E-magazine 08: NHỚ NHÀ

Page 1

I S S UE 08

03/ 2 021

NHỚ NHÀ


1 A letter from Phục Hưng Books / Thư gửi bạn đọc

2 Storytellers / Trò chuyện Trò chuyện với tác giả Phương Lan Nguyễn

3 Stories / Chuyện kể Điều tôi thấy nhớ

4 Phục Hưng’s Books / Tủ sách Phục Hưng

5 Recommendations from Phục Hưng / Lời gợi ý từ Phục Hưng Đi để trở về - Món quà tặng người con xa nhà.


1

A LETTER FROM PHỤC HƯNG BOOKS THƯ GỬI BẠN ĐỌC

Thương gửi bạn đọc, Vậy là đại dịch ở Việt Nam một lần nữa được kiểm soát tốt, và chúng ta lại được đi học đi làm, đi du lịch, đi về quê,... nhưng dĩ nhiên trong sự cẩn trọng. Đúng lúc này tôi nhận được một tấm bưu thiếp gửi về từ Mỹ, từ một người bạn thân đang du học, người vừa đón cái Tết đầu tiên nơi đất khách. Trên khoảng trắng hạn chế của tờ postcard, chị viết “Châu thương nhớ, đây là nơi chị Thái Minh Châu Phục Hưng’s founder

đang ở, thành phố nhỏ nhắn, nằm giữa hai cái hồ, nhiều cây cối xanh tươi, không khí trong lành. Học thì thích lắm. Nhưng chị nhớ Việt Nam nhiều…” Đọc đến đây, lòng tôi không khỏi thắt lại, thương chị và những trái tim Việt Nam xa nhà. Tháng 3 sắp qua rồi, hẳn là ở nhiều nơi trên phương Bắc, tuyết đã tan, chồi đã lên và hoa có khi đã nở. Khi những háo hức vì môi trường mới, bạn mới, kiến thức mới và văn hoá mới tạm nguội đi, những người con nơi xa có thấy thiếu thốn thứ tình cảm đã ở bên họ trên hành trình trưởng thành? Họ có nhớ những điều bình dị mà ngày thường có lẽ vì quá gần mà họ đã bỏ quên? Họ có nhớ cơm nhà, bạn bè, chiếc xe máy thân thương hay ly cà phê ở quán quen? Tôi tin là có. Chúng tôi làm số báo này cho những ai đang mong ngóng ngày trở về, cho những ai chân đang ở nơi xa mà lòng vẫn hướng về quê nhà. Những chuyến đi giúp ta khám phá thế giới và cũng là cách tốt để hiểu về bản thân, nhận ra những giá trị mình cần gìn giữ, để trân trọng hơn những gì đang có. Giữ sức khỏe và tận hưởng xuân mới, bạn nhé! Mọi việc ở nhà vẫn ổn, mong bạn về. Trân trọng,

Phục Hưng Books

1


2

`

STORYTELLERS / TRÒ CHUYỆN

Trò chuyện với tác giả

PHƯƠNG LAN NGUYỄN

2


08 . N H Ớ N H À

Đã từng có khoảng thời gian đi học ở nước ngoài, xa Việt Nam, điều gì ở quê nhà khiến chị thấy nhớ nhất? Bảy năm sống xa quê hương - khoảng thời gian cũng đủ dài để làm quen và thích nghi với cuộc sống xứ người. Tuy nhiên, có một điều duy nhất Lan đã không thôi nhung nhớ đó là hương sắc đặc biệt của Tết cổ truyền mỗi độ xuân sang. Có những năm Lan đã làm đủ mọi cách từ tham gia tổ chức Tết cùng cộng đồng người Việt ở Wellington, làm mâm ngũ quả, đi chùa, chúc Tết đầu năm, mừng tuổi người già em nhỏ… nhưng trong lòng vẫn biết chắc rằng cái được gọi là “không khí ngày Tết” chỉ có thể được tìm thấy và cảm nhận chính trên quê hương Việt Nam. Có những năm nỗi nhớ da diết đã được gói ghém trong những vần thơ, gửi theo gió về với quê hương…

Với mỗi người con Đất Việt xa quê Chắc chẳng gì day dứt bằng nỗi nhớ nhà ngày Tết Nỗi nhớ gọi thành tiếng của từng ngày ngóng đợi Khi chỉ vừa thấy ở xa về một cơn gió đầu xuân Nỗi nhớ gọi thành tên của tháng Chạp, tháng Giêng Của tiệc Tất Niên, của ngày đầu xông đất Nỗi nhớ gọi thành sắc của hoa mai, hoa mận Của hoa lòng người tươi mới độ xuân sang Nỗi nhớ gọi thành âm của tiếng pháo giòn tan Của tiếng trẻ reo vang nhận quà mừng tuổi Nỗi nhớ gọi thành mùi của bánh chưng bánh tét Của củ kiệu, mứt dừa, của bánh thuẫn, bánh in Nỗi nhớ gọi thành giấc mơ Nỗi nhớ gọi thành điều ước

3


A STO RYT EL L ER

Con chỉ ước được về đón Tết quê hương! Được cùng Ông chăm hoa, được cùng Bà nấu bánh Được cùng Cha dọn nhà, được cùng Mẹ soạn cỗ Tết Được đón giao thừa, được khai bút, được hái lộc Được sum vầy, được ôm ấp, được yêu thương Tết quê hương mãi thiêng liêng và duy nhất Giờ tận xứ người, lòng không khỏi vấn vương.

Những lúc cảm thấy nhớ nhà, chị thường làm gì? Nói thật thì Lan đã chuẩn bị khá kỹ cho cảm giác nhớ nhà. Lúc nhớ nhà, Lan luôn làm hai việc, thứ nhất là mang bộ ảnh “Inspiring Vietnam” do chính mình chụp lại những khoảnh khắc yêu thương ở Việt Nam ra ngắm. Nếu ngắm ảnh xong mà vẫn không đỡ nhớ thì áp dụng cách thứ hai là...lôi hết chục bộ áo dài mang theo ra bận và hát hò. Thông thường thì sau hai biện pháp này là cảm thấy đỡ nhớ nhà rất nhiều luôn.

Một điều gì đó làm “biểu tượng” mà mỗi lần nhìn thấy sẽ gợi nhắc chị ngay về Việt Nam thì đó là gì? Có lẽ đối với Lan, áo dài là “biểu tượng” đặc trưng nhất của Việt Nam. Ngày xưa Lan không thích bận áo dài; Lan thấy nó rườm rà, bận nó phức tạp, chơi nhảy bước nhảy dây không thoải mái, đạp xe thì líp xe giay gấu quần áo dài đến te tua tơi tả. Hồi cấp ba, Lan trốn bận áo dài bất cứ khi nào có thể miễn là không để cờ đỏ trừ điểm thi đua. Nhưng từ hồi đi học xa nhà, theo ngành du lịch, Lan xem áo dài là biểu tượng của quê hương và hay ước ao như bà già hoài cổ rằng… phụ nữ Việt Nam bất kể già trẻ lớn bé cứ ra đường là bận áo dài. Mỗi lần nhìn thấy chiếc áo dài, Lan cảm nhận một sự định vị rõ ràng nhất về quốc tịch và cá tính của con người Việt Nam – duyên dáng và kiên cường.

4


08 . N H Ớ N H À

Tại sao chị lại chọn đi du học ở cái độ tuổi mà phần lớn người Việt được khuyến khích nên ổn định? Việc đi du học đã đến với Lan như một kết quả của chuỗi ngày nuôi dưỡng và phấn đấu không ngừng nghỉ cho giấc mơ “đi du học bằng học bổng toàn phần” đẹp đẽ. Giấc mơ đã hình thành từ những năm 20 tuổi, nhưng mãi đến năm 27 tuổi giấc mơ mới thành hiện thực. Như Lan đã chia sẻ trong cuốn sách “Duyên nợ Thái Bình Dương” rằng: “…cứ mơ đi sớm muộn gì cũng được.” Có thể trường hợp của Lan được xem là “hơi muộn” (vào thời điểm cách đây 10 năm) khi khá nhiều bạn bè đồng trang lứa đã yên bề gia thất. Tuy nhiên, Lan đã quyết định ngay mà không mất thời gian suy xét đơn giản vì… làm gì có ai từ chối học bổng để ở nhà kiếm chồng cơ chứ!

Khoảng thời gian học tập ở New Zealand đã cho chị điều gì? Lợi ích lớn nhất Lan đang hưởng lợi từ khoảng thời gian học tập ở New Zealand đó là thái độ làm việc chuyên nghiệp và kĩ năng tập trung cao độ. Phải thú thật thời gian khi gần trở về Việt Nam, Lan rất vui khi được trở về Quê hương sau một thời gian xa cách nhưng cũng khá lo lắng bản thân sẽ bị cuốn trở lại với nhịp độ sống vội vã ở Việt Nam dẫn đến sự mất cân bằng. Tuy nhiên, may quá là sau hơn một năm Lan nhận thấy một số phẩm chất “Kiwi” vẫn được giữ gìn, phát huy, thậm chí trở nên hài hòa hơn với những giá trị riêng giúp Lan phục vụ tốt cho những mục tiêu của mình. Ví dụ, Lan duy trì thói quen quan sát và làm việc hiệu quả qua email để giữ những chuẩn mực làm việc ở môi trường quốc tế tôi đã tích lũy được trong suốt thời gian sinh sống học tập ở New Zealand. Lan cố gắng giúp sinh viên thực hành ngay tại lớp các kỹ năng tư duy phản biện và óc phân tích thông qua việc đặt nhiều câu hỏi, tổ chức các hoạt động tranh biện (debate), thảo luận (discussion), role-play (game đóng vai), xử lý trong các tình huống giả định. Cách tiếp cận bền vững Lan học được từ những năm tháng xa nhà là hiểu về bản thân, biết mình thích gì, có khả năng làm tốt việc gì và kiên trì theo 5


A STO RYT EL L ER

đuổi mục tiêu. Lan đang làm giáo dục đại học một cách rất thích thú. Lan yêu sinh viên của mình vô cùng. Lan cũng biết rất rõ mình thích và có khả năng đồng hành cùng các bạn trẻ trên con đường học hỏi, vấp ngã và đứng lên .

Trong cuốn sách “Duyên nợ Thái Bình Dương”, chị nhắc đến rất nhiều cụm từ “self-love” - yêu lấy chính mình, có phải đó chính là chìa khóa giúp chị vơi bớt nỗi cô đơn trong khoảng thời gian xa nhà? Lan còn nhớ, sau khoảng 3 tháng đầu với nhiều hoạt động thú vị và tâm trạng háo hức ở một môi trường hoàn toàn mới; New Zealand bước vào mùa đông và Lan cũng bước vào mùa đông đầu tiên của lòng mình. Đã rất lạnh và rất buồn… nhưng nhờ thời gian đó Lan mới bắt đầu những bước khám phá đầu tiên về thế giới bên trong tâm hồn mình, mới trò chuyện tâm tình và nhận ra mình đã bỏ bê bản thân… hơi lâu. New Zealand đã dạy Lan tinh thần “self-love” – đó chính là tinh thần biết chăm lo, cân bằng cảm xúc để mình cảm thấy ổn. Đây không phải là sự ích kỷ mà là một cách tiếp cận sự cân bằng thuận tự nhiên và bền vững. Một người đói không thể chia phần cơm của mình cho người khác. Một người bệnh không thể chăm người khác. Một người đang buồn không thể làm người khác vui. Vậy nên, trước tiên phải chăm sóc bản thân để thấy ổn, thấy vui, thấy khỏe trước khi nghĩ đến việc giúp đỡ, yêu thương những người xung quanh. Tinh thần “self-love” tiến bộ này cũng giúp Lan học cách làm bạn với sự cô đơn. Lỗ Tấn đã từng nói rằng: “Khi tôi yên lặng, tôi cảm thấy chắc chắn”. Chính sự đối diện và bầu bạn với sự cô đơn là một bài luyện tập của bản lĩnh, là sự rèn giũa của ý chí để đi qua những thác ghềnh trong cuộc sống với tâm thái an yên. Lan tin chính tinh thần “self-love” lành mạnh này đã góp phần khiến New Zealand trở thành một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới!

6


08 . N H Ớ N H À

Chị có điều gì nhắn gửi đến những độc giả trẻ của mình? Những bạn có ước mơ vươn ra biển lớn? Lan xem mỗi ngày sống là một trải nghiệm nên thật sự trong khoảng thời gian 7 năm Lan đã có rất nhiều trải nghiệm ý nghĩa. Lan không ở đây, lúc này, nếu không dám bước vào, sống và học hỏi từ những trải nghiệm đó. Mỗi phần mỗi chương trong quyển sách Duyên Nợ Thái Bình Dương, Lan có gửi gắm những thông điệp nho nhỏ nhưng xuyên suốt quyển sách, điều Lan muốn gửi gắm nhất đến độc giả là những giá trị của văn hóa sống trải nghiệm. Đối với Lan văn hóa sống trải nghiệm là cơ hội để mình rèn luyện bản lĩnh mỗi ngày, xem thử mình có dám bước ra khỏi vòng an toàn và thử sức với những điều mới mẻ; là cơ hội để mình có thể không chỉ đi qua trải nghiệm cho vui mà để rút ra được những bài học và lớn lên một chút trên hành trình suốt đời học hỏi và lớn khôn. Sẽ có những trải nghiệm của hạnh phúc, của thành công khôn tả; nhưng cũng có những trải nghiệm đã đánh cho mình nhừ tử. Điều chắc chắn- tất cả đều là trải nghiệm và mỗi trải nghiệm có giá trị riêng của nó. Nếu mình cứ ở yên trong một trải nghiệm dù đó là niềm vui hay bất hạnh, thì sẽ chẳng thể nào đến với những trải nghiệm sống tiếp theo. Kiểu bị đóng băng vậy đó. Văn hóa sống trải nghiệm này đã mang đến cho Lan một điều tuyệt vời đó là Lan vững vàng với mọi quyết định trong cuộc sống và Lan lớn lên sau mỗi thử thách, khó khăn. Thế nên thật sự muốn gửi gắm thông điệp này đến càng nhiều bạn đọc càng tốt.

7


3

STORIES / CHUYỆN KỂ

Chuyện Rosie Nguyễn kể

ĐIỀU TÔI THẤY NHỚ

8


08 . N H Ớ N H À

21/03/21 Tuyết bắt đầu tan. Mùa xuân sắp sang. Và tôi ngỡ ngàng nhận ra là mình đã ở Madison được gần sáu tháng. Tôi viết bưu thiếp gửi về cho bạn bè, kể rằng thành phố nơi tôi ở là một nơi nhiều cây cối xanh tươi, không khí trong lành. Ở đây không có toà nhà chọc trời nào. Mọi tòa nhà trong thành phố đều thấp hơn State Capitol, tòa nhà thị chính của bang, cao chỉ vài chục mét. Mùa hè nghe kể ở đây rất đẹp, với âm nhạc đường phố, các phiên chợ nông dân, những cung đường dã ngoại và các khu cắm trại ngoài trời nhộn nhịp. Thật là một nơi cool ngầu rất hợp với tôi. Chỉ có điều, mùa đông ở đây dài tới năm sáu tháng. Nhưng không sao, những ngày đông giá rét đã trôi qua. Wisconsin bang tôi ở đã cho tiêm được hơn 5 triệu mũi vắc xin. Mọi người đều mong đợi mùa hè đến, với triển vọng tỉ lệ miễn dịch được tăng lên và bệnh dịch dần bị đẩy lùi. Bầu trời trong và xanh. Không khí nhuốm đầy mùi vị của hy vọng. Bên ngoài, nhìn từ cửa sổ phòng ngủ, tôi thấy những cô thiếu nữ cởi trần mặc bra chạy bộ trong thời tiết 1 độ xê. Bên trong, lòng tôi ấm áp. Vì tôi vừa đi bộ sưởi nắng với hai người bạn cùng nhà. Tụi tôi dạo ra chiếc hồ lớn đã phủ đầy băng từ mùa đông, nhìn vào khoảng không trắng tinh, rồi thi nhau đổ ụp người xuống những đụn tuyết mềm xốp. Cảm giác hạnh phúc thi thoảng lại ập đến, trong những lúc không ngờ nhất. Nhưng sao trong lòng tôi vẫn nhớ Việt Nam đến thế. Tôi nghĩ rằng mình đã làm chưa tốt bước chuyển cuộc sống từ Việt Nam qua Mỹ. Lúc đi gấp gáp quá, nên tôi thấy mình bỏ lỡ nhiều dự định vẫn chưa kịp làm. Cảm giác tiếc nuối đó nó day dứt tôi, nó làm tôi thấy mình nhớ nhung nhiều thứ.

9


A STO RYT EL L ER

Tôi nhớ những điều thân thuộc ở Sài Gòn. Nhớ những bữa cơm nhà, con đường bờ kè ngoằn ngoèo, quán cà phê yên tĩnh, hàng bán vỉa hè, nào bánh chuối Võ Văn Tần, bắp nướng Phan Văn Trị, bánh mì Gia Lai ở khu Phú Nhuận. Tôi nhớ cái chất nghệ nghệ đầy tính indie của những khu sinh hoạt trẻ ở Sài Gòn, những con hẻm vắng, cả những chung cư cũ, nơi tôi thường lang thang trong những tiệm đồ linen và trò chuyện cùng các cô chủ trẻ dễ thương. Tôi nhớ những buổi sáng mùa đông Hà Nội. Trời rét, nhưng tôi không phải tròng vô người 80 lớp áo như mùa đông Wisconsin. Chỉ cần trùm cái áo nỉ chui đầu Nga thương tình đem cho là đủ ấm. Rồi tôi tản bộ ra đầu ngõ 17 để ăn bánh cuốn Thanh Trì. Nước mắm cô hàng làm khéo vừa, rót từ trong phích ra vẫn còn âm ấm. Ăn kèm với chả quế thơm thơm. Ăn xong đi về tôi sẽ tạt qua mua một bọc hạt dẻ ở tiệm bánh ven đường. Vừa nhâm nhi hạt dẻ còn bốc khói trong tay, tôi vừa thảnh thơi ngắm nhìn không khí lãng bãng đặc trưng Hà Nội những ngày trời lạnh. Nghĩ về Hà Nội, tôi lại nhớ mùi cây ngò già, nhớ nhà của Lâm mà tôi từng tá túc. Nhớ một ngày cuối năm tôi đi tỉnh về, người mệt đứ đừ. Nhung bảo tôi lấy đồ đi mà tắm với nước ngò Nhung vừa đun lên. Tôi chưa khi nào có một trận tắm nào đã đời sảng khoái, tràn ngập cảm giác hạnh phúc và biết ơn như thế trong đời. Người ta bảo mùi nước ngò già có thể giúp “phương hương hóa trọc”, nhờ hương thơm mà xua tan được những ô trược cuộc đời, thấy mình thuần khiết trở lại. Ba mấy năm cuộc đời lần đầu ở thủ đô tôi mới được “phương hướng”. Tôi nhớ nhà ba má tôi. Căn nhà nhiều cây um xùm, hoa hồng, hoa lan, hoa quỳnh đủ thứ. Tôi nhớ những thức rau xanh vừa ngon vừa lành mà má cả năm vun trồng, còn tôi mỗi lần về nhà chỉ việc ra

10


08 . N H Ớ N H À

ngoài vơ cả rổ vào để cuốn bánh tráng. Tôi nhớ những me ngâm, những vú sữa, nhãn lồng mà má vẫn cho tôi ăn thoả thích. Tôi nhớ mùi mứt má ngào, năm nào Tết đến má tôi cũng làm cả chục món mứt ăn cả tháng chưa hết, đúng một chục loại mứt quý vị ạ. À mà tôi nhớ nhứt trong nhà là mấy cây dừa dứa. Hồi mùa hè trước tôi về thăm nhà dừa vẫn còn non nên tôi không nỡ hái. Sau này má tôi cứ tiếc mãi, giá mà lúc đó có buồng dừa đủ lớn để hái xuống cho con ăn. Tôi nhớ bạn bè. Nhớ những lần đi chạy bộ rồi ăn bánh hỏi Quy Nhơn với Châu, nhớ cuộc cà phê tới 11 giờ đêm với Diễm, nhớ những lần qua nhà Uyên kể chuyện thất tình, rồi được mời ăn bánh flan, nhớ hộp trà xinh và chiếc thư tay Thanh gửi. Tôi nhớ những lần tụ họp với hội travel. Nhớ mấy đứa em tôi! Tôi nhớ những cuộc trò chuyện thân tình với chị Tâm, chị Vy, nhớ nhóm The Artist’s Way với những buổi thảo luận cười mỏi cả quai hàm mà lại cực kỳ sâu sắc. Ừ, tôi nhớ những cuộc trò chuyện sâu sắc. Có lẽ đó là điều tôi đang thấy thiếu nhất. Mà bạn biết tôi nhớ gì nhất không? Tôi nhớ đồ ăn. Từ ngày qua đây tôi thường xuyên mơ rằng mình đang ở Việt Nam, đang cùng múi giờ với má, nghĩ ồ giờ mình gọi điện thoại không cần canh giờ nữa. Rồi trong mơ tôi lập tức nhảy lên vui sướng vì có thể ăn đi ăn thoả thích. Những giấc mơ kiểu này cứ lặp đi lặp lại, và tôi mơ thấy mình lúc ở nhà cũ Sài Gòn, lúc ở nhà nội Quy Nhơn, lúc thì đang ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội. Và trong giấc mơ nào, tôi cũng thấy mình lập ra một cái bản đồ trong đầu, rà soát xem chỗ mình ở có đồ gì ngon, và lên kế hoạch tác chiến sáng ăn món gì, trưa ăn món gì, tối ăn món gì, ăn sao cho đã. Ở những bang khác nhiều người Việt nên đồ ăn Việt không thiếu

11


A STO RYT EL L ER

món gì. Còn nơi tôi ở quán Việt gần nhất cách nhà 45 phút xe buýt. Nên tôi càng nhớ cái cảm giác ở Sài Gòn đi ra đầu hẻm là nhà hàng quán ăn ẩm thực đường phố ập vô mặt mình sung sướng ra sao. À mà không, không hẳn là đồ ăn. Hôm trước tôi bỗng thấy mình thèm món salami. Tôi nghĩ quái, lâu nay không thèm thịt bữa nay lại nhớ món này. Học bài xong, tôi tức tốc xách giỏ cuốc bộ tìm mua một cây salami xịn nhứt trong siêu thị. Rồi tôi đem về, cắt liền ba khoanh ăn ngay cho bõ. Ăn xong, tự dưng lòng tôi thấy buồn. Bởi tôi chợt nhận ra, tôi nào có thèm salami. Tôi nhớ tới lần hẹn với Châu ở một nhà hàng Ý tại Hà Nội, ăn món salami thiệt ngon, lần tôi đi ăn cùng Huy và NN ở quán pizza Đạt mở, chúng tôi đã gọi salami kèm lạp xưởng Tây Bắc, cả hồi ở nhà Duyên bốc lủm salami cùng với em rể. Tôi chợt hiểu ra, cái tôi thèm không phải là salami, mà là không khí ấm áp của những bữa ăn cùng với người thân, mà salami chỉ là đại diện. Cái tôi nhớ không hẳn là bánh lọc, xay rim, me ngào, mà là bánh lọc được Quynh dẫn đi ăn, me ngào Tuấn mua cho ở Huế, món ốc nóng một tối trời mưa Quân đem qua, gỏi vả siêu ngon Trâm làm tại nhà, bún nghệ Nha đèo đi ăn. Cái tôi thèm nhớ, là những vòng tay yêu thương và bao bọc, được biểu hiện qua đồ ăn ngon. May sao ở đây lâu lâu tôi cũng được thương. Bữa xuống Atlanta tôi được Duyen đãi ăn đồ Việt ngập mặt, cơm nhà mà Duyên nấu ngon xuất sắc như nhà hàng. Hôm giáng sinh Chip từ Vermont gửi mời tôi một bữa tối từ xa. Tết vừa rồi tôi được chị Thoa cho chiếc bánh chưng, vừa ăn vừa bật nhạc xuân lên nghe cho đỡ nhớ. Anh Hà và Tuấn thi thoảng biểu tôi sang chơi, cho ăn bún bò với gỏi cuốn hết xảy. Nguyễn thì khi nào rảnh lại kêu tôi cùng kho cá nấu cơm. Tôi vẫn có đồ ăn, tôi chỉ thiếu những vòng tay. Covid lan đầy các ngõ ngách nào ai dám ôm tôi.

12


08 . N H Ớ N H À

Nhưng dù nói gì, tình yêu đồ ăn trong tôi vẫn tràn trề lai láng. Hông biết người khác thì sao mấy bạn Mỹ cùng nhà với tôi ăn uống vô cùng dễ dãi. Họ ăn đơn giản, có cái gì ăn cái đó cho xong rồi hùng hục nhào vô làm. Mấy món tôi nấu trong nhà kiểu đậu hũ sốt cà chua, bắp cải cuộn, soup miso, cũng đơn giản mà họ khen quá thể. Còn có những món họ nấu tôi nhìn thấy nuốt không trôi. Đối với tôi, một bữa ăn ngon có thể khiến tinh thần phấn chấn. Hôm trước, tôi đi chợ vô tình mua được con cá thu tươi ơi là tươi, đem về nấu canh cá cà ăn vô một miếng mà thấy lòng tan chảy. Bữa nọ bạn cùng nhà đem về vài trái ổi tươi đương vừa chín tới, chưa bao giờ ngửi mùi ổi chín mà tôi thấy ngây ngất như vậy. Chỉ cần cắt ra chấm với muối tôm thôi mà cắn miếng nào là sướng miếng đó. Ôi dòng máu Việt chảy trong huyết quản, dù khoái đồ Nhật đồ Tây nhưng mà nước mắm muối tôm vẫn là số một trong lòng tôi. Trước khi sang đây tôi có gửi email hỏi thăm và cập nhật tình hình cho một người bác mà tôi kính mến. Bác bảo tôi rằng đi xa là dịp để khám phá và trân trọng thêm những điều ở gần mà mình đã không nhìn thấy. Giờ tôi mới thấm lời dặn dò này biết bao. Tôi chợt thấy rằng cuộc sống của mình trước nay giàu có biết bao. Tôi giàu có tình thân, tôi giàu đồ ăn ngon. Giờ đi xa tôi mới thấy quý. Nay tôi chỉ mong sống sót vượt qua học kỳ khó khăn trước mắt, mong có phép màu sớm hết dịch được về nhà, tôi sẽ xách giỏ đi thăm mọi người và ăn từ Nam ra Bắc. Viết tới đây, tôi chợt nhận ra mình ham ăn thế nào. Nên tôi không viết nữa. Tôi đi xuống nhà kẹp chả lụa pate vào bánh bagel, làm thêm ly sinh tố dâu uống cho đỡ thèm, rồi học bài tiếp.

13


4

14

PHỤC HƯNG BOOKS TỦ SÁCH PHỤC HƯNG


08 . N H Ớ N H À

Kể về hành trình đi xa để tìm thấy chính mình của tác giả Nguyễn Phương Lan, cựu du học sinh New Zealand. Năm 27 tuổi, chị Lan nhận được học bổng toàn phần từ chính phủ New Zealand và quyết định rời xa gia đình để đi học Thạc Sĩ. Kể từ đó, hành trình thấu hiểu và phát triển bản thân của chị mới thực sự bắt đầu. Duyên nợ Thái Bình Dương như một cuốn nhật ký ghi chép lại chuỗi ngày khám phá thế giới và thấu hiểu chính mình của chị Nguyễn Phương Lan, những chiêm nghiệm và bài học chị rút ra được từ những quan sát cá nhân trong cuộc sống, công việc và học tập hàng ngày trên xứ sở Kiwi yên bình và xinh đẹp. Thông qua cuốn sách, tác giả Nguyễn Phương Lan muốn gửi đến bạn đọc thông điệp về lối sống trải nghiệm. Hãy dám dấn thân để làm điều mình muốn, để không bao giờ có cảm giác hối tiếc sau này. Khi viết ra những trải nghiệm của mình, tác giả cũng hy vọng các bạn sẽ thấy mình trong những câu chuyện mà chị kể.

Sách đang được ưu đãi ~

GIAM 30%

khi mua tại

Shopee

HOẶC Được tặng kèm 1 cuốn

MÙA HÈ NĂM ẤY khi mua tại Tiki Giá: 99,000 VND 15


5 RECOMMENDATION FROM PHỤC HƯNG LỜI GỢI Ý TỪ PHỤC HƯNG

Nhân câu chuyện của những người con xa nhà lần này, Phục Hưng muốn rủ bạn cùng nghe lại một bài hát cũ nhưng cảm giác mà nó mang lại thì không bao giờ cũ: ♫ ĐI ĐỂ TRỞ VỀ ♫ Bất kỳ ai trong chúng ta khi đi xa quê hương, xa những điều thân thuộc đã trở thành một phần trong con người mình thì đều thấy nhớ mong, khắc khoải. Cái cảm giác ấy vừa buồn, vừa lãng mạn, vừa đem lại động lực vô hình cho những nỗ lực của mình ở nơi xa. Vì sau tất cả, mình tin là sẽ có ngày mình trở về và những cố gắng ở hiện tại của bản thân không phải là vô nghĩa. Phục Hưng mong rằng, số báo lần này sẽ là món quà tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho mọi người. Và hãy nhớ rằng, sẽ luôn có ai đó mong đợi bạn trở về dù thế nào đi nữa. “Điều kỳ diệu là con người ta đi xa hơn để trưởng thành hơn, không quên mang theo bên cạnh hành trang nỗi nhớ gia đình”. Bây giờ thì hãy cắm tai nghe vào, cùng Phục Hưng lắng nghe và cảm nhận bài hát nhé!

16


Chủ biên: Thái Minh Châu Nội dung: Phan Linh và Cộng đồng người kể chuyện Phục Hưng Thiết kế: Trần Q. Phương Hình ảnh: Anh Do (La Lune), Phục Hưng Books và các nguồn mở

Mua sách trực tuyến tại fanpage Phục Hưng Books <https://www.facebook.com/phuchungbooks> hoặc gian hàng của Phục Hưng trên Tiki <https://tiki.vn/cua-hang/phuc-hung-books>, Shopee <https://shopee.vn/phuchungbooks> Mua trực tiếp tại các cửa hàng trong hệ thống Fahasa, Phương Nam, Cá Chép trên toàn quốc. Tham gia Cộng đồng người kể chuyện của Phục Hưng để đóng góp nội dung: https://bit.ly/PhucHung_Storytellers Tham gia Cộng đồng người đọc của Phục Hưng để nhận những quà tặng sớm nhất: https://bit.ly/PhucHungCommunity Tập san Người kể chuyện - A Storyteller là một sản phẩm nội dung của Phục Hưng Books, vui lòng không sao chép, tái bản khi chưa có sự đồng ý của Phục Hưng. Cảm ơn bạn.

Liên hệ: astoryteller@phuchungbooks.com Website: www.phuchungbooks.com


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.