
5 minute read
2.3. Hệ thống đánh giá nguy cơ
Bên cạnh đó, việc đánh giá về hành vi bạo lực học đường cũng được tiếp cận theo những quan điểm sau: Thứ nhất, đánh giá theo các tiếp cận trước đây sẽ kết thúc tại thời điểm đưa ra kết luận đánh giá thì tiếp cận ngày nay cho rằng việc đánh giá phải diễn ra liên tục, mang tính định kỳ vì đối với thanh thiếu niên, các đặc điểm nhận thức, khả năng khống chế cảm xúc chưa ổn định nên trong những hoàn cảnh thay đổi, xu hướng hành vi cũng thay đổi một cách khó dự đoán. Thứ hai, thay vì quá tập trung vào các yếu tố cá nhân như khí chất, nét nhân cách như trước đây, việc đánh giá nguy cơ bạo lực học đường hiện nay được mở rộng phạm vi sang quá trình tương tác của cá nhân trong môi trường và những hoàn cảnh cụ thể. Thay vì quá chú ý vào khuôn mẫu hành vi của cá nhân trong quá khứ, việc đánh giá còn tìm hiểu sâu về những mô thức suy nghĩ, cảm xúc của các em và những hoàn cảnh dễ gây ra bạo lực tại thời điểm hiện tại. Ví dụ một học sinh mang dao đến lớp chém bạn không phải là một hành động bột phát do nóng giận mà có liên hệ đến quá trình suy nghĩ và hành vi của học sinh này trong một khoảng thời gian trước đó. Cho nên việc đánh giá phải chú ý đến những sự kiện liên quan như sự phát triển các ý tưởng tấn công người khác, những hành vi mang tính chuẩn bị và xác định cách thức cá nhân đã đương đầu với những tình huống khó chịu trong quá khứ như thế nào. Đánh giá cũng phải quan tâm đến các yếu tố tình huống như xác định xem ảnh hưởng của sự thất bại trong hiện tại và sự liên hệ của nó với cảm giác mất mát, mặc cảm của các em. Thứ ba, thay vì đưa ra các phán quyết kiểu có bạo lực/không có bạo lực, việc đánh giá nguy cơ bạo lực hiện nay giúp cha mẹ và nhà trường hiểu được những lý do, tình huống mà đứa trẻ sẽ cư xử một cách bạo lực đồng thời tập trung đưa ra các chiến lược giúp giải quyết vấn đề. Nói một cách khác, đánh giá nguy cơ bạo lực học đường hiện nay đang chuyển dần từ việc dự báo sang việc ngăn ngừa bằng việc phân loại các nhóm nguy cơ và đưa ra những chiến lược can thiệp nhằm hạn chế những hành vi bạo lực bột phát đồng thời giúp các em tái hội nhập với môi trường học đường nói riêng và môi trường xã hội nói chung.
2.3. Hệ thống đánh giá nguy cơ
Advertisement
Sau khi xác lập được các yếu tố nguy cơ gây ra các tổn thương SKTT, bước tiếp theo, các cơ sở sẽ xây dựng phát triển một hệ thống đánh giá nguy cơ tại trường. Thông thường, hệ thống này sẽ bao gồm các nhóm được phân loại theo bảng chữ cái. Mỗi nhóm sẽ có nhiều tiêu chí phân loại, hướng dẫn cách xác định mức độ phù hợp với tiêu chí, và những chiến lược hành động cho giáo viên, cha mẹ và các bên liên quan tương ứng với từng nhóm.
Trong phần trình bày dưới đây, chúng tôi minh họa sơ lược bằng hệ thống đánh giá nguy cơ bạo lực trường học đang được áp dụng ở Mỹ và các nước Tây Âu. Mặc dầu mục tiêu của hệ thống đánh giá này hướng tới những hành vi bạo lực gây tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong cho người khác nhưng quan điểm và quy trình đánh giá có thể được áp dụng chung cho các mức độ bạo lực ở thanh thiếu niên. Mục đích của phần này tập trung giới thiệu quy trình tổng quát và một vài điểm lưu ý với người tham gia đánh giá nguy cơ bạo lực học đường. Với mục đích mở rộng phạm vi các nhóm nguy cơ để có những chiến lược can thiệp phòng ngừa phù hợp, trẻ được giới thiệu đến đánh giá sẽ được xếp vào một trong các nhóm A, B, C, D hoặc E. Lý do của việc lấy các chữ cái để gọi tên các nhóm nhằm hạn chế sự gắn nhãn của bản thân người đánh giá cũng như các đối tượng khác về trẻ. Dưới đây là mô tả về 5 nhóm và các chiến lược can thiệp tương ứng: + Nhóm A (nguy cơ thấp): trẻ được giới thiệu đến để đánh giá vì có một vài biểu hiện vi phạm nội quy trường lớp như mang vũ khí đồ chơi đến lớp, sử dụng dao rọc giấy một cách bất cẩn. Các em có thể có hoặc không có các rối nhiễu tâm lý và không có những hành vi bạo lực trong quá khứ. Với học sinh thuộc nhóm này, đánh giá viên chỉ cần tiến hành những đánh giá nhanh và một số hoạt động can thiệp như trò chuyện với trẻ, đưa ra những mục tiêu tích cực và có thể dùng hình thức viết bản kiểm điểm. + Nhóm B (nguy cơ từ thấp đến trung bình): Những học sinh này đã thực hiện một số hành động bột phát, thiếu suy nghĩ nhưng không mang tính bạo lực (VD sau khi xem một bộ phim kinh dị, trẻ đến trường nói với các bạn là thích nhân vật trên phim vì anh ta đã giết người như thế nào). Các em có thể có hoặc không có các rối nhiễu tâm lý nhưng đã từng có những hành vi hoặc những động cơ có nguy cơ gây hại cho người khác. Với nhóm này, ngoài các hình thức can thiệp như nhóm A, các em được yêu cầu làm một bản cam kết về hành vi và tham gia một vài buổi tham vấn về cách thức giải quyết vấn đề. + Nhóm C (nguy cơ trung bình): Những trẻ này có thể không có lịch sử rối nhiễu tâm lý nhưng đang mắc phải những rắc rối, thường là những ấm ức, căng thẳng hậu quả của sự thiếu hụt kỹ năng giải quyết vấn đề (Vd như để đầu bẩn trong thời gian dài đến trường, đe doạ bằng lời với bạn học, …). Thường thì trẻ trong nhóm này đang phải đối mặt với một giai đoạn khủng hoảng hay một thất bại nào đó (thất bại trong học tập). Các can thiệp chủ yếu tập trung vào tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý tức giận và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ môi trường trường học như bị bắt nạt, bị trêu chọc.