E-magazine 12: LẮNG NGHE CUỘC ĐỜI

Page 1

I S S UE 1 2

0 7/ 2 021

L ẮNG NGHE CUỘC ĐỜI


1 A letter from Phục Hưng Books / Thư gửi bạn đọc

2 Storytellers / Trò chuyện Trò chuyện với chị Xuân Yến - Nhà sáng lập và là Giám đốc sáng tạo của Traqué Studio

3 Stories / Chuyện kể CHỌN MỘT CHIẾC MÁY TRỢ THÍNH TỐT ĐỂ LẮNG NGHE CUỘC ĐỜI - Chuyện Phạm Quỳnh Hương kể.

4 Phục Hưng’s Books / Tủ sách Phục Hưng Trải nghiệm đọc sách thời đại số cùng Phục Hưng, Fonos và Teteso

5 Recommendations from Phục Hưng / Lời gợi ý từ Phục Hưng My Octopus Teacher - Những điều một chú bạch tuộc dạy tôi


1

A LETTER FROM PHỤC HƯNG BOOKS THƯ GỬI BẠN ĐỌC

Thương gửi bạn đọc, Bạn có khoẻ không? Khu bạn ở có đang bị phong toả không? Nhà bạn còn đủ thực phẩm chứ? Nếu không thì có dễ tìm mua không? Nếu không mua được thì có ai trợ giúp bạn không? Thái Minh Châu Phục Hưng’s founder

Nếu bạn vẫn ổn, chúng mình mừng lắm. Dẫu có đang rơi vào tình huống nào, bạn nhất định phải tin rằng mọi chuyện sẽ qua nhé. À, nhắc đến ổn, tâm trạng bạn hôm nay thế nào? Nhiều ngày ở nhà rồi, bạn có mất đi tinh thần lạc quan? Nếu là nhân viên y tế, người giao hàng, tình nguyện viên,... bạn đã có nhiều ngày vất vả rồi, bạn nhớ tranh thủ nghỉ ngơi khi có thể nhé; chúng tôi biết ơn bạn. Cuộc sống những ngày này thật lạ lẫm bạn nhỉ? Chúng ta như ở giữa một cuộc chiến với đầy đủ tổn thất về vật chất và tinh thần… nhưng tôi vẫn thấy người người tương trợ nhau, tôi thấy những chuyến hàng được chở vào Nam từ các tỉnh chưa bùng dịch. Họ bảo nhớ những ngày mưa lũ, đồng bào khắp nơi đã không ngại hiểm nguy về cứu trợ, nay họ góp lại chút tình. Tôi đã ứa nước mắt khi nhìn danh sách những mụt măng, quả bầu, con gà, chục trứng… hay khi nhìn hình ảnh những người giao hàng ôm thùng to thùng nhỏ, xếp hàng chờ hàng giờ dưới nắng, trước cổng bệnh viện dã chiến... Rồi những ngày này sẽ trở thành lịch sử, hãy viết lại những cảm xúc của bạn mỗi ngày, hãy kể lại những câu chuyện dù buồn hay vui, hãy học thêm điều mới, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới,… để mai sau nhìn lại, ta biết mọi thử thách của cuộc đời nếu không đánh gục ta thì sẽ giúp cho ta tốt hơn. Hãy lắng nghe mọi thông điệp từ khó khăn này. Cuối cùng, xin đừng quên yêu thương tha thiết người ở cạnh bạn hôm nay. Thương mến,

Thái Minh Châu từ Phục Hưng Books

1


2

STORYTELLERS / TRÒ CHUYỆN

Trò chuyện với chị

XUÂN YẾN

- Nhà sáng lập và là Giám đốc sáng tạo của Traqué Studio

ĐỪNG ĐỂ MÌNH CÔ ĐỘC

TRÊN HÀNH TRÌNH THAY ĐỔI

`

2


1 2 . L ẮN G N GHE C UỘ C Đ Ờ I

Chào chị, những ngày giãn cách xã hội này có tác động đến chị thế nào? Vì sống cùng với bố mẹ lớn tuổi nên chị đã chủ động giãn cách tất cả các hoạt động đông người từ rất sớm, khoảng cuối tháng 5. Cho đến bây giờ là hơn 6 tuần rồi. Công việc ban đầu vẫn còn rất thuận lợi vì mọi người nghĩ đợt dịch này sẽ qua nhanh. Nhưng 1 rồi lại 2 ngày, tuần rồi thành tháng. Một số dự án diễn tiến chậm dần, một số dời vô thời hạn, có dự án sau 6 tháng thảo luận đến hồi ký kết MOU thì bùng dịch. Thời gian trôi qua nhưng bối cảnh không đổi và doanh thu đã về 0 tròn vo. Cảm giác pha trộn kỳ lạ lắm, vừa bối rối thất vọng vì rất nhiều người bị mất thu nhập và cuộc sống đảo lộn, vừa thấy có lỗi vì không thể đóng góp nhiều hơn do khả năng mình chỉ có chừng ấy, vừa hoang mang nhưng lại thrilled (hồi hộp phấn khích) vì tụi chị vẫn triển khai được dự án nội bộ như chuyển đổi số cả công ty, mở thị trường mới, dự án cộng đồng cho nhóm local artist… Nói chung là đợt dịch này như Chiếc hộp bí ẩn của Master Chef, có rất nhiều nguyên liệu kỳ lạ và cả đám phải suy nghĩ món nấu, 9 phần sức người còn 1 phần thì mong duyên lành mang tới.

Phục Hưng biết chị đã và đang phát triển bản thân và doanh nghiệp mình theo định hướng sáng tạo bền vững, chị có đang đối diện với trở ngại gì khi chọn đi con đường này ở Việt Nam không? Thời gian trôi mình không để ý, tới lúc nhẩm tính từ lúc tham gia workshop thiết kế từ chất liệu bền vững của Hiệp hội gỗ từ 2009 thì Phát triển bền vững (PTBV) là “môn học” đồ sộ nhất mà chị đeo đuổi tự học hơn 12 năm qua. Một số bạn bè chị nói, kiếm tiền thì ra kiếm tiền, kiếm tiền mà nói tới phát triển bền vững thì giống con sói ăn chay. Một số thì hiểu đơn 3


A STO RYT EL L ER

giản PTBV là bảo vệ môi trường. Một số thì dấn thân thực hành lối sống mới, từ bỏ căng thẳng đô thị để về vườn an yên, rồi chật vật nhận ra mình không phù hợp lối sống đó và không biết ở tiếp hay về phố…Trở ngại lớn nhất của PTBV và thực hành PTBV là truyền thông đại chúng chưa nói nhiều về chương trình này, mọi người tiếp cận khái niệm này từ thực tế của mình và khó nhìn toàn cảnh 17 mục tiêu của chương trình. Và quan trọng nhất là lộ trình để một người hoặc một doanh nghiệp chuyển đổi để theo đuổi phát triển bền vững là một quá trình vừa học, ứng dụng, thực hành bền bỉ, theo dõi sát sao, chấp nhận sai và sửa lỗi kịp thời. Chúng ta có quyền chọn mục tiêu để theo đuổi, hiểu và lan tỏa để không cá nhân và tổ chức nào cô đơn trong quá trình chuyển đổi của mình. Trở ngại lớn nhất là lan toả khi chưa hiểu thấu đáo, dẫn dắt khi chưa đủ kỹ năng, thực hành cường độ cao khi nguồn lực không tự tái tạo hoặc tái tạo không kịp… Vì xã hội luôn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, dám khác biệt, thấu hiểu và dấn thân cần chúng ta rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần nhiều lắm.

Theo thời gian, nhất là trong thời điểm nhiều biến động này, định nghĩa sáng tạo và bền vững trên thế giới có thay đổi không? Hai năm ảnh hưởng dịch bệnh cũng là hai năm hệ giá trị của PTBV bị thách thức nhất. Vì sao thế giới giảm thải CO2 mà trái đất vẫn nóng lên gây sóng nhiệt chết người, PTBV là chiêu trò của tư bản để mị dân thế giới thứ ba, PTBV khi không đủ tiền sống thì chỉ là đạo đức giả… Định nghĩa sáng tạo và phát triển bền vững không thay đổi, nhưng nó được giải thích kỹ hơn, diễn giải tường tận với nhiều dẫn chứng thành công hơn nên cũng đến gần cộng đồng hơn. Kiểu như nghiên cứu khoa học công nghệ được viết lại thành cuốn hướng dẫn sử dụng…máy giặt, nồi cơm điện đó, dễ hiểu dễ ứng dụng hơn rất nhiều. 4


1 2 . L ẮN G N GHE C UỘ C Đ Ờ I

Nó là một môn học vận động thể chất tinh thần mà mỗi người phải từ thiết kế theo khả năng chịu đựng của bản thân, chú trọng critical thinking (tư duy phản biện) và mindfulness (chánh niệm). Chị cảm thấy mình rất may mắn thì chọn theo đuổi sở thích Thiết kế và Thủ công, và có được thu nhập từ sở thích này. Chị chọn đón nhận thử thách là bài tập phải làm, những mâu thuẫn đều cần thấu hiểu để giải quyết, kể cả một dự án thiết kế đồ sộ hay vụn vặt mỗi ngày. Dĩ nhiên là nhiều khi cũng nổi điên lắm (cười).

Trước những sứ mệnh chị đặt ra cho chính mình và doanh nghiệp, hành trình phía trước ngày một khó khăn hơn, chị có nghĩ đến việc thay đổi định hướng hay chuyển đổi mô hình sao cho phù hợp với thời cuộc? Câu hỏi này dẫn chị về lại giữa năm ngoái, bắt đầu đâu đó từ tháng 8 tới tháng 12, và trọng điểm là tháng 10. Công ty hết tiền, nhân viên rời đi hơn phân nửa, dọn văn phòng, chị làm một mình 3 vai (thiết kế, quản lý dự án, đi tìm văn phòng mới), co-founder thì lo xoay tiền, deal job. Việc giữ công ty vận hành như cũ là không thể, may mắn đội ngũ và co-founders rất đồng lòng với nhau để qua được đoạn khó đó. Mở dự án mới, thay đổi quy định để tối ưu nhân sự, mở thị trường mới, chính sách giá bán mới, kênh tư vấn mới… chuyển đổi nhanh kịp mùa quà Tết và mùa cưới cuối năm.

Khi đứng trước quyết định phải chuyển hướng, chúng ta cần chuẩn bị gì? Những điều chị học được từ người bạn nhỏ chị quen ở Bhutan là mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời đều rất đáng tận hưởng, những gì mình làm nếu thấy cần làm là được, không cần toan tính. Vậy nên chị thử, và chị đã thử từ 2017 tới tận bây giờ, một tay cho đi một tay đặt tức giận xuống, một tay chăm sóc bản thân một tay chăm lo đội ngũ, soi chiếu để thấy mình sai ở đâu và mình có thể làm gì 5


A STO RYT EL L ER

tiếp. Và lúc chị dò tìm chỗ sai, chị tìm thấy lại được tình yêu dành cho thiết kế, cho quản trị (mà vì chị mê sáng tạo quá mà bỏ quên), cũng dò ra những lỗi hệ thống mà đội ngũ vì lý do nào đó không tự tháo gỡ được. Việc giữ công ty vận hành như cũ là không thể vì chị đã mất đi những cộng sự giỏi nhất, nguồn lực ít làm mình phải xoay xở và buông bớt những ảo tưởng, như con bạch tuộc bị thương mò về hốc đá trong bộ phim My Octopus Teacher, như khi hết pin mình chọn chế độ tiết kiệm ánh sáng và dữ liệu, để giữ đúng chiếc app quan trọng đặt xe đưa mình về nhà! Quá trình chuyển đổi của chị diễn ra rất nhanh, có thể cũng do nhạy bén kinh doanh và quản lý dự án. Sau một chuỗi câu hỏi yes-no; why-how-who thì tính ra vài kịch bản nếu-thì, mỗi kịch bản giúp tụi chị vượt qua một đợt bùng dịch, lần này lại có kịch bản mới đó. Không buông xuôi, không tâm thế nạn nhân, không phàn nàn. Where there’s a will there’s a way.

Bản thân chị thì sao, điều gì khiến chị phải cẩn trọng cân nhắc nhất khi thay đổi hay chuyển hướng? Câu này hay quá! Cẩn trọng nhất là đừng bao giờ để mình cô độc trên hành trình thay đổi. Chia sẻ, giải thích, tiếp thu phản biện… Đôi khi có những cuộc chiến diễn ra không âm thanh trong suy nghĩ làm mình mệt nhoài không còn muốn giải thích dông dài, mọi người làm theo những không rõ mục tiêu, căng thẳng kéo theo mẫu thuẫn. Nguồn lực quan trọng nhất lúc này không phải tiền, vì tiền có thể vay từ ngân hàng và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, phụ nữ kinh doanh... Cái cần chú tâm nhất là nhân lực, là bản thân mình và cộng sự.

Điều gì giữ cho những người chọn đi con đường khó như chị lạc quan tiến về phía trước? 6


1 2 . L ẮN G N GHE C UỘ C Đ Ờ I

Chị nghĩ lạc quan là bản chất của chị, là gene nhà chị. Vì mẹ chị làm thợ may rồi làm chủ của hơn 20 thợ may suốt 45 năm mà không hề nghe mẹ than thở, nề hà việc khó. Mà nhiều khi bố mẹ nói chuyện với nhau cười đau bụng, kiểu như bố nói định mua cho mẹ tivi mới, vì tivi này mẹ coi hết phim rồi (!!!) Nhưng chị không giỏi như bố mẹ. Nên lạc quan cũng cần tập luyện, có những lúc cũng buồn chán thất vọng lắm, nhưng cách chị vượt qua những lúc tâm trạng đi xuống đó là tự đặt câu hỏi và trả lời nó để dẫn mình ra khỏi u mê buồn bã; có thể chia nhỏ thời gian quản trị cảm xúc của mình; đừng để mình bị cuốn vào và khoá chặt trong vòng xoáy cảm xúc đó; thực hành chánh niệm cũng rất tốt. Vẽ và yoga cũng giúp giải tỏa căng thẳng và khai phóng giác quan. Chăm thú cưng để cảm thấy yêu thương hai chiều. Giữa lúc ảnh hưởng dịch và không thể ra ngoài phụ mọi người nấu cơm phát quà, chị và chồng chị quyết định hỗ trợ điều phối, kết nối nguồn lực, chia sẻ thông tin, vận động đóng góp. Cốt yếu của Phát triển bền vững là tối ưu để giảm thiểu hao hụt, hiệp lực hợp tác để tạo ra giá trị cấp số nhân. Phát triển bền vững bắt đầu từ cá thể bền vững, giữ mình lạc quan, phản biện, quả cảm và sẵn sàng dấn thân. Mệt thì nghỉ ngơi, đừng cố quá sức để có thể gọi chuyến xe đưa mình về nhà.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện, mong chị luôn hân hoan trên hành trình sáng tạo, hy vọng Sài Gòn sẽ sớm trở lại với sự nhộn nhịp vốn có, mong sức khỏe và bình an đến với chị cùng gia đình và​tất-cả-chúng-ta.

Phan Linh.

7


A STO RYT EL L ER

*Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ).

Xuân Yến a tree hugger . art & craft enthusiast . creative director of Traqué.

8


3

STORIES / CHUYỆN KỂ

Chuyện Phạm Quỳnh Hương kể

Chọn một chiếc máy trợ thính tốt để lắng nghe cuộc đời

9


1 2 . L ẮN G N GHE C UỘ C Đ Ờ I

Hồi học lớp 7, tai tôi bắt đầu nghe kém dần đi. Bố mẹ đưa tôi đi khám khắp nơi, nhưng đều không có kết luận gì rõ ràng lắm, các bác sĩ đều bảo rằng, chỉ còn một cách là đeo máy trợ thính. Thầy giáo chủ nhiệm lớp 7, lớp 8 của tôi là một thầy giáo rất hài hước. Mỗi khi thầy kể chuyện gì đó là cả lớp lại ầm lên, còn tôi ngồi nguyên chẳng hiểu gì. Cái cảm giác ấy thực sự rất khó chịu. Đôi khi, tôi cũng gượng cười, tỏ vẻ mình cũng hiểu để đỡ lạc lõng. Có lẽ, đó là lần đầu tiên, tôi nếm trải được mùi vị của sự cô đơn, khi ở giữa tập thể. Rồi lên đại học, tôi cũng chẳng hiểu vì sao mình lại chọn thi vào một ngành học về Trung Quốc, và tiếng Trung là một phần không thể thiếu. Chật vật nhất là những giờ học môn nghe. Cái âm thanh phát ra từ radio thực sự không rót vào đầu tôi được một chữ nào, tất cả chỉ là một thứ gì đó trầm bổng, rè rè mơ hồ. Tôi cứ cúi gầm mặt mỗi lần cô giáo bật băng lên rồi bảo đọc theo. Xung quanh, các bạn cứ chăm chú nghe, rồi ghi chép, rồi bàn tán để hoàn thành câu mình nghe được. Còn tôi, chỉ ngồi đó chẳng biết làm gì. Mắt ầng ậc nước, tôi chỉ muốn buổi học kết thúc thật nhanh. Nếu bạn hỏi, với cái tai nghe kém của mình, làm thế nào mà tôi có thể học khá, học trường chuyên, thi học sinh giỏi quốc gia, thi đỗ đại học, nhận được học bổng đi du học và giờ đang học tiến sĩ ở một đất nước khác? Thì đó là vì, tôi luôn nghĩ rằng, mình có thể không nghe giảng đầy đủ mà vẫn học tốt, bằng việc đọc sách và luyện tập. Chuyện đó, thực ra, đơn giản hơn rất nhiều, so với cuộc chiến của những dằn vặt nội tâm bên trong. Khi rơi vào những hoàn cảnh éo le, chúng ta dễ rơi vào sự dằn vặt, tự hỏi bản thân những câu như: “Tại sao điều này lại xảy đến với mình?” - rồi cảm thấy cuộc đời thật bất công, cảm thấy mình thật bất lực vì

10


A STO RYT EL L ER

không thể nào thay đổi được hoàn cảnh. Có những đêm, ở cái tuổi mười bốn mười lăm, tôi đã khóc ướt gối và hỏi mình những câu hỏi như thế. Và hẳn Thượng Đế đã nghe thấy câu hỏi của tôi, và Ngài trả lời tôi rằng: “Khi Thượng Đế đặt ra trước mắt con một thách thức, là khi Ngài tin rằng chỉ mình con mới có khả năng vượt qua được điều ấy.” Cái suy nghĩ ấy đã bật lên trong đầu tôi vào một đêm nào đó, tôi chẳng nhớ rõ, nhưng đến giờ, tôi vẫn cảm nhận được luồng sức mạnh mà nó thổi đến trong tôi. Tôi yên tâm đi vào giấc ngủ, với cảm giác tự hào, một cảm giác sứ mệnh. Những năm tháng mới lớn ấy, niềm tin rằng mình được trao trọng trách để vượt qua thử thách, đã vực dậy tôi nhiều lần, sau những tự ti, những tủi thân, những cô đơn giữa những tiếng cười. Tôi thấy mình đặc biệt, thay vì kì dị. Tôi thấy mình mạnh mẽ, thay vì bất lực. Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn mong muốn biết bao, cái tai của tôi, có thể nghe được như bình thường. Đó là khi phải lựa chọn công việc. Mà bạn biết đấy, công việc bên ngoài xã hội thì phức tạp hơn nhiều việc học trên ghế nhà trường. Học ngoại ngữ, ai chẳng từng mong ước về những chuyến phiên dịch part- time lương cao. Nhìn các bạn mình nhận việc rồi kiếm tiền triệu một ngày, tôi cũng ước ao lắm. Việc tôi có thể làm tốt hơn, là dịch báo, nhưng nhuận bút cho mỗi bài dịch chỉ vẻn vẹn năm mươi nghìn đồng, mà lại còn chẳng đến được tay tôi vì thủ tục lằng nhằng. Sang Trung Quốc du học, tôi thực sự thích công việc dạy tiếng Việt cho các em sinh viên Trung Quốc, thích cảm giác được giúp đỡ và truyền cảm hứng. Nhưng những lúc các em phát âm mà tôi không nghe rõ khiến cả cô trò đều khó xử, những lúc ấy, tôi thấy áy náy với học trò của mình vô cùng. Rồi tôi nghĩ, việc phiên dịch trong cabin với thiết bị đeo ở tai có thể

11


1 2 . L ẮN G N GHE C UỘ C Đ Ờ I

điều chỉnh to nhỏ tùy ý, sẽ khắc phục khuyết điểm về cái tai của tôi. Nhưng tôi đã nhầm, âm thanh trong các thiết bị ấy khác hẳn âm thanh bên ngoài. Hôm ấy, khi tôi đã quá mệt trong cabin thì lại được gọi lên đột xuất để dịch trên sân khấu. Tôi còn nhớ mãi, cảm giác lúng túng không biết bấu víu vào đâu, khi mình nghe không hiểu, và chẳng dịch nổi chữ nào. Tôi đã bỏ mic ấy mà chạy ào xuống gọi “cứu trợ”, trong ánh mắt bất ngờ của cả hội trường. Sau cú sốc ấy, tôi thề sẽ không bao giờ đâm đầu vào những công việc mà mình không thể làm tốt nữa. Lần đầu tiên, sau rất nhiều lần cầm lên, đặt xuống, rồi lại cầm lên, tôi buộc phải đối mặt và chấp nhận giới hạn của mình. Nhưng trong lòng vẫn có lúc buồn phiền chẳng chút nhẹ nhõm. Cho đến một ngày, tôi xem bộ phim “Người đánh đàn piano trên biển” (The Legend of The Pianist on the Ocean hay The Legend of 1900). Nhân vật chính tên 1900 đã giải thích thế này, về việc anh muốn dành trọn đời mình trên tàu, bên chiếc đàn piano, từ chối thế giới bao la lộng lẫy của New York ngoài kia, đó là: New York quả thật quá rộng lớn, với quá nhiều con đường, quá nhiều toà nhà, rộng lớn tới mức ở đó, anh không biết mình là ai, và mình nên làm gì. Còn trên con tàu này, những phím đàn piano là hữu hạn, nhưng những bản nhạc là vô hạn. Trong cái hữu hạn đó, anh mới tìm thấy chính mình. Và tôi bỗng nhận ra về giới hạn của mình. Cái giới hạn ấy, phải chăng cũng có lí do của nó, để nhắc tôi về thứ tôi nên tập trung vào? Tôi nhớ lại ước mơ thuở bé của mình, cô giáo dạy văn, nhà văn, nhà báo. Tôi nhớ lại hình ảnh mình cầm trên tay tập báo thiếu nhi rồi cứ đọc đọc lại một bài văn hay trong đó, đọc to thành tiếng, còn chép lại vào sổ nữa. Tôi cũng nhớ những giờ học văn mà tôi đã từng rất mê say,

12


A STO RYT EL L ER

nhớ đến page viết lách mà tôi chẳng còn cập nhật thường xuyên. Ừ nhỉ, từ nhỏ, tôi đã may mắn có được hứng thú nổi trội với việc đọc và viết. Và sâu trong mình, tôi vẫn thấy một thôi thúc không nguôi rằng, một ngày nào đó mình sẽ ngồi xuống và viết. Tôi không có một đôi tai thính nhạy, nhưng vẫn có một đôi mắt sáng để nhìn ngắm cuộc đời, và đôi bàn tay lành lặn để gõ chữ rất nhanh. Chẳng phải thế là đã quá may mắn rồi sao. Và tôi đã thấy nhẹ nhõm bình yên hơn, khi mỗi sáng ngồi xuống trước máy tính và cần mẫn gõ chữ. Bình yên trong giới hạn và khả năng của riêng mình. Cái tai kém đã nhắc tôi về giới hạn của mình. Khi biết chấp nhận giới hạn ấy, tôi thấy mình tự do. Tôi đã chẳng coi chiếc máy trợ thính của mình là một thách thức nữa, mà đơn giản là một sự thật, là một phần khách quan của tôi. Và khi biết sống chung với nó, tôi dần khám phá ra những điều của riêng mình. Robin Sharma đã viết như thế, trong cuốn sách Ba người thầy vĩ đại, rằng: “Cuộc sống của chúng ta không phải do vận may hay bất hạnh, mà do một quá trình rất thông minh được vạch ra nhằm giúp chúng ta phát triển thành cái bản ngã tốt đẹp nhất.” Khiếm khuyết của đôi tai, có lẽ là một điều cần có, để tôi có cơ hội trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình. Nếu được, tôi sẽ quay lại nói với cô bé mười bốn tuổi ngày ấy rằng: “Khi Thượng Đế đặt ra trước mắt con một thách thức, là khi Ngài tin rằng, đó là con đường tốt nhất, để con tìm thấy chính bản thân mình, và ở đó, con cũng sẽ gặp được Ngài.” Con đường ấy, chắc còn dài, nhưng tôi sẽ luôn để chiếc máy trợ thính bên mình, để biết rằng mình đang đi đúng hướng.

13


TRẢI NGHIỆM

ĐỌC SÁCH THỜI ĐẠI SỐ

4

PHỤC HƯNG BOOKS TỦ SÁCH PHỤC HƯNG

CÙNG...

PHỤC HƯNG FONOS & TETESO

Hợp tác với Fonos và Teteso trong dự án sách “Chúng ta sống vì điều gì?” lần này, Phục Hưng mong muốn rằng dù bạn ở bất kỳ đâu, là bất kỳ ai, lành lặn hay khiếm khuyết thì vẫn có thể được tiếp cận với những câu chuyện ý nghĩa, những thông điệp chân thành của cuốn sách.

14


1 2 . L ẮN G N GHE C UỘ C Đ Ờ I

Về ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos thì chắc cũng không còn nhiều xa lạ với các bạn độc giả của Phục Hưng rồi nhỉ, chúng ta đã từng có những phiên bản sách nói của Hai-mươi-bảy, Người Viết Kiếm Sống, Chuyện Thực Tập và Mùa hè năm ấy trên ứng dụng này. Và sắp tới sẽ tiếp tục với những tựa sách khác của Phục Hưng, gần nhất sẽ là Chúng ta sống vì điều gì?. Với phiên bản sách nói lần này, một điều đặc biệt là chính tác giả của câu chuyện góp giọng đọc, để có thể truyền tải được trọn vẹn cảm xúc và tinh thần mà tác giả muốn gửi gắm thông qua câu chuyện. Đối với những tác giả đang ở xa, Phục Hưng và Fonos đã tìm kiếm những giọng đọc phù hợp nhất với tinh thần của cuốn sách để thay tác giả kể lại chuyện của mình. Phiên bản sách nói được thể hiện cảm xúc một cách chân thật, sinh động sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm nghe sách thú vị. Cùng đón nghe Chúng ta sống vì điều gì? cùng các sách nói khác của Phục Hưng trên ứng dụng Fonos nhé!

fonos.vn/phuchungbooks

16 15


A STO RYT EL L ER

Với Teteso thì đây là lần đầu tiên Phục Hưng cộng tác, hy vọng sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm đọc sách mới mẻ và lan tỏa được cuốn sách đến với nhiều người hơn, đặc biệt là với những người con xa nhà. Teteso là một nền tảng số cho người Việt, cung cấp “không gian” để mọi người có thể tiếp cận với những sản phẩm từ chất xám: ebook, nhạc, phần mềm,... Nếu bạn biết ebook Ôm phản lao ra biển của anh Đỗ Hữu Chí (Bút Chì, Tiến sĩ Ngungu) thì chắc đã biết đến Teteso, nếu bạn chưa biết, hãy chờ và cùng trải nghiệm Chúng ta sống vì điều gì? cùng với Phục Hưng nhé. Đây cũng là nỗ lực của Phục Hưng gửi đến những bạn độc giả xa nhà, mong những thông điệp chân thành của cuốn sách sẽ đến được gần hơn với bạn, trở thành người bạn đồng hành, sẻ chia cùng bạn trong những ngày tháng xa quê hương nhé.

Quét mã để tham gia Cộng đồng Người kể chuyện Phục Hưng

16 17


1 2 . L ẮN G N GHE C UỘ C Đ Ờ I

5

RECOMMENDATION FROM PHỤC HƯNG LỜI GỢI Ý TỪ PHỤC HƯNG

Mấy ngày vừa rồi ở nhà nhiều, có thời gian xem được bộ phim My Octopus Teacher thực sự hay, nên Phục Hưng muốn chia sẻ ngay đến bạn trong số báo lần này.

17


A STO RYT EL L ER

Bộ phim kể về câu chuyện của một nhà làm phim, nhà thám hiểm dưới đáy biển - Craig Foster và cô nàng bạch tuộc thông minh. Ban đầu anh chỉ có ý định quan sát cô nàng vì sự tò mò nhưng chính sự thông minh và nhạy bén của cô nàng đã khiến Craig bị cuốn hút và dõi theo hành trình sống của cô mỗi ngày, trong suốt 1 năm tròn, từ đó học được nhiều bài học giá trị từ cô nàng bạch tuộc này. Để trải nghiệm xem phim của bạn được trọn vẹn, Phục Hưng sẽ chưa tiết lộ gì về những điều bí ẩn ly kỳ ở thế giới đại dương xoay quanh cuộc sống của cô nàng bạch tuộc trong phim, để bạn tự mình khám phá và có những chiêm nghiệm riêng cho mình, nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim thể hiện được mối liên hệ sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, về những kết nối thiêng liêng mà chúng ta khó lòng lý giải, để cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn hay cách mà các sinh vật trong tự nhiên sinh tồn và bảo vệ chính mình, thì đây là một bộ phim khoa học rất thích hợp dành cho bạn. Một bộ phim tài liệu vô cùng lãng mạn và có thể sẽ lấy đi nước mắt của bạn đấy. Có thể bạn chưa bao giờ nghĩ rằng, một chú bạch tuộc sẽ mang đến cho mình nhiều bài học hay? Vậy thì khám phá My Octopus Teacher thử xem! Trailer: https://www.youtube.com/watch?v=3s0LTDhqe5A 18


Chủ biên: Thái Minh Châu Nội dung: Phan Linh và Cộng đồng người kể chuyện Phục Hưng Thiết kế: Trần Q. Phương Hình ảnh: Phục Hưng Books và các nguồn mở

Mua sách trực tuyến tại fanpage Phục Hưng Books <https://www.facebook.com/phuchungbooks> hoặc gian hàng của Phục Hưng trên Tiki <https://tiki.vn/cua-hang/phuc-hung-books>, Shopee <https://shopee.vn/phuchungbooks> Mua trực tiếp tại các cửa hàng trong hệ thống Fahasa, Phương Nam, Cá Chép trên toàn quốc. Tham gia Cộng đồng người kể chuyện của Phục Hưng để đóng góp nội dung: https://bit.ly/PhucHung_Storytellers Tham gia Cộng đồng người đọc của Phục Hưng để nhận những quà tặng sớm nhất: https://bit.ly/PhucHungCommunity Tập san Người kể chuyện - A Storyteller là một sản phẩm nội dung của Phục Hưng Books, vui lòng không sao chép, tái bản khi chưa có sự đồng ý của Phục Hưng. Cảm ơn bạn.

Liên hệ: astoryteller@phuchungbooks.com Website: www.phuchungbooks.com


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.