E-magazine 04: VẺ ĐẸP CỦA CÔ ĐƠN

Page 1

I S S UE 04

11/ 2 02 0

V Ẻ Đ Ẹ P C ỦA C Ô Đ Ơ N


1 A letter from Phục Hưng Books / Thư gửi bạn đọc

2 Storytellers / Trò chuyện Cùng MAD. nói về cô đơn

3 Stories / Chuyện kể Có cô đơn quá không, khi mà say, tôi chỉ nhớ đến người giúp việc nhà?

4 Phục Hưng’s Books / Tủ sách Phục Hưng

5 Recommendations from Phục Hưng / Lời gợi ý từ Phục Hưng


1

A LETTER FROM PHỤC HƯNG BOOKS THƯ GỬI BẠN ĐỌC

Thương gửi bạn đọc, Tháng 11 đã đi được hơn nửa đoạn đường, một năm nữa dần qua, xung quanh ta có phải trời đất đang giao mùa, và ai nấy đều tất bật không? Đây là thời điểm khá nhạy cảm của những tâm hồn dễ tổn thương. Guồng quay xã hội cuốn ta vào, nỗi sợ chặn đường ta, đường về nhà có thể lạnh hơn… và ta dễ dàng chạm mặt Cô Đơn.

Thái Minh Châu Phục Hưng’s founder

Nó có thể là cảm giác khi ta một mình – giữa khoảng không trống trải, và biết sẽ không ai đến ngồi cạnh; khi ở trong mối quan hệ mà không cảm thấy được sẻ chia hay đồng cảm; khi ở giữa một tập thể nhưng vẫn tự loay hoay trong thế giới của chính mình; thậm chí ở trong chính căn nhà của mình mà không thể hiểu và kết nối được với ai… Và cả những người thân xung quanh – dù rất thương nhưng họ cũng không có cách gì để thông cảm cho ta… Nghe có vẻ đáng sợ và thực tế là rất nhiều người sợ Cô Đơn, nhưng liệu cô đơn có hoàn toàn là một cảm xúc tiêu cực? Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến cuộc trò chuyện gần đây giữa mình và Xuân – nhà sáng lập ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos. Chúng tôi ngồi trong quán cafe, bên cạnh chỗ tôi ngồi có treo bức tranh lớn vẽ một phiên chợ cổ náo nhiệt. Xuân hỏi “Bạn nghĩ vì sao bức tranh này lại có chiều sâu đến vậy?”, và trong khi tôi ngẩn người quan sát, Xuân nói “Là nhờ màu đen. Những mảng tối có thể phá hỏng vẻ đẹp hoàn hảo của các màu khác, nhưng nếu ta dám can đảm dùng nó, ‘thi gan’ với nó, thì bức tranh mới có được chiều sâu. Kể ra cũng giống quá trình trưởng thành nội tâm của một con người”. Vậy, Cô Đơn – hay những mảng màu trầm trong tay người họa sĩ – những khoảng tối trong tâm hồn – có phải sẽ làm cho bức tranh cuộc đời thêm sâu sắc? Mỗi khi cảm thấy cô đơn, chúng tôi chỉ mong bạn tin rằng cảm xúc đó là bình thường, thậm chí là cần thiết, và rằng mình cô đơn nhưng không hoàn toàn đơn độc. Những tâm hồn đồng điệu sẽ tìm thấy nhau và những gam màu rực rỡ đang cần bạn đến để hòa ca. Hãy cùng Phục Hưng đi tìm thứ ánh sáng lấp lánh của nội tâm trong số báo lần này, bạn nhé! Thương mến,

Phục Hưng Books

1


2

STORYTELLERS / TRÒ CHUYỆN

Cùng

MAD. nói về cô đơn

Nỗi cô đơn là gì, theo Mai Anh? Cô đơn, là: Những buổi sáng thức dậy vội tìm điện thoại nhưng không thấy một tin nhắn nào mình muốn trả lời. Là buổi trưa, thà đi lang thang ngoài đường nắng hơn là tìm một gương mặt mình muốn ngồi ăn trưa cùng. Và, buổi tối, trở về nhà, trong nỗi ngột ngạt của bóng đêm, mình tin rằng không có một ai chịu ngồi xuống lắng nghe tất cả những nỗi niềm đã diễn ra. Nỗi cô đơn, theo tôi, là khi người ta không tìm được sự kết nối, và không tin rằng mình sẽ tìm được một ai đó để kết nối, ngoài kia.

Tại sao người trẻ bây giờ lại có xu hướng dễ rơi vào trạng thái cô đơn? Có lẽ cuộc sống mà ta đang sống bây giờ rộng lớn hơn và cũng phức tạp hơn. Ví dụ, nếu trước đây, người ta dễ dàng bằng lòng đi xem mắt, chấp nhận những mối hôn nhân cha mẹ chọn lựa, chọn lựa những lựa chọn trong một vòng lặp của một nhóm người nhất định. Lúc đó, hạnh phúc chỉ đơn giản là một lựa chọn tốt, đối phương không có điểm gì để chê. Bây giờ, thế giới đa dạng hơn, bao la hơn. Càng ngày càng ít những rào cản cho điều ta có thể tìm thấy. Ta không cần bằng lòng với những sắp đặt dễ dàng, ta tin hạnh phúc là nhiều hơn một lựa chọn tốt, ta tìm kiếm một sự hoà hợp và thấu hiểu. Ta có thể thỏa sức tìm kiếm bất kể bao lâu cũng được, bao xa cũng được. Cái giá lớn nhất của cuộc kiếm tìm đó, có lẽ là Cô Đơn. 2


04. V Ẻ ĐẸP C ỦA C Ô Đ Ơ N

Người ta cô đơn, một mặt tích cực mà nói, là khi họ có đủ tri ngộ để nhận ra con người cần những kết nối sâu sắc. Những kết nối thật sự khiến lòng ta đầy lại, chứ không đơn giản là những lựa chọn không có gì để chê. Nó là một trạng thái không thể thiếu trong mỗi một đời người.

Người ta thường nói các bạn trẻ khi chưa hiểu mình, chưa kết nối được

với thế giới thì sẽ thấy cô đơn. Nhưng cũng có người nói càng trưởng thành, càng hiểu rõ bản thân thì lại càng cô đơn. Mai Anh nghĩ sao về điều này, hai nỗi cô đơn này giống và khác nhau như thế nào?

Cô đơn là trạng thái ai cũng sẽ đi qua, và nó không tuyến tính thời gian. Không có nghĩa năm 27 tuổi, tôi cô đơn rồi thì năm 37 tuổi, tôi già dặn hơn là tôi không cô đơn nữa. Cô đơn như người bạn lâu năm sẽ đến ngồi với tôi trong căn phòng tối, lúc này lúc khác, vừa giống vừa khác. Tôi tin việc không kết nối được với ai đó, hay điều gì đó của thế giới này là một lý do lớn khiến ta cô đơn. Nhưng, không nhất thiết sống thêm 20 năm nữa, sẽ giúp tôi hiểu chính bản thân mình hơn. Đến năm 48 tuổi đó, tôi có thể sẽ hiểu ra tôi của năm 27, nhưng lại rối bời về chính mình của năm 48 đó. Việc nhìn vào bên trong rất quan trọng, có những đối thoại với chính mình cũng quan trọng. Nhưng nó không giúp bạn bớt cô đơn. Nhiều người có thể không đồng ý với tôi, nhưng tôi thấy chỉ có mình hiểu chính mình, và chỉ có mình yêu thương chính mình là chưa đủ. Ý nghĩa của cuộc sống và loài người, có lẽ là đi tìm nhau, đi tìm ai đó hiểu mình, đi tìm ai đó yêu mình. Có những người tìm thấy rồi đánh mất, có người mãi mãi không bao giờ tìm thấy. Như sự cô đơn, tình yêu và sự kết nối cũng không tuyến tính. Cuộc sống là đan xen của cô đơn và kết nối. Không thể có cái này mà không có cái kia. Và, nỗi cô đơn nào, dẫu khác nhau về hình thái, thời điểm, không gian, nhân vật cũng giống nhau về cốt lõi. Tình yêu cũng vậy.

Khoảnh khắc mà Mai Anh thấy cô đơn nhất là lúc nào? Là có một lần, nhiều năm về trước, khi ngồi trên máy bay chuẩn bị cất cánh, tôi bật khóc và nghĩ: Tôi, rất có thể, sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc. 3


A STO RYT EL L ER

Mai Anh đã trải qua và vượt qua nó thế nào? Bằng nhiều cách. Bằng làm việc, bằng viết, bằng khóc, bằng nhìn ngắm cuộc sống và những cuộc trò chuyện. Khi làm việc, tôi thấy mình đang tạo ra điều gì đó cho người khác. Khi viết, tôi tìm thấy những người yêu thương tôi dù chưa từng gặp gỡ. Khi khóc, tôi thấy mình còn hy vọng, còn thiết tha, còn cả một đại dương bên trong mình. Khi nhìn cuộc sống, tôi thấy diệu kỳ trong sự sinh động nhỏ nhặt nhất. Và, những cuộc trò chuyện - dù tình cờ hay cố gắng với người lạ, người thân, cho tôi tin cuộc sống luôn có những kỳ ngộ. Ai đi tìm cũng sẽ tìm thấy, và được tìm thấy.

Có phải những tháng ngày cô đơn đó đã giúp quyển sách 27 thành hình? 27 được viết trong đan xen của những ngày rất cô đơn, những ngày không cảm thấy gì, và những đêm tôi thấy những kết nối mãnh liệt nhất đang chảy qua mình. Là một tác giả, tôi muốn vượt lên trên câu chuyện cá nhân, để viết những câu chuyện chung. Vì vậy, tôi chọn thể loại Hư Cấu. Nhưng, nhiều bạn đọc cũng tinh ý nhận ra câu chữ của một tác giả chịu ảnh hưởng nhiều bởi nội tâm, cái tôi và thế giới quan của tác giả đó.

Cô đơn, có phải lúc nào cũng là tiêu cực? Cô Đơn là một màu sắc của cuộc sống, như tất cả những gì thuộc về cuộc sống – Nó trung dung, không tốt không xấu, không có cái tối thì không có cái sáng. Việc né đau khổ không làm người ta bớt đau khổ, việc trốn tránh cô đơn, không làm người ta bớt cô đơn. Tôi viết 27, vì tôi không muốn né tránh những mảng tối. Tôi viết 27, vì tôi tin ta cần sự dũng cảm để nhìn nhận và sống - Sống đầy khao khát, và thành thật. Sống mà không sợ buồn bã hay cô đơn. Sống không sợ những tổn thương. Tôi muốn mình sống như nhâm nhi một ly rượu ngon, tận hưởng cả đắng cay như một phần của nó.

4


04. V Ẻ ĐẸP C ỦA C Ô Đ Ơ N

Tác giả

Đ Ặ N G H UỲ N H M A I A N H

Công việc hiện tại: Nhà khoa học dữ liệu. Các sách đã xuất bản:

Mùa hè năm ấy, Chuyện thực tập, Hai-mươi-bảy.

5


3

STORIES / CHUYỆN KỂ

C h u yệ n N a n c y kể

Có cô đơn quá không, khi mà say, tôi chỉ nhớ đến người giúp việc nhà?

6


04. V Ẻ ĐẸP C ỦA C Ô Đ Ơ N

Hôm ấy, tôi say. Chếnh choáng một góc nhìn ra ánh đèn thành phố, người duy nhất còn hiện ra rõ nét trong tôi lúc này lại là chị giúp việc. Biết nói sao cho phải? Tôi ra Bắc công tác được hai tháng nay, với bao nhiêu bạn bè và đồng nghiệp mới, ai nấy cũng giỏi giang mặn mà và thương quý tôi nhiều. Nhưng rồi, người cứ quẩn quanh mãi trong tâm trí mỗi lúc tôi ngừng sống, lại là ai đó tôi chưa từng được thấy mặt, chưa từng được nói chuyện, chưa từng được chạm vào... dẫu chỉ một khắc. Ngừng sống? Có ai hiểu đó là lúc nào không? Là khi tôi hết bận sống, bận lo đến bộn bề công việc ngày mai, bận nghĩ về cái đám cưới cổ tích mình tự áp đặt, bận trăn trở khi về già mình vào việc dưỡng lão hay ở cùng con cháu... bận vẽ vời hàng trăm thứ mông lung với xác suất không diễn ra là 97%. Với định nghĩa của riêng tôi: ta chỉ thực sự sống khi ta ngừng sống. Như vậy đấy, cứ mỗi lần ngừng sống, tôi lại thấy bóng dáng của chị. Cứ mỗi lần để đầu óc được thảnh thơi, thì chị lại đi vào, từng bước một, từng bước một, không khoan nhượng. Buổi sáng, khi đưa tách cà phê chạm đến môi, tôi nghĩ đến cách chị ân cần chạm vào mền gối của mình. Buổi tối, khi “thiền tạ ơn” trước khi ngủ, tôi như thấy chị ngồi đó, lật từng trang nhật ký tôi giấu nơi đầu giường. Rốt cuộc, tôi không dám chắc mình nghĩ về chị với tư cách là một người thuê dịch vụ, càng không chắc thứ tình thương chị dành cho tôi là gì. Đương nhiên, nó không thể là tiền trao cháo múc, là đơn thuần bên cung bên cầu. Đôi lúc tiềm thức cho tôi biết, đó ngờ ngợ như kiểu tình cảm ruột thịt gia đình, tôi mất đâu chừng một chục năm trước. Cứ một tuần, phòng tôi sẽ được dọn dẹp ba lần bởi bên dịch vụ. Trước chị, có dăm bảy người làm phòng cho tôi, hoặc là dọn bẩn, hoặc là làm rớt gấu bông xuống sàn, hoặc là sử dụng thực phẩm trong tủ lạnh của tôi... Thật ra, tôi bận và không quá hạch sách mấy chuyện nhỏ nhặt đó, tôi thấy công việc thôi cũng đã đủ làm mình mệt mỏi rồi. Chỉ đến khi chị xuất hiện, tôi mới chịu dẹp hết mấy thứ bận bịu tủn ngủn, mấy thứ căng thẳng lôi từ chỗ làm về, mà sống cuộc đời mình đậm đà thêm một vị. 7


A STO RYT EL L ER

Tôi thường về nhà buổi tối, nhưng hôm đó quên giấy tờ, tôi tạt về ngay trưa, vội quá chỉ kịp thấy tấm lưng chị, một tấm lưng hiền lành, nhỏ bé. Từ đó đến nay, tôi và chị chưa gặp lại nhau, vậy mà cứ ngỡ như tình thân tự kiếp nào. Những thay đổi chị đem đến cho căn phòng của tôi, cho mặt vật lý của nơi tôi sống, hoàn toàn... đáng sợ. Vì ngoài mình ra, tôi không dám nghĩ lại có ai đó hiểu mình nhiều đến thế. Ngày đó về nhà, tôi giật mình đi lùi lại vài bước. Ai? Ai có thể cả gan thay đổi bài trí trong căn phòng của này, ngoài tôi ra? Chiếc sofa được xoay sang một hướng khác, chồng sách được sắp xếp lại thứ tự và đặt ở một góc khuất hơn, quần áo trong tủ cũng tranh nhau mà du lịch xuôi ngược. Đêm về, tôi trằn trọc nhớ hoài về sự sắp xếp của một cô gái trẻ giúp việc nhà. Buồn cười thay, tôi tự cười chính mình, vì thấy sự hợp lý rõ ràng của nó. Buồn cười, vì mền gối của tôi bắt đầu vương vấn thứ mùi mà chưa ai mang lại trong khoảng thời gian thiệt dài, mùi nắng. Đêm đó, tôi ngủ, mặt trời ở trong lòng. Rồi, tôi gọi cho công ty dịch vụ, tôi muốn chị, chỉ một mình chị làm căn phòng này cho đến ngày tôi đi. Trộm nghĩ, tôi và chị thật ra đã trò chuyện với nhau, chỉ có điều không phải bằng miệng mà bằng ý tứ tôi biên ra trong cuốn nhật ký đặt nơi đầu giường. Tôi vốn không thích ai đó động chạm đến vật riêng tư của mình, nhưng lần này để cuốn sổ ra ngoài, là do tôi cố ý. Còn việc có giở ra đọc hay không, phải do chị cố tình. Mỗi đêm trở về, lật từng trang giấy, tôi quả thực có thấy lạ lẫm, cái lạ lẫm của những nếp gấp nhẹ trên mặt giấy còn y nguyên. Chị đã đọc! Đoạn, chiếc ly tôi uống cafe bị mẻ một góc nhỏ, tôi cố chấp giữ xài hoài. Buổi sáng nọ chuẩn bị uống nước, tôi thấy dưới cốc tờ giấy nhỏ màu vàng: “Em đừng dùng ly này nữa, nguy hiểm cho em”. Lúc đó, chưa một mảnh thuỷ tinh nào trên ly cứa vào, mà tôi thấy lòng mình vỡ vụn, máu ở mọi nơi chực trào, tôi ôm ghì chiếc ly nức nở. Rốt cuộc, người quan tâm đến ta có nhất thiết phải quen biết hay được lợi lộc gì từ ta hay không? Rõ ràng, tôi có thể gặp và trò chuyện với chị một cách dễ dàng, để tôi được nhìn vào đôi mắt đó thay vì tấm lưng hôm nao, để được nắm lấy 8


04. V Ẻ ĐẸP C ỦA C Ô Đ Ơ N

bàn tay đã chăm sóc cho tinh thần mình suốt mấy ngày rồi oi ả, hay chỉ đơn giản là để được nghe giọng chị nói, thay vì những mẫu giấy màu vàng nhỏ xíu xiu... Nhưng, tôi nghĩ là chị không muốn gặp mình, trực giác của tôi nói vậy. Tôi gặp đủ loại duyên nợ trong đời, tôi không biết chị bước qua với vai trò là một người Thầy, người Bạn hay một phiên bản Tôi của mười năm sau, chăm sóc cho Tôi của thì hiện tại. Tôi rồi sẽ buồn, khi trở về Sài Gòn. Tôi rồi sẽ rất buồn, khi mất đi một người bạn không biết mặt . Sau cơn say hôm ấy, tôi bước ra quầy tính tiền, chẳng biết có còn hơi men hay không, mà tôi chỉ chập choạng thấy ví mình đầy nhóc những tờ giấy nhỏ màu vàng, xếp gọn gàng ngăn nắp. Những tờ giấy có mùi của nắng.

9


4

PHỤC HƯNG BOOKS TỦ SÁCH PHỤC HƯNG

Chia sẻ của độc giả

Lúc bắt đầu lật mở những trang đầu tiên của hai-mươi-bảy, mình không nghĩ nhiều, cũng không biết nhiều. Giống như vài lời mà Mai Anh Đặng đã thủ thỉ ở đầu sách, “…mong bạn chưa biết đến tôi. Nếu đã lỡ biết, xin bạn hãy quên tôi đi, và lật tiếp”, mình đọc sách với tâm thế của một kẻ mù đường, không biết, không hay, cũng không kỳ vọng, bởi đã lâu lắm rồi mình không đọc bất cứ một tập truyện ngắn nào, đặc biệt là của các tác giả người Việt Nam. Mình cứ ngỡ rằng rồi hai-mươi-bảy sẽ tiếp tục là những chuỗi dài lê thê viết về tình yêu, về những rạn vỡ trong các mối quan hệ, về những lối mòn cũ kỹ mà chẳng cần đọc cũng đã thuộc nằm lòng. Nhưng mà kỳ lạ thật đấy, cuốn sách này không như vậy. Và mình yêu hai-mươi-bảy vô cùng. hai-mươi-bảy tập truyện ngắn gồm 09 câu chuyện nhỏ, với chất liệu chủ đạo là nỗi cô đơn đan dệt cùng những giằng co gớm ghê giữa hai mặt đối lập của một con người. Mỗi câu chuyện là một lát cắt thật sắc, thật mảnh về thực tại, về kiếp người, kiếp đời, ít nhiều đều có sự nối kết với con số hai-mươi-bảy. Hai mươi bảy đôi khi là một ngày nhất định, một độ tuổi nhất định, nhưng cũng có khi lại là một cột mốc phiếm định, một quãng lưng chừng giữa kiếp đời đằng đẵng của mỗi con người. Đó là cái quãng người ta bắt đầu gầy dựng sự nghiệp, là những lần đầu tiên chứng kiến những sự va vấp, sứt mẻ, là khi lung lạc, cô đơn hay thậm chí bắt đầu nghĩ suy tới cái chết. Con số hai-mươi-bảy trở đi trở lại tựa hồ như một nỗi ám ảnh, bám rịt lấy tâm trí người đọc, gợi nhắc họ về những biến cố, những sự kiện không sớm thì muộn, ắt hẳn rồi cũng sẽ xảy ra. 10


04. V Ẻ ĐẸP C ỦA C Ô Đ Ơ N

Những trang viết giàu sức nặng của hai-mươi-bảy được bắt đầu từ “nhị-phân”, câu chuyện về sự tranh đấu giữa Con Số và Con Chữ, về mâu thuẫn giữa đam mê và thực tế, giữa ước mơ và miếng ăn. Đứa trẻ trong truyện đã từng rất say mê viết lách, song lại bị hiện thực đời sống và những kỳ vọng từ người lớn ngày ngày lấp vùi đam mê. Dần dà, Con Số lấn lướt Con Chữ, song từng phút, từng giờ, Con Chữ vẫn không chấp nhận ngủ yên mà luôn luôn thét gào đòi được đào thoát, đòi được sổ lồng. Rồi, giống như hệ nhị phân 0-1, những câu chuyện được kể trong hai-mươi-bảy tiếp tục được lấp đầy bởi những mâu thuẫn, đối nghịch. Mở đầu là tương phản giữa ước vọng và thực tế, kế đó lại là tương phản giữa những lầm lạc tuổi trẻ và khao khát tình yêu đích thực, rồi không thể kể đến cả nỗi giằng xé giữa cả đạo đức nghề nghiệp với mãnh lực ghê gớm của đồng tiền. Ngay cả bìa sách, cũng hoàn toàn là hai sắc trắng-đen tương phản. Vì thế, khác với những tập truyện ngắn khác mà mình từng được tiếp xúc, hai-mươi-bảy không được ủ ấp bởi chất ngọt của tình yêu, mà đổi lại lại rất sắc bởi chất lạnh của hiện thực. Các vấn đề đậm tính thời sự như sự ngột ngạt, tù túng của đời sống hiện đại, nỗi cô độc và sự hiện diện trần trụi của con người giữa thời đại công nghệ lên ngôi, hay sự xói mòn ghê gớm của các giá trị đạo đức v.v… đều được Mai Anh Đặng thẳng thắn đề cập. Chính bởi vậy, nên hai-mươi-bảy mang một màu sắc rất mới, rất lạ, là điểm khiến mình thực sự yêu thích. Trong mười truyện ngắn, mình đặc biệt yêu mến câu chuyện cuối: “chạm”, bởi dẫu xuyên suốt cuốn sách là nét hiện thực sắc lạnh về cuộc sống,thì câu chuyện này lại tạm gạt đi những u ám mà khẽ chạm tới thứ tình cảm tốt đẹp nhất trong tâm hồn mỗi con người: tình yêu thương. Bởi vậy, “chạm” tựa hồ như là lối ra hướng tới ánh sáng trong một căn hầm tù túng, ngột ngạt – tươi sáng, ấm áp và dồi dào khả năng chữa lành. Không chỉ có vậy, hai-mươi-bảy còn khiến mình cảm mến bởi những trang viết đậm tính cá nhân của tác giả Mai Anh Đặng. Trước đó, mình chưa từng biết chị, cũng chưa từng đọc văn chị, nhưng khi lật mở từng trang của hai-mươi-bảy, mình dễ dàng cảm nhận con 11


A STO RYT EL L ER

người của tác giả thông qua sự hiện diện của nhân vật “tôi”, về những tuyên ngôn nghề viết, nghiệp viết, về cả những trăn trở, những nỗi buồn, hay nỗi cô độc thấm qua từng con chữ. Đọc hai-mươi-bảy, điều làm mình vui thú không đơn thuần chỉ là hành trình khám phá cái đẹp ở bề nổi câu từ, mà đó còn là những lần bóc tách những tầng ngữ nghĩa được tác giả khéo léo ẩn giấu. Lần đầu tiên, mình bắt đầu tạo dựng thói quen trước đây mình chưa từng làm, đó là thói quen ghi chép khi đọc sách. Cứ sau mỗi câu chuyện, mình lại đặt bút, tỉ mẩn ghi chú vào từng trang sổ những điểm làm mình yêu mến câu chuyện ấy, hoặc là cố gắng giải mã những ẩn dụ được Mai Anh Đặng gài cắm, từ căn phòng ở “chạy”, vết nứt trong câu chuyện cùng tên, cũng như con dao, hay là cả bầu trời xám chẳng bao giờ xanh nổi. Bởi vậy, mất kha khá thời gian mình mới đọc xong hai-mươi-bảy, và bản thân cuốn sách, dù có u ám, có nặng nề, song không hề gây cho mình cảm giác bí bách, ức chế, ngược lại, càng đọc, mình lại càng say mê tập truyện vô ngần. hai-mươi-bảy có thể không phải là cuốn sách dễ dàng khiến mình mê mẩn ngay từ những dòng đầu tiên, nhưng lại là cuốn khiến mình thực sự phải ngỡ ngàng vì cho tới tận khi gấp sách lại, mình vẫn không hề nghĩ sách lại đem lại cho bản thân những trăn trở và xúc cảm dai dẳng tới như vậy.

Albertshadou

12


04. V Ẻ ĐẸP C ỦA C Ô Đ Ơ N

Giá: 99,000 VND Đang giảm giá tối đa 30% trên Tiki, Shopee và trang cachep.vn

13


5

Nguồn ảnh: travel.earth

RECOMMENDATION FROM PHỤC HƯNG LỜI GỢI Ý TỪ PHỤC HƯNG

Với chủ đề lần này, Phục Hưng muốn giới thiệu đến bạn bộ phim Lost in Translation. Bối cảnh trong phim diễn ra giữa thành phố Tokyo, nơi Bob Harris – ngôi sao điện ảnh sắp hết thời đến để quay quảng cáo cho một hãng rượu, ông gặp Charlotte – một cô gái trẻ đi theo chồng trong chuyến công tác nhưng lại bị chồng bỏ mặc vì bận rộn chạy theo ngôi sao nổi tiếng. Cả hai đều cảm thấy cô đơn và lạc lõng ở thủ đô của đất nước Mặt Trời mọc, một thành phố vốn dĩ đã rất “lạnh lùng” nay lại có sự xuất hiện hai con người không nói cùng một ngôn ngữ. Trong phim có rất nhiều cảnh quay mà ở đó sự cô đơn, lạc lõng gần như cô đặc, có thể đóng thành tranh. Đó là nỗi cô đơn trong đôi mắt chán chường mỏi mệt và vẻ bất cần của Bob Harris khi đứng trong thang máy, là cảnh Charlotte cầm chiếc ô trong suốt đứng ngơ ngác trên đường, giữa đám đông nhưng không thể hòa vào cùng họ. Và ngay cả cảnh quay khi hai nhân vật ngồi cạnh nhau, bên quầy bar, vẫn nhuốm màu cô độc của hai kẻ đi lạc. Trailer: https://youtu.be/Qf0JD0gBDMc 14


Chủ biên: Thái Minh Châu Nội dung: Phan Linh và Cộng đồng người kể chuyện Phục Hưng Thiết kế: Trần Q. Phương Hình ảnh: Phục Hưng Books, Anh Do (La Lune) và các nguồn mở

Mua sách trực tuyến tại fanpage Phục Hưng Books <https://www.facebook.com/phuchungbooks> hoặc gian hàng của Phục Hưng trên Tiki <https://tiki.vn/cua-hang/phuc-hung-books>, Shopee <https://shopee.vn/phuchungbooks> Mua trực tiếp tại Traqué Studio (Toong Co-working Space 20 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM) hoặc các cửa hàng trong hệ thống Fahasa, Phương Nam, Cá Chép trên toàn quốc. Tham gia Cộng đồng người kể chuyện của Phục Hưng để đóng góp nội dung: https://bit.ly/PhucHung_Storytellers Tham gia Cộng đồng người đọc của Phục Hưng để nhận những quà tặng sớm nhất: https://bit.ly/PhucHungCommunity Tập san Người kể chuyện - A Storyteller là một sản phẩm nội dung của Phục Hưng Books, vui lòng không sao chép, tái bản khi chưa có sự đồng ý của Phục Hưng. Cảm ơn bạn.

Liên hệ: astoryteller@phuchungbooks.com Website: www.phuchungbooks.com


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.