Lời mở đầu
Ba mươi năm qua tôi vẫn cặm cụi tìm cách nhìn thấu bản chất con người qua tâm lý học để cải thiện chất lượng cuộc sống và mối quan hệ của chúng ta. Năm 1998, tôi có viết một cuốn sách đặt tên là Never be lied to again (Không thể bị dối lừa). Cuốn đó giới thiệu những kỹ thuật cụ thể nhằm giúp mọi người dò được những mánh khóe lừa đảo trong cuộc sống hàng ngày. Gần một thập kỷ sau, tôi viết cuốn You can read anyone (Đọc vị bất kỳ ai). Đây là cuốn tiếp theo của cuốn đầu và đã cập nhật một số kiến thức
khoa học về việc đọc vị người khác. Giờ thì, lại gần một
thập kỷ nữa trôi qua, nhờ nỗ lực nghiên cứu tâm lý ngôn ngữ học, khoa học thần kinh, khoa học nhận thức và khoa học hành vi mà cuốn sách mới này đã đạt được một bước
nhảy vượt bậc. Tôi sẽ giới thiệu với các bạn những phương
pháp hiện đại nhất, tối tân nhất trong việc đọc vị người khác, rồi sau đó bạn sẽ thấy mình gần như là có khả năng
đi guốc trong bụng người ta vậy. Dù trong trường hợp nào - từ một câu chuyện gẫu tới một cuộc thương thảo tỉ mỉ, chi tiết - thì bạn vẫn sẽ biết rõ đối phương đang nghĩ gì, đang cảm thấy gì, bất kể ngoài mặt họ có nói gì chăng nữa. Bạn sẽ hiểu điều gì đang nằm sâu trong tiềm thức của họ, ngay cả khi chính bản thân họ có thể phủ nhận và
Đọc Vị Tâm Trí
không chịu (hoặc không thể) đối diện một cách có ý thức với chính suy nghĩ, cảm xúc, nỗi sợ của mình.
Đọc vị tâm trí đưa ra một cơ sở hết sức mới mẻ và dựa rất ít vào những ký hiệu và tín hiệu ngôn ngữ cơ thể vốn
đã lỗi thời. Ví dụ, nhiều chuyên gia tuyên bố rằng tư thế
khoanh tay và bắt chéo chân báo hiệu sự phòng thủ hoặc bất
đồng ý kiến. Mặc dù về lý thuyết hiểu như thế là không sai, nhưng rồi bạn sẽ nhiều lần bỏ sót thái độ tích cực của đối phương nếu họ đang ngồi trong một căn phòng lạnh lẽo và ghế thì không có chỗ để tay. Và vâng, ít nhìn thẳng vào mắt
đối phương hoặc tránh hoàn toàn là một dấu hiệu kinh điển cho sự dối lừa. Nhưng những kẻ xấu thì lại biết tỏng điều ấy, bởi vậy, trừ khi đối phương là một cậu bé 5 tuổi bị bắt quả tang tay đang thò vào bình đựng bánh bích quy, còn không bạn sẽ cần những chiến thuật phức tạp hơn. Đáng sợ hơn nữa là làm sao bạn đọc vị được chính xác một kẻ loạn thần, kẻ tin sái cổ chính những lời dối trá của hắn? Hoặc một kẻ tâm thần nhìn thẳng vào mắt bạn và thề lên thốt xuống với
chồng Kinh thánh trên tay rằng hắn đang nói sự thật?1
Giờ thì chúng ta có thể bỏ qua những chiến lược vô
cùng sáo mòn này, những chiến lược muốn “đi guốc trong bụng” người ta mà lại chỉ dừng lại ở những quan sát nông
1 Một con số ấn tượng 75% những người trong ngành thi hành luật tin rằng tránh chạm mắt người khác là dấu hiệu cho thấy sự lừa dối, cho dù người ta đã chứng minh đó không phải là dấu hiệu đáng tin cậy. Xem L. Akehurst, G. Kohnken, A. Vrij, và R. Bull, “Lay Persons’ and Police Officers’ Beliefs regarding Deceptive Behavior,”(Niềm tin của những người nghiệp dư và sĩ quan cảnh sát về hành vi lừa dối) Applied Cognitive Psychology 10, số 6 (1996): 461–73.
Lời mở
cạn kiểu quần áo giày dép. Liệu rằng sợi dây thánh giá hay
dây chuyền mặt Phật có phản ánh được quan điểm tôn giáo
sâu thẳm của người ta hay không? Không hề. Có thể một người nào đó đeo một sợi dây để che đậy cảm giác tội lỗi
vì họ đã sống ngược lại với những lý tưởng ấy. Có thể cô ta
đeo nó vì những lý do tình cảm nào đó, kiểu như đó là kỷ
vật của bà cô để lại. Một bộ cánh lịch lãm, uy quyền và một
đôi giày sáng bóng cho thấy tham vọng còn một chiếc quần
nỉ thì là dấu hiệu của sự lười biếng ư? Không hẳn thế đâu.
Có lẽ ai đó ăn mặc xuề xòa thế vì cô ấy cảm thấy thoải mái
với phong cách của mình và không quan tâm người ta nghĩ
gì; mà cũng có khi cô ấy cực kỳ bất an nhưng lại muốn tỏ ra bất cần vậy thôi.
Một kiểu thiên kiến phổ biến khác nữa là suy diễn chỉ
dựa trên một hành vi độc nhất. Như thế là vớ vẩn. Chỉ vì
một anh bạn lúc nào cũng đến muộn không có nghĩa anh ta nhất định là kẻ vô tâm. Có thể anh ta là một người cầu toàn phải sắp xếp mọi sự đâu vào đấy rồi mới an tâm bước
chân ra khỏi nhà. Có thể anh ta thấy hưng phấn, thổn thức khi đợi đến phút cuối cùng thì sao? Có thể mẹ anh ta lúc nào cũng bắt anh ta phải đến đúng giờ, thành ra trong vô thức anh ta ngấm ngầm nổi loạn, đi ngược lại điều đó. Hoặc
cũng có thể anh ta hơi lơ đãng và quên mất thời gian. Nếu chúng ta cứ dựa vào những giả thiết bề mặt thì sẽ có vô vàn
khả năng hiều nhầm người khác.
Vậy thì phải làm thế nào? Những kỹ thuật tôi sẽ dạy bạn ở đây được rút ra từ nhiều nguyên tắc - tôi dạy những
phương pháp này cho FBI, CIA, NSA, cho gần như mọi lực
Đọc Vị Tâm Trí
lượng của quân đội Hoa Kỳ và các cơ quan thi hành luật
nhiều quốc gia trên thế giới. Tất cả những gì bạn phải làm
là tập trung chú ý vào một vài yếu tố cơ bản bởi vì chúng
sẽ đem tới một kính hiển vi giúp soi tỏ tâm trí, soi sáng suy nghĩ, cảm nhận của đối phương và nhất là, mức độ liêm
chính và tình trạng cảm xúc của họ.
Tuyệt vời nhất là bạn có thể áp dụng rất nhiều kỹ thuật
ở đây mà không cần phải giao tiếp quá nhiều với đối tượng - thường thì bạn chỉ cần lắng nghe một câu chuyện, một bài phát biểu hoặc một đoạn ghi âm như là tin nhắn thoại là
đủ. Hoặc thậm chí chỉ cần đọc một email của anh ta. Khả năng đọc vị người khác, mà không phải gặp họ, nhìn thấy họ, ngày càng quan trọng hơn trong một thời đại mà khẩu trang và việc họp hành trên mạng có thể biến những nét mặt, cử chỉ vốn dĩ rất đáng tin cậy để hiểu ý người khác trở nên hoàn toàn vô hiệu.
Trong những chương sắp tới, tôi sẽ từng bước chỉ cho bạn thấy cách nhận ra chính xác ai đó đang nghĩ gì trong những tình huống thực tế. Ví dụ, bạn sẽ biết chính xác một người đáng tin hay không, một đồng nghiệp đang gặp rắc rối hay chỉ là họ đang có tâm trạng một chút, hoặc một anh chàng hẹn hò buổi đầu bộc lộ sự quan tâm với bạn hay chỉ muốn lơ bạn đi. Và khi gặp những việc quan trọng hơn như những buổi thương thảo, buổi thẩm vấn; những câu hỏi liên quan đến bạo hành, lạm dụng, trộm cắp hoặc lừa đảo - bạn sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức và những cơn đau
Lời mở đầu
đầu của mình nhờ nhận diện được ai là người mình cần tập trung chú ý và ai không.
Có rất nhiều cơ quan thi hành luật sử dụng công trình của tôi, đó là vì những kỹ thuật ở đây dễ sử dụng và chính
xác đến khó tin, nhưng chỉ khi bạn áp dụng đúng. Tôi tha thiết mong bạn đừng bỏ qua những lập luận chung cũng như những lý lẽ - cho vấn đề đó, hoặc cho một mối quan hệ - chỉ vì một cú đọc vị hời hợt nông cạn trong hai giây.
Sẽ thật là cẩu thả khi bạn chỉ dựa vào một nhận xét hấp tấp hoặc một sự tiếp xúc thoáng qua để mà nói rằng ai đó
có thành thật, trung thực, hoặc thiện chí hay không - chứ
chưa nói gì đến chuyện sức khỏe tinh thần và cảm xúc của họ ra sao.
Trong toàn bộ cuốn sách này, tôi sử dụng nhiều ví dụ
gói gọn trong một câu để minh họa cho nội dung tâm lý.
Thực tế, để thận trọng hơn, chúng ta nên dựa vào những lời nói hoặc văn bản dài hơn trước khi đưa ra bất cứ đánh giá nào. Như bạn sẽ thấy trong suốt cuốn sách này, chỉ một sự đối chiếu đơn lẻ, bất chợt thì không có nghĩa lý gì hết, nhưng nếu một kiểu nói cứ lặp đi lặp lại thành khuôn mẫu lại tiết lộ mọi thứ.1
1 Những phương pháp phân tích ngôn ngữ được áp dụng lý tưởng: (a) khi đối tượng thông thạo ngôn ngữ mà anh ta đang nói hoặc viết và (b) trong những câu nói dài hoặc những cuộc chuyện trò kéo dài, thay vì những lời nhắn ngắn gọn, như là một dòng tin nhắn, vì người ta thường không để tâm đến ngữ pháp trong lời nhắn. Hơn nữa, văn hóa, giới tính, tuổi tác, học vấn và địa vị kinh tế xã hội cũng đều ảnh hưởng tới lời ăn tiếng nói của một người, và những trao đổi hoặc trò chuyện dài hơn sẽ cho phép bạn nhận biết rõ hơn những yếu tố tác động này.
Đọc Vị Tâm Trí
Khi có rất nhiều dữ liệu cần xem xét, hãy dành thời gian
xây dựng một hồ sơ đáng tin cậy. Mặc dù cuốn sách này
được phân thành nhiều phần, nhiều chương, nhưng những
phương pháp mà tôi nhắm tới để hướng dẫn cho bạn trong
mỗi chương đều dựa trên nền tảng những chương trước và
khi được kết hợp lại chúng sẽ nâng cao khả năng nhìn người toàn diện của bạn.
Khi bạn biết thêm về người khác, tôi hi vọng bạn cũng sẽ hiểu hơn về bản thân mình và với một sự tự nhận thức sâu sắc hơn bạn sẽ có cơ hội nâng cao sức khỏe tinh thần, cảm xúc, cuộc sống và những mối quan hệ của mình. Hãy tận dụng khả năng đoán định này trong mỗi cuộc trò chuyện và mỗi tình huống - và trong đời sống - khi bạn có thể biết người ta, dù là ai, đang thực sự nghĩ gì, muốn gì và thực sự là ai.
Góc bài bạc
Chơi bài trên nhiều phương diện là một phòng thí nghiệm tâm lý hành vi con người và có thể xem như là một ẩn dụ tuyệt vời mà trong đó người ta có thể áp dụng những chiến thuật đọc vị con người. Dù bạn không quen thuộc lắm với chuyện chơi bài, tôi vẫn nghĩ bạn sẽ thích những điều thú vị được rút ra và áp dụng ở đây khi chúng ta đọc cuốn sách này.
PHẦN 1
TIỀM THỨC TIẾT LỘ
Từ một cuộc chuyện trò vặt vãnh tới một cuộc
thương lượng nghiêm túc, hãy tìm hiểu xem
người ta thực sự nghĩ gì và cảm thấy gì. Bạn sẽ
thấy những gì nằm thật sâu dưới tiềm thức của
họ - ngay cả khi bản thân họ có thể phủ nhận
và không sẵn sàng hoặc không thể đối diện với
chính những suy nghĩ, những cảm xúc, những
nỗi sợ này của mình ở cấp độ ý thức. Hãy tìm
hiểu xem người ta đang thực sự nghĩ gì về bạn
và xem họ tin là họ có bao nhiêu sức mạnh và
khả năng điều khiển trong mọi mối quan hệ, cả
quan hệ công lẫn tư.
Họ đang thực sự nghĩ gì?
Nhờ để ý kỹ không chỉ lời nói mà còn cả cách nói của họ - những kiểu câu, cú pháp lặp đi lặp lại - bạn có thể phát hiện họ đang nghĩ gì. Để chứng minh cho tính hiệu quả của việc này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng một bài học ngữ pháp rất nhanh chóng và dễ hiểu.
Đại từ nhân xưng, trong ngữ pháp, là chỉ một người hoặc một nhóm người cụ thể nào đó. Nó có thể là chủ ngữ, là tân ngữ hoặc thể hiện đối tượng sở hữu, cái đó tùy vào việc sử dụng của người nói. Về mặt ngữ pháp, khi chúng ta nói về một ai đó hoặc nhiều người nào đó, sẽ có ba ngôi
riêng rẽ như sau:
- Ngôi thứ nhất (Ví dụ: tôi, của tôi và cái của tôi hoặc chúng ta, của chúng ta, và cái của chúng ta)
- Ngôi thứ hai (ví dụ: bạn, của bạn và cái của bạn)
- Ngôi thứ ba (ví dụ: anh ta, của anh ta, cái của anh ta; cô ta, của cô ta, cái của cô ta; họ, của họ, cái của họ)
Về cơ bản, có vẻ như là những đại từ nhân xưng này
chỉ thay thế cho danh từ để không phải lặp lại những từ đã
Đọc Vị Tâm Trí
nói từ trước. “John đánh mất ví của John ở đâu đó trong ngôi nhà của John” không phải là một câu gãy gọn cho lắm.
Nhưng từ quan điểm ngôn ngữ tâm lý học mà nói, đại từ
nhân xưng có thể nói cho bạn biết người ta đang cố gắng xa lánh hoặc tách rời hoàn toàn bản thân với lời nói của mình.
Cũng tương tự cách một kẻ nói dối vụng về tránh nhìn bạn vì cú chạm mắt có thể gia tăng sự thân mật và người đang nói dối thì thường có cảm giác dằn vặt ở một mức độ nào đó, thì người đang đưa ra một câu nói không đúng sự thật cũng thường vô thức tìm cách xa rời bản thân mình khỏi
lời nói của mình. Đại từ nhân xưng (ví dụ tôi, của tôi, cái của tôi) là chỉ một người đang dính dáng đến câu chuyện và tự tin về lời nói của mình. Ẩn đại từ nhân xưng, cắt chúng
khỏi hành động có thể là dấu hiệu cho thấy người nói đang lưỡng lự không muốn khẳng định mình là chủ nhân của
câu nói đó.
Hãy lấy một ví dụ hàng ngày là việc khen ngợi. Một người phụ nữ tin vào lời nói của mình thì sẽ hay sử dụng đại từ nhân xưng chỉ bản thân hơn - ví dụ: “Tôi thực sự thích bài trình bày của anh,” hoặc “Tôi thích ý kiến phát biểu của anh trong cuộc họp.” Tuy nhiên, nếu một người chỉ khen xã giao thì họ có thể nói “Trình bày hay đấy” hoặc “Trông như thể anh đã nghiên cứu rất kỹ nhỉ.” Trong trường hợp thứ hai, cô ta đã loại bỏ hoàn toàn bản thân ra khỏi câu nói. Những người làm trong các cơ quan thi hành luật đã quá quen với hiện tượng này và nhận ra ngay khi nào thì người ta đang báo cáo láo một vụ trộm xe, bởi vì họ thường nói
Họ đang thực sự nghĩ gì?
đến cái xe đó bằng từ “cái xe đó” hoặc “cái xe ấy” chứ không
nói “cái xe của tôi” hay “xe của chúng tôi”. Tất nhiên, bạn
không thể khẳng định ai đó trung thực hay không chỉ bằng
một câu nói, nhưng đây là những dấu hiệu đầu tiên để bạn
lưu tâm.
Thậm chí ngay cả khi người ta sử dụng đại từ nhân
xưng, nhưng chỉ cần chuyển từ thể chủ động sang thể bị
động thôi là có thể cho thấy có một sự thiếu thành thực rồi.
Thể chủ động dứt khoát và tương tác trực tiếp hơn, cho
thấy chủ thể - một người hoặc nhiều người, trong ví dụ của
chúng ta - thực hiện hành động được diễn đạt bằng động từ trong câu đó. Với thể bị động, chủ thể bị tác động bởi một
thực thể khác.
Ví dụ, “tôi đưa cho cô ấy cái bút” là thể chủ động, trong
khi “cái bút được đưa cho cô ấy bởi tôi” là thể bị động. Hãy
chú ý đến sự thay đổi các cụm từ trong câu và sự giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân của người nói. Giả như, hai chị em đang chơi với nhau, người em bắt đầu khóc lóc. Hầu hết là, khi cha hoặc mẹ đến hỏi chuyện, thì đứa kia nói lý do em khóc là vì “nó ngã”, “nó bị đau” hoặc “nó va đầu vào tường”.
Hiếm khi đứa trẻ nói: “Con làm việc gì đó (hành động A) khiến em bị sao đó (hệ quả B).” Thật vậy, thật không bình thường nếu đứa trẻ (vốn dĩ trẻ coi mình là trung tâm) lại lãnh lấy trách nhiệm và tuyên bố: “Con đẩy em vào tường
Đọc Vị Tâm Trí
rồi đầu em đập vào tường”, hoặc “Đáng lẽ con nên cẩn thận hơn khi em trèo lên lưng con.”
Hãy cùng thử đặt chuyện này vào một bối cảnh khác. Trong một nghiên cứu có tên “Những từ ngữ khiến bạn lỡ mất một buổi phỏng vấn tuyển dụng”, các nhà nghiên cứu
đã đánh giá ngôn ngữ phỏng vấn của hàng trăm ngàn ứng viên xin việc trong đời sống thực. Chỉ cần dựa trên những
cách dùng từ thôi họ đã phân chia được những ứng viên làm tốt và không làm tốt công việc. Dưới đây là những phát
hiện của họ:
- Những người làm được việc, trong câu trả lời chứa
đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất nhiều hơn khoảng
60% (ví dụ: tôi, chúng tôi)
- Những người không làm được việc, trong câu trả lời
chứa đại từ nhân xưng ngôi thứ hai nhiều hơn khoảng
40% (ví dụ: công ty, của quý công ty)
- Những người không làm được việc, trong câu trả lời
chứa đại từ nhân xưng ngôi thứ ba nhiều hơn khoảng
90% (ví dụ: anh ta, cô ta, họ)
Những người làm được việc đặt bản thân lên trước và vào trung tâm của hành động vì họ có thể dựa trên những trải nghiệm thực sự. Những người không làm được việc thì không làm thế. Họ không thể làm thế. Nhiều khả năng hơn là họ sẽ đưa ra câu trả lời mông lung hoặc đặt giả thuyết vì họ thiếu trải nghiệm và thành công thực tế.
Họ đang thực sự nghĩ gì?
Ngôn ngữ của người làm được việc là: “Tháng nào tôi cũng gọi điện cho khách hàng để hỏi thăm tình hình của họ.” Hoặc “Ở công ty ABC, mỗi ngày tôi gọi 200 cuộc điện thoại.”
Ngôn ngữ của người không làm được việc là: “Khách
hàng nên được liên lạc thường xuyên.” Hoặc “Ông [hoặc người ta] nên thường xuyên gọi khách hàng và yêu cầu họ
chia sẻ…”
Khi bạn đặt bản thân ra khỏi hành động được nói tới, bạn gửi đi một thông điệp ngầm (có thể chính bản thân bạn
cũng không ý thức được thông điệp đó). Hãy hỏi một đứa trẻ về ngày cắm trại đầu tiên, và lưu ý cùng một nội dung
nhưng tiết lộ hai kiểu ấn tượng khác nhau của cô bé: câu
tổng kết đầu tiên thì hào hứng hơn còn câu thứ hai thì hờ
hững hơn:
Câu trả lời A: “Cháu ăn sáng rồi chúng cháu tới công viên
để chơi xích đu đến tận khi cháu đi bơi.”
Câu trả lời B: “Đầu tiên là bữa sáng, rồi họ đưa chúng cháu
đến công viên để chơi xích đu cho đến khi họ đưa chúng
cháu đến hồ bơi.”
Việc sử dụng thể bị động hoặc vắng mặt một đại từ nhân xưng cũng làm mềm đi một thông điệp khó nghe hoặc không thuận tai. Ví dụ, một người nào đó có thể sung sướng hét lên: “Chúng ta thắng rồi!” Chứ không nói: “Trận đấu đã
được chiến thắng [bởi chúng ta]” vì thể chủ động với đại
Đọc Vị Tâm Trí
từ nhân xưng ngôi thứ nhất đã truyền tải được sự gắn kết với thông điệp này, do đó khơi gợi một niềm vui và niềm
tự hào. Tương tự, khi khiên cưỡng thừa nhận hoặc gượng gạo xin lỗi, các chính trị gia cũng thường diễn đạt sao cho làm loãng trách nhiệm trực tiếp của họ nhất có thể, trong
đó có những tuyệt phẩm lảng tránh như: “Sai lầm đã phạm phải,” “Sự thật này có một số thiếu sót” và “Người ta xứng
đáng với thứ tốt đẹp hơn.” Nghệ thuật xin lỗi có cũng như không kiểu này đã tiết lộ tính cách của người nói. Khi thợ may thông báo với bạn là “Tôi may nhầm đường viền rồi” thay vì “một sai lầm đã bị mắc”, chúng ta có thể phỏng đoán rằng anh ta đã rất trung thực và chính trực đấy.1
Sự ly khai vĩ đại
Ngôn ngữ lảng tránh có nhiều kiểu, nhiều dạng. Hãy cùng nhìn vào các cặp câu dưới đây và tự hỏi mình xem cái nào nghe có vẻ trung thực hơn.
“Tôi đứng trân trân kính phục” với “tôi kính phục”.
“Tôi thấy mình tự hào” với “tôi tự hào.”
“Tôi, chắc chắn rồi, rất vui” với “tôi rất vui”.
“Tôi là một người rất ngưỡng mộ” với “tôi rất ngưỡng mộ”.
1 Chúng ta tự nhắc nhở bản thân rằng chúng ta phải tính đến rất nhiều yếu tố trước khi đưa ra bất cứ giả thuyết nào. Ví dụ trong trường hợp này, người thợ may có thể rất tự hào về công việc của anh ta và cảm giác xấu hổ khủng khiếp có thể chỉ tạm thời lấn át những phẩm chất ưu tú của anh.
Họ đang thực sự nghĩ gì?
Những câu trước là cố nhấn mạnh cường độ cảm xúc
mạnh mẽ đi kèm nội dung nhưng đã không thuyết phục
được người quan sát khó tính vì hai dấu hiệu ngôn từ phù phiếm. Đầu tiên, trạng thái cảm xúc mãnh liệt thì đi kèm
với một cấu trúc ngữ pháp đơn giản, không phải là cấu trúc
hào nhoáng, bóng bảy. Thành thực mà nói, những câu chất chứa cảm xúc thường ngắn gọn và trực diện. Hãy thử nghĩ
đến những câu như “Cứu!” hoặc “Anh yêu em.”. Thứ hai, trong câu nói, người nói tách anh ta (“tôi”) với từ chỉ cảm xúc. Câu nào dưới đây nghe đáng tin hơn?
CÂU A: “Tôi rất biết ơn vì vợ tôi đã được cứu sống. Tôi mắc nợ tất cả những nhân viên cứu hộ.”
CÂU B: “Tôi, về phần mình, tôi rất biết ơn vì vợ tôi được cứu sống. Tôi cảm thấy mình mắc nợ tất cả những nhân viên cứu hộ.”
Câu A tạo âm hưởng chạm tới trái tim người nghe trong
khi câu B cảm giác như một bài PR vậy. Câu thứ hai không có vấn đề gì nếu người nói có thời gian để cân nhắc câu chữ
và suy nghĩ. Tuy nhiên, trong một tình huống xúc động, tự phát thì ngôn ngữ của người nói phần nhiều giống câu A hơn.
Trong những tình huống như thế, chúng ta nên cẩn trọng nghi ngờ những kiểu câu sáo mòn và các ẩn dụ. Người ta nói những câu này để tô vẽ bản thân là người hết sức nhiệt tình, chân thành, đang cố gắng truyền tải một cách
Đọc Vị Tâm Trí
nghèo nàn một cảm xúc vốn không có thực. Rặn ra thứ cảm
xúc kiểu này cần rất nhiều ý chí tinh thần, bởi thế họ phải
sử dụng những ngôn từ vay mượn. Ví dụ, hãy hỏi bất kỳ
một nạn nhân của một bi kịch nào đó về chuyện đã xảy ra, và bạn sẽ không nhận được câu trả lời triết lý kiểu Nietzsche
như “Sống là khổ; sống là tìm ý nghĩa trong sự đau khổ” hay một câu sáo mòn kiểu như: “Cái số nó vậy!”
Chắc chắn là, với bước đi của thời gian và với một cái nhìn khác đi, chúng ta có thể thu nhận một quan điểm mang tính triết lý hơn. Nhưng không ai lại đi truyền đạt
một câu chuyện dạt dào cảm xúc bằng cách đọc lại dòng trích dẫn mới nhất trên Pinterest về vẻ đẹp của nỗi khổ đau cả. Tương tự vậy, nếu ai đó thở ra rằng một bi kịch nào đó “không thể gột bỏ khỏi hạch hạnh nhân của tôi” (hạch hạnh nhân: phần não lưu giữ ký ức cảm xúc), thì nó nồng nặc
mùi giả tạo. Ở đây, ngôn từ phải hợp phong cách văn bản, là mang tính cảm xúc chứ không phải học thuật.
Nhiều nghiên cứu đã đi sâu hơn vào những lời kêu gọi tìm kiếm người thân mất tích trong đời thực. Hiển nhiên sự việc này rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng những lời kêu gọi thành thực thì chứa nhiều từ ngữ thể hiện niềm hi vọng tìm thấy người thân còn sống, nhiều cảm xúc tích cực với người thân đó và tránh ngôn từ hằn học, thô lỗ. Nói tóm lại, những lời kêu gọi này có nhiều từ ngữ chỉ cảm xúc chân xác, mộc mạc và mang tinh thần lạc quan hơn là những khẩu hiệu hoặc trích dẫn sáo rỗng trộn thêm tính tiêu cực.
Họ đang thực sự nghĩ gì?
Nói giảm nói tránh
Lụa giả thực chất là polyester. Da giả thực chất là nhựa.
Các nhà sản xuất gắn mác sản phẩm không phải để đánh lừa mà để thay đổi cách nhìn. Suy cho cùng, có một số từ ngữ
đánh động cảm xúc tiêu cực của người nghe. Nói giảm nói
tránh có thể giúp làm mờ đi tác động cảm xúc ấy. Vì lý do này mà nhân viên bán hàng sẽ không bảo bạn “ký hợp đồng
đi chị” mà sẽ nhẹ nhàng hỏi bạn “xem qua cho em chút giấy
tờ”. Cho dù cả hai cụm này đều chỉ cùng một hành động nhưng hẳn chúng ta sẽ cảm thấy vướng víu tâm trí khi phải
băn khoăn có nên thận trọng nhờ luật sư xem trước mỗi khi
ký hợp đồng nào đó hay không. Nhưng “ngó qua chút giấy
tờ” là một việc hết sức vặt vãnh, chẳng cần phải lo âu, đúng không nhỉ?
Một người thẩm vấn lão luyện biết nên tránh những từ
ngữ gay gắt - kiểu như tham ô, giết người, dối trá, thú nhận - và sẽ tránh xa những ngôn ngữ đặt anh ta vào thế đối đầu
với đối tượng. Ví dụ, người đó sẽ không nói: “Đừng có nói
dối nữa, nói cho tôi biết sự thật đi.” Họ sẽ nói: “Chúng ta hãy cùng nghe toàn bộ câu chuyện nhỉ” hoặc “Vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta sẽ gạt bỏ những hiểu lầm này đi.”
Các chính trị gia là người thấu hiểu sức mạnh của ngôn
từ trong việc gây ảnh hưởng tới thái độ và hành vi của người khác. Trong một diễn biến quân sự, chúng ta thường nghe thấy cụm “thiệt hại đi kèm” thay vì được báo cho biết rằng
dân thường đã vô tình bị giết hại và khi nghe đến chuyện “viên đạn lạc” chúng ta sẽ thấy đỡ bức xúc hơn là biết rằng
Đọc Vị Tâm Trí
đồng đội bắn vào nhau. Và, tất nhiên, khi xem bản tin buổi sáng thông báo tin tức về “những thương vong” chúng ta bớt xúc động hơn khi phát thanh viên nói ra từ chết.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng làm tương
tự: chúng ta có thể gọi nhà xí là nhà vệ sinh, phòng tắm, toa-lét 1, chỗ rửa tay… Thật vậy, chúng ta hay nói với công ty bảo hiểm của mình về một vụ “va quệt” thay vì từ
tông xe . Và, tất nhiên, để một nhân viên “đi” hoặc thông báo là anh ta bị “cho nghỉ” thì thường được ưa dùng hơn
là nói “bị sa thải”.
Việc sử dụng cách nói giảm nói tránh cho chúng ta biết người nói muốn giảm bớt hoặc tránh sự trực diện và có thể là (a) đang cố giảm nhẹ yêu cầu hoặc thành tựu của họ, (b) sợ rằng thông điệp của họ sẽ không được đón nhận tốt lắm, (c) không thoải mái lắm với chính chủ đề của câu chuyện, hoặc (d) các lý do trên.
Đây và Kia
Vô thức cũng cố gắng kết nối bản thân với người nghe, với nội dung lời mình nói hoặc với đối tượng của câu chuyện bằng cách sử dụng những từ chỉ vị trí tương đối. Những trạng từ chỉ trỏ đây, kia, này, nọ và chỉ vị trí ở đây, ở kia cho thấy mối liên hệ về không gian giữa người nói với một người
1 Trong bản dịch tiếng Việt, dịch giả để toa-let vì với người Việt, dùng tiếng Anh vẫn đỡ sỗ sàng hơn.
Họ đang thực sự nghĩ gì?
hoặc một đồ vật đang được nói tới. Những từ này cũng thể
hiện được khoảng cách cảm xúc. Thường thì chúng ta dùng
những từ chỉ vị trí tương đối để nói về ai đó hoặc cái gì đó
mà chúng ta có tình cảm tích cực và muốn liên hệ với (ví dụ
“Đây là một ý tưởng hay ho”). Nhưng bạn nên nhớ từ trái
nghĩa với nó không kéo theo ẩn ý trái ngược đâu. Nếu đồng
nghiệp của bạn nói: “Đó là một ý tưởng hay ho.” thì cũng
đừng nhất nhất phải suy luận rằng anh ta đang giả đò khen
bạn. Ngôn từ phản ánh sự gần gũi, gắn bó sẽ ám chỉ cảm xúc
của người nói, nhưng không nên suy diễn ngôn từ chỉ sự xa
cách sẽ ám chỉ cảm xúc ngược lại.
Ở
đây, có vô vàn ngóc ngách tâm lý vì ngôn từ chỉ
khoảng cách có thể chỉ một cơ chế phòng thủ, gọi là xa cách
hóa. Trong trị liệu chẳng hạn, một nhà phân tích sắc sảo sẽ
nhận ra ngay khi bệnh nhân thường tránh dùng hoặc loại
bỏ đại từ nhân xưng, có thể họ đang tránh sự thân mật, gần
gũi, sự trung thực, trực diện hoặc trách nhiệm. Hãy chú ý
khi người ta dùng một đại từ nhân xưng ngôi thứ hai như
bạn hoặc ngôi thứ ba người ta. Mặc dù trong một ngữ cảnh thông thường, những từ này thường chỉ chung mọi người
(“Bạn phải luôn nói làm ơn và cảm ơn”), nhưng việc dùng từ
bạn, anh, ông, chị… hoặc người ta khi đáng ra phải nói là tôi đánh tín hiệu cho thấy có một sự lấn cấn ở đây. Ví dụ, hãy hình dung một vị quản lý nói với nhân viên là phải sát sao tiến độ công việc hơn chứ đừng đợi nước đến chân rồi mới nhảy. Hãy xem hai phản hồi sau đây:
PHẢN HỒI A: “Tôi biết, nhưng đâu phải lúc nào tôi cũng
lường trước chuyện gì sẽ phát sinh.”
Đọc Vị Tâm Trí
PHẢN HỒI B: “Anh biết đấy, nhưng đâu phải lúc nào người ta cũng lường trước chuyện gì sẽ phát sinh.”
Mặc dù chẳng phản hồi nào thừa nhận lời trách móc của quản lý, nhưng phản hồi thứ hai lại là một biểu hiện lươn lẹo hoàn toàn vì nhân viên này đang tuyên bố rằng lường trước được những vấn đề phát sinh là vấn đề khó khăn của toàn nhân loại, toàn cầu chứ không chịu thừa nhận điểm yếu trong việc quản lý thời gian của mình. Trong chương 12, bạn sẽ biết cách nhận diện khi nào cuộc trò chuyện chọc giận người ta và phân biệt giữa một người đang nói dối bạn
với một người đang nói dối chính mình.
Góc bài bạc
Rất nhiều nghiên cứu thú vị đã phát hiện ra rằng người ta vô thức gắn kết mặt thuận của mình - như thuận tay trái hoặc tay phải - với những gì tích cực, lạc quan, và liên tưởng mặt kia với những gì tiêu cực hơn. Có vẻ việc liên tưởng cái tốt với cái thuận sẽ diễn ra trong hầu hết các phương diện cuộc sống của chúng ta. (Để xác định tay thuận, hãy để ý khi được trao cho đồ vật nào đó người ta dùng tay nào để đỡ lấy, muốn chính xác hơn thì đưa cho họ chính diện để đồ vật đó không gần tay nào hơn). Trong khi nghiên cứu, tôi nhận ra một người chơi bài đang có ý lừa gạt sẽ thường đặt thẻ bằng tay không thuận. Mặc dù đây không phải dấu hiệu đúng tuyệt đối nhưng nó cũng đủ tin cậy để kết hợp với những dấu hiệu khác.
Họ đang thực sự nghĩ gì?
Chương này chỉ giới thiệu cơ sở ngôn ngữ. Phần lớn
nói về vấn đề ngữ pháp, bởi thế tôi chỉ nhắc bạn một lần
nữa là sẽ thật hồ đồ khi cho rằng chỉ cần một câu thôi là đã
đủ chứng minh bất cứ điều gì. Ví dụ, hãy nghĩ đến những
người hướng ngoại thường có xu hướng đưa bản thân mình
vào câu nói (ví dụ: “Tôi thấy chuyện đó thật thú vị”) trong khi người hướng nội thì lại tách mình xa cả cây số (“Chuyện
đó thật thú vị.”). Nếu chỉ xét riêng một câu nói đơn độc thì
không tuyên bố nào trong hai tuyên bố trên được coi là ít nhiều đáng tin cậy. Chúng ta cũng đã biết rằng thể chủ động
đem đến sức thuyết phục cho câu nói nhưng sức thuyết phục đó có thể sẽ không còn nữa khi thiếu đi đại từ nhân xưng. Ví dụ, câu “Cuốn sách này thật hay”, rõ ràng là dùng
thể chủ động, trong khi câu “tôi bị cuốn sách này hấp dẫn” có chứa “tôi” chủ nhân của thể bị động này. Phân biệt giữa
sự giả tạo và sự xa cách cũng khó chẳng kém khi chỉ dựa trên
một tiêu chí đơn độc.
Khi bạn đọc tiếp, kiến thức tâm lý học sẽ trở nên hấp
dẫn hơn và các chiến thuật của chúng ta trở nên phức tạp
hơn. Chúng ta mới chỉ vừa bắt đầu thôi!
Người ta nhận định về người khác thế nào
Những
người làm trong các cơ quan thi hành luật biết
nạn nhân của những vụ bạo hành, như bắt cóc hoặc
tấn công, hiếm khi dùng từ chúng ta, chúng tôi, bọn cháu,
chúng em… Thay vào đó, họ sẽ kể về biến cố đó theo kiểu
tách họ ra khỏi kẻ thủ ác, gọi kẻ tấn công là “hắn”, “cô ta”
và gọi bản thân là “tôi”, “cháu”, “em”… Ví dụ, họ sẽ không
nói: “Chúng tôi chui vào xe” họ sẽ thường nói: “Hắn ấn
tôi vào xe.”; họ sẽ không nói “Chúng tôi dừng lại để bơm
xăng” mà sẽ nói: “Hắn dừng lại để bơm xăng.” Kể lại một câu chuyện mà sử dụng những đại từ như chúng tôi, chúng ta, của chúng tôi… có thể nói nên sự gần gũi về mặt tâm lý (chắc chắn là không xuất hiện trong một vụ phạm tội rồi) và ngụ ý có một sự liên hệ, một mối quan hệ và có lẽ còn cả một sự hợp tác nữa.1
1 Có một ngoại lệ là trường hợp đi kèm với một điều kiện được biết đến với cái tên hội chứng Stockholm. Trong đó, nạn nhân dần cảm mến kẻ bắt cóc họ.
Đọc Vị Tâm
Chúng ta có thể quan sát thấy điều này trong cuộc sống hàng ngày. Cuối buổi hẹn hò, Jack và Jill từ nhà hàng bước ra, Jill hỏi: “Chúng ta đậu xe ở đâu nhỉ?” Một câu hỏi ngây thơ, vô tội nhưng dùng từ chúng ta thay vì anh cho thấy cô ấy đã bắt đầu thấy mình cùng hội với Jack, mình với Jack là một cặp. Việc hỏi “Xe anh đậu ở đâu nhỉ?” không hẳn ngụ ý là cô không thích anh ta, nếu, trên thực tế đó là xe của Jack; nhưng biến anh thành chúng ta quả thật có bộc lộ một chút cảm tình ngầm.
Bất cứ khi nào nói chuyện với một cặp đôi, tôi luôn luôn để ý xem khi nào đột nhiên cuộc trò chuyện thiếu đi chữ chúng tôi, chúng ta. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các cặp vợ chồng sử dụng ngôn từ chỉ sự hợp tác (như chúng ta, chúng mình) hơn là ngôn từ chỉ cá nhân (ví dụ như tôi, anh, em) có tỷ lệ li dị thấp hơn và nói rằng hài lòng với cuộc hôn nhân của mình hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy có một mối tương quan rõ ràng giữa việc sử dụng đại từ nhân xưng như thế và cách giải quyết bất đồng và mâu thuẫn của các cặp đôi, điều đó dự đoán họ sẽ đoàn kết, hợp tác với nhau hay sẽ chia rẽ, phân ly nhau. Việc dùng những từ nhân xưng ngôi thứ hai (như em, anh) có thể cho thấy một sự bực bội ngấm ngầm hoặc một cơn giận thật sự. Trong khi trò chuyện, câu nói “Em phải tìm cách giải quyết chuyện này đi” đã truyền tải sắc thái thù địch và một tư duy phân biệt “tôi - cô”. Tuy nhiên, “chúng ta phải tìm cách giải quyết chuyện này” lại chỉ tư duy “chúng ta và vấn đề”, với tiền giả định là chúng ta cùng chung trách nhiệm và sẽ hợp tác với nhau.
Người ta nhận định về người khác thế nào
Qua những câu nói sau, bạn có thể đoán được cặp đôi
nào đang cơm chẳng lành canh chẳng ngọt không?
A: “Hôn nhân của chúng tôi đang gặp trục trặc.”
B: “Hôn nhân đang gặp trục trặc.”
Người B không những tách rời bản thân mình với bạn
đời mà còn lại tách bản thân mình ra hẳn cuộc hôn nhân
này. Nó tồn tại như thể một thực thể bên ngoài anh ta.
Những ví dụ khác như: nói về “các con tôi” với “các con của
chúng tôi” khi có sự hiện diện của người bạn đời hoặc nói
về không gian chung thì nói “nhà tôi” hoặc “phòng ngủ của tôi” cho chúng ta thấy góc nhìn của người đó. Tương tự, cha hoặc mẹ đang bực bội hỏi bạn đời mình: “Em có biết con trai em đã làm gì ở lớp không?” là để chỉ một việc gì đó
không hề tốt lành, trong khi ở một tình huống ngược lại,
người đó có thể nói rằng: “Em có biết hôm nay con trai anh [hoặc chúng ta] đã làm gì ở lớp không?” Xin nhắc lại một lần nữa, chỉ một chi tiết đơn lẻ không nói lên được điều gì (và bất cứ câu nói nào trong số này chỉ đơn giản thể hiện nỗi
bực bội, tức giận của người nói lúc đó, chứ không thể hiện
được điều gì về cuộc hôn nhân của họ), nhưng nếu kiểu nói
năng ấy cứ lặp đi lặp lại thì nó lại nói lên được nhiều điều.
Những ngầm ý và ứng dụng kiểu câu này có thể áp dụng
cho cả bối cảnh công sở nữa. Nghiên cứu phát hiện ra rằng
công ty nào nhân viên gọi nơi làm việc của họ là “công ty
ấy” hay “công ty đó” chứ không hay gọi là “công ty tôi” hay
Đọc Vị Tâm Trí
Chỉ một sự đối chiếu đơn
lẻ, bất chợt thì không có
nghĩa lý gì hết, nhưng nếu
một kiểu nói cứ lặp đi lặp
lại thành khuôn mẫu lại
tiết lộ mọi thứ.
“công ty chúng tôi” và gọi đồng
nghiệp là “họ” thay vì “đồng
nghiệp của tôi” thì rất có khả
năng công ty đó làm ăn không
chính đáng hoặc nhân viên thay
đổi rất nhiều. Trong môi trường
thể thao cũng tương tự vậy. Bạn có thể nhận ra một người
hâm mộ sớm nắng chiều mưa thông qua lời nói của anh ta.
Khi đội nhà thắng, họ sẽ sung sướng kêu lên: “Chúng ta thắng rồi.” Nhưng khi đội nhà thua thì sẽ là “Họ thua rồi” vì, xin nhắc lại một lần nữa, đại từ chúng ta thường chỉ dành cho những gì tích cực mà thôi.
Hoàng đế và tôi
Khi một người đưa ra thông tin, trật tự thông tin được đưa ra mang nhiều ý nghĩa. Nếu ai đó liệt kê về con người, sự vật, sự việc hoặc thậm chí cảm xúc theo một trật tự dường như là ngẫu nhiên, không liên kết logic gì với mạch trò chuyện, thì chúng ta nên chú ý thật kỹ vào trật tự đó. Nó thường thể hiện những ưu tiên của người nói trong tiềm thức hoặc chỉ ra rằng anh ta hoặc cô ta không muốn thảo luận về một số chuyện nào đó.
Bạn có thể nhớ một câu chuyện trong kinh thánh, từ đó đúc rút ra một điều hết sức cổ xưa nhưng cũng rất dễ nhận thấy trong bản chất con người. Hai người phụ nữ đến trước người đàn ông thông thái nhất, hoàng đế Solomon. Họ đều
Người ta nhận định về người khác thế nào
mỗi người sinh ra được một cậu bé cách nhau chỉ vài ngày.
Trong khi nằm ngủ, một trong hai người vô tình xoay người
đè nghẹt thở con mình. Rồi người này đánh tráo đứa con mình với đứa bé còn sống của người kia. Nhưng khi người
mẹ của đứa trẻ ấy tỉnh dậy, cô ta nhận ra đứa bé đang nằm
chết cạnh mình không phải là con mình và biết người ta đã
đánh tráo hai đứa trẻ cho nhau.
Solomon nhờ tiên tri đã biết rõ đứa trẻ còn sống là con của người mẹ nào, nhưng ông muốn chứng minh suy nghĩ của mình bằng một logic không thể nào chối cãi được. Ông
tuyên bố: “Người này nói rằng: ‘Con tôi còn sống. Con cô ta đã chết’ còn người kia nói rằng: ‘Không phải thế, con cô
ta đã chết, con tôi còn sống.’”
Rồi Solomon yêu cầu đưa ra cho ông thanh kiếm và nói
ông sẽ giải quyết tình huống này bằng cách chia nửa đứa bé
còn sống ra làm đôi. Một người phụ nữ thét lên: “Không!”
Tất nhiên, điều đó cho thấy người phụ nữ ấy chính là mẹ của
đứa trẻ còn sống. Chuyên gia phát hiện nói dối huyền thoại
Avinoam Sapir đã khéo léo chỉ ra rằng người phụ nữ thứ hai đã nói với hoàng đế rằng: “Con cô ta đã chết. Con của tôi còn sống”. Nhưng người đầu tiên nhắc đến con mình trước (“Con tôi còn sống. Con cô ta đã chết.”) vì cô chỉ biết đến con mình - đứa còn sống - và do đó cô ưu tiên nhắc đến nó trước. Sapir nhắc đến một ví dụ khác từ một bức thư trong chuyên mục tư vấn “Abby thân mến”:
Một người phụ nữ viết rằng con trai bà có một vấn đề nào đó, nhưng chồng bà không hiểu cho. Bà muốn biết
Đọc Vị Tâm Trí
làm gì để chồng bà hiểu cho con trai bà. Nhưng trong bức thư, người phụ nữ nhắc đến bản thân mình, đến con trai mình và con chó của con trai trước khi nhắc đến chồng bà. Và bà viết tên của con trai và con chó, nhưng không nói tên của chồng. “Bà ấy đặt con chó đó
lên trước cả chồng mình” cho thấy vấn đề thực sự của bà ấy là với chồng bà chứ không phải mối quan hệ của
người chồng với đứa con trai.
Quy tắc ghi chú chi tiết theo thứ tự này ứng dụng cho
hầu khắp các tình huống và hoàn cảnh. Ví dụ, khi bạn hỏi một đứa trẻ về những người thân trong gia đình, cô bé có thể đáp: “Mẹ cháu, bố cháu” và rồi kể ra tên của vài anh chị
em. Chắc chắn, chúng ta không nên cho rằng có gì đó sai
ở đây nếu cô bé nói “bố” rồi mới đến “mẹ”, rồi liệt kê anh chị em theo kiểu từ nhỏ đến lớn hay từ lớn đến nhỏ, hoặc nói tên hai chị rồi mới đến đứa em trai “phiền phức”. Hơn nữa, nếu Spotty, chú chó, và Goldie, chú cá vàng được kể trước cha hoặc mẹ, thì không có lý do gì phải lo lắng cả, nhất là khi đó là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu một người thân trong gia đình không được nhắc tới hoặc ở tận cuối danh sách, sau những con thú nhồi bông, thú cưng và các thể loại tương tự, thì có thể chúng ta nên hỏi kỹ càng hơn chuyện này. Nói cho thật rõ thì trật tự hoặc sự thiếu vắng của một thành viên gia đình không nói lên rằng có gì đó ám muội ở đây, nhưng nó cũng báo cho chúng ta biết mối quan hệ của trẻ với người đó có thể không giống như những gì ta tưởng.
Người ta nhận định về người khác thế nào
Tương tự, khi bạn hỏi một nhân viên về môi trường
làm việc của mình, cô ấy có thể nói về “sếp của tôi” và rồi
nhắc đến một vài đồng nghiệp. Chúng ta không nên cho rằng có gì đó không phải ở đây khi cô ấy chỉ đơn thuần kể
tên đồng nghiệp này trước đồng nghiệp kia, liệt kê họ theo
cấp bậc, hoặc kể người nhân viên lễ tân đồng thời cũng là
chị dâu của mình.1 Tuy nhiên, nếu cô ấy bắt đầu nói về máy
pha cà phê và phòng giải lao trước đồng nghiệp hoặc bạn bè, thì điều này có thể gợi cho ta cảm giác dường như cô có một
chút xa lánh người khác, một chút cô độc hoặc thiếu giao du ở nơi làm việc và cũng đáng để tìm hiểu sâu hơn.
Tôi vừa mới gặp lại một người bạn ấu thơ cách đây 30 năm. Sau vài câu xã giao giả tạo lấy lệ: “Chà, cậu trông bảnh
đấy… vẫn y như xưa” là đến màn khoe ảnh. Cậu ta cho tôi xem rất nhiều ảnh của mình và chú chó cưng đang ăn trưa trong công viên, ôm nhau ngủ, chơi đuổi bắt đĩa Frisbee trên bờ biển. Rồi, cậu ta bắt tôi xem những bức ảnh của những
người nổi tiếng mà cậu ta “rất thân”, ngón tay cậu ra lướt lướt qua những tấm ảnh tự sướng với những bạn thân thuộc
1 Chúng ta hay đánh giá sức mạnh theo chiều dọc, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bất cứ khi nào ai đó được yêu cầu minh họa bậc thang xã hội hoặc cấp bậc trong công ty, họ thường sử dụng chiều dọc và đặt người có quyền cao hơn ở trên cao, người quyền thấp hơn ở dưới. Điều này cho ta hiểu rõ hơn cách con người nhìn nhận bản thân và người khác trong bất kỳ một cấu trúc cấp bậc nào. Xem T. W. Schubert, “Your Highness: Vertical Positions as Perceptual Symbols of Power,” (Kính ngữ dùng trong vương thất: Những vị trí sắp xếp theo chiều dọc như là biểu tượng nhận thức về quyền lực) Journal of Personality and Social Psychology 89, số 1 (2005): 1–21; doi: 10.1037/0022-3514.89.1.1.
Đọc Vị Tâm Trí
danh sách B. Hàng tá ảnh và mãi một lúc lâu sau, cậu ta mới
dừng lại ở một tấm ảnh một cậu bé tuổi thiếu niên: mình
trần, tay cầm tạ và chỉ có một mình. “Con trai tớ, Mark” cậu chỉ nói có vậy. Một cú lướt ngón nữa và lộ ra bức ảnh tiếp theo. “Đây là con gái tớ.” Cậu ta không nhắc gì đến tên.
“Con bé đang học đại học California”. Chấm hết. Không một bức ảnh nào các con chụp chung với bố. Người bạn cũ của tôi vẫn trong hôn thú với người vợ thứ hai nhưng chẳng nhắc gì đến cô ấy. Không ảnh. Không gì hết.
Thế có nghĩa là cậu ấy không yêu vợ và các con? Không phải. Có thể anh ấy tha thiết muốn gắn bó với gia đình nhưng một số lý do cá nhân nào đó hoặc những tình cảnh
mà ta chưa biết có thể khiến cho chuyện đó trở nên khó khăn. Trong trường hợp ấy, mối quan hệ của họ không suôn sẻ và tình yêu thương của anh dồn cho chú chó. Hoặc, biết đâu anh ấy là người có cái tôi rất cao, hoàn toàn chỉ chú
ý đến bản thân mà không quan tâm gì đến gia đình. Anh ấy dựng nên một hình ảnh bản thân phù phiếm bằng cách trưng ra những người quen biết nổi tiếng. Chúng ta không biết chắc được khi chỉ dựa vào một cuộc trò chuyện ngắn ngủi, nhưng chúng ta biết chắc rằng mối quan hệ của anh ấy với vợ và con không được tốt đẹp và anh ấy không bao giờ có ý chia sẻ với tôi về điều đó.
Tất cả những điều trên đều đúng trong những cuộc trò chuyện và những tình huống tự phát khi người ta chưa suy nghĩ chín chắn. Trong những trường hợp cẩn trọng - như một cuộc thương thảo hoặc một cuộc hòa giải - một người
Người ta nhận định về người khác thế nào
làm nghề có kinh nghiệm không mấy khi chủ động thể hiện
sự quan tâm thực sự của mình nhằm tránh mất đi lợi thế.
Do đó, chính việc một người hoàn toàn lờ đi cái gì đó mà
đáng ra thu hút sự chú ý của anh ta (một con vượn nặng
200kg!!!) nói cho chúng ta biết rằng đây hẳn là một điều gì
đó thực sự thu hút sự chú ý của anh ta.
Nhiều năm về trước, tôi đã mời một nhà môi giới nghệ
thuật tới nhà để ngắm năm bức tranh tôi được thừa kế từ bà
dì quá cố. Tôi đã không kiểm tra thông tin của anh chàng vì
gã đó là “bạn của một người bạn của một người bạn”. Sau
khi nhìn qua bộ sưu tập trong vài phút yên lặng, gã gọi một
cú điện thoại rồi nói đại loại kiểu: “Thực sự mấy bức tranh
này chẳng đáng giá lắm. Có thể cái này [chỉ vào một bức]
đáng vài trăm đô, nhưng tôi có thể đem tất chúng đến khu thanh lý trong nhà trưng bày của tôi và có được vài nghìn
đô. Tôi sẽ trả ông ba nghìn đô la, ông nghĩ sao?” Tôi đâu
biết gì nhiều về nghệ thuật. Thôi, đành phải thú thực là tôi
chẳng biết gì cả. Nhưng tôi biết bản chất con người và tôi để
ý thấy gã hoàn toàn lờ đi một bức tranh nhỏ. Tôi cảm thấy
tò mò vì gã nhìn tất cả những bức kia ít nhất hai lần, thậm
chí cả những bức mà sau đó gã nói là “vô giá trị”.
Tôi từ chối đề nghị của gã và cảm ơn gã đã đến. Gã nâng
giá lên. Tôi từ chối. Lại nâng lần nữa. Sau vài lần nâng giá tiếp theo và nhiều lần “giá chốt”, rõ ràng như ban ngày là không thể tin vào gã được. Gã bực bội rời đi, và tôi gọi điện cho một nhà thẩm định nghệ thuật (không phải là một nhà môi giới, nhưng người này sẽ tính tiền phí dịch vụ). Hóa ra,
Đọc Vị Tâm Trí
trong khi bốn trong số năm bức tranh - trong đó có bức mà gã môi giới kia nói đáng giá chút đỉnh - chẳng đáng giá bằng tấm toan vẽ của chúng, thì bức tranh nhỏ mà gã lờ đi ấy lại
đáng gần gấp bảy lần cái “giá chốt” của gã.
Biểu tượng
Một người mẹ đang ôm đống quần áo của đứa con mới sinh. Cô chọn từng món nhỏ xíu đáng yêu đã được mua với
đầy lòng yêu thương ra khỏi rổ và lấy tay là thẳng chúng, cô mỉm cười. Cô gấp quần áo sạch gọn gàng và bỏ chúng vào
ngăn kéo bàn em bé. Với một tiếng thở dài hài lòng nhè
nhẹ, cô ngắm nghía tác phẩm gọn ghẽ của mình rồi đóng ngăn kéo lại.
Qua thái độ vui vẻ của cô khi làm một việc mà với người
khác quá đỗi nhàm chán, người mẹ đã thể hiện được tấm
lòng của mình; cô trân quý đứa con này. Chúng ta biết thế vì bàn tay cô nâng niu đồ dùng của con bằng tình yêu thương và dịu dàng hết mực. Tương tự, một người có thể nâng niu một món đồ thuộc về cha mẹ hoặc ông bà yêu dấu; bản thân món đồ đó có thể tái chế thì ích lợi hơn, nhưng người này xem nó như một bảo vật vô giá. Ý niệm về biểu tượng, được minh họa bởi những cảnh huống này, đã nói lên rằng chúng ta có thể hiểu cảm nhận của ai đó về ai đó thông qua cách họ đối xử với đồ vật liên quan đến người đó. Trong toán học, đây chính là tính chất bắc cầu: Nếu A = B và B = C thì A = C. Tất nhiên, tâm lý học không giống toán học, đây không
Người ta nhận định về người khác thế nào
phải là quy tắc tuyệt đối. Nhưng nó là một cánh cửa nữa để nhìn vào và thấu hiểu hành vi của người khác.
Biểu tượng có thể tiết lộ những điều quan trọng mà khó có thể lượm lặt được theo cách trực diện hơn. Ví dụ, một người đột ngột ly hôn với người chồng thứ hai (sau ba
tháng lấy nhau) đang lo lắng về những thay đổi của cô con gái trẻ trước sự vắng mặt của người cha dượng. Tôi gợi ý cô
nên cho con một chú gấu bông và nói với con rằng đó là của cha dượng. Nếu đứa trẻ ôm con gấu đó thật chặt vào lòng
thì có thể cho rằng cô bé đang nhớ cha dượng. Nếu, mặt khác, cô bé có vẻ như không hứng thú gì với nó, thì người
mẹ có thể suy ra rằng đứa trẻ cảm thấy một chút, nếu có,
gắn bó cảm xúc với anh ta. Nếu cô bé bực bội - và tức giận
với anh ta - cô bé có thể có hành vi hủy hoại nào đó với con gấu hoặc ném nó vào góc một cách tàn nhẫn hoặc cố gắng
móc đôi mắt ra khỏi cái đầu mềm mại của nó. Một lần nữa tôi xin nhắc lại là tôi không nói là chúng ta nên rút ra một
kết luận tuyệt đối nào, nhưng cách cô bé đối xử với chú gấu bông đại diện (cho người cha dượng này) sẽ chỉ cho chúng ta biết hướng đi đúng.
Tất cả chúng ta đều dịch chuyển qua lại trong không
gian cảm xúc giữa bản thân ta với người khác thông qua rất nhiều cơ chế ngôn ngữ. Chỉ cần lắng nghe một chút thay đổi trong ngôn ngữ là chúng ta có thể biết được ai
đó có muốn đến gần hay đang tìm cách lánh xa chúng ta.
Điều này rất hữu dụng khi chúng ta muốn tìm hiểu mức
độ hòa hợp trong bất kỳ mối quan hệ nào, dù mới hay cũ.
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xây dựng một bộ kỹ năng với những phương pháp nhanh chóng xác định được ai là người hứng thú, ai là người hờ hững trong bất kỳ một cuộc trò chuyện hay bối cảnh nào.