E-magazine 14: CẦN RẤT NHIỀU KIÊN NHẪN

Page 1

ISS UE

14

10 . 21

CẦN RẤT NHIỀU KIÊN NHẪN


01_ A LETTER FROM PHỤC HƯNG BOOKS /THƯ GỬI BẠN ĐỌC 02_ STORYTELLERS /TRÒ CHUYỆN TRÒ CHUYỆN VỚI DƯƠNG TRẦN HỌC CÁCH LẮNG NGHE

03_ STORIES /CHUYỆN KỂ

TIẾNG NÓI CỦA NHỮNG NGƯỜI YẾU THẾ Chuyện PHƯƠNG THUỲ kể

04_ PHỤC HƯNG’S BOOKS /TỦ SÁCH PHỤC HƯNG 10 ĐIỀU ĐẶC BIỆT CỦA PHIÊN BẢN SÁCH NÓI “CHÚNG TA SỐNG VÌ ĐIỀU GÌ?”

05_ RECOMMENDATIONS FROM PHỤC HƯNG /LỜI GỢI Ý TỪ PHỤC HƯNG

ISSUE 13 ISSUE 12


1

Thái Minh Châu Phục Hưng’s founder

A LETTER FROM PHỤC HƯNG BOOKS THƯ GỬI BẠN ĐỌC

Thương gửi bạn đọc, Cảm ơn bạn lại một lần nữa mở lá thư của Phục Hưng, bấm vào đường link, và đọc những bài viết nhỏ này. Hồi đầu tháng, tôi hỏi em Linh, cộng sự của mình: “Tỉ lệ mở e-magazine cao không em?”. Lúc hỏi như vậy, tôi không lạc quan mấy. Những chiếc email như thế này thường không được chú ý nhiều, có thể rơi vào spam, hoặc bị lờ đi trong hàng chục email quảng cáo bạn nhận mỗi ngày. Nhưng tôi bất ngờ khi đọc báo cáo của Linh. Tỉ lệ mở trung bình cho những số báo của chúng tôi là từ 40 - 50%, có những số lên đến 80%. Nếu là một người làm truyền thông giải trí, bạn sẽ hiểu niềm vui giản dị của tôi. Con số đó đồng nghĩa với việc gần một nửa số độc giả mà chúng tôi còn giữ được liên lạc, vẫn chờ đợi chúng tôi vào ngày 21 mỗi tháng. Điều này có nghĩa là, các bạn vẫn lắng nghe chúng tôi. Cảm giác biết rằng lời mình nói đang được lắng nghe thật dễ chịu đúng không? Ở chiều ngược lại, được tin tưởng lắng nghe câu chuyện của người khác cũng là một món quà. Khi đọc duyệt số báo lần này, tôi đã lặng người xúc động khi đọc câu chuyện của hai người phụ nữ đã dành rất nhiều thời gian trong đời để lắng nghe và cảm thông với những người gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc của mình. Hành trình của họ khiến tôi có chút xấu hổ vì những điều thiếu tinh tế mình đã vô tình phạm phải. Tôi mong bạn sẽ thấy ấm áp khi đọc bài. Chúng tôi cũng mời bạn lắng nghe (theo nghĩa đen), phiên bản sách nói của cuốn sách vừa xuất bản “Chúng ta sống vì điều gì?”. Biết đâu nhờ giọng đọc của các tác giả và người kể chuyện mà thông điệp của cuốn sách sẽ tìm được đường chạm đến bạn. Vậy đó, một số báo xoay quanh chuyện nghe và được nghe hy vọng bạn cảm nhận được sự trân trọng từ chúng tôi. Cảm ơn bạn - một lần nữa - vì đã mở email và đọc số báo này. Cảm ơn bạn đã lắng nghe, với thật nhiều kiên nhẫn và sự chân thành. Thương mến, Thái Minh Châu từ Phục Hưng Books 1


2

với

STORYTELLERS / TRÒ CHUYỆN

DƯƠNG TRẦN

Học cách lắng nghe

2


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

Xin chào, chị Dương khoẻ không? Con trai đi học có hay về khoe mẹ chuyện ở trường không? Công việc giảng dạy của chị dạo này thế nào? Xin chào Phục Hưng và độc giả của e-magazine, hai mẹ con mình vẫn ổn nè. Rất may là vẫn chưa bị cô nàng Covid ghé thăm. Mỗi tuần vẫn cần mẫn làm home test 2 lần, cả mẹ cả con. Công việc ở trường của mình, so với 6 tuần trước, thì đã bắt đầu đi vào nề nếp ổn định được xíu xíu rồi. Công việc đầu năm học luôn có nhiều thay đổi xáo trộn, cực nhất là về mặt chuẩn bị cho các bạn trẻ quay trở lại với nề nếp trường lớp sau thời gian nghỉ hè; thế nên là 6 tuần vừa rồi căng thẳng lắm luôn. Nhưng được cái là khi về nhà thì đã có bạn nhỏ chờ sẵn - chỉ đợi mẹ về là lăng xăng, nhí nhố, thao thao bất tuyệt kể chuyện trường lớp bạn bè game ghiếc, nên là mọi xì-trét của ngày đều tan biến cả. Hai mẹ con mình khoái nhí nhố cùng nhau lắm :)

Được biết công việc của chị là giảng dạy các bạn trẻ khuyết tật và thiểu năng về trí tuệ ở mức vừa và nặng, như vậy thì có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình trao đổi và giao tiếp với các bạn, giai đoạn đầu chị đã làm quen với chuyện đó như thế nào? Phải nói đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới so với nhận thức và hiểu biết chuyên môn của mình; thêm vào đó là sự khác biệt về văn hoá giáo dục giữa phương Đông và phương Tây (bao gồm những tiêu chí về nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận, etc...) - thế nên khi mới bắt đầu công việc này, mình đã rất bỡ ngỡ và lúng túng. Đã rất nhiều lần mắc sai lầm trong cách xử lý tình huống. Và cũng rất nhiều lần để cho cảm xúc và định kiến cá nhân ảnh hưởng vào phán đoán và quyết định trong công việc. May mắn là mình được làm việc trong một môi trường rất tích cực với những đồng nghiệp giỏi và luôn sẵn sàng đưa ra những

3


A STO RYT EL L ER

góp ý và giúp đỡ chân thành. Sự quan sát và học hỏi, với mình, là yếu tố tiên quyết. Là học hỏi một cách chủ động tích cực và phải biết bỏ qua cái tôi cá nhân của mình để lắng nghe và tiếp thu cái mới. Khi bắt đầu, mình chỉ là nhân viên hợp đồng, lương được tính dựa theo số giờ tiếp xúc với sinh viên trong ngày. Khi đó khoa có rất nhiều buổi tập huấn về kỹ năng và phương pháp cho trợ giảng. Là nhân viên hợp đồng, mình không bắt buộc phải tham gia tập huấn, vì sẽ không được trả lương cho số giờ ấy. Nhưng mình đã không bỏ sót bất cứ một buổi training nào và từ đó đã học được rất nhiều điều để có thể làm việc tốt hơn. Với những gì muốn biết muốn học mà khoa chưa có dịp tổ chức tập huấn được thì mình tự học, tự đọc tài liệu, tự mày mò. Cứ vậy mà mình đã gắn bó với lĩnh vực giáo dục đặc biệt được hơn 10 năm.

Đến hiện tại, khi đã làm việc và tiếp xúc với các bạn đủ lâu, chị nghĩ, điều quan trọng nhất để có thể làm tốt công việc này là gì? Với mình, điều quan trọng nhất chính là sự lắng nghe, thấu hiểu và khả năng quản lý cảm xúc cá nhân. Mình làm việc với các bạn có nhu cầu giáo dục đặc biệt, khuyết tật và thiểu năng trí tuệ dạng vừa và nặng - thế nên là trình độ hiểu biết và nhận thức của các bạn rất là thấp luôn. Vì là đặc biệt, nên hành vi thái độ của các bạn cũng rất khác. Có những hành vi (như là chạy loạn, nói chuyện 1 mình, la hét, đập bàn ghế, etc...), như bình thường mình sẽ nhìn nhận là cá biệt, rắc rối, gây loạn. Nhưng với các bạn í, trong phần lớn trường hợp, lại là cách để các bạn giao tiếp với mọi người. Thế nên bọn mình luôn có 1 câu là “See behaviours, think communication” - “Nếu nhìn thấy hành vi, hãy nghĩ tới giao tiếp”. 4


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

Chưa kể, vì các bạn ấy chậm hiểu và chậm nhận thức, nên khá là ‘yếu ớt’ và dễ trở thành đối tượng của những bạo hành, lạm dụng bắt nạt mà không biết. Vì thế trong công việc của mình, lắng nghe một cách khách quan và thấu hiểu là rất quan trọng. Mặt khác, bọn mình còn phải làm việc với phụ huynh, với chính quyền và các tổ chức xã hội khác. Đôi khi có những phụ huynh nói chuyện với mình rất là cộc cằn thô lỗ, rất khó chịu - nhưng khi tìm hiểu ra ngọn ngành thì chung quy cũng là vì họ quá bất lực, không biết phải làm sao. Và cũng có không ít trường hợp, bản thân phụ huynh cũng là những người có nhu cầu đặc biệt. Nếu mình ngay từ đầu đã có định kiến và để cảm xúc cá nhân chi phối thì sẽ không thể giải quyết vấn đề được - và như thế, thiệt thòi sau cùng vẫn là cho các bạn trẻ. Thế nên mình vẫn đang học cách lắng nghe và quản lý cảm xúc cá nhân mỗi ngày.

Điều gì khiến chị yêu thích và giữ chân chị gắn bó với công việc này? Chị nghĩ là mình sẽ còn tiếp tục nó trong bao lâu? Đây là một công việc có nhiều thử thách. Mỗi ngày đi làm là một ngày học hỏi nhiều điều mới, không chỉ về kỹ năng phương pháp mà hơn cả còn là sự học hỏi về con người. Mình càng ngày càng yêu quý và gắn bó với công việc này hơn, vì nó giúp mình nhận ra và trân trọng từng cố gắng, nỗ lực và tiến bộ trong hành trình sống của một con người. Cái cảm giác được góp phần vào và được chứng kiến quá trình thay đổi tích cực của một người - dù đó chỉ là một thay đổi rất rất nhỏ - quả thực là không thể diễn tả bằng lời. Đó chính là điều đã, đang và sẽ giữ mình ở lại với nghề, chắc chắn là sẽ cho tới lúc về hưu đấy :D

5


A STO RYT EL L ER

Những kinh nghiệm trong công việc có giúp ích cho chị trong quá trình đồng hành và làm bạn với con trai mình? Việc đó có dễ dàng hơn với chị? Ôi, có chứ, rất nhiều là đằng khác ấy! Mình học được cách lắng nghe con nhiều hơn, kiên nhẫn với con hơn, cũng như là biết cách kiểm soát điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn để có thể đem lại cho con sự an toàn về mặt cảm xúc tinh thần. Không phải tự nhiên mà bạn nhỏ nhà mình lại thoải mái chuyện trò chia sẻ với mẹ như thế. Lúc ban đầu, mình cũng làm sai dữ lắm, đe nẹt quát mắng áp đặt... - đủ cả! Sau nhận ra, những điều đó chỉ khiến mọi chuyện càng thêm rối mù, con thì càng trở nên bướng bỉnh ngoan cố, và mẹ thì dĩ nhiên là càng trở nên áp lực, cáu bẳn - chẳng giải quyết được gì. Thế nên, phải đổi cách thôi. Mà muốn con thay đổi thì mẹ phải thay đổi trước đã. Một trong những điều hữu ích mình rút ra được từ công việc tiếp xúc với các bạn trẻ ở trường và từ đó áp dụng hiệu quả với việc thay đổi tích cực trong mối quan hệ của hai mẹ con chính là cách quản lý và điều chỉnh cảm xúc cá nhân của chính mình. Như kiểu là tuỳ thuộc vào năng lượng cảm xúc toả ra từ mình mà phía người đối diện sẽ có những phản ứng tiêu cực hay tích cực vậy đó.

Theo chị, đâu là chìa khoá cho việc lắng nghe đúng cách? Như mình đã nhắc tới ở trên, theo mình, đó chính là khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân. Không phán xét, không định kiến, không chủ quan thì mới có thể lắng nghe một cách thấu đáo được. Không chỉ là chọn nghe những gì mình muốn nghe; mà là nghe toàn tâm những gì người muốn nói. Mà để có thể làm được như vậy, thì mình cần học cách bình ổn cảm xúc để giữ cho nó thật khách quan và bình tĩnh.

6


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

Đức Dalai Lama có nói một câu mà mình rất tâm đắc: “Khi bạn nói, bạn chỉ là đang lặp lại những gì bạn đã biết. Nhưng nếu bạn lắng nghe, bạn có thể học được điều gì đó mới mẻ” - “When you talk, you are only repeating what you already know. But if you listen, you may learn something new”.

Nếu không trở thành một cô giáo và làm công việc hiện tại, chị hình dung mình sẽ là một người như thế nào? Đây là một câu hỏi khó trả lời quá luôn, tại thú thật là mình chưa từng bao giờ thử hình dung mình trong một vai trò nghề nghiệp khác luôn :D. Nhưng nếu thực sự phải hình dung, chắc có lẽ mình sẽ là một nhà báo chăng? Hay là một bà nội trợ đam mê nấu nướng và làm hoa vải thủ công? Ô, hay là sẽ là một “chụp ảnh gia” chuyên vác máy rong ruổi mong có thể chụp được những khoảnh khắc đáng nhớ của đời thường ta? Nhiều hình dung quá ha! Nhưng dù là ở vai trò nào, thì có một hình dung mà mình luôn mong có thể làm được - đó là làm một người tử tế. Hy vọng điều đó không có quá vượt khỏi tầm tay.

TRẦN HOÀI DƯƠNG Hiện là Giảng viên khoa Hỗ trợ học tập (Supported Learning) tại trường Lewisham College, London - làm việc với các bạn trẻ khuyết tật và có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Quan niệm sống: “If you’re not a part of the solution, you are a part of the problem” - tạm dịch: Khi gặp một vấn đề rắc rối, nếu bạn không là một phần của giải pháp thì bạn chính là một phần của vấn đề ấy. 7


A STO RYT EL L ER

Với tập số 09 trong series Chúng ta sống vì điều gì? lần này, Phục Hưng sẽ cùng bạn gặp gỡ tác giả DƯƠNG TRẦN, một người con xa quê hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh Quốc. Cùng nghe chị kể về câu chuyện của mình, về lựa chọn và hành trình làm Mẹ đơn thân và những niềm vui trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày đến từ việc chị học cách lắng nghe và kiên nhẫn yêu thương mọi điều xung quanh mình. https://bit.ly/PHB-podcast_09

Đừng quên follow kênh podcast của Phục Hưng để đón nghe những tập podcast tiếp theo, với phần trò chuyện thú vị cùng các tác giả khác của cuốn sách. 8


3

STORIES / CHUYỆN KỂ

Chuyện PHƯƠNG

THUỲ

kể.

CỦ A

G N TIẾ NÓI G N Ữ H N

NGƯỜI

T H Ế U Ế Y

9


K H ỞNIH ĐẦU 14 . CẦN1 3R. ẤT I ỀU KMI ỚÊNI N H ẪN

Đợt bùng phát mạnh mẽ của đại dịch vừa rồi cho tôi thấy sự mất cân bằng và bấp bênh của cuộc sống, dịch bệnh có tác động không nhỏ đến cuộc sống của tất cả chúng ta và nhất là, đến những người yếu thế. Việc theo dõi tin tức về bệnh dịch thường xuyên, khiến tôi không tránh khỏi cảm giác đau lòng khi chứng kiến sự khắc nghiệt của đại dịch và những câu chuyện cay đắng của những con người yếu ớt, đã và đang nỗ lực bám trụ lại thành phố trong những ngày dịch bệnh kéo dài. Người yếu thế - là những người gặp phải nhiều bất lợi trong cuộc đua sinh tồn và tiếp cận những nguồn lực xã hội, là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi môi trường sống và điều kiện xã hội thay đổi. Trong đại dịch, ta có thể nhìn thấy họ qua chân dung của: Một đạo chích nhí, lẻn vào một căn nhà mà người chủ F0 đi vắng. Tên trộm ấy không lấy tiền, vàng hay bất kỳ tài sản gì để đổi lấy tiền, hắn trộm một nồi cơm. Những người chưa bao giờ khóc vì ai đó lớn tiếng, vì một vết thương ngoài da nhưng lại dễ dàng để những giọt nước mắt rơi xuống vì nhận được một bữa cơm. Những thân xác rã rời trên chuyến xe, hành trình cuốc bộ, đạp xe để hồi hương, xa cũng được, khó khổ cũng được, để được đoàn tụ với gia đình ở quê nhà, vì không thể bám trụ ở phố thị thêm nữa. Và có đôi khi là những sinh mạng lặng lẽ trở về với cát bụi, nếu không phải vì đại dịch thì là kiệt sức vì đói. Nếu đại dịch không đến, ở một cuộc sống bình thường, tôi và bạn vẫn có thể bắt gặp họ, ở bất cứ đâu trên đường:

10


A STO RYT EL L ER

Là những em bé ôm lấy nhau giữa những xe cộ đông đúc ở chốn ngã tư, tha thiết chờ đợi một hành động tử tế từ người đi đường. Là người khuyết tật, người nghèo, người già, trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Là những người xin ăn ngày đêm ở khắp những bậc thang của các chùa, đền đài cao ngút trên núi, vì họ chẳng còn nơi nào có thể nương cậy và đặt hy vọng được nữa. Khi chứng kiến những cảnh tượng ấy, tôi luôn có mong muốn làm một điều gì đó góp sức mình vào việc hỗ trợ cho họ, dù chỉ là nhỏ bé thôi. Tôi hiện tại không có đủ tiềm lực về tài chính để có thể dang tay ra giúp đỡ họ về lương thực hay các nhu yếu phẩm như các mạnh thường quân, tôi cũng nhận thấy sức mình không đủ để có thể lăn xả ngoài kia hỗ trợ mọi người như các anh chị tình nguyện viên. Thế thì trong khả năng của mình, tôi giúp được gì nhỉ? Chính là việc chia sẻ những hiểu biết của mình về những người yếu thế, góp vào tiếng nói của họ, truyền đi thông điệp và nhận thức đúng đắn về những con người như vậy, cùng với họ trên hành trình rút ngắn khoảng cách và hòa nhập với cộng đồng.

11


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

Công việc trước đây của tôi là một người làm công tác xã hội, tôi có cơ duyên được tiếp cận với nhiều người thuộc nhóm người yếu thế, từ trẻ em mái ấm đến người lao động khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động di cư. Những lần đầu tiên tiếp xúc với đối tượng yếu thế, tôi đã vấp phải một sai lầm, với sự vụng về, chỉ chú ý vào mục đích lấy thông tin của mình, liên tiếp đặt câu hỏi, tôi đã khiến một phụ nữ người Khmer oà khóc nức nở vì cái nghèo, vì tủi thân, vì nghĩ tới ước mơ của chồng. Những giọt nước mắt của chị rơi trước sự bỡ ngỡ và ngơ ngác của một tôi còn ngây dại và thiếu khéo léo. Sau lần ấy, tôi tự nhủ dù thế nào đi nữa cũng phải hạn chế nhất có thể việc xoáy sâu vào nỗi đau của người khác. Khi đồng hành và góp một phần sức mình vào việc hỗ trợ người yếu thế hòa nhập với cuộc sống, tôi nhận ra để có thể làm được điều đó, có thể hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ với những người yếu thế hay bất cứ ai đang phải đối diện với tổn thương, thì điều quan trọng trước hết là lắng nghe họ. Khi học cách lắng để nghe, tôi dần hiểu được nhu cầu thực sự của họ là gì, họ đang gặp phải những vấn đề gì,...từ đó có sự hỗ trợ phù hợp, có tác động lâu dài, bền vững và giảm thiểu khả năng gây thêm tổn thương không đáng có. Những nhân viên công tác xã hội như chúng tôi thường kết hợp rất nhiều công cụ và phương pháp để lắng nghe người yếu thế. Như là phỏng vấn để khuyến khích người yếu thế nói ra vấn đề của mình, tổ chức các hoạt động đồng tham gia để tạo điều kiện cho họ cùng đóng góp vào việc giải quyết vấn đề của mình, đôi khi là cùng ăn, cùng ở, cùng làm để quan sát và thấu hiểu nhiều

12


A STO RYT EL L ER

hơn. Vì vậy, thành thật mà nói, để lắng nghe người yếu thế đến mức hiểu rõ ngọn ngành, cần rất nhiều kiên nhẫn. Tôi vẫn thường bắt gặp những cô lớn tuổi rất e dè, ngại ngùng, nhiều nỗi lo khi lần đầu tiếp xúc. Những lúc ấy, tôi luôn cố gắng bộc lộ hết cỡ sự thiện lành bên trong mình từ cả biểu cảm, lời nói, ánh mắt thật lòng quan tâm để gửi tín hiệu thì cô mới dần mở lòng. Mục đích của việc lắng nghe xuất phát từ những mong muốn chân thành và thiện ý, từ sự thành tâm mong muốn những người yếu thế có cơ hội nhận được nhiều phúc lợi xã hội nhất có thể. Qua thời gian, chính nhờ sự kiên nhẫn đó, mà chúng tôi có thể rút ngắn khoảng cách với người yếu thế, dần xích lại gần nhau hơn. Một nguyên tắc cơ bản mà tôi học được và đã luôn tự nhắc mình khi lắng nghe chính là sự trung lập, và có cái nhìn khách quan, đa chiều với mọi vấn đề. Nghĩa là mình chỉ dừng lại ở việc lắng nghe và ghi nhận thông tin chứ không vội bày tỏ thái độ hay phán xét gì cả, gạt bỏ những định kiến hình thành từ bên trong mình và chuẩn bị cho mình một sự cởi mở đón nhận, chân thành lắng nghe bằng cả tấm lòng. Khi để sự khách quan dẫn dắt, tôi nhận thấy thế giới của mình dần được mở rộng theo năm tháng.

13


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

Tôi xem việc lắng nghe khi trò chuyện với các đối tượng yếu thế giống như một mối tình đang trong giai đoạn tìm hiểu, khi ta thích một ai đó, ta sẽ muốn lắng nghe đối phương thật nhiều. Việc lắng nghe này xuất phát từ mong muốn hiểu người ấy và để gieo hạt mầm cho một mối quan hệ lâu bền trong tương lai. Tôi muốn đồng hành với những người trong cuộc, mang câu chuyện của họ truyền tải đến nhiều người hơn, cùng họ lan tỏa câu chuyện về sức sống mạnh mẽ và nỗ lực vươn lên từng ngày của họ đến với cộng đồng, để họ được công nhận và nhìn nhận một cách thật đúng đắn. Một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi khi làm công việc của mình, đó là có lần, tôi hẹn gặp một người mù ở một quán cafe, tôi hỏi anh là “Anh có cần em qua đón anh không?” Anh bảo với tôi là “Không đâu, anh có thể tự đến đó được”. Khi đến nơi, anh gọi cho tôi và nói “Anh đã đến rồi, em hướng dẫn cho anh vào nhé”. Tôi nhìn ra ngoài thấy anh và trả lời “để em ra đón anh” rồi lật đật chạy ra, cầm lấy tay và dắt anh vào chỗ ngồi. Ban đầu anh ấy không nói gì với tôi về chuyện ấy cả, nhưng sau buổi trò chuyện, phỏng vấn rất cởi mở với nhau, anh có góp ý với tôi để có cách tiếp cận phù hợp hơn cho những lần sau, rằng cái cách mà tôi dắt tay anh vào lúc đầu không phải là cách mà những người mù như anh mong muốn được hỗ trợ. Tôi vẫn có thể ra đón và cùng anh đi vào như những người bạn, nếu muốn, nhưng không nhất thiết là phải cầm tay và dắt đi như cách tôi đã làm, tôi có thể chỉ dẫn bằng lời nói để anh có thể tự đi vào bàn, cùng với trợ thủ đắc lực là chiếc gậy của mình, như vậy sẽ khiến anh thấy thoải mái hơn. Những góp ý chân thành ấy của anh đã có tác động rất lớn đến suy nghĩ và nhận thức của mình về những người yếu thế, hóa ra họ cũng giống như mình, cũng có mong muốn được trở thành như con người độc lập và không phụ thuộc vào người khác. Và một điều quan trọng nữa mà tôi nhận ra, đó là nhiệt tình giúp

14


A STO RYT EL L ER

đỡ không phải lúc nào cũng là tốt, bên cạnh sự nhiệt tình, mình cần trang bị sự hiểu biết nhất định để có cách hỗ trợ phù hợp. Sự hiểu biết đó đến từ việc chân thành lắng nghe mong muốn và nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ. Một điều mà tôi rất thích làm trong những buổi phỏng vấn, gặp gỡ để lắng nghe nhu cầu, là tham gia vào cùng với những đối tượng được phỏng vấn trong công việc mà họ làm, để hiểu rõ hơn về họ. Điều này bắt đầu bằng sự quan sát và sau đó là bắt chước theo. Khi người mà tôi muốn hiểu đang ngồi võng, nếu được, tôi cũng sẽ ngồi võng để trò chuyện. Khi người ấy đang bẻ bắp, tôi cũng xắn tay ngồi xuống vừa bẻ bắp vừa hỏi chuyện. Họ làm gì, tôi làm nấy. Như thế thật vui! Hay nếu có dịp đến tận nhà riêng để phỏng vấn, trước khi bắt đầu trò chuyện, tôi sẽ quan sát không gian xung quanh nhà, để qua đó có thể gợi mở nhiều chủ đề khác nhau. Nhờ đó, cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên gần gũi và cởi mở hơn rất nhiều. Thông qua những người bạn khuyết tật, tôi nhận ra rằng không phải người yếu thế nào cũng yếu đuối, những người bạn mà tôi tiếp xúc, họ không hề xem những khiếm khuyết của mình là bất hạnh. Họ mong muốn được nhìn nhận như một người có khả năng lao động và có thể độc lập chăm sóc cho chính mình. Chỉ khi được nhìn nhận như một người có khả năng lao động như vậy, họ mới có cơ hội để có công ăn việc làm, lao động để tạo ra thu nhập và nuôi sống chính mình. Những khuyết tật họ mang có chăng chỉ là sự bất tiện, cũng giống như bao người gặp phải khó khăn trong cuộc sống, cần phải đối diện, vượt qua và lấy đó làm động lực cho chính mình, nỗ lực nhiều hơn, để được sống cuộc đời mà mình mong muốn.

15


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

Đại dịch rồi một ngày sẽ qua đi, hoặc chúng ta đang dần có thể thích nghi với những thay đổi bởi tác động của dịch bệnh. Cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường mới. Bên cạnh những hỗ trợ kịp thời để cùng đi qua giai đoạn khó khăn, tôi nghĩ, sự hỗ trợ bền vững sẽ đến từ việc mỗi người trong chúng ta đều có nhận thức và hiểu biết đúng đắn về những người yếu thế ấy. Những người đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục sống chung với chúng ta dưới mái nhà mang tên Trái Đất này. Tôi thực sự mong những chia sẻ của mình qua bài viết này có thể mang đến góc nhìn chân thực, giúp mọi người hiểu hơn về những người yếu thế xung quanh chúng ta, và ý thức được về sự có mặt của họ trong cuộc sống này, để rồi từ đó có những sự tiếp cận và hỗ trợ phù hợp, giúp những người yếu thế có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng.

16


4 PHỤC HƯNG BOOKS TỦ SÁCH PHỤC HƯNG

.

10 ĐIỀU ĐẶC BIỆT TRONG PHIÊN BẢN SÁCH NÓI .............. BẠN ĐÃ BIẾT CHƯA? 17


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

01 02

Phiên bản sách nói Chúng ta sống vì điều gì? đặc biệt vì hầu hết những câu chuyện trong sách được thể hiện bởi chính tác giả, sẽ dẫn dắt bạn vào hành trình của cảm xúc chân thực nhất.

Đối với những câu chuyện mà tác giả ở xa, không có điều kiện đến thu âm thì sẽ chọn lựa những giọng đọc từ cuộc tuyển chọn với quy mô “rầm rộ” lên đến gần 300 bài dự thi gửi về.

03

Dự án sách nói được thực hiện trong vòng 3 tháng, phải thu tới thu lui 2 lượt...vì Covid.

04

Nhưng cuối cùng, chính sách nói là phiên bản được hoàn thành và ra mắt đầu tiên.

05 06

Chương 1:“Đi tìm nhóm người mình thuộc về” đã có hơn 35 nghìn lượt nghe trên kênh youtube của Fonos.

Trailer của sách nói là chính là bản tóm tắt gồm những lát cắt tiêu biểu nhất của 23 câu chuyện, thể hiện được tinh thần của toàn bộ quyển sách.

18


A STO RYT EL L ER

07 08

09 10

Sách nói còn là món quà đặc biệt cho những người con xa nhà, không thể sở hữu sách giấy, bạn có thể nghe sách dù đang ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bên cạnh sách nói là series podcast Chúng ta sống vì điều gì? ghi lại cuộc trò chuyện cùng với các tác giả về nhiều chủ đề mà các bạn trẻ quan tâm: phát triển bản thân, quản trị và làm chủ cảm xúc, đối diện với chính mình và xây dựng nội lực vững chãi, tình yêu và tuổi trẻ, theo đuổi đam mê hay lối sống xanh,...

Bạn có thể chỉ mất hơn 4 giờ để hoàn thành quyển sách nhưng bạn sẽ không làm vậy đâu vì có những câu chuyện sẽ khiến bạn phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần, bởi vì bạn sẽ thấy chính mình trong đó và những ký ức đáng nhớ sẽ liên tục hiện về.

Sau khi nghe sách xong bạn có thể sẽ chưa tìm được ngay câu trả lời cho riêng mình nhưng sẽ được phiêu lưu vào hành trình khám phá vùng đất của tâm hồn mình, và biết đâu sẽ gom nhặt được thêm những hiểu biết thú vị về bản thân mà từ trước đến nay bạn chưa từng nhận ra.

19


14 . CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

////////////////////////////

BẠN CÓ THỂ TÌM ĐỌC SÁCH Ở 03 PHIÊN BẢN

////////////////////////////

*

1

SÁCH GIẤY IN: TIKI

Created by Llisole from the Noun Project

SHOPEE Created by Llisole from the Noun Project

NGHE THỬ PHIÊN BẢN SÁCH NÓI “CHÚNG TA SÔNG VÌ ĐIỀU GÌ?”

Created by Llisole from the Noun Project

ĐỌC THỬ EBOOK TRÊN TETESO Created by Llisole from the Noun Project

20


5

RECOMMENDATION FROM PHỤC HƯNG LỜI GỢI Ý TỪ PHỤC HƯNG

21


14. CẦN R ẤT N H I ỀU K I ÊN N H ẪN

Điều gì hiện diện trong từng nhịp thở? Nhân chủ đề lần này, Phục Hưng muốn gợi ý cho bạn một bộ phim vô cùng truyền cảm hứng và rất ý nghĩa mang tên BREATHE - TRONG TỪNG NHỊP THỞ. Phim dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của một chiến binh đã can đảm chiến đấu với căn bệnh bại liệt để có thể sống bên cạnh những người mà anh yêu thương đến cuối đời. Câu chuyện phim mở ra chuyện tình của một chàng trai trẻ với một tiểu thư quý tộc, cả hai ấp ủ rất nhiều hoài bão cho tương lai phía trước. Họ có một chuyện tình đẹp, trải qua nhiều thử thách, sóng gió để được ở bên cạnh nhau. Biến cố lớn nhất xảy đến khi chàng trai phát hiện ra mình bị bại liệt toàn thân vào lúc vợ anh mang thai đứa con đầu lòng. Anh đứng trước ranh giới của hy vọng sống mong manh, và cuối cùng chọn cách kiên cường đối mặt, mạnh mẽ vượt qua bệnh tật. Những ngày tháng nằm trên giường bệnh, khi tay chân hoàn toàn tê cứng, chàng trai can đảm ấy vẫn nuôi ước mơ một ngày được nhìn thấy bầu trời, thấy những cung đường xanh thẳm, không nguôi nuôi hy vọng để tiếp tục được sống như một người khỏe mạnh. Anh có được khát khao sống mạnh mẽ như vậy là nhờ vào tình yêu mà anh dành cho chính mình, cho gia đình và những người anh thương quý. Cũng là nhờ được tiếp thêm sức mạnh bởi chính những người anh yêu thương ấy. Trailer: https://www.youtube.com/watch?v=AK7fTWbFfu0 22


Chủ biên: Thái Minh Châu Nội dung: Phan Linh và Cộng đồng người kể chuyện Phục Hưng Thiết kế: Trần Q. Phương Hình ảnh: Phục Hưng Books và các nguồn mở

Mua sách trực tuyến tại fanpage Phục Hưng Books <https://www.facebook.com/phuchungbooks> hoặc gian hàng của Phục Hưng trên Tiki <https://tiki.vn/cua-hang/phuc-hung-books>, Shopee <https://shopee.vn/phuchungbooks> Mua trực tiếp tại các cửa hàng trong hệ thống Fahasa, Phương Nam, Cá Chép trên toàn quốc. Tham gia Cộng đồng người kể chuyện của Phục Hưng để đóng góp nội dung: https://bit.ly/PhucHung_Storytellers Tham gia Cộng đồng người đọc của Phục Hưng để nhận những quà tặng sớm nhất: https://bit.ly/PhucHungCommunity Tập san Người kể chuyện - A Storyteller là một sản phẩm nội dung của Phục Hưng Books, vui lòng không sao chép, tái bản khi chưa có sự đồng ý của Phục Hưng. Cảm ơn bạn.

Liên hệ: astoryteller@phuchungbooks.com Website: www.phuchungbooks.com


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.