Lời Bạt "Ý Thức Mới" / Nohira Munehiro

Page 1


LỜI BẠT

SÁCH này chính là bản hiệu đính tăng bổ luận án Tiến sĩ của tác giả

có nhan đề Dẫn Nhập Nghiên Cứu Phạm Công Thiện『ファム・コン・

ティエン研究序説』, đệ trình tại Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo, Chương

Trình Sau Đại Học, Khoa Nghiên Cứu Văn Hóa Khu Vực (được ban tặng học vị vào tháng 1 năm 2007). Những đề mục nêu ra dưới đây, lần lượt dựa trên luận văn độc lập đã được phổ biến rộng rãi, nhưng khi đưa vô sách này tất cả đều có sửa chữa và viết thêm.

Chương Một: ‘TỒN TẠI’ ĐƯỢC PHIÊN DỊCH LÀ ‘TÍNH’

(Tựa gốc) “Heidegger và Thiền Đối Với Phạm Công Thiện” (Tạp

chí Nghiên Cứu Ngôn Ngữ - Văn Hóa Khu Vực, Số 11, Đại Học

Ngoại Ngữ Tokyo – Chương Trình Sau Đại Học, 2005, tr. 1–22)

Chương Ba: SEIN, CÁI, CON

Phần 1 Henry Miller Trong Mắt Phạm Công Thiện

(Tựa gốc) “Tồn Tại của Henry Miller và Không Tính của Phạm

Công Thiện” (Tạp chí Delta, Số 5, Hiệp Hội Henry Miller Nhật

Bản, 2003, tr. 32–44)

Phần 2 ‘Mệnh Đề’ của Phạm Công Thiện

(Tựa gốc) “Henry Miller Đối Với Một Người Việt Nam” (in trong

Đọc Henry Miller, Honda Yasunori & Matsuda Kenjiro biên tập, Suiseisha xuất bản, 2007, tr. 263–293)

Chương Bốn: TÌM VỀ CĂN NGUYÊN NGÔN NGỮ

Phần 1 Phản Nghịch Mặt Trời

(Tựa gốc) “Sự Phá Hủy của Phạm Công Thiện Đặt Trọng Tâm

Tác Phẩm Thời Chiến Tranh Việt Nam, Mặt Trời Không Bao Giờ

Có Thực” (Tạp chí Văn Học, Quyển 2 Số 2, Iwanami Shoten xuất

bản, 2001, tr. 140–152)

Đó là mùa hạ năm 1995. Lúc đang học chương trình Thạc sĩ. Lần đầu tiên

tôi bắt gặp tác phẩm của Phạm Công Thiện tại một tiệm sách cũ nổi tiếng ở

khu phố cổ Hà Nội. Cầm trên tay cuốn sách dầy cộp có tựa đề mà tôi đã sử dụng lại làm tên của sách này, đó chính là tác phẩm Ý Thức Mới trong Văn

Nghệ và Triết Học. Chỉ mới lướt qua mục lục mà tôi đã bị cuốn hút trước tiên, nào là “Ý Thức Hư Vô” tới “Ý Thức Tuyệt Vọng” nối tiếp “Ý Thức Tự Diệt” , toàn những từ ngữ không được đánh giá tích cực đối với nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam. Lật đại thêm vài trang, ngay lập tức đầy rẫy những chữ ‘chết chóc’ với ‘điên cuồng’ nhảy bổ vào mắt tôi. À có cả Céline nữa một tên tuổi tôi biết được thông qua thể loại âm nhạc free jazz của Nhật Bản khi tôi

lên Tokyo những năm đầu Đại Học①, điều này cũng là một nguồn cơn rất

quan trọng khiến tôi thêm hứng thú.

Sau đó, như đa phần độc giả của Phạm Công Thiện có lẽ cũng vậy, tôi hoàn

toàn bị quyến rũ bởi giọng văn tuy uyên bác ra vẻ học giả, nhưng cũng rất

quá khích, có lúc làm bộc phát tình cảm không kềm chế được, và cũng phần

nào ngưỡng mộ lối sống bạt mạng của bản thân ông có ghi trong tác phẩm.

Tôi đã chìm vào thế giới của Phạm Công Thiện lúc nào không hay. Để rồi có cảm giác như ông đã nói hộ một cách tuyệt vời những suy nghĩ mà tôi lúc bấy giờ dương dương tự đắc nào là «nhân văn mơ hồ văn học lừng khừng / chính trị hẹp hòi lý luận ranh mãnh / tôi muốn tất cả chúng phải câm miệng» (trong bài Kỹ Nữ Ca「ぱんぱんの歌」của thi nhân Kaneko Mitsuharu [1895–1975]). Ồ không, đâu chỉ bấy nhiêu đó, mà ở một thời đại và nơi chốn hoàn

toàn phù hợp để gào thét như thế, thực tế Phạm Công Thiện đã tư tưởng hóa nó, chống chọi nó một thân một mình. Bằng cách nào đó tôi muốn giới thiệu với Nhật Bản về ‘Rimbaud của Việt Nam’ khác xa với những ấn tượng đại loại ① (nd.) Chi tiết này có lẽ làm độc giả khó hiểu. Trước hết cái tên Céline xuất hiện trong Ý Thức Mới chính là tiểu thuyết gia người Pháp Louis-Ferdinand Céline (1894–1961), nhưng đối với free jazz Nhật Bản thì ông có liên quan gì? Nói đến free jazz ở Nhật, những tên tuổi tiếng tăm vang dội gây ảnh hưởng rất lớn có thể kể đến Yoshizawa Motoharu (1931–1998), Takayanagi Masayuki (1932–1991), Takagi Mototeru (1941–2002), Abe Ka-oru (1949–1978), … Đặc biệt trong đó, tay saxophone tài hoa mệnh yểu Abe Ka-oru có 2 album chiếm một vị trí độc đặc trong lịch sử free jazz được ghi âm năm 1975 mang tên Mort à crédit và Nord đều là sử dụng lại nhan đề 2 tiểu thuyết của nhà văn Céline. Có lẽ tác giả Nohira đã nghe qua 2 album này, và chúng tôi cũng chỉ có thể suy đoán như vậy hòng phần nào làm rõ hơn ý nghĩa câu văn.

Việt Nam tội nghiệp trong thời đại chiến tranh Việt Nam ai ai cũng đem lòng

thương cảm, hay một Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng có chính nghĩa đã chiến

thắng đế quốc Mỹ. Chứ nếu lỡ chôn vùi một tồn tại như ông trong bóng tối

của lịch sử, có lẽ thế giới này sẽ càng thêm vô vị, tôi nghĩ vậy. Để lưu giữ

Phạm Công Thiện trong trí nhớ đời này, và để ông lên tiếng nói hộ nỗi lòng

mình, đầu tiên tôi đã chọn ông như một đối tượng nghiên cứu có tính chất

văn học, rồi bắt đầu nghiên cứu từ tính phá hủy và độ mãnh liệt trong tác

phẩm văn học của ông, xem ông là một tiền vệ văn học ở Việt Nam hiện đại.

Thế nhưng, đúng khi tôi định lý giải toàn bộ chân dung con người Phạm

Công Thiện, thì vấp phải tư tưởng quá sức khó hiểu của ông được triển khai

trên bối cảnh tri thức mênh mông về triết học Tây phương và tư tưởng Phật

Giáo. Trước hết phải nói đến mấy thuật ngữ đơn thuần như ‘Tính’ ‘Tính thể’ ‘Thể tính’, tôi chẳng thể nào lý giải nổi. Đó là những chữ chủ yếu trong tác phẩm Hố Thẳm Tư Tưởng và Im Lặng Hố Thẳm, nhưng vẫn thường xuyên

xuất hiện cho đến cả những trước tác về sau, ngoài ra, chúng còn đóng vai

trò là dịch ngữ Hán-Việt cho chữ Sein của Heidegger, điều này bề ngoài hoàn

toàn dễ hiểu, nhưng tôi lại không hiểu tại sao phải dịch thành những chữ

như thế, đối với tôi một người hầu như không biết không quan tâm đến

Heidegger cũng như Phật Giáo, cái chữ nghe không quen như ‘Tính thể’ chẳng

hạn, quả thật rất đau đầu, và cho dù đã thấy có dịch thành ‘Tồn tại’, nhưng

cách này càng làm sự việc càng lúc thêm không hiểu gì hết, và nếu dịch là

‘Tồn tại’ thì việc phiên dịch Im Lặng Hố Thẳm sẽ là điều bất khả.

Tuy nhiên, một khi đã ôm mối quan tâm và tiếp nhận như là đối tượng nghiên cứu, không thể bỏ cuộc nửa chừng được, mà ở Nhật cũng không có một tác giả nào khác giới thiệu về Phạm Công Thiện cả, cho nên nếu nhìn từ góc độ những nhà chuyên môn của từng một vấn đề triết học và tông giáo, có thể hiểu biết của tôi còn non nớt cạn cợt, nhưng tôi đã gắng hết sức làm sáng tỏ tư tưởng của ông bằng chính lý giải của mình cho đến lúc này. Đúng như tựa gốc ban đầu của luận án cho hay, sách này vốn mang tính cách ‘dẫn nhập’ vào Phạm Công Thiện và thế giới chưa biết trải rộng bất tận ở phía sau thông qua ông.

Tôi đã tiêu tốn một thời gian khá dài cho ‘dẫn nhập’ này, là bởi vì trong

chừng mực nào đó, mình trót mang thân lập chí nghiên cứu Việt Nam, mà

nếu không trải nghiệm tư tưởng Việt Nam của ông, chắc chắn không tiến bộ

được rồi. Ít nhất đối với tôi, nếu không nhận thức được rằng, những khái

niệm tất yếu trong quá trình viết luận án như ‘đối tượng nghiên cứu’ ‘nghiên

cứu khách quan’ ‘luận lý’ ‘căn cứ học vấn’ chẳng hạn, đều bắt rễ trong ‘luận

lý’ của Tây phương thứ đã gây ra ngay cả chiến tranh Việt Nam , chứ không

phải là những khái niệm có gốc rễ ở Việt Nam, thì đã không thể nào tiến triển

được. Nói là vậy, nhưng để viết luận án, nếu phải nương tựa vào suy nghĩ kiểu như «nhất thiết chư pháp giai như mộng / vô thuyết vô thính vô tri giả»

「一切諸法皆如夢。無説無聽無知者」[tất cả các pháp, hết thảy, như mộng / người nói, người nghe, cũng như người biết, đều không có] trong Kinh Ma-ha Bát-nhã

Ba-la-mật (dù tôn giáo của Việt Nam không phải chỉ có Phật Giáo Đại Thừa), xét với năng lực của tôi cũng là điều hoàn toàn bất khả. Tuy thế, tôi nghĩ rằng, lời dạy bát-nhã trên và ‘vô tự’ của Nguyễn Du, đó là vấn đề cần phải

suy nghĩ một cách phản tỉnh, như là vấn đề cơ sở của tư duy của bản thân

mình đang thực hiện nghiên cứu lấy Việt Nam làm ‘đối tượng’ .

Mới đầu, khi khởi sự quan tâm đến Phạm Công Thiện, thời đó mạng internet

chưa phổ cập cho lắm, bởi vậy tôi cũng không biết chắc được ông còn sống

hay không. Loay hoay tìm kiếm tin tức ông, thế rồi tôi đánh bạo gửi thư đến

địa chỉ nhà xuất bản ở California nơi xuất bản các trước tác của ông. Nhớ lại, đó là lá thư với lời lẽ hết sức vô lễ, tôi viết: «Ông đã tự sát rồi chưa?» Kết cục, hình như lá thư không tới tay ông, sau đó hết cách này đến cách khác tôi lần theo từng manh mối một, cuối cùng tôi đã gặp được ông lần đầu tiên vào năm 1998, lúc đó ông đang cư ngụ tại California. Từ bấy đến nay, đã mấy bận tới lui gặp ông, khi thì ngụ lại ngôi chùa mà ông ở trọ, lúc thì được cho tá túc ở nhà hiền thê của ông người chăm lo cuộc sống của con người nghèo rớt

mồng tơi như ông, được hầu chuyện cùng ông, được ông tặng cho những tư

liệu khó tìm. Một bầu không khí chẳng đượm chút gì cảm giác căng thẳng khó gần lan truyền từ văn chương thuở trẻ của ông, nhưng rồi sau đó ông

hiện nguyên hình y hệt văn chương mình đã viết ra. Chung quanh ông, không

hiểu sao lúc nào cũng phát khởi một cơn náo động nào đó.

Tôi cũng đã ngỏ lời nhờ cậy ông trực tiếp hướng dẫn luận án, vì trước đây

ông đã từng hướng dẫn luận án Tiến sĩ ở Đại Học bên Pháp. Rồi do tư tưởng

của ông khó hiểu quá sức, cho nên có lúc tôi đâm nghĩ xằng chớ phải mà ông

viết giùm luận án cho mình thì chắc chắn là tối ưu nhất. Có điều, chỉ là mơ

mộng chút thôi, đương nhiên rồi. Lúc đó, ông đã ‘hướng dẫn’ cho tôi như vầy.

«Luận án các cái linh tinh, đơn giản chỉ là academic game [trò chơi của trường

lớp]. Bởi là academic game đơn thuần, nên chỉ cần ghi chép cho thiệt tỉ mỉ

mấy cái chú thích với lại sách tham khảo là ngon lành. À quên, đừng có đọc

sách này nọ ha. Sách của tôi cũng vậy, quăng tuốt luốt hết đi. Mọi thứ nó

nằm trong tim anh rồi.» Tôi cảm thấy thống khoái với lời ‘hướng dẫn’ cực kỳ

đúng chất ông, nhưng chẳng thể nào tuân theo một ‘hướng dẫn’ nguy hiểm

đến vậy.

Mà, lúc này đây, nhớ lại lời ông thấy rớt nước mắt. Cho đến lúc viết xong luận án, cuối cùng, tôi mới lãnh hội được đó chính là lời hướng dẫn của một

Thiền sư Việt Nam đã phá vỡ mọi khuôn hình, tức là phải «đọc Heidegger hay

Heraclitus bằng máu với nước mắt» [HT 158–159]. Đời mình trôi đi trong cái

run rủi của số phận không ngờ có thể gặp được nhân vật như ông, được đọc

trước tác của ông, lại còn có thể nghiên cứu về ông nữa, đối với tôi đó là một

hạnh vận mà phải nói cho chính xác là tới mức Tháo Đáy.

«Ở quê hương tôi, người ta nói lời cảm tạ. ①» Không biết tôi có được phép lập lại lời của thi sĩ René Char mà ông vẫn hay mở miệng ra nói không nữa.

Luận án cho tới lúc này, tôi hoàn toàn chưa ghi được một câu cảm tạ nào hết, thì tại đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với ông tư tưởng gia Phạm Công Thiện. Và cô Sương hiền thê của ông một người rộng lượng, lúc nào cũng dịu dàng tiếp đón tôi kẻ không mời mà cứ vác mặt trơ trơ đến, rồi thượng tọa Thích Thông Niệm, cô Lâm Huệ, cả chị Tina con gái ông nữa, tôi chân thành cảm ơn mọi người, tự đáy lòng. Thế rồi, trải bao khổ nhọc tôi vẫn gắng sức để có thể đi đến đây, ấy cũng là

① (nd.) Đây là câu cuối cùng của bài “Qu'il vive!” [Eng “Long live …”], in trong tập Les Matinaux [Eng. The Dawn Breakers]. Nguyên văn: «Dans mon pays, on remercie» [Eng. In my country, we say thank you]. Phần Anh dịch tương ứng trong dấu [ ], được rút ra từ Selected Poems of René Char, Edited by Mary Ann Caws and Tina Jolas, New York: New Directions, 1992, pp. 66–67.

do may mắn gặp được những người thầy hướng dẫn tận tình, cho phép tôi

mạo hiểm dấn thân vào những lãnh vực quá rộng lớn mà bản thân chưa hề

biết tới. Trong các thầy hướng dẫn và thẩm tra luận án Tiến sĩ ở Đại Học

Ngoại Ngữ Tokyo, thầy Nishinaga Yoshinari 西永良成 nhà nghiên cứu văn

học Pháp (hiện là Quán trưởng Nhật Bản Quán [Maison du Japon] thuộc Đô Thị

Đại Học Quốc Tế Paris [Cité International universitaire de Paris]) , vẫn còn nhớ ra tôi đã hoàn thành môn tiếng Pháp của thầy thời Đại Học, âu cũng là nhân

duyên, hơn nữa, do đề tài tôi chọn nghiên cứu về một tác giả lưu vong giống

như thầy nghiên cứu về Milan Kundera, cho nên thầy mới chịu nhận vai trò phiền phức đó là làm giáo sư hướng dẫn chủ nhiệm luận án Tiến sĩ của tôi.

Có lúc nản chí, những nghiên cứu của thầy phải đương đầu với thơ René Char cực nan giải đã khích lệ tôi không biết đến nhường nào. Với thầy Kawaguchi

Ken-ichi 川口健一, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, người thầy đã dạy dỗ cho tôi suốt từ những năm Đại Học. Bài học lớn nhất tôi học được từ thầy, đó

là thái độ nghiên cứu nhất quán không bao giờ đánh giá một tác phẩm văn

học chỉ từ sự thịnh hành nhất thời. Một điều chắc chắn là nếu tôi không gặp

được nhị vị ân sư, thì nghiên cứu này hoàn toàn bất khả. Tuy không được

trực tiếp diện kiến với giáo sư Nishitani Osamu 西谷修 bậc thầy tư tưởng

hiện đại, nhưng tôi học được rất nhiều điều cơ sở từ vô số trước tác của thầy

người đã đưa ra luận điểm cực kỳ minh xác về những vấn đề nan giải, đặc

biệt liên quan đến chiến tranh cận đại và Heidegger, tôi đã căn cứ chủ yếu

trên quan điểm của thầy. Nói tới Phạn ngữ xa lạ cũng như tư tưởng Ấn Độ

hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, tôi được thầy Mizuno Yoshifumi 水野善文

chuyên gia văn học Ấn Độ chỉ giáo rất nhiều.

Trong hội đồng thẩm tra luận án Tiến sĩ, các thầy kể trên thuộc Nội Bộ trường, còn Ngoại Bộ có thêm thầy Nishi-e Masayuki 西江雅之. Thầy là giảng sư thỉnh giảng của trường, tôi đã lẽo đẽo theo thầy suốt từ thời Đại Học, không chỉ có ngôn ngữ học, mà về văn học, về con người, tôi lãnh giáo từ thầy nhiều lắm. Lần đầu tôi biết đến suy nghĩ: «Sự thật là thế giới này bằng phẳng, cho nên người ta chia phần nó một cách thích đáng», cũng từ thầy mà ra, và cũng nhờ thầy mà tôi có thể nhận thức rõ đó là bởi vì mình nói ngôn ngữ. Thời Đại Học, tôi có nghiên cứu nhóm văn nghệ siêu thực ở Việt Nam,

một câu nói rất khơi gợi của thầy mà đến giờ tôi vẫn luôn khắc ghi coi như

một đề tài cho mình, ấy là: «Người nghiên cứu Chủ nghĩa Siêu thực, lại là

người cách ly khỏi siêu thực xa nhất». Ở một trường Đại Học nhỏ nơi mà tôi

đã bước vào với cảm giác thoải mái kiểu nửa đùa nửa thật chớ không biết có

thể học mấy môn đại loại lý luận cách mạng và chiến thuật du kích không

nữa , việc tôi được thọ nhận sự hướng dẫn của các vị thầy như đã kể, thực sự là điều hết sức may mắn trong đời.

Thầy Honda Yasunori 本田康典 Hội trưởng Hiệp Hội Henry Miller Nhật

Bản, học hội đầu tiên mà tôi được gia nhập , đã tỏ lòng quan tâm trước tiên

đến Phạm Công Thiện và nghiên cứu của tôi. Thầy đã chỉ dẫn rất nhiều về

Henry Miller, cung cấp cho tôi các tư liệu liên quan hết sức hào phóng. Thầy

cũng giới thiệu cho biết thêm những vị giống như Phạm Công Thiện có

mối quan hệ thân hữu với Henry Miller, ví dụ thi sĩ Ueno Shori 上野霄里, hay họa sĩ Irving Stettner. Xin được cảm tạ ơn dầy của thầy người hết lòng chỉ

bảo cho một đứa sinh viên không thuộc khoa nghiên cứu văn học Anh Mỹ.

Để xuất bản sách này, suốt một thời gian dài tôi đã nhận sự giúp đỡ của

ông Nakagawa Kazu-o 中川和夫 thuộc bộ phận biên tập của nhà xuất bản

Iwanami Shoten, ông đã coi sóc bản thảo từng li từng tí giúp tôi kẻ chẳng

biết chút gì về công việc xuất bản chuẩn mực, dù trước đây từng đi làm thêm

mấy việc lặt vặt không tên ở một xó xỉnh của ngành xuất bản. Cho nên, lời

cảm tạ sau cuối này, tôi xin gửi đến ông Nakagawa người đã giúp cho cuốn

sách ra đời, cùng toàn thể các vị liên đới ở nhà xuất bản Iwanami Shoten.

Hạ Môn, tháng 4 năm 2009

Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.
Lời Bạt "Ý Thức Mới" / Nohira Munehiro by 書香 Thư Hương - Issuu