Thứ Sáu, ngày 18 tháng 03 năm 2022
Số 667
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: Mỹ sẽ không bị cuốn vào chiến sự ở Ukraine "Chúng tôi sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 ở Ukraine", ông Biden nói sau khi nhắc lại sự cam kết của Mỹ đối với các đồng minh NATO và hứa rằng Mỹ sẽ bảo vệ "từng inch" lãnh thổ của liên minh quân sự này.
Ông chủ Nhà Trắng một lần nữa nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không gửi các binh sĩ tới Ukraine, nơi Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt.
Dù khẳng định không triển khai quân tới Ukraine nhưng ông Biden nhấn mạnh nước Mỹ sẽ đảm bảo Ukraine có vũ khí để tự vệ. Mỹ cũng sẽ gửi tiền và viện trợ lương thực cũng như hoan nghênh người tị nạn Ukraine "nếu họ thực sự tới đây".
Trong phần cảm ơn các thành viên Hạ viện đã ủng hộ Ukraine, Tổng thống Biden cho biết ông nói chuyện với người đồng cấp Zelensky gần như hàng ngày và cũng vừa kết thúc cuộc gọi kéo dài 1 giờ hôm 11/3. Ông Biden cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh trong bất cứ động thái nào nhằm vào Nga. Dẫu vậy, có thể vẫn có những người Mỹ đang chiến đấu chống lại Nga trên đất Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những người này có thể phải đối mặt với rủi ro đáng kể, bao gồm cả việc bị bắt hoặc tử vong. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Nga tuyên bố những người Mỹ đến Ukraine và chiến đấu chống lại Nga sẽ bị coi là ‘lính đánh thuê’ hoặc chiến binh nước ngoài. Điều này khiến họ có nguy cơ bị trừng phạt nặng nề hơn". Theo đó, những người quốc tịch Mỹ có thể phải đối mặt với nguy cơ truy tố hình sự, bị bắt giữ thậm chí là tử hình vì đã chiến đống chống lại Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh họ không thể sơ tán công dân khỏi Ukraine bất cứ thời điểm nào. "Các công dân Mỹ đến Ukraine, đặc biệt là với mục đích tham chiến, phải đối mặt với những rủi ro đáng kể, bao gồm nguy cơ bị bắt hoặc tử vong. Như các bạn đã biến, Mỹ không thể tiến hành sơ tán công dân khỏi Ukraine, bao gồm cả những người Mỹ tới đó và tham gia vào cuộc chiến đang diễn ra", ông Ned Price nói. Bộ Ngoại giao Mỹ thì khuyến khích công dân Mỹ giúp đỡ Ukraine theo những cách "mang tính xây dựng" thông qua hỗ trợ nhân đạo và các phương tiện khác. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi công dân Mỹ không đến Ukraine với bất cứ mục đích gì vì sự an toàn của họ. Chúng tôi tiếp tiếp tục khyến khích họ dùng khả năng của mình vào những hoạt động an toàn, mang tính xây dựng, tình nguyện hoặc đóng góp cho cộng đồng", Price nói. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối trả lời thẳng vào câu hỏi liệu có công dân Mỹ nào đang chiến đấu ở Ukraine hay không. Ông Price nói rằng đây không phải lĩnh vực mà Bộ Ngoại giao Mỹ theo dõi bởi công dân không cần phải báo cáo khi họ đi du ra nước ngoài. Trong một diễn biến khác, nhà chức trách Italy đã tiến hành bắt giữ du thuyền trị giá 578 triệu USD của tỷ phú Nga Andrey Melnichenko. Theo nhà sản xuất Nobiskrug, đây là một trong những du thuyền lớn nhất thế giới từng được chế tạo. Melnichenko chính thức bị châu Âu trừng phạt hôm 9/3 như một phần của các biện pháp trừng phạt mở rộng nhằm vào giới tài phiệt Nga.
Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi chấm dứt quy chế thương mại tối huệ quốc dành cho Nga Vào ngày thứ Sáu vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Mỹ thu hồi quy chế tối huệ quốc đối với Nga. Điều này sẽ hạ cấp Nga trong vai trò là một đối tác thương mại và tạo ra những nguy cơ gây thiệt hại cho các mức thuế quan mới đối với Moscow. Theo ông Biden, Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G-7 dự kiến sẽ thực hiện các bước tương tự. Canada đã loại bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Nga vào tuần trước. Hôm thứ Sáu, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu thủy sản, kim cương phi công nghiệp và rượu của Nga vào Mỹ. Lệnh cũng cấm xuất khẩu hoặc bán hàng hóa xa xỉ của Mỹ cho bất kỳ ai ở Nga. Những thứ này bao gồm đồng hồ và quần áo, đồ trang sức cao cấp, rượu đắt tiền và xe hơi sang trọng. Tất cả đều là những món đồ đặc trưng nổi bật trong lối sống của các nhà tài phiệt Nga giàu có. Khi phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden liên tục chỉ ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một người chuyên quyền trong việc quản lý đất nước. Ông Biden cần Quốc hội hành động để thu hồi phân loại thương mại của Nga. Có thể thấy cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều ủng hộ động thái này. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã thông báo rằng Hạ viện dự định thông qua dự luật vào tuần tới để thu hồi quy chế tối huệ quốc của Nga. Tương tự như vậy, Thượng viện Mỹ cũng đang tiến hành một dự luật. "Chúng tôi đang làm việc để đạt được một thỏa thuận mà Thượng viện có thể thông qua nhanh chóng," Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer nói với các phóng viên vào hôm thứ Sáu. Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều tán thành mạnh mẽ các nỗ lực phi quân sự của Tổng thống Biden nhằm trừng phạt Nga và một số đã đề xuất dự luật thu hồi tư cách thành viên WTO của Nga. Thông cáo của ông Biden đánh dấu nỗ lực mới nhất của Mỹ và hàng chục quốc gia khác nhằm tập hợp những nỗ lực chưa từng có của họ với mục đích cô lập và phá hoại nền kinh tế Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cuối tuần trước đã trực tiếp yêu cầu Quốc hội Mỹ thu hồi quy chế tối huệ quốc của Nga. Đầu tuần này, ông Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Mỹ, EU và các nước NATO cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Nga, các thành viên của tầng lớp tài phiệt, giới tinh hoa và thậm chí đối với cả chính Tổng thống Putin. Hàng trăm tập đoàn lớn đã tự nguyện rút doanh nghiệp ra khỏi Nga. Nếu quy chế thương mại nói trên của Nga bị thu hồi, chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ sẽ có thể áp thuế đối với bất kỳ hàng hóa nào mà Nga xuất khẩu sang Mỹ. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ vào năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Mỹ năm 2021 đạt tổng cộng 29 tỷ USD. Phần lớn trong số đó bao gồm các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt.
Phương Tây đang nhằm vào một loạt các nhân vật quan trọng của nền kinh tế Gna để trừng phạt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Linh Anh
Minh Phương
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị