

Y gian đạo
《医间道 十站旅行带你进入中医殿堂》YI JIAN DAO - SHI ZHAN LV XING
DAI NI JIN RU ZHONG YI DIAN TANG by 余浩 (YU HAO); 郑黎(ZHENG LI)
Y GIAN ĐẠO – 10 chặng hành trình bước vào đại điện Đông y, Dư Hạo – Trịnh Lê – Nhậm Chi Đường
Copyright ©2011 BY 余浩;郑黎
Originally published by China Press of Traditional Chinese Medicine Co., Ltd.
This translation is published by arrangement with China Press of Traditional Chinese Medicine Co., Ltd. Vietnamese Translation Copyright © 2024 by Thien Tri Thuc Publishing Company
All rights reserved.
Cuốn sách được xuất bản theo hợp đồng bản quyền giữa China Press of Traditional Chinese Medicine Co., Ltd. và Công ty TNHH Xuất bản Thiện Tri Thức, số 75B Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam.
Không chấp nhận mọi hình thức sao chép, in ấn hoặc chuyển thể sang các hình thức xuất bản điện tử nào mà chưa có sự cho phép của Thiện Tri Thức.
Đội ngũ thực hiện: Nhân Hòa Y Đạo – Tú Oanh – Thảo Triều – Thủy Mộc – Biko –Khánh Linh – Haliday – Khánh Minh – Mầu Quang Hưng
Đọc s á c h c h o t â m t rí c ũ ng c ầ n n hư
c c h o cơ t h ể
Địa chỉ: Số 75B, Phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội Tel: 0328.033.988
Website: https://thientrithuc.com.vn/
Mọi thông tin xin gửi về:
• Góp ý về biên tập: edit@thientrithuc.com.vn
• Tư vấn về dịch vụ xuất bản: contact@thientrithuc.com.vn

3.1.
3.4.
vu can .........................................
Điều thứ 2: Chư hàn thu dẫn, giai thuộc vu thận ................................................
Điều thứ 3: Chư khí phẫn uất, giai thuộc vu phế
Điều thứ 4: Chư thấp thũng mãn, giai thuộc vu
Điều thứ 5: Chư thống dạng sang, giai thuộc vu tâm (hỏa) ................................
Điều thứ 6: Chư nuy suyễn ẩu, giai thuộc vu thượng ...........................................
Điều thứ 7: Chư quyết cố tiết, giai thuộc vu hạ
Điều thứ 9: Chư bệnh thủy dịch, trừng triệt thanh lãnh, giai thuộc vu hàn .........
thứ 11: Chư
Điều thứ 16: Chư trướng phúc đại, giai thuộc vu nhiệt........................................ 260
Điều thứ 17: Chư bệnh hữu thanh, cổ chi như cổ, giai thuộc vu nhiệt ................. 260
Điều thứ 18: Chư chuyển phản liệt, thủy dịch hỗn trọc, giai thuộc vu nhiệt ........ 261
Điều thứ 19: Chư ẩu thổ toan, bạo chú hạ bách, giai thuộc vu nhiệt ................... 262
Điều thứ 20: Chư khiếu can sáp, can khái thiểu đàm, bì mao bất nhuận, giai thuộc vu táo ..............................................
Điều thứ 21: Chư bệnh thấp nhiệt, giai dương thất vu thăng..............................
Điều thứ 22: Chư phủ khí nghịch, giai khí thất vu giáng .....................................
Điều thứ 23: Chư chứng đối lập, âm dương thác tạp, giai thất vu hòa ................
Điều thứ 24: Chư đàm quái bệnh, giai thuộc vu tỳ thận ......................................
Điều thứ 25: Chư mạch bất thông, thống như châm
Lời dịch giả
“Đông y không ở đâu xa, nó tồn tại trong đời sống của chính chúng ta, từ cách chúng ta sinh hoạt, ăn uống hay cả các mối quan hệ xung quanh đều chứa đựng những đạo lý của Đông y cả. Muốn học tốt Đông y, điều em cần làm là tiếp cận đúng hướng rồi tham ngộ dần những đạo lý trong đó, và có phản hồi tích cực…”
Đây là những lời Dư Hạo tiên sinh dặn dò những ngày đầu khi tôi bắt đầu biết đến học thuật của thầy. Tiếp cận đúng hướng ở đây chính là biết được mình cần bắt đầu từ đâu, các
giai đoạn cần nắm được những lý luận, kỹ năng gì để không bị
lạc trôi giữa mênh mông biển hồ tri thức. Cũng giống như việc mình có trong tay một tấm bản đồ, một kim chỉ nam để dẫn
đường đi đến đích vậy, cuốn sách Y gian đạo - 10 chặng hành trình
bước vào đại điện Đông y sẽ là cuốn cẩm nang hướng dẫn chúng ta từng bước một từ nhập môn y học cổ truyền đến nâng cao
tư duy trong chẩn đoán điều trị bệnh. Hơn 10 năm nay, cuốn
sách này tuy đã bạc màu nhưng vẫn luôn là bảo bối giúp tôi
giữ vững nền tảng và tìm ra những đột phá trong kê đơn dụng dược… Nhờ vậy, tôi thấy mình ngày càng đam mê với công việc khám chữa bệnh cứu người, ngày càng mạnh dạn tiếp nhận các thách thức mới, và cũng nhiều người bệnh được chữa lành, được kéo dài sự sống hơn.
Là một người đã từng trải qua cảm giác mất phương hướng trong những ngày đầu tiếp cận y học cổ truyền, đã từng mua
cả tủ sách bao gồm rất nhiều phương diện trong Đông y về để
đọc, đã từng đi tìm và tham gia rất nhiều khóa học được mở
ra khắp nơi nhưng sau vẫn không hiểu bản chất của Đông y.
Tôi nhận thấy điều quan trọng nhất chính là trước tiên phải
xây dựng một nền tảng, hiểu được gốc rễ Đông y, thì sau này nhìn thấy một đơn thuốc hay một phương huyệt, ta mới hiểu
được chiến thuật, biết được thế bệnh, từ đó chắt lọc để áp dụng
cho các ca bệnh mà mình đang theo dõi. Dụng dược như dụng binh, muốn trở thành một vị tướng quân, giỏi bày binh bố trận, đánh trăm trận trăm thắng, thì điều đầu tiên là cần phải quan
sát thế trận, học binh pháp, hiểu được triết lý nhà binh… Y gian
đạo chính là đang giúp chúng ta xây dựng nền tảng vững chãi
ấy. Cuốn sách sẽ cung cấp cho chúng ta những kiến thức căn
bản nhất về quy luật vận hành của âm dương khí huyết trong
cơ thể, hướng dẫn chẩn đoán, dựa vào mạch học đánh giá tình
trạng bệnh, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong lâm sàng,
để sau khi đọc chúng ta có thể dùng và kiểm chứng hiệu quả, điều chỉnh sao cho phù hợp với thể chất người bệnh. Tôi cho
rằng, đây có thể được coi là cuốn sách giáo khoa nhập môn cho
tất cả những ai mong muốn học Đông y, cũng là cuốn cẩm nang gối đầu quan trọng cho những bác sĩ đang làm công tác khám
chữa bệnh và giảng dạy như tôi.
Nếu coi Y gian đạo như cẩm nang hướng dẫn du lịch đến đại
điện Đông y, thì bốn chương đầu sẽ là quá trình chuẩn bị hành trang cần thiết trước khi lên đường. Phần đầu cuốn sách sẽ giảng cho chúng ta về tâm pháp, phá vỡ những rào cản khi bắt đầu học Đông y, giới thiệu quy luật hình thành và vận hành của
âm dương, ngũ hành, đồng thời xây dựng Đồ hình tuần hoàn
âm dương khí huyết tạng phủ là kim chỉ nam quan trọng dẫn dắt chúng ta đi hết toàn bộ hành trình. Mười chương tiếp theo sẽ là 10 chặng hành trình thú vị, ở mỗi chặng cảnh sắc khác nhau, chúng ta sẽ có những nhiệm vụ khác nhau. Tôi tin rằng
sau mỗi chặng hành trình, các độc giả sẽ gặt hái được nhiều thu hoạch, và nâng tư duy của mình lên một cảnh giới cao hơn. Sau khi ứng dụng những điều này trong thực tế lâm sàng, đánh giá hiệu quả, có phản hồi tích cực, sẽ tạo động lực cho chúng ta tiếp tục đào sâu nghiên cứu, mở rộng góc nhìn trong điều trị.
Cuốn sách này chứa rất nhiều nguyên văn trích dẫn từ các
tác phẩm kinh điển, nội dung chủ yếu là Hán văn cổ, trong quá trình biên dịch, nhóm dịch thuật Nhân Hòa Y Đạo vẫn sẽ giữ nguyên văn kinh điển đồng thời sẽ cố gắng hết mình trong
phần chú thích và giải nghĩa để mang nội dung dễ hiểu, gần
gũi nhất đến cho mọi người có thể cùng học tập.
Thoáng cái đã hơn 10 năm trôi qua, Nhậm Chi Đường đã
ngày càng lớn mạnh, danh tiếng cũng như lý luận Đông y của
Dư Hạo tiên sinh cũng được lan truyền đi khắp muôn nơi, tạo
nên giá trị cho hàng ngàn vạn người, trong đó có cả những y
bác sĩ và người yêu Đông y tại Việt Nam. Cám ơn sự tin tưởng
từ Dư Hạo tiên sinh, cho phép Nhân Hòa Y Đạo được tiến hành
biên dịch cuốn Y gian đạo để đưa Đông y tiếp cận đến đông đảo bạn đọc, hy vọng có thể tạo dựng được thêm giá trị cho nền Đông y Việt Nam, nâng cao năng lực tư duy điều trị của các bác
sĩ, từ đó giúp đỡ được thêm nhiều người bệnh.
Xin trân trọng giới thiệu Y gian đạo - 10 chặng hành trình bước vào đại điện Đông y đến các quý độc giả thân mến!
Thượng Hải ngày 31/12/2023
Bác sĩ Thương Yêu
Bác sĩ Đặng Hữu Phúc
Cảm nhận của nhóm
dịch thuật Nhân Hòa Y Đạo
Cây muốn phát triển tươi tốt thì phải có bộ rễ khoẻ và chắc.
Một bác sĩ Đông y giỏi thì cần phải nắm chắc được các lý
luận cơ bản. Y gian đạo chính là một quyển sách được thầy Dư
Hạo cô đọng và hệ thống lại toàn bộ lý luận của Đông y truyền
thống giúp bạn đọc không những được củng cố lại kiến thức mà
còn mở rộng thêm được nhiều góc nhìn mới về Đông y. Mong rằng sau khi đọc quyển sách này, “bộ rễ kiến thức” của bạn sẽ
được phát triển, mở rộng và có thêm động lực đào sâu tìm hiểu
thêm nhiều góc nhìn mới về Đông y và áp dụng nó trong công cuộc chữa bệnh cứu người.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hương
Lý do bạn đọc cuốn sách này là gì? Là vì bạn đang học, đang làm nghề liên quan đến Đông y? Hay bạn là người yêu thích Đông y, muốn tìm hiểu sâu hơn về nó? Hay chỉ đơn giản là bạn muốn thông qua Đông y để biết cách phòng tránh và trị bệnh cho mình và người thân? Tất cả đều được. Thật ra, Đông y không phải là một bộ môn trừu tượng và huyền học, tất cả những lý luận của Đông y đều được các bậc cao nhân hàng bao
đời đúc rút thành, thông qua quá trình quan sát, cảm nhận từ thiên nhiên, từ cuộc sống v.v. Xã hội ngày càng phát triển,
vấn đề chăm sóc sức khoẻ của con người cũng ngày càng được
chú trọng; do đó Y gian đạo là một cuốn sách vô hữu ích và thiết thực với tất cả mọi người. Bởi lẽ, cuốn sách này hệ thống lại
toàn bộ lý luận Đông y từ âm dương, ngũ hành, ngũ tạng lục
phủ, đến phương dược, cách khám bệnh kê đơn, bệnh án v.v.
Quan trọng nhất đó là người đọc có thể học được phương pháp
tư duy và vận dụng Đông y vào trong thực tiễn của thầy Dư Hạo, chẳng phải “cho con cá không bằng dạy cách bắt cá” hay sao?
Hy vọng Y gian đạo sẽ trở thành cuốn sách gối đầu giường của
tất cả những người quan tâm và yêu thích Đông y.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền Hương
Biến cái trừu tượng thành cái cụ thể, biến y lý khô khan trở thành những sự vật hiện tượng quen thuộc của đời sống, đó
chính là "môn đạo" mà mình học được khi đọc sách thầy Dư
Hạo. Trong Y gian đạo, mỗi bài thuốc, mỗi vị dược liệu thầy đều có mô tả một cách cụ thể và rõ ràng kèm theo sự minh họa cụ
thể của "kim chỉ nam" nêu bật được mấu chốt của vấn đề. Từ
đó mà người đọc sẽ nắm bắt được tư duy, cơ chế cũng như tác dụng của bài thuốc ứng với một chứng cụ thể, và khi áp dụng trên lâm sàng sẽ thấy hiệu quả giống như "dựng cờ thấy bóng".
Mong bạn đọc sẽ yêu thích cuốn sách này và rút ra được nhiều
kiến thức áp dụng vào công việc thực tiễn.
Bác sĩ Lang Hà
Học hỏi kiến thức từ những bậc danh y đời trước, kế thừa kinh nghiệm của những hiền nhân đời sau, thầy Dư Hạo một
đời chuyên tâm bước trên con đường y nghiệp. Cùng với những
trải nghiệm bản thân và tích lũy lâm sàng, ông đã cô đọng, hệ thống lại tư duy Đông y một cách rõ ràng, rành mạch thông
qua cuốn sách này. Công đức của thầy đối với hậu thế y gia quả thực không ít, là một tấm gương sáng để bao lớp nhân tài đời sau học hỏi.
Bác sĩ Đỗ Phú Thắng
Bác sĩ Nguyễn Thái Hanh
Được đọc và dịch quyển sách chứa một kho kiến thức rộng lớn như thế này khiến mình cảm thấy những thứ vốn khó hiểu
trước đây hóa ra lại đơn giản và gần gũi đến vậy. Sách thầy
Dư Hạo viết rất cô đọng, mỗi một phần nhỏ đôi khi được chia
sẻ dưới hình thức câu chuyện, các y án trong quá trình thầy
hành y chữa bệnh, kinh nghiệm sử dụng dược phương, phân
tích lý luận trong các sách kinh điển. Tuy phần cổ văn y học
dịch khá khó khăn, vì mình chưa hiểu được hết các đạo lý
sâu xa thầy muốn nói, nhưng chúng mình đã luôn cố gắng tra cứu, thảo luận để đưa kiến thức chính xác và dễ hiểu hết mức
đến với các bạn độc giả. May mắn hơn nữa, đối với nguyên văn
kinh điển, thầy Dư Hạo lại đưa ra những phân tích rất dễ hiểu,
khiến mình càng đọc càng thấm thía hơn. Hy vọng cuốn sách
này sẽ trở thành cuốn sách gối đầu giường giúp cho những
bạn nhập môn hoặc còn đang mông lung với lý luận Đông y có
thể tự tin và nắm bắt dễ dàng hơn.
Bác sĩ Đinh Hương
Lời giới thiệu
Cổ nhân có câu: Văn dĩ tải Đạo1. Chỉ một chữ Đạo, mà sâu thâm khó tường. Phật gia nói về sự chân thật trong bản tính, Đạo gia bàn về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, rằng những thứ hỗn mang đã tồn tại trước cả khi trời đất được sinh ra, Nho gia thì luận về minh đức, những điều trên mặc dù khác nhau về tên gọi, nhưng thực ra bản chất lại là một; bản chất là
một nhưng lại nông sâu khó lường. Pháp tu đạo của con người
nằm ở sự quán chiếu, nhìn vào bên trong là chiếu, quan sát bên ngoài là quán, tuy phân thành quán và chiếu, nêu rõ nội - ngoại khác nhau, nhưng phương pháp thực ra là một. Nội
chiếu để ta hiểu rõ bản thể (thể), ngoại quán để biết cách vận
dụng (dụng)2. Thực hiện nội chiếu sẽ có ngày trở thành những
bậc thánh hiền, thực hiện ngoại quán sẽ có ngày quy hóa vào
mạch luân chuyển của đất trời, đạt được cảnh giới thiên nhân
hợp nhất. Nhờ sự nội chiếu mà ta có được những Luận ngữ, Lão
Tử, Nội kinh; dựa vào ngoại quán mà ta có được những Kinh dịch, Thương hàn, Kim quỹ; cái dụng của Đạo thật rộng lớn vô cùng!
Tôi có vị bằng hữu là chủ nhân của Nhậm Chi Đường, được truyền thừa quán chiếu của tam giáo, xa thì được tiếp thu học thức của thánh y đời trước - Trọng Cảnh, gần thì được giảng dạy bởi hiền nhân đời sau - ông cố, siêng năng học hỏi từ lời
1 Ý nói dùng văn chương để truyền tải nội dung của Đạo.
2 Thể dụng là một cặp phạm trù trong triết học Trung Hoa, dùng để chỉ bản thể và tác dụng, thông thường “thể” là nội tại, là bản chất, còn “dụng” là ngoại quan, biểu tượng bên ngoài.
dạy của tiền nhân, thu thập rộng rãi các phương thuốc trong
nhân dân, cùng với sở học thâm sâu của bản thân, đã viết thành cuốn Y gian đạo giúp sau khi đọc, cuộc đời tôi được mở
mang thông thấu hơn. Gấp sách lại mà tôi thở dài, nếu như tôi
của mười năm trước được đọc những trang sách này, thì đã từ
đó mà hiểu được sự thâm sâu của Y đạo rồi.
Y gian đạo khác với sách của những y gia khác ở bốn
điểm chính:
Thứ nhất, vận dụng Đạo vào quá trình chữa bệnh, từ cấp độ
“Nhất” (nhỏ nhất) để biện chứng luận trị. “Nhất” ở đây chính
là Đạo, là phép tắc vận hành của tự nhiên rộng lớn, vượt qua
cả thời gian và không gian, là điểm chạm vào bản chất của sự
vật, Đông y cũng không phải là ngoại lệ, từ thời Trọng Cảnh
đến nay, trải qua mấy nghìn năm, số người lý giải được chữ
“Nhất” một cách rõ ràng quả thực rất ít. Trịnh Khâm An trong
cuốn Y lý chân truyền có viết như sau: “Tôi đã đắm chìm suy tư trong hơn hai mươi mấy năm mới bắt đầu có thể hiểu được cái
Đạo của âm dương hợp nhất trong cơ thể người, và vẻ đẹp hoàn
mỹ trong cách lập phương của Trọng Cảnh. Tôi đã đọc hơn 70 loại y thư, mỗi cuốn đều đưa ra những nhận định riêng, nhưng
đều không hiểu được pháp của Trọng Cảnh, do đó hoặc là nói
về bệnh mà không nói rõ cơ chế bệnh, hoặc nói về phương mà không phân tích được nguyên lý kỳ diệu của dụng dược, gây nên những điểm nghi hoặc, không rõ ràng làm người đọc bối
rối, mịt mờ”. Đây đúng là điểm thiếu sót trong những tác phẩm của y gia các thời, cũng là lý do chính khiến cho người học đời sau luôn cảm thấy bối rối và khó hiểu khi đối diện với biển sách Đông y cổ rộng lớn mênh mông, từ đó làm mất đi niềm tin và động lực học tập. Mà trong cuốn sách này, chữ “Nhất” được giải thích hết sức rõ ràng, phân tích vô cùng cặn kẽ. Người xưa nói: “Thức đắc nhất, vạn sự tất”, chỉ khi nắm bắt được chữ “Nhất” này, thì mới có thể từ căn bản mà nắm bắt được nhịp đập của Đông y.
Thứ hai, pháp ở âm dương, hợp với thuật số. Tám chữ này, vốn là thước đo của người làm y, chỉ tiếc là, rất nhiều y gia không chú ý đến, thậm chí cố tình làm ngơ, để rồi những điều
tinh diệu đẹp đẽ của Y học cổ truyền dần dần bị mai một, điều
này chẳng phải quá đáng tiếc ư. Chủ nhân Nhậm Chi Đường là người “trên nhìn trời, dưới nhìn đất, giữa nhìn người”, “pháp
ở âm dương, hợp với thuật số”, từ việc quan sát tổng quát, đến
tìm tòi chi tiết, phân tích tầng tầng lớp lớp, liên tục giảng giải,
tìm về nguồn cội vấn đề, biến những thứ phức tạp trở thành
đơn giản, để người đọc được mở mang ra một góc nhìn mới lạ,
để người đọc tự cảm thấy rằng hóa ra Đông y vốn không khó
đến vậy. Đọc xong cuốn sách này, cách thức tư duy nhất định sẽ
có sự thay đổi sâu sắc, bên trong nội tâm cũng khơi dậy một sự
thôi thúc cải cách mãnh liệt. Từ ý nghĩa này mà nói, lời văn của
chủ nhân Nhậm Chi Đường không chỉ là chữ viết ra giấy, mà
đây còn là tâm huyết bộc lộ ra, là từ sự chân thành bên trong mà toát ra vậy.
Thứ ba, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phân tích hệ thống
Đông y và biện chứng luận trị, có thể nói đã khai phá những
điều bí mật mà xưa nay không được lưu truyền. Hệ thống Đông y là gì? Là âm dương, ngũ hành mà thôi. Bất luận là cuốn sách y học nào, đều phải một lần diễn giải kĩ càng về âm dương
ngũ hành, sau đó lại từ công năng tạng phủ mà triển khai, gần như những điều này đã trở thành một thói quen cố định. Còn việc dùng lý luận âm dương ngũ hành để giải thích công năng sinh lý của khí huyết, tạng phủ, đến vận dụng vào trong quá trình biện chứng luận trị như thế nào thì gần như không ai đề cập đến, thậm chí nếu có đề cập đến thì cũng rất hời hợt, như chuồn chuồn lướt trên nước, nói không rõ, giảng không tường. Càng về những học giả đời sau, tuy biết được những kiến thức đấy, nhưng lại không thể hiểu tường tận nguyên lý, gần như trở thành nút thắt không thể nâng cao Y đạo được. Cuốn sách này đã đưa Y học cổ truyền về nguyên bản, chính thức làm rõ nguồn gốc của nó, giống như vén áng mây mù để lộ nhật quang vậy.
Thứ tư, cuốn sách đã bổ sung hoàn thiện mười chín điều bệnh cơ trong Nội kinh và phát minh ra kim chỉ nam y học, đây là điều có ý nghĩa vô cùng to lớn. Y học cổ truyền trải qua mấy nghìn năm phát triển, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm phong phú và quý giá, những câu kinh điển lại càng được lan truyền phổ biến, như: “Thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”1; “Cửu bệnh tất ứ”2, đều là những chiêm nghiệm trong lâm sàng
mà y gia qua các đời đúc kết lại, cũng phản ánh rằng các nội dung kinh điển đối với hậu thế có phần không đủ. Đặc biệt đến thời hiện đại, con người lao vào tranh giành những điều vô nghĩa, đắm chìm trong ganh ghét, thù hận, ham mê tiền tài sắc dục; ăn uống độc hại, không có thời gian ngơi nghỉ, bên trong lo lắng, bên ngoài tật bệnh, trăm bệnh cũng từ đó mà sinh ra, trong đó có rất nhiều chứng bệnh cũng chỉ mới nghe lần đầu, quả thực không biết cách nào để chữa. Cuốn sách này dựa trên cơ sở của mười chín điều bệnh cơ, thông qua việc học tập và tinh luyện kiến thức của y gia các thời, cùng với trải nghiệm thực tiễn của bản thân, nay bổ sung thêm sáu điều bệnh cơ, mở thêm một khoảng rộng lớn trong cương lĩnh biện chứng
Đông y, giúp cho người làm y khi gặp các bệnh nan y, bệnh lạ có thêm góc tư duy, hướng điều trị và những đột phá mới. Kim chỉ nam y học đem Lý - Pháp - Phương - Dược tổng hợp một cách
xuyên suốt và toàn vẹn, lấy những điểm lý luận y học phức tạp tiến hành chắt lọc một cách cô đọng nhất, biến những thứ phức tạp trở về đơn giản. Rất nhiều kiến thức mênh mông rộng khắp được dày công tập hợp lại thành một quyển. Có được đồ hình này trong tay, việc học y không còn phải lo lắng nhiều nữa. Nếu
Nhậm đường chủ không chuyên tâm bước trên con đường y đạo một cách miệt mài, há có thể làm được những điều này sao?
Cuốn sách này cũng ẩn chứa rất nhiều điều tinh diệu, không thể nói cặn kẽ từng thứ ra hết được, nói về Nội kinh, Nạn kinh, Thương hàn, ngôn từ tuy thô sơ nhưng ý nghĩa lại thâm sâu,
1 Thông thì ắt sẽ không đau, đau ắt do không thông.
2 Bệnh lâu ngày ắt có ứ.
dù là bậc có học thức cũng không thể nhất thời mà kiến giải
được. Các tác phẩm của y gia đời sau, mỗi người một cách nhìn nhận khác nhau, hoặc đều có sự thiên lệch nhất định về một
mặt nào đó, hoặc không thể cho một góc nhìn toàn diện về y học. Duy chỉ có cuốn sách này, từ người hiểu biết đến kẻ ngô nghê, ai cũng có thể đọc được, bất kể có căn cơ thế nào, tư duy
lanh lợi hay chậm chạp đều có thể tiếp thu được. Cuốn sách này có thể giúp cho người mới học hiểu rõ được vấn đề, nâng cao được trình độ, không cần phải đi đường vòng; giúp cho người đang lan man vô định có thể phá mê mà giác ngộ, chỉ rõ được phương hướng; giúp cho người y đạo tinh thâm ngày càng xuất chúng, tiến lên thêm một bước; đối với người tự học Đông y và những người yêu thích Đông y mà nói, là một cuốn sách hay mà không ai có thể bỏ qua được.
Hơn trăm năm trở lại đây, văn hóa phương Tây du nhập vào
Trung Quốc, văn hóa truyền thống cũng đã bị lung lay ít nhiều, y học cổ truyền cũng sẽ có nguy cơ bị mai một dần đi. Ngày nay, ai đó ngâm nga vài câu thơ thì bị coi như là quái vật, ai đó nói về
hàn nhiệt biểu lý thì mọi người lại nghĩ là vô dụng, thật sự đáng buồn! Mong các vị y đạo đồng nghiệp luôn giữ được chí hướng, ổn định nền móng, vững vàng niềm tin, chăm chỉ làm việc để tránh được nguy cơ một ngày Đông y bị xô đẩy, một lần nữa xây dựng vững chắc nền y học cổ truyền của chúng ta, khiến cho Đông y một lần nữa tỏa ra vầng hào quang rực rỡ.
Tôi và chủ nhân Nhậm Chi Đường quen biết qua mạng, tuy chưa gặp mặt nhưng thần chí đã tương giao từ lâu. Tôi luôn vô cùng cảm phục tinh thần không ngừng nghiên cứu của anh ấy, tự thấy mình bất tài, nhưng không ngờ lại được ưu ái, không chấp nhất sự nông cạn của tôi, mời tôi viết lời giới thiệu. Tôi liền vui vẻ đồng ý mà viết lời tựa này đây.
Trần Vĩnh Xương
Mùa đông năm Canh Dần

I. Những ai phù hợp học Đông y
Không ít người phàn nàn rằng, học Đông y quá khó khăn, rất muốn học, nhưng không biết cách bắt đầu như thế nào, cảm giác có quá nhiều thứ quan trọng phải học, mà các sách về
Đông y lại mênh mông biển hồ, làm sao để giữa bao nhiêu sách vở tìm thấy được cánh cửa bước đến kho báu của Đông y, quả
thực rất khó. Đây vừa là mị lực của Đông y, lại cũng vừa là điểm yếu của Đông y.
Hầu hết các y gia Đông y cổ đại đều xuất thân từ những văn
nhân đọc sách mà thành, trở thành những vị lương tướng hoặc lương y đều là mong muốn của các bậc văn nhân thời đó, chính vì thế nếu như không trở thành vị tướng vị quan giỏi, thì cũng
sẽ trở thành một bậc lương y tài đức. Nhiều văn nhân thích khoe khoang các văn tự, nên đôi khi bản thân các vấn đề rất giản đơn, dưới ngòi bút của văn nhân lại được viết rất huyền bí ảo diệu, dường như nếu không tỏ ra huyền bí sẽ không chứng minh được đẳng cấp của chính mình vậy. Cũng giống như ngày nay có một số bài thơ, đọc lên thì có một vài cảm giác nào đó, nhưng lại rất khó có thể lý giải được ý nghĩa.
Thật ra Đông y xuất phát từ kinh nghiệm chữa trị thực tiễn trong dân gian, nhờ sự tổng kết và nâng cao của các văn nhân, đã được chuyển biến thành các lý luận Đông y, sau đó được ứng dụng trong lâm sàng. Một thứ mộc mạc, đơn giản trong dân gian được ông cha đúc rút và nhiều lần tổng kết, tại sao chúng ta lại sợ hãi, lại không dám học? Tại sao nhiều người lại muốn bài xích chứ? Học Đông y thực ra cũng rất đơn giản mà thôi.
Mỗi người có cách lý giải khác nhau về việc học Đông y, cũng giống như luyện tập võ công, một số người chỉ để rèn luyện nâng cao thể chất; một số lại để tôn vinh tổ tiên; một số người thì muốn trở thành nhất đại tông sư, v.v.
Tư tưởng không giống nhau, xuất phát điểm cũng không giống nhau, việc học Đông y cũng vậy!
Một số bà mẹ có con nhỏ, muốn học Đông y chỉ để con mình khỏe mạnh, không còn bị bệnh tật quấy nhiễu.
Một số bệnh nhân vì bệnh tật dày vò lâu ngày, học Đông y, chỉ là để bản thân tự mình khỏe lên, có thể có cuộc sống bình an mạnh khoẻ.
Một số người làm về Đông y lâm sàng, học tập và nghiên cứu Đông y với mục đích phục vụ người bệnh tốt hơn, nâng cao trình độ lâm sàng của bản thân.
Những người tham gia nghiên cứu khoa học, học Đông y, để tìm ra những phương pháp mới để khắc phục những căn bệnh nan y.
Cũng có người học Đông y để học một món nghề, vừa để đủ nuôi sống bản thân và gia đình, v.v.
Học Đông y không phải ai cũng đều cần có ngộ tính. Đối với người bình thường mà nói, Đông y dạy người ta các phương pháp dưỡng sinh, dạy người ta các phương pháp dự phòng và chữa bệnh, cho nên ai cũng có thể học được. Nhưng nếu muốn
Đông y trở thành nghề nghiệp của mình, thì yêu cầu sẽ cao hơn một chút, cần phải hiểu được nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu, vì tính mạng con người vô cùng quý giá, bệnh nhân đem
tính mạng của họ giao cho mình, nếu không tự nâng cao trình
độ của mình, thì không phải cứu người, mà là đang hại người.
Trong thời kỳ nguyên thủy, con người không có cơm ăn
áo mặc, muốn tồn tại buộc phải thích nghi với thiên nhiên, tìm cách sinh tồn trước những biến đổi của tự nhiên, chưa nói
đến khỏe mạnh trường thọ. Chỉ để sinh tồn, tư tưởng này rất đơn thuần, không phải theo đuổi danh lợi, chỉ nghĩ cách làm sao để thích nghi với hàn nhiệt, làm sao tránh được mưa gió, mỗi người đều là một nhà dưỡng sinh, nếu không sẽ không thể sinh tồn được. Theo sự tiến bộ của xã hội loài người, con người có quá nhiều cách để thích ứng với những thay đổi của tự nhiên, nhưng cũng chính vì thế mà bỏ qua những thay đổi của
tự nhiên, khả năng thích ứng của con người với tự nhiên không ngừng giảm sút. Học Đông y, là để chúng ta nhận thức cơ thể của mình, từ đó hòa nhập vào thiên nhiên, tìm được phương pháp dưỡng sinh để sống khỏe mạnh, và tìm các phương pháp
để chữa trị bệnh.
Mỗi người đều có thể học tập Đông y, cảm thụ Đông y. Bởi
vì học Đông y là để cảm nhận thế giới xung quanh chúng ta, và học Đông y là để nhìn vào bên trong cơ thể của chính chúng ta. Cảm nhận thế giới từ nguyên thủy, từ bản chất chính là
điều chúng ta cần học! Vì vậy, những ai thích hợp để học Đông y ư? Không phải một nhóm người nào, mà toàn bộ nhân loại chúng ta đều có thể học!
Lời khuyên cho hành trình: Học tập Đông y là một quá trình lâu
dài và bền bỉ, nếu bạn không có mục đích, chỉ mù quáng chạy theo xu hướng, hoặc chỉ vì muốn học đại học mà không còn lựa chọn nào khác, bạn sẽ không tìm thấy động lực!
Vậy mục đích học Đông y của bạn là gì?
II. Cảm thụ Đông y từ cuộc sống
Đông y có phải là huyền học?
Đông y có hiệu quả không?
Có nên mở rộng phát triển Đông y?
Những câu hỏi trên chỉ khi tự mình rèn luyện thực tiễn, chúng ta mới có trải nghiệm sâu sắc, mới biết cách đối đãi với
Đông y, xây dựng lòng tin để học Đông y như thế nào.
“Phu thượng cổ thánh nhân chi giáo hạ dã, giai vị chi hư tà tặc phong, tị chi hữu thời, điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai."
(Tạm dịch: Các thánh nhân thời thượng cổ dạy chúng ta rằng, tất cả hư tà tặc phong gây bệnh, đều xâm nhập vào cơ thể khi ta không chú ý, vậy nên chúng ta cần căn cứ theo sự biến đổi của thời tiết để phòng tránh, giữ cho tâm thái điềm
đạm hư vô, giảm thiểu dục vọng; Như vậy chân khí của chúng ta sẽ vận hành theo sự chỉ huy của nguyên thần. Sau đó nội thu tinh và thần vào bên trong cơ thể, chúng ta sẽ không dễ bị sinh bệnh nữa.)
“Hư tà tặc phong, tị chi hữu thời”. Nếu thời tiết trở nên lạnh hơn, chúng ta đều biết rằng việc mặc thêm quần áo là một phản ứng bản năng, đây cũng là khái niệm cơ bản nhất trong dưỡng sinh, cũng là tập trung vào bản chất nhất, mộc mạc nhất. Như vậy thì Đông y có phải là huyền học hay không? Một chút cũng không!
Suy cho cùng, chúng ta có thể thêm quần áo vào người để tránh tặc phong, vậy uống thuốc phù chính khí cũng chẳng phải giống như là đang giúp ngũ tạng được mặc thêm quần áo để tránh tặc phong hay sao? Chúng ta đang thông qua việc mặc thêm quần áo trang phục để tránh gió độc! Chúng ta tránh xa đồ ăn hàn lạnh, chẳng phải là để ngũ tạng của chúng ta có thể tránh được hàn tà ư? Đây đều là những chân lý rất phổ thông, bắt nguồn từ những điều đơn giản nhất, bình dị nhất trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng chính việc áp dụng những nguyên tắc này, có thể bảo vệ cơ thể của chúng ta, có thể giúp chúng ta có một cuộc sống mạnh khoẻ, đây chính là Đông y, chính là Y đạo.
“Cố mỹ thực, nhậm kì phục, lạc kì tục, cao hạ bất tương mộ, kì dân viết phác."
(Tạm dịch: Vì vậy, ăn thấy ngon, mặc đồ hợp với cơ thể mình vui vẻ với phong tục lối sống xung quanh, không phân biệt cao thấp sang hèn, mọi người đều bình dị, chất phác.)
Đạo dưỡng sinh đơn giản như vậy, ngày nay mấy ai trong chúng ta có thể làm được?
Nếu như chúng ta làm cho tính khí nóng nảy của mình dịu
xuống, nhìn nhận các sự việc nhẹ nhàng hơn, giảm mưu cầu
các loại vật chất lại, không quá xem trọng danh lợi, thì tự nhiên
chúng ta sẽ thấy an lạc với mọi thứ xung quanh, không còn để
ý quá nhiều đến ăn “bào ngư” hay “xương sườn”, mặc “áo lông chồn” hay “áo bông” nữa, bởi vì chỉ cần có thể giữ ấm, thì nó
có thể giúp phòng tránh tặc phong xâm phạm, khi tâm thái đạt
đến một cảnh giới nhất định, người ta có thể đến được sự hợp nhất của thiên nhiên và con người, có thể khỏe mạnh sống lâu.
Những nguyên văn trong Nội kinh này vô cùng bình dị, giống như một ông cụ ngoài bảy mươi, đang kể cho chúng ta kinh nghiệm của mình đã từng trải qua, và khi chúng ta lắng nghe với cái tâm khiêm tốn, sẽ cảm nhận được hiểu biết của mình với sinh mệnh nông cạn như thế nào, tính khí của bản thân nóng nảy, bốc đồng đến thế nào, sẽ phát hiện chúng ta thường xuyên bỏ quên cái gốc mà luôn chạy theo phần ngọn. Khi bệnh tật kéo đến, sinh mệnh cận kề điểm kết thúc cuộc đời, thì lại mong tiêu trừ bệnh tật thật nhanh, mong lập
tức cải tử hoàn sinh! Tại sao chúng ta không tìm hiểu về các phương pháp dưỡng sinh Đông y sớm hơn, để cái tâm có thể
được bình yên, để cơ thể được mạnh khoẻ cường tráng, và
chúng ta đối đãi với môi trường xung quanh không còn cực đoan như vậy nữa!
“Thị dục bất năng lao kỳ mục, tà dâm bất năng hoặc kỳ tâm, ngu tri hiền bất tiêu bất cụ vu vật, cố hợp vu đạo. Sở dĩ năng niên giai độ bách tuế nhi động tác bất suy giả, dĩ kỳ đức toàn bất nguy dã.”
(Tạm dịch: Bất kể dục vọng bất chính nào đều không lọt vào con mắt, bất kể tà loạn dâm cuồng đều không thể nhiễu loạn được tâm trí của họ, những bậc hiền giả tri thức xưa đều như vậy, nên hợp với đạo, mới sống lâu trăm tuổi mà cơ thể vẫn khỏe mạnh, đây chính là hiệu quả của tu dưỡng mà ra.)
Đây chính là dưỡng sinh chi đạo, đây chính là Y đạo!
Đông y có hiệu quả hay không?
Đầu tiên tôi xin hỏi một câu, những ai có nghi vấn đối với
hiệu quả của Đông y đã từng thử qua chưa? Có nắm chắc được các tư duy điều trị trong Đông y không? Có vận dụng biện chứng trong điều trị Đông y không?
Ví dụ một trường hợp vào mùa hè năm trước, một bệnh nhân đến đây tìm gặp tôi để xin truyền dịch, tôi hỏi tại sao.
Người bệnh nói đã trúng phải cảm mạo, cần phải truyền dịch mới nhanh khỏi! Tôi hỏi rằng: “Anh cho rằng mấy ngày khỏi bệnh thì được coi là nhanh?”
Người bệnh cười nói: “Mỗi lần cảm mạo được truyền dịch, thì ba ngày là khỏi.”
“Vậy tôi chỉ cần một ngày là chữa khỏi, như vậy có được
tính là nhanh không?”
“Đương nhiên là nhanh rồi, Đông y có thể làm được điều
đó ư?”
“Tất nhiên là được!” Tôi không chút do dự mà đáp lại.
Tối hôm trước, khi người bệnh đi ngủ, nhiệt độ của điều
hòa để quá thấp, khiến anh ta nhiễm lạnh mà trở bệnh. Do vậy tôi lấy dầu gừng cạo gió phần lưng bệnh nhân, men theo kinh bàng quang cạo ra các điểm ứ huyết sắc tím đen, không đến mười phút, người bệnh đã cảm thấy bệnh tình nhẹ đi hơn một nửa, liền kê thêm một thang Ma hoàng phụ tử tế tân thang. Cái gọi là trúng cảm mạo, Đông y chỉ cần chưa đến một ngày là có thể chữa khỏi. Hai năm sau đó, bệnh nhân này mỗi khi bị cảm mạo chỉ uống một thang thuốc là đủ, cảm nhẹ thì đun một ít nước gừng hành uống là đã ổn. Khái niệm “cảm mạo phải đi truyền dịch” trong tâm trí người bệnh đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là việc biết cách phòng tránh và cách điều trị khi bị cảm cúm giai đoạn đầu.
Đây chính là mị lực của Đông y, là hiệu quả của Đông y!
Chỉ sau khi tự mình trải nghiệm, chúng ta mới biết bệnh tật
có thể điều trị theo cách này, tác dụng của thuốc Đông y cũng
có thể tốt như vậy, và hiệu quả của thuốc Đông y chữa bệnh
cũng không hề chậm!
Hồi nhỏ ở nông thôn, y tế không được tiện lợi như bây giờ, nhiều bệnh đã được ông cố của tôi chữa theo cách này, quen trị bệnh theo cách này, cũng quen với việc mỗi lần cảm mạo người nhà tôi đều cho tôi uống nước gừng hành, nên từ khi biết ghi nhớ cho đến nay đã trải qua hai ba mươi năm rồi, tôi chưa một lần nào phải truyền dịch. Mỗi lần cảm thấy có chút không khoẻ, chỉ cần dùng một số phương pháp rất đơn giản đã có thể điều chỉnh lại rất nhanh, đây là trải nghiệm mà chính bản thân
tôi cảm nhận được. Bởi có những trải nghiệm tự thân này, cho
nên tôi tin chắc rằng hiệu quả điều trị của thuốc Đông y không
hề chậm, cũng không kém thuốc Tây. Đây cũng là sự tự tin của một người làm Đông y với công việc của mình! Cũng là sự tự tin vào bản thân, vào Đông y, vào Hoàng đế nội kinh!
Nếu như một kiến thức, gắn liền mật thiết với cuộc sống của chúng ta, là kim chỉ nam giúp chúng ta mạnh khoẻ hơn, chúng ta nên đối đãi ra sao với nó? Chẳng lẽ lại nên vứt bỏ nó hay sao? Chẳng lẽ khi tuyết rơi, chúng ta không nên mặc thêm
đồ để giữ ấm? Chẳng lẽ chúng ta nên hư vinh ? Chẳng lẽ chúng ta nên tham danh cầu lợi?
Không!
Bản thân cơ thể chúng ta đã có một bộ cơ chế điều tiết rất chặt chẽ ổn định, cái chúng ta cần chính là dưỡng sinh, là học cách bảo dưỡng cơ thể ổn định và hoàn hảo này, giúp cơ thể không phải chịu ngoại tà và nội thương làm tổn hại. Đây là phòng bệnh trước khi có bệnh, là trị vị bệnh, chính là đặc điểm và ưu thế của Đông y. Chúng ta phát triển Đông y là điều đương
nhiên phải làm, phải đưa bộ phương pháp khoa học bao gồm
phòng bệnh, trị bệnh, dưỡng sinh, tập luyện này lan rộng hơn, khiến nó tỏa ra vầng hào quang lấp lánh trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe toàn nhân loại. Đây không chỉ là trách nhiệm của những người làm Đông y như chúng ta, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân.
Lời khuyên cho hành trình: Nếu như bạn muốn học Đông y, khi cơ thể cảm thấy không khỏe, tốt nhất trước tiên nên uống thuốc bắc, hoặc vận dụng các phương pháp Đông y để trị liệu, chỉ khi bạn có trải nghiệm trực tiếp, mới có thể cảm nhận được hiệu quả điều trị của Đông y, tăng cường niềm tin đối với việc học Đông y.
III. Học Đông y cần nhìn từ chỗ lớn
Nếu như bạn đi từ Bắc Kinh đến Thiểm Tây, người ta sẽ chỉ cho bạn đi về hướng Tây, nhưng không nhắc đến việc bạn phải đi bao nhiêu cây số thì rẽ trái, rồi sau đó đi tiếp bao nhiêu cây số thì rẽ phải, như vậy bạn sẽ bị mơ hồ, người khác cũng bị làm cho bối rối. Rốt cuộc nên đi như thế nào, mô tả cụ thể ra sao, chẳng ai nói rõ được. Bạn có thể sẽ nói vậy thì xem bản đồ, nhưng bản đồ có chi tiết đến đâu cũng không thể nói được cho bạn rằng, phía trước 1.501 mét sẽ có một vũng lầy, bản đồ có chi tiết đến mấy cũng không hiển thị được ra rằng, đoạn đường phía trước có chỗ nào không bằng phẳng, chỗ nào có chướng ngại vật. Nhưng tấm bản đồ này nói cho bạn biết được phương hướng, phương hướng để học Đông y, khiến chúng ta hiểu vì sao phải học Đông y, học Đông y như thế nào? Từ Bắc Kinh đến Thiểm Tây, đầu tiên phải biết rằng đi về hướng Tây, hướng Tây là mục tiêu và phương hướng của chúng ta, mà bước đầu tiên trong học Đông y, chính là buộc phải hiểu khung sườn của Đông y, hành động theo định hướng của khung
sườn chính, mới không mắc phải sai lầm, cơ hội để thành công mới lớn hơn.
Vậy khung sườn chính là gì? Phương hướng chính trong học Đông y là như thế nào?
Như trước đã nói học Đông y chính là cảm nhận tự nhiên, cảm nhận thứ căn bản nhất của tự nhiên, rồi mới nhìn nhận lại chính bản thân mình, hiểu được phương pháp dưỡng sinh trị bệnh.
Cảm thụ tự nhiên bắt nguồn từ những hoạt động trong cuộc
sống hằng ngày của chúng ta, tìm tòi các quy luật của trái đất, đồng thời rút ra các phương pháp dùng hình tượng làm phép so sánh, hiểu được cơ thể của chính chúng ta. Tôi tin rằng với cách học Đông y như thế này, mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Bởi vì chúng ta sinh sống trong môi trường như vậy, hiểu về nó, thì chúng ta sẽ biết được tại sao chúng ta sinh bệnh, sẽ rõ ràng bệnh được điều trị như thế nào.
Hãy leo lên núi cao, đứng trên đỉnh núi, ngắm nhìn trái đất
của chúng ta xem!
Đây quả là một hành tinh kỳ diệu biết nhường nào! Bởi vì
trái đất liên tục quay xung quanh mặt trời, sản sinh sự thay đổi khí hậu qua bốn mùa xuân hạ thu đông trên địa cầu, cho phép chúng ta phát triển khoẻ mạnh trong sự giao thoa giữa lạnh và nóng, làm cho cây cối mọi vật đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, phát triển vào mùa hạ, thu hoạch vào mùa thu, ẩn náu khi mùa đông tới. Chính vì trái đất tự xoay vần, nên mới có hiện tượng luân phiên của ngày và đêm, giúp cho con người sau một ngày làm việc bận rộn, có thể bình lặng lại để nghỉ ngơi, giải tỏa hết những áp lực mệt mỏi, luôn có tinh thần để đối diện với ngày mới.
Nhờ lớp khí quyển bao phủ xung quanh bề mặt, chúng ta có thể tự do hít thở không khí, đồng thời tránh xa được rất nhiều
vật thể từ bên ngoài bất ngờ xâm nhập vào, bảo vệ cho tất cả động thực vật trên trái đất.
Khi các vết đen trên mặt trời và bão mặt trời hoạt động mạnh, mặt trời sẽ phóng ra một lượng lớn các hạt điện tích, và chúng di chuyển theo các đường lưỡi cực của từ trường trái đất đến cả cực bắc và cực nam. Chúng đi vào tầng khí quyển
trên bầu trời với tốc độ cực kỳ nhanh, và năng lượng của chúng
tương đương với sức mạnh của hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng trăm nghìn quả bom nguyên tử. Nhưng nhờ vào sự tồn
tại của từ trường, luôn bảo vệ và giúp cho các sinh vật trên trái
đất tránh được nguy cơ bị tiêu diệt. Nhìn mảnh đất tơi xốp dưới chân mà xem, sự sinh trưởng của vạn vật không thể tách rời
khỏi nó; lại nhìn về đại dương rộng lớn ngoài kia, nếu không nhờ nó, mặt đất sẽ bị ngập trong biển nước, con người sẽ không có chốn dung thân; quan sát cả những đóa hoa dại quanh mình, những chú cá nhỏ đang bơi lội dưới sông, cảm nhận thật sâu hơi thở của sinh mệnh…
Hãy nhìn trời, nhìn đất, nhìn từng thân cây ngọn cỏ xung
quanh, rồi hãy nhìn con người chúng ta, từ bầu trời rộng lớn đến con người bé nhỏ, bạn sẽ phát hiện sinh mệnh con người
kỳ diệu đến nhường nào.
Chương thứ nhất của Hoàng đế nội kinh giảng về thuật dưỡng sinh, chương thứ hai bắt đầu nói về tứ khí, cách dưỡng sinh trong bốn mùa xuân hạ thu đông, chính là bắt đầu từ vĩ mô, dưới góc nhìn rộng lớn để nhận thức con người.
Hiểu được những điều này, nếu xem lại chương Tố vấn - Tứ khí điều thần đại luận, bạn sẽ phát hiện cách viết trong Hoàng đế nội kinh gần gũi ra sao.
“Xuân tam nguyệt, thử vị phát trần, thiên địa câu sinh, vạn vật dĩ vinh, dạ ngọa tảo khởi, nghiễm bộ vu đình, bị phát hoãn hình, dĩ sử chí sinh, sinh nhi vật sát, dữ nhi vật đoạt, thưởng nhi vật phạt, thử xuân
khí chi ứng, dưỡng sinh chi đạo dã, nghịch chi tắc thương can, hạ vi hàn biến, phùng trường giả thiểu.”
Ý nghĩa của đoạn này có thể lý giải như sau: ba tháng mùa
xuân, được gọi là mùa thay cũ đổi mới, trời đất tràn đầy sức
sống, vạn vật sinh sôi nảy nở. Con người phải thuận theo quy luật của trời đất, nên đi ngủ muộn thức dậy sớm, buổi sáng
sớm đi lại trong sân, mặc quần áo rộng rãi, xõa tóc xuống, bước
đi chậm rãi nhẹ nhàng, đây là cách giúp lưu thông khí cơ của tạng can. Mùa xuân là thời điểm vạn vật sinh sôi, con người nên thuận theo pháp tắc của trời đất thực hiện “giúp sinh” mà
“không sát”, thái độ chỉ cho mà không đoạt, xử lý công việc chỉ thưởng mà không phạt. Đó chính là thuận theo thiên khí của mùa xuân, là dưỡng sinh chi đạo. Nếu làm trái lại quy luật này sẽ gây tổn thương can tạng, can mộc bị tổn thương sẽ không có khả năng sinh tâm (trong quy luật của học thuyết ngũ hành can mộc sinh tâm hỏa), tâm thuộc hỏa, ứng với mùa hạ, mộc không sinh hỏa, đến mùa hè sẽ dễ phát sinh các chứng bệnh
tính hàn.
“Hạ tam nguyệt, thử vị phồn tú. Thiên địa khí giao vạn vật hoa thực; dạ ngọa tạo khởi, vô yếm vu nhật; sử chí vô nộ, sử hoa anh thành tú, sử khí đắc tiết, nhược sở ái tại ngoại, thử hạ khí chi ứng, dưỡng trưởng chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương tâm, thu vi giai ngược, phụng thu giả thiểu, đông chí trọng bệnh.”
Đoạn này có thể lý giải như sau: trong ba tháng mùa hè, vạn vật sinh trưởng mạnh mẽ, dương khí của trời đất đang dần đi thăng lên, âm khí hạ giáng, đây là thời điểm giao thoa mạnh mẽ nhất, khiến cho vạn vật đâm hoa kết trái. Lúc này con người nên ngủ muộn một chút, dậy sớm một chút, chớ ngại ngày dài nắng gắt, bình thường đừng cáu giận (vì giận dữ tổn thương can, can tạng bị tổn thương ắt không thể sinh tâm), âm dương chi khí trong cơ thể thăng giáng đối lưu, sẽ khiến khí bị uất bế bên trong được tuyên tiết, dương khí sẽ có
thể đi ra bên ngoài, dưỡng sinh chi đạo chính là thuận theo
đặc điểm dương khí vượng thịnh của mùa hè. Làm ngược lại với điều này, nhiệt tà không thể phát tán ra ngoài, uẩn phục
bên trong làm tổn thương tạng tâm, đến mùa thu lượng tà khí
này hợp với lương tà (lạnh) mà gây nên bệnh sốt rét. Mùa thu thì phải thu liễm, mà như trường hợp trên không có dương khí
để thu vào, đến mùa đông sẽ dễ bị bệnh nặng.
“Thu tam nguyệt, thử vị dung bình, thiên khí dĩ cấp, địa khí dĩ minh. Tạo ngọa tạo khởi, dữ kê câu hưng, sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh, thử thu khí chi ứng, dưỡng thu chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương phế, đông vi sôn tiết, phụng tàng giả thiểu.”
Đoạn này có thể lý giải như sau: trong ba tháng mùa thu các loại quả đã chín, tinh hoa được cô đọng trong hạt giống, đại khí hiển hiện rõ thế túc sát, thiên hạ đâu đâu cũng là cảnh
mùa màng bội thu. Con người lúc này nên ngủ sớm dậy sớm, lúc gà gáy nên thức dậy, đây là một thói quen sinh hoạt khiến cho trạng thái tinh thần của con người đạt đến sự ổn định yên
tĩnh, để giảm bớt thế túc sát của mùa thu. Thu liễm dương khí
của bản thân, như vậy phế khí trong cơ thể mới được thanh
túc, dương khí mới được thu vào. Nếu làm ngược lại, sẽ dễ gây tổn thương phế tạng, phế khí hư hao, mùa đông thì thủy là con của phế kim, không nhận đủ khí ắt không thể bế tàng lại, như vậy đến mùa đông sẽ gây chứng sôn tiết1, lúc này dương khí sẽ không được phong tàng tốt.
“Đông tam nguyệt, thử vị bế tàng, thủy băng địa sách, vô nhiễu hồ dương, tạo ngọa vãn khởi, tất đãi nhật quang, sử chí nhược phục nhược nặc, nhược hữu tư ý, nhược dĩ hữu đắc, khứ hàn tựu ôn, vô tiết bì phu, sử khí cực đoạt, thử đông khí chi ứng, dưỡng tàng chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương thận, xuân vi nuy quyết, phụng sinh giả thiểu.”
1 Sôn tiết: chỉ đại tiện ra phân lỏng nát, kèm theo phân sống chưa được qua tiêu hóa.
Đoạn này có thể lý giải như sau: mùa đông gọi là mùa dương khí bế tàng. Cây cối trong tự nhiên héo tàn, các loại hạt giống được vùi sâu dưới lớp băng tuyết, trên mặt đất không
thấy biểu hiện của sức sống, mặt nước cũng kết thành băng tuyết, đây đều là đặc điểm của dương khí bị tàng lại. Lúc này con người thuận theo mà ngủ sớm, chờ đến khi mặt trời mọc
mới thức dậy. Tình chí của con người cũng thuận theo mà thu giữ vào bên trong, chú ý giữ ấm cơ thể, không được để lộ da thịt ra bên ngoài, đề phòng dương khí bị lọt ra. Đây là đạo dưỡng tàng thuận theo mùa đông. Nếu làm trái lại sẽ tổn thương thận, dương khí không được phong tàng, thì đến mùa xuân năm tới sẽ sinh phát kém đi.
Trên đây đều là nguyên văn trong cuốn Hoàng đế nội kinh, dựa trên góc độ tự nhiên mà định hướng chúng ta dưỡng sinh, giúp chúng ta cảm thụ được sự biến hóa của bốn mùa, nắm rõ
đặc tính của bốn mùa sinh, trưởng, thu, tàng. Thuận ứng theo
đặc tính của tự nhiên chính là đạo. Ngoài quan sát sự thay đổi
của bốn mùa, hiểu các đặc điểm của nó, hiểu được ý nghĩa của
dưỡng sinh, từ trái đất của chúng ta, chúng ta còn có thể nhìn thấy điều gì nữa?
Chúng ta thấy được “âm dương”! Trái đất tự xoay quanh trục, hình thành ban ngày và ban đêm, ban ngày được gọi là dương, ban đêm được gọi là âm.
Chúng ta còn nhìn thấy được “ngũ hành”, tức là năm loại vật chất mộc, hỏa, thổ, kim, thủy hình thành nên trái đất.
Bốn mùa, âm dương, ngũ hành, những quy luật cơ bản của giới tự nhiên, đều là nhận thức của cổ nhân, là cương lĩnh để hiểu về thế giới, cũng là khung sườn để chúng ta học Đông y.
Giống như bạn đi từ Bắc Kinh đến Thiểm Tây vậy, biết được là phải đi về hướng Tây, nếu đến cả “hướng Tây” là hướng nào cũng không rõ, thì sẽ phải đi rất nhiều đường vòng, thậm chí
rất khó để đến được. Học Đông y thì hiểu được bốn mùa, âm
dương, ngũ hành, chính là tìm được hướng nhập môn. Vì vậy cuốn Nội kinh phải dùng tận năm chương gồm chương ba,
chương bốn, chương năm, chương sáu, chương bảy để từ âm
dương đàm luận sinh lý, bệnh lý của cơ thể.
Chúng ta lại xem điều văn của Nội kinh:
“Dương khí giả, nhược thiên dự nhật, thất kỳ sở, tất chiết thọ nhi bất chương, cố thiên vận đương dĩ nhật quang minh. Thị cố dương nhân nhi thượng, vệ ngoại dã.”
“Cố dương khí giả, nhất nhật nhi chủ ngoại, bình đán dương khí sinh, nhật trung nhi dương khí long, nhật tây nhi dương khí dĩ hư, khí môn nãi bế. Thị cố mạc nhi thu cự, vô nhiễu cân cốt, vô kiến vụ lộ, phản thử tam thời, hình nãi khốn bạc.”
“Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm.”
Nghĩ thông được phương hướng mà Nội kinh dẫn dắt chúng ta học dưỡng sinh, rồi đọc những điều văn trông có vẻ thâm
sâu này sẽ tự nhiên thấy rất rõ ràng dễ hiểu, nó kể cho chúng ta về quy luật của giới tự nhiên, đến làm thế nào để dưỡng sinh thuận ứng với tự nhiên một cách vô cùng trực tiếp sáng tỏ.
Một bộ sách cổ mấy ngàn năm, từ quy luật biến hóa của giới tự nhiên đi phân tích, liên hệ đến cơ chế sinh lý, bệnh lý trên cơ thể chúng ta, không thể không nể phục sự vĩ đại của người xưa. Phương thức tư duy từ nhìn nhận vĩ mô, từ âm dương ngũ hành, trong đó ẩn chứa trí tuệ và tư duy đi trước thời đại, qua hàng ngàn năm vẫn không bị lạc hậu.
Khi các nghiên cứu của Tây y đang không đạt được những bước tiến mới trong tầm vi mô, thì có rất nhiều phần tử tri thức đang thử dùng mô thức tư duy của Đông y, từ góc độ vĩ mô để phân tích bệnh chứng, trở về với bản chất nguyên sơ, đơn giản hóa lại, thì lại có thể gặt hái được nhiều sự đột phá mới. Học Đông y, chính là cần nuôi dưỡng một tinh thần
phản phác quy chân, đơn giản hóa tư duy, cũng là nuôi dưỡng một góc nhìn lớn để xem xét sự vật, không bị giới hạn, bó buộc bởi những triệu chứng cục bộ, tiểu tiết. Tư duy tiếp cận từ âm
dương, từ ngũ hành, nuôi dưỡng tư duy này, hình thành thói quen tư duy như vậy, sẽ giúp chúng ta mở rộng được tầm nhìn, đây không chỉ tốt cho học Đông y, cho học dưỡng sinh, mà còn
có ý nghĩa lớn trong nhiều phương diện công việc và cuộc sống.
Lời khuyên cho hành trình: Học Đông y cần phải nhìn từ “chỗ
lớn”, đọc xong chương này, bạn có hiểu “chỗ lớn” này là gì không?
Những “chỗ lớn” này trong Nội kinh đã mô tả một cách hệ thống như thế nào? Đọc xong chương này, kiến nghị bạn nên đọc một, hai
lần chương đầu của Nội kinh, cảm nhận cách cổ nhân nhìn nhận
âm dương, ngũ hành, từ đó có thể dẫn lối cho bạn học Đông y, như
vậy khi học bạn sẽ không bị mất phương hướng.