu tâm lý, tâm thần khác. Các em trong nhóm này thường có biểu hiện xâm kích hoặc hùng hổ quá mức đối với bạn bè đi kèm với các hành vi chống đối xã hội và xâm phạm quyền của người khác. Đặc điểm giúp cho người đánh giá phân biệt các em thuộc nhóm D và nhóm E là các em nhóm E có lịch sử các vấn đề về bắt nạt hoặc hung tính khi nhỏ và xu hướng này có vẻ ổn định như một nét tính cách. Việc can thiệp cho nhóm E về cơ bản cũng giống như nhóm D nhưng tập trung vào việc tham vấn và đánh giá một chương trình học phù hợp cho các em, tìm các môi trường hoạt động cho các em giải toả cảm xúc (như thể thao, sinh hoạt CLB), sử dụng kết hợp các can thiệp bằng thuốc và tâm lý để điều trị các rối nhiễu tâm thần, giảm thiểu những tác nhân gây khó chịu trong môi trường học đường và gia đình, tăng cường giám sát hành vi ở trường và ở nhà; áp dụng hình thức bản kiểm điểm và viết thư xin lỗi khi làm tổn thương người khác. 2.4. Quy trình đánh giá nguy cơ Quy trình đánh giá nguy cơ tổn thương SKTT có thể được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau tùy quan điểm của người xây dựng. Một số quan điểm phổ biến về đánh giá nguy cơ có thể chia thành các giai đoạn như sau: Quan điểm cho rằng quy trình đánh giá nguy cơ gồm gồm 6 giai đoạn: (a) giới thiệu học sinh đến với người đánh giá; (b) xem xét các tài liệu có liên quan đến trẻ; (c) phỏng vấn cha mẹ; (d) phỏng vấn những cá nhân khác có liên quan; (e)phỏng vấn trẻ; (f) xây dựng chân dung tâm lý, kết luận và khuyến nghị. Theo một cách phân loại khác có thể gồm (i) nhận yêu cầu; (ii) thu thập thông tin từ nhiều nguồn; (iii) đánh giá, định hình trường hợp; (iv) kết luận khuyến nghị về cách thức can thiệp. THỰC HÀNH TỐT KHI LÀM VIỆC TRONG NHÀ TRƯỜNG
89