BÀN VỀ NHỮNG THIẾU SÓT VÀ LỐI RA CHO CHÍNH SÁCH GIAO THÔNG ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM TS. Văn Hồng Tấn Giảng viên, bộ môn Cầu Đường, Khoa Xây Dựng Trường Đại Học Bách Khoa Tp. HCM Ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam là do cơ sở hạ tầng bị quá tải bởi lượng phương tiện cá nhân khổng lồ đang tiếp tục tăng nhanh. Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, quản lý kiểm soát nhu cầu giao thông là chiến lược quan trọng mà nhà nước cần áp dụng ngay để giải quyết vấn nạn kẹt xe. Trước mắt, hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân để hướng người dân sử dụng xe buýt là là giải pháp sống còn cho các thành phố. 1. Mở đầu Giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam đang diễn biến hết sức xấu, đe dọa đến sự phát triển kinh tế. Ùn tắc giao thông diễn ra liên tục và trên diện ngày càng rộng, đã làm tổn hao nguyên khí của các đô thị. Nguyên nhân trực quan nhất mà ai cũng có thể thấy được, đó là hệ thống hạ tầng vốn thấp kém bị quá tải bởi số lượng phương tiện cá nhân khổng lồ đang tiếp tục tăng nhanh. Tuy nhiên, chính quyền tại các đô thị lớn hiện nay vẫn đang loay hoay với giải pháp điều tiết giao thông. Mới đây, kế hoạch 6650 về hạn chế ùn tắc giao thông ở TP.HCM giai đoạn 2007 - 2010 có thể xem như đã phá sản khi số vụ kẹt xe và tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng sau hơn 3 tháng áp dụng. Nhìn từ cốt lõi vấn đề, giải quyết nạn kẹt xe không khác hơn là giải quyết bài toán cung cầu cơ bản trong kinh tế. Đó là tăng cung, tức xây dựng cầu, đường giao thông và kiểm soát nhu cầu (Transportation Demand Management), tức giảm nhu cầu sử dụng đường, hoặc giảm nhu cầu đi lại (chẳng hạn giải pháp teleworking). Bài báo này sẽ phân tích các số liệu thực trạng giao thông đô thị, mục đích là nhằm đưa ra một hướng giải pháp chiến lược cho những nhà làm chính sách giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam, không chỉ cho việc cải thiện giao thông đô thị mà còn để xây dựng một hệ thống giao thông bền vững. 2. Thực trạng giao thông ở các đô thị của Việt Nam Tốc độ xây dựng ở các đô thị lớn đang được nỗ lực đẩy mạnh để tăng cung cho giao thông. Hiện tại, diện tích đường dành cho giao thông ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là rất thấp. Tỷ lệ diện tích đường so với diện tích tổng của TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 1.8%, thấp hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực, ví dụ Calcutta 6.4%, Bangkok 11.4%, Tokyo 24%. Việc xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đường là một nhiệm vụ trọng tâm cho giao thông vận tải nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xa hơn nữa là nâng cao độ tiện lợi trong đi lại của người dân. Tuy nhiên, ngân sách cấp cho cải tạo hạ tầng cơ sở của các thành phố vẫn rất hạn chế. Ví dụ, theo một báo cáo, TP.Hồ Chí Minh năm 2007 chi ngân sách khoảng 25 nghìn tỷ, chỉ bằng 22% so với nhu cầu cần cho xây dựng cơ bản mỗi năm trong vòng 3 năm tới