E-magazine 13: KHỞI ĐẦU MỚI

Page 1

ISS UE

13

0 9. 21

KHỞI ĐẦU MỚI


01_ A LETTER FROM PHỤC HƯNG BOOKS /THƯ GỬI BẠN ĐỌC 02_ STORYTELLERS /TRÒ CHUYỆN

TRÒ CHUYỆN VỚI TRUNG DƯƠNG, NGƯỜI KỂ CHUYỆN & TÁC GIẢ SÁCH “CHÚNG TA SỐNG VÌ ĐIỀU GÌ?” VỀ CÂU CHUYỆN KHỞI ĐẦU

03_ STORIES /CHUYỆN KỂ

MỘT “KHỞI ĐẦU MỚI” TRÊN HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH Chuyện VU SAN kể

04_ PHỤC HƯNG’S BOOKS /TỦ SÁCH PHỤC HƯNG

BƯỚC VÀO CHUYẾN PHIÊU LƯU TRONG SÂU THẲM TÂM HỒN CÙNG “CHÚNG TA SỐNG VÌ ĐIỀU GÌ?”

05_ RECOMMENDATIONS FROM PHỤC HƯNG /LỜI GỢI Ý TỪ PHỤC HƯNG

ISSUE 12 ISSUE 11


1

A LETTER FROM PHỤC HƯNG BOOKS THƯ GỬI BẠN ĐỌC

Thương gửi bạn đọc,

Thái Minh Châu Phục Hưng’s founder

Ngày 21 tháng này, trùng hợp là đúng Tết Trung thu - một mùa trăng thật khác. Tôi ở Sài Gòn, nên tính ra cũng đã nhiều tháng chỉ ở trong nhà rồi. Có hôm mải làm việc quên bật đèn, tôi bất ngờ thấy trăng hắt vào cửa sổ sáng trong, tình cảm. Nghĩ cũng lạ, trăng tháng nào cũng tròn rồi lại khuyết, nếu không vì mình phải ở trong nhà quá lâu, liệu tôi có thấy quý ánh trăng ngày rằm đến thế? Cuộc sống quanh chúng ta, về bản chất là một tổ hợp tuần hoàn, bắt đầu và kết thúc, tôi không chắc cái nào đến trước, đến sau. Nhưng có một điều tôi tin, đó là chúng ta không thể can thiệp vào sự tuần hoàn ấy, mọi thứ đến và đi, đều có ý nghĩa riêng mà ý chí của ta không có toàn quyền quyết định. Như Covid này, nhiều người trong chúng ta chỉ có thể ngồi yên lặng nhìn từng ngày trôi qua rồi từng tháng trôi qua, lắng nghe mọi nỗi niềm trong chính mình và trong không gian yên ắng. Sau trận mưa giông và những ngày bão lớn này, có mầm cây đẫm nước vật vã vươn lên, có những cành cổ thụ an nhiên nằm xuống, có những con chim nhỏ trốn trong hốc cây nhoài người ra hót véo von và có những câu chuyện mãi mãi là kỷ niệm. Cuộc sống khắc nghiệt vì thế, mà tươi đẹp cũng là thế. Dẫu thế nào, hôm nay trăng vẫn sáng. Nơi tôi ở lúc này vừa dứt một cơn mưa lớn, mặt trời kiên cường tỏa rạng thứ ánh sáng vàng mật cuối ngày và vẽ trên nền mây xám… một chiếc cầu vồng. Chúc mọi người một mùa trăng an bình và mong cho nhau một Khởi Đầu Mới thuận hòa. Thương mến, Thái Minh Châu từ Phục Hưng Books 1


2

STORYTELLERS / TRÒ CHUYỆN

Trò chuyện với

TRUNG DƯƠNG Người Kể Chuyện & Tác Giả Sách “CHÚNG TA SỐNG VÌ ĐIỀU GÌ?” về

CÂU CHUYỆN KHỞI ĐẦU 2


1 3 . K H Ở I ĐẦU M Ớ I

Chào anh Trung, anh khỏe không? Được biết là anh sắp chuyển sang một vị trí công việc mới, ở một môi trường mới, anh đã chuẩn bị tâm thế như thế nào cho một “khởi đầu mới”? Chào Phục Hưng. Hiện tại mình vẫn ổn. Độ này đang rảnh hơn một chút nên có thể tăng cân mà không biết. Cái cân cũ thì mình đã cho trước khi dọn nhà nên bây giờ không còn cái gì để cảnh báo bản thân mỗi khi “vui quá đà”. Nhưng nói chung mình vẫn khỏe re à. Đúng là đợt này mình sắp bắt đầu một công việc mới. Đầu tháng mười mình sẽ qua Đức làm việc nên bây giờ đang lo làm giấy tờ, thủ tục. Mà quả thực ở châu Âu đúng là một cực hình khi làm mấy thứ này. Ở Thụy Sĩ, mình phải lo chuyển giao công việc, trả nhà, dọn đồ, xin giấy cư trú tạm thời trong tháng chín (vì giấy hiện tại đã hết hạn cuối tháng tám)... Phía bên Đức thì phải ký hợp đồng, chuẩn bị vô số giấy tờ để xin visa, thẻ cư trú. Chưa kể đầu tháng mười bắt đầu làm việc mà cuối tháng chín mới có visa, thành ra chỉ vỏn vẹn một, cùng lắm là hai tuần để lo tìm nhà cửa. Để chuẩn bị cho công việc và sự hòa nhập nhanh hơn ở một đất nước mới, mình đã phải mày mò đọc thêm các bài báo khoa học liên quan về lĩnh vực sắp tới sẽ tham gia ở công ty và bắt đầu tập tành một chút abc tiếng Đức. Thật ra thì mình sẽ có ba tháng để hòa nhập, ổn định theo đúng lịch trình, nhưng thôi, chuẩn bị trước được chút nào thì hay chút đấy. Nhưng với kinh nghiệm vài lần xê dịch, mình đảm bảo rằng dù có chuẩn bị kỹ thế nào thì khi sang tới nơi, bản thân vẫn chỉ như tờ giấy trắng với rất nhiều điều bỡ ngỡ. Nói như thế để thấy là mỗi khi có một sự thay đổi lớn lao trong đời, đằng sau mỗi niềm vui khi chia sẻ với bạn bè, người thân, trên mạng xã hội… là rất nhiều công sức và tâm trí. 3


A STO RYT EL L ER

Khởi đầu lần này có tạo cho anh thêm nhiều thử thách hay mang đến sự thay đổi lớn nào đối với cuộc sống của anh không? Tất nhiên là có. Bên cạnh sự háo hức, niềm hứng khởi, đương nhiên lần dịch chuyển nào cũng mang đến rất nhiều thử thách và thay đổi. Ví dụ đây là lần đầu tiên mình thay đổi từ môi trường học thuật sang làm công nghiệp. Môi trường học thuật trước nay chủ yếu tập trung vào phát triển những thiết bị mới, có tiềm năng, nhưng nhiều khi do hạn chế về kỹ thuật sản xuất mà tạm thời chỉ có thể tiến hành trong phòng nghiên cứu. Ngược lại, làm công nghiệp có vẻ “thực dụng” hơn, tập trung vào phát triển thiết bị thương mại với mục tiêu lớn nhất là mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mặc dù chỗ mình sắp tới là phòng nghiên cứu của tập đoàn, vẫn dính dáng một chút “học thuật” nhưng bản chất đầu ra vẫn không thay đổi chút nào. Rồi mỗi môi trường cũng có yêu cầu và áp lực riêng. Làm trong trường đại học là phải lo tiền từ các quỹ nghiên cứu để làm dự án, xuất bản khoa học như đăng bài trên các tạp chí, hội nghị. Còn làm công nghiệp thì luôn cải tiến chất lượng sản phẩm để không bị bỏ lại bởi các đối thủ trên thị trường. Điều này đòi hỏi mỗi người phải không ngừng cập nhật công nghệ mới, đưa ra những ý tưởng thực tế, và bảo vệ ý tưởng ấy bằng cách đăng ký bằng sáng chế hoặc sở hữu trí tuệ. Mà thôi, nói về công việc khô khan, khó hiểu quá, bàn về cuộc sống thường ngày đi. Lần này mình tìm được công việc với hợp đồng dài hạn, xác định sẽ tận tâm, toàn tâm làm việc mà không phải lo chuyện mỗi năm phải gia hạn giấy tờ nữa. Nhờ vậy, chuyện tìm một ngôi nhà để ở cũng dễ thở hơn. Mình có thể ở xa phố một chút mà yên tĩnh hoặc ở gần chỗ làm một chút để khỏi mất công đi lại nhiều. Nhà thuê rồi, có đứng ngoài siêu thị cũng 4


1 3 . K H Ở I ĐẦU M Ớ I

không cần đắn đo xem có nên mua hay không kẻo mai kia dọn chỗ ở thì biết xử lí đồ thế nào. Và còn nhiều nhiều những thứ nho nhỏ như vậy nữa…

Tại sao anh lại lựa chọn thay đổi công việc vào lúc này? Khoảnh khắc nào khiến anh nhận ra là mình cần thay đổi và bước đến một cơ hội mới? Hmmm. Thật ra sau khi sang Thụy Sĩ một vài tháng mình đã muốn thay đổi ngay lập tức. Thỉnh thoảng mình nghĩ “hình như lựa chọn sang nơi này là sai lầm”? Thật sự, nghe thì giống drama, nhưng có những chiều mùa đông tê tái, mình đi dạo thẩn thơ một mình quanh hồ gần chỗ ở, ngắm trời, mây, chim chóc… rồi thở dài thườn thượt đi về (ôi sến… hahaha). Hầu hết mọi người xung quanh đều thắc mắc rằng chỗ làm tốt như vậy, môi trường sống bình yên, thu nhập cao vậy mà sao tính bỏ? Bỏ đi đâu không bỏ, sao lại bỏ về Hàn? Nhưng với mình, và có thể với nhiều người khác nữa, dù môi trường xung quanh có tốt tới đâu mà bản thân không thấy vui vẻ, hạnh phúc thì điều gì cũng trở nên vô nghĩa. Thụy Sĩ thì sao? Hàn Quốc thì sao? Chẳng nhẽ cứ Thụy Sĩ thì tốt và cứ Hàn Quốc là dở? Nhưng như đã từng chia sẻ, việc hai mươi tám năm sống ở châu Á rồi bước chân đột ngột sang châu Âu đã khiến mình choáng váng. Vừa bị sốc văn hóa sống, văn hóa làm việc, vừa ở một nơi nhập cư rất khó khiến cộng đồng người Việt trở nên nhỏ bé. Ngày ấy, sau khi chịu đựng và làm quen với cơn choáng váng, mình quyết định tiếp tục làm việc tới khi có thành quả mới ra đi. Thành quả là khi học được thêm kiến thức mới, có đầu ra đặt tên mình trên đó (như bài báo khoa học) thì mình mới ra đi. Thế nên, khoảnh khắc khiến mình nhận ra cần thay đổi là… ngay khi vừa có thay đổi. Nghe thì kỳ cục và không tốt một chút nào. 5


A STO RYT EL L ER

Tới gần cuối hợp đồng năm thứ hai, khi đã đạt được những mục tiêu đề ra thì mình biết đã tới lúc ra đi. Xin đừng hiểu lầm, trong suốt hai năm ấy, dù không có nguyện vọng gắn bó lâu dài nhưng mình đã làm việc tốt nhất có thể, để tới khi chia tay, người quản lý mỉm cười mà bảo “Tớ hoàn toàn vui vẻ và hài lòng với những gì bạn mình đã cống hiến”.

Thay đổi để tiếp cận cái mới và ở lại để duy trì cái cũ, theo anh, lựa chọn nào cần nhiều can đảm hơn? Anh thường dựa vào điều gì để quyết định? Tùy vào việc mới là thế nào và cũ là thế nào để lựa chọn. Tùy tính cách và hoàn cảnh mỗi người thì câu trả lời sẽ lại khác nhau. Những người thích sự bình ổn và cái cũ của họ đã quá ổn rồi thì đâu có mong muốn thay đổi mà làm gì? Ngược lại, những người thích bay nhảy, sáng tạo thì họ sẽ không thể chịu nổi sự trì trệ, dậm chân tại chỗ. Vì mình thuộc tuýp người thứ hai nên rõ ràng việc ở lại duy trì cái cũ cần nhiều “sự chịu đựng” hơn. Nếu công việc hiện tại mà khiến mình không còn ham mê, hứng thứ nữa thì dẫu có tốt đến mấy cũng phải lung lay. Mà rồi thì mỗi thời điểm trong đời mỗi khác, mình còn độc thân nên còn tự do được quyết định. Mai này có gia đình, đôi khi phải dung hòa giữa công việc và người thân nữa. Biết đâu khi ấy tiêu chí lựa chọn lại khác.

Riêng đối với những bạn trẻ ở Việt Nam, khi tình hình vẫn đang bất ổn, theo anh, có nên thay đổi lúc này không? Câu hỏi ngược lại là “thay đổi thế nào?”. Để thay đổi không dễ vì mỗi người sẽ phải tính toán rất nhiều những bước đi sau đó. Nếu một người muốn đi du học, trong quãng thời gian vừa qua, người ấy vừa đi làm, vừa trau dồi ngoại ngữ, chuẩn bị sẵn sàng… thì dẫu có dịch hay không cũng đã tới lúc. Hoặc có người nhanh 6


1 3 . K H Ở I ĐẦU M Ớ I

nhạy, đoán trước được nhu cầu thị trường sau dịch, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực… thì cũng có thể bắt đầu. Thế nên câu trả lời không phải là khi bất ổn hay bình ổn, chỉ đơn giản là mình đã “sẵn sàng” hay chưa?

Một chia sẻ anh muốn dành cho những ai đang đứng trước ngưỡng cửa của sự khởi đầu mới? Hey… cứ tận hưởng đi. Làm tờ giấy trắng rồi va vấp, bị vẽ nguệch ngoạc lên đó cũng tốt. Làm người tỉ mỉ, sắp xếp từng đường đi nước bước cũng tốt. Dù có thế nào thì cũng là khởi đầu “mới” mà, thiếu gì thứ để học hỏi, trải nghiệm. Vui cứ vui, buồn cứ buồn, miễn sao đừng để sau này phải hối tiếc là được.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện, mong anh sức khỏe để có thể chinh phục được thử thách mới sắp tới.

TRUNG DƯƠNG

Trung sinh năm 91, mập, cận. Hồi 2014, Trung tốt nghiệp khoa Điện ở đại học Bách Khoa Hà Nội xong đi xa từ đó tới giờ. Hành trang viết lách của Trung là mấy bài viết sến sẩm đăng trên Blog radio, có hồi đựa lựa in sách. Ngoài ra, Trung có mười mấy năm kinh nghiệm viết bài, bình luận trên facebook, cho tới khi được bén duyên với Phục Hưng Books. Cuộc sống của Trung chẳng có gì đặc biệt, ngoài giờ làm thì Trung mải đi chơi rồi đăng hình, sau đó dụ dỗ bạn bè đi du lịch, tiện tạt qua thăm Trung cho đỡ buồn. 7


A STO RYT EL L ER

Bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi: tại sao mình cần phát triển bản thân? phát triển để làm gì? phát triển cho đến khi nào? và điều gì sẽ khiến ta luôn muốn bước tiếp trên hành trình phát triển của mình? Chúng ta sẽ cùng tác giả Trung Dương tháo gỡ những nút thắt đó. Mời bạn nghe số podcast 02 của series Chúng ta sống vì điều gì? - trò chuyện với tác giả Trung Dương với chủ đề Hành trình học hỏi không ngừng: https://bit.ly/PHB-CTSVDG-02 Đừng quên follow kênh podcast của Phục Hưng để đón nghe những tập podcast tiếp theo, với phần trò chuyện thú vị cùng các tác giả khác của cuốn sách. 8


3

STORIES / CHUYỆN KỂ

Chuyện VU

SAN

kể.

Một “khởi đầu mới” trên hành trình yêu

thương chính mình

9


1 3 . K H Ở I ĐẦU M Ớ I

Trước đây tôi nghĩ tôi được sinh ra thì phải làm việc gì lớn lao, làm gì cũng phải có mục tiêu, có deadline thì cuộc đời mới đáng sống. Nhưng sau mấy năm loay hoay vượt qua chuyện cũ, tôi bỗng trở nên đơn giản và sến hết sức: con người sinh ra quanh đi quẩn lại thực ra chỉ để học cách… yêu sao cho đúng. Theo đuổi ước mơ cá nhân là yêu bản thân. Kiếm tiền, phấn đấu cho vợ chồng, con cái được sống tốt nhất là yêu gia đình. Phụng sự xã hội là yêu con người. Vượt qua những đổ vỡ, thách thức kỳ thực cũng là nhờ vào tình yêu với bản thân, với mọi người quanh mình và với cuộc đời mà ra cả. Làm cái gì mà không có một tình yêu đúng, thì dù cố gắng đến mấy rồi cũng sẽ khổ. Từ ngày ngộ ra như vậy, dù tôi vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với cuộc sống ở đây hay đạt được mức thu nhập tôi mong muốn, cuộc đời tôi thực sự dễ sống hơn rất nhiều. Tôi nổi tiếng là gái đoảng: học và làm việc giỏi hơn là nấu cơm. Có người bảo tôi đoảng thế, làm sao chăm lo nổi cho con cái. Tôi nghĩ bụng, yêu thương có nhiều cách. Tôi không nấu được, nhưng tôi sẽ kiếm tiền cho con tôi được ăn ngon, mặc đẹp, đi học trường tốt. Tôi sẽ học cách yêu thương con, dạy con tôi thành người giỏi giang, hạnh phúc. Còn nấu ăn, đã có người giúp việc, hoặc là bố nó lo! Nên là kiếm ông chồng nào đảm một tí là được. Nhưng từ ngày tôi sang Anh du học, ngày nào tôi cũng nấu ăn. Lý do thứ nhất là vì đồ ăn sẵn bên Anh quốc vừa đắt, vừa khó ăn. Lý do thứ hai là vì quá trình nấu ăn xả stress rất tốt, dù ăn đồ không ngon do mình nấu kém thì hơi stress chút xíu. Lý do thứ ba là vì tôi có một thằng người yêu to béo, trắng trẻo, thật thà, cho cái gì cũng ăn. Tôi không thể kìm được việc vỗ béo cho một đứa như vậy. Mặc dù nó làm phụ bếp cho một nhà hàng và luôn được ăn ngon, nó vẫn

10


A STO RYT EL L ER

chịu ăn miếng steak tôi quên chưa ướp, hay bát cơm nếp tôi nấu bị nát mà không kêu một lời nào. Nó kiên nhẫn chờ và ăn hết sau những lần tôi cặm cụi nấu phở, làm mọc mất cả mấy tiếng đồng hồ. Nó luôn cám ơn tôi mỗi lần tôi nấu cho nó, nó còn bảo đi học xa mới biết quý những bữa người khác nấu cho mình. Nó còn bảo tôi: “Tao nhìn mày nấu từng bữa cho tao, tao biết mày yêu tao lắm chứ”. Nó không hay nói lời hoa mỹ nên thi thoảng sẽ lọ mọ nấu cho tôi ăn, như để nói là nó cũng yêu tôi lắm. Nhưng nó không cần làm thế tôi cũng hiểu. Nó không chỉ ăn hết đồ tôi nấu và luôn bảo tôi nấu ngon, nó còn nghe hết những chuyện tôi kể, biết hết những điều tôi ấp ủ và ôm tôi như ôm một con mèo khi tôi buồn. Nó luôn động viên tôi làm những gì tôi thích, từ chuyện học khiêu vũ mà không có nó, cho đến việc tìm kiếm một công việc lương cao và nhiều thử thách. Có một lần tôi bị sốt, cả nhà tôi đi vắng nên tôi gọi nó sang chăm. Vừa đến, nó vội chỉnh cái lò sưởi đang nóng sực của nhà tôi (tôi sốt quá nên không cảm nhận được phòng đang nóng nữa), bế tôi ra phòng khách, nghe tôi lảm nhảm một hồi, rồi cùng tôi quay lại phòng ngủ khi nhiệt độ phòng đã dịu xuống. Đêm tôi lại sốt, nó lại chỉnh lại chăn để tôi hạ được thân nhiệt. Lần khác, tôi phải đi viện, nó ngồi chầu trong bệnh viện cả ngày với tôi rồi đưa tôi về tận cửa, xong lại ba chân bốn cẳng chạy đi làm trong tình trạng chưa có chút gì vào bụng. Nó không chỉ dễ thương với tôi, mà với tất cả mọi người, đặc biệt là gia đình. Ngày Noel sắp đến, nó cố đi làm nhiều hơn để dành tiền mua quà cho bố mẹ. Ngày tốt nghiệp của chúng tôi, nó mua hoa tặng mẹ vì “không có mẹ tao, tao đâu được như ngày hôm nay”. Tôi chợt thấy hổ thẹn vì nếu mẹ tôi sang dự lễ tốt nghiệp của tôi, chắc tôi cũng không nghĩ được đến việc đó. Nó là như thế, chả khuyên nhủ gì mấy nhưng lại làm tôi biết thương chính tôi, thương bố mẹ tôi hơn, dù ở xa nhà. Có thể nói,

11


1 3 . K H Ở I ĐẦU M Ớ I

nó sinh ra như để yêu người ta và dạy người ta cách yêu thương vậy. Từ ngày tôi yêu nó, ai cũng bảo tôi xinh ra và vui vẻ hơn. Tôi cũng thấy tự tin hơn vào bản thân mình, và bao dung hơn với mọi người. Tôi và nó đều tin rằng chúng tôi là “the right one” của nhau. Thế nhưng vì một số lý do bất khả kháng, tôi quay về Việt Nam và nó ở lại Anh quốc. Khi về nước, tôi lại trở về làm gái đoảng. Tôi ở với bố mẹ, nhà có chị giúp việc nên không phải nấu nướng hàng ngày. Hoặc đấy là một cái cớ tôi tự tạo ra để không phải bước vào bếp, không phải nhớ lại cái lúc có người mong chờ, động viên mình mỗi khi mình nấu ăn. Việc nấu ăn làm tôi buồn. Nói đúng hơn, một nỗi buồn nặng trĩu đè lên tôi mọi lúc, trong mọi việc tôi làm. Tôi cảm thấy như bị cắt đứt một cái tay, một cái chân. Tôi sụt cân, ốm nhiều hơn, khép kín hơn, không còn nhiều năng lượng như trước nữa. Loay hoay thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam sau khi đã quen với văn hóa ở Anh quốc, lại bị buộc phải chia tay khi mọi chuyện đang tốt đẹp, tôi cảm thấy mất phương hướng. Tôi không hiểu tôi đang làm gì với cuộc đời mình và sẽ đi về đâu. Một mặt, tôi tự trách bản thân mình vì đã không thể ở lại Anh quốc. Nhưng mặt khác, tôi đặt mục tiêu vượt qua chuyện cũ với nó như đặt một cái deadline công việc, ép mình phải hẹn hò với một số người để quên nó đi. Nhưng những cuộc hẹn ấy chả đi tới đâu, và tôi vẫn nhắn tin với nó. Rồi nó có thêm nhiều triệu chứng bệnh nhưng không dám đi khám, và cứ giấu gia đình. Tôi hiểu bệnh của nó để lâu có thể chết, hoặc sống mà không ra sống. Tôi nói mãi nó mới chịu đi khám bác sĩ cho kỹ và nói cho gia đình biết. Trong mấy tháng sau đó, tình trạng sức khỏe nó rất xấu, nó không thể duy trì một mối quan hệ từ xa và lệch múi giờ. Tôi cũng dần kiệt quệ về tinh thần vì phải cố gắng chăm sóc, động viên cho một người không

12


A STO RYT EL L ER

thể dành thời gian cho mình, trong khi cuộc sống ở đây cũng không ít khó khăn. Tôi nhận ra tôi và nó đều đang khổ sở tìm cách yêu thương, chăm sóc bản thân mình thì làm sao lo cho người khác được, cố níu kéo và phụ thuộc nhau quá chỉ làm khổ nhau. Chúng tôi chia tay lần hai và chúc nhau bình an, không quên dặn dò đứa kia hãy luôn yêu thương bản thân mình. Tôi và nó dừng mọi việc liên lạc với nhau. Vậy là chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, tôi “tỉnh ra” nhiều hơn một lần. Tôi không đặt mục tiêu phải quên nó nữa. Tôi chấp nhận việc sẽ khó yêu được ai khác ngay lập tức, và cho bản thân mình thời gian để cân bằng lại. Về phần tôi, ai lâu ngày gặp lại cũng bảo tôi xinh hơn mấy phần. Có người còn hỏi có phải tại có anh nào không, tôi chỉ cười. Câu trả lời thực chất là ngược lại: tôi sống lại vì không còn cái sự ám ảnh về “anh nào” nữa. Tôi không quên biệt nó đi, giấu kín những kỉ niệm cũ đi, mà đơn giản là tha thứ cho tôi, cho nó, và nhìn những gì đã qua với một lòng biết ơn. Kỳ lạ thay là tôi làm được điều đó khi không cố ép mình phải làm bằng được. Gần 30 tuổi, tôi mới nhận ra rằng yêu thương và chữa lành thực sự không thể tằng tằng như một cái task. Tôi đã vào bếp xào nấu trở lại. Bố mẹ tôi đôi lúc lại phải chịu đựng những bữa thịt rang hơi khô, rau luộc hơi nhừ, cơm nấu hơi nát. Nhưng tôi vui, và bố mẹ tôi cũng vui, vì tôi đã học lại được cách nấu ăn để yêu thương bản thân mình, và chăm sóc gia đình. Nghe tiếng xèo xèo của hành phi, nhìn miếng thịt từ từ săn lại và xém cạnh, cảm nhận vị đậm đà vừa tới của món ăn trước khi dọn lên mâm rồi nghe bố mẹ khen đồ ăn ngon, tôi thấy lòng mình an vui. Cảm ơn nó, đã dạy tôi học lại cách yêu thương.

13


4

PHỤC HƯNG BOOKS TỦ SÁCH PHỤC HƯNG

BƯỚC VÀO CHUYẾN PHIÊU LƯU TRONG SÂU THẲM TĂM HỒN CÙNG

14


1 3 . K H Ở I ĐẦU M Ớ I

Chia sẻ một chút về trải nghiệm cá nhân trong những ngày ở nhà, quanh quẩn trong không gian quen thuộc, không có quá nhiều việc để làm, không có nhiều trò để tiêu khiển, không thể đi ra ngoài gặp gỡ mọi người thành ra dễ sinh tâm lý buồn chán, đôi khi là để tâm trạng tuột dốc không phanh và cảm thấy một ngày của mình trôi qua vô ích. Tình trạng này nếu để kéo dài lâu sẽ không tốt cho sức khỏe tinh thần một chút nào, khi nhận ra điều đó, mình đã nghĩ là cần làm gì đó, để đưa bản thân thoát khỏi tình trạng này. Không đi ra ngoài khám phá thế giới được thì mình ngồi lại, khám phá chính mình, lắng nghe những mong muốn sâu thẳm nhất của con người mình, để hiểu mình hơn từ đó học cách yêu mình hơn. Và một trong những câu hỏi mà mình đã hỏi đi, hỏi lại mình trong những ngày này là “Làm sao để biết điều mình đang hướng tới là điều mình mong muốn nhất trong đời?”. Chính câu hỏi đó đã dẫn mình về với câu hỏi của quyển sách này, thế rồi mình đọc, đọc những câu chuyện, những chia sẻ trong sách, từ đó, vỡ lẽ ra rất nhiều điều. Ngay cả những điều mình vẫn luôn nghĩ là mình đã hiểu, đã từng có câu trả lời cho mình rồi thế nhưng, đến lúc này khi thành thật đối diện với câu hỏi về lý do mình sống, mình chợt nhận ra là những hiểu biết về bản thân và về thế giới xung quanh chưa bao giờ là đủ. Mình nhìn thấy được những ước mơ, những khát khao tự sâu bên trong mà mình vô tình đã để cuộc sống bận rộn cuốn đi, vô tình lãng quên từ lâu. Quyển sách này đã giúp gợi mở và chạm đến những tầng sâu nhất trong con người mình, đồng hành cùng mình trên hành trình soi chiếu chính mình và nhận ra nhiều sự thật về bản thân, giúp mình hiểu rõ mình hơn, trở thành một phiên bản vững chãi hơn, từ bên trong. Từ đó, tiếp thêm sức mạnh và cho mình động 15


A STO RYT EL L ER

lực để mở mắt - mở trí và rồi, mở tâm, chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng trở lại sau đại dịch, sẵn sàng khám phá thế giới với một tâm thế mới, cởi mở để đón nhận hơn. Thế còn bạn, bạn có muốn bước vào chuyến phiêu lưu đến với vùng đất tâm hồn cùng “Chúng ta sống vì điều gì?” không? Mời bạn

Nghe thử phiên bản sách nói

Đọc thử ebook

16


5

RECOMMENDATION FROM PHỤC HƯNG LỜI GỢI Ý TỪ PHỤC HƯNG

ĐIỀU GÌ CHO TA ĐỘNG LỰC ĐỂ CHO MÌNH MỘT KHỞI ĐẦU MỚI? 17


1 3 . K H Ở I ĐẦU M Ớ I

BEGIN AGAIN kể về câu chuyện của Greta - một cô gái có giọng hát ngọt ngào cùng người yêu là nhạc sĩ đến New York, nhưng không may cô lại bị phản bội. Trong khi đang vật vã đau khổ vì bị bội tình, gần như đánh mất hoàn toàn niềm tin vào bản thân và mọi thứ xung quanh thì cô nàng tình cờ gặp được Dan một giám đốc tìm kiếm tài năng âm nhạc, cũng đang gặp rắc rối trong hôn nhân, dần mất đi nguồn cảm hứng dành cho nghệ thuật và hoang mang về ý nghĩa cuộc sống. Hai người họ đã quyết định “bắt đầu lại” cùng với nhau và tạo ra những sản phẩm âm nhạc tuyệt vời, đó chính là khi tình yêu giúp họ khơi lại nguồn cảm hứng, đóng lại cánh cửa cũ và có một khởi đầu mới, cùng nhau. “Life is fleeting, yes, but also eternal; it will always find a way to begin again.” Đôi khi chúng ta sợ cảm giác phải bắt đầu lại, vì không có điều gì là chắc chắn cả, nhưng nếu đã không có gì chắc chắn thì sao ta không cho mình cơ hội để thử nghiệm, và lớn lên? Không bao giờ là quá muộn, cho một khởi đầu mới. Trailer: https://youtu.be/uTRCxOE7Xzc 18


Chủ biên: Thái Minh Châu Nội dung: Phan Linh và Cộng đồng người kể chuyện Phục Hưng Thiết kế: Trần Q. Phương Hình ảnh: Phục Hưng Books và các nguồn mở

Mua sách trực tuyến tại fanpage Phục Hưng Books <https://www.facebook.com/phuchungbooks> hoặc gian hàng của Phục Hưng trên Tiki <https://tiki.vn/cua-hang/phuc-hung-books>, Shopee <https://shopee.vn/phuchungbooks> Mua trực tiếp tại các cửa hàng trong hệ thống Fahasa, Phương Nam, Cá Chép trên toàn quốc. Tham gia Cộng đồng người kể chuyện của Phục Hưng để đóng góp nội dung: https://bit.ly/PhucHung_Storytellers Tham gia Cộng đồng người đọc của Phục Hưng để nhận những quà tặng sớm nhất: https://bit.ly/PhucHungCommunity Tập san Người kể chuyện - A Storyteller là một sản phẩm nội dung của Phục Hưng Books, vui lòng không sao chép, tái bản khi chưa có sự đồng ý của Phục Hưng. Cảm ơn bạn.

Liên hệ: astoryteller@phuchungbooks.com Website: www.phuchungbooks.com


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.