CÁC CÁCH THỨC CHẾ NGỰ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC ĐỖ MINH KHÔI * * ThS. Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh 1. Đặt vấn đề Tìm hiểu về nhà nước chúng ta không thể tách rời vần đề về quyền lực nhà nước. Những vấn đề cơ bản nhất về nhà nước như bản chất, chức năng, bộ máy, hình thức chính thể, thực chất chính là việc xác định quyền lực nhà nước thuộc về ai, được thực hiện như thế nào và nhằm mục đích gì. Về mặt lý thuyết, trong các giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa có sự quan tâm đúng mức đến khái niệm quyền lực nhà nước và từ đó cũng chưa đặt ra vấn đề chế ngự quyền lực nhà nước[1]. Sự thiếu quan tâm cũng có thể xuất phát từ một nhận định của Lênin là: “Chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô sản giành được và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản, chính quyền không bị một luật pháp nào hạn chế cả” [2]. Về mặt thực tế, hầu hết các nước đều ghi nhận quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhưng chỉ có 55% nhà nước trên thế giới được coi là dân chủ, tức là vẫn còn gần một nửa số nhà nước trên thế giới vẫn thực hiện chế độ chuyên chế mà ở đó quyền lực nhà nước chưa bị chế ngự bởi nhân dân và vì nhân dân [3]. Trong xã hội hiện đại, dân chủ với ý nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã trở thành một yêu cầu quan trọng nhất. Nhưng trước khi dân thực sự làm chủ, quyền lực nhà nước cần phải bị chế ngự nhằm loại trừ một nghịch lý là quyền lực nhà nước của nhân dân nhưng nó đe dọa chính nhân dân. 2. Sự cần thiết phải chế ngự quyền lực nhà nước Nếu như quyền lực nhà nước được thực hiện bởi những người có đức hạnh và tài năng và với mục đích vì nhân dân thì sự chế ngự quyền lực nhà nước là vô nghĩa và cũng không cần thiết phải xác định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong hiến pháp và các bản tuyên ngôn. Lịch sử đã cho thấy sự tàn bạo của của nền quân chủ chuyên chế và chế độ độc tài phát xít khi quyền lực nhà nước không bị hạn chế. Hơn nữa, nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước không thể thụ động trông chờ vào “sự ban phát” của kẻ nắm quyền lực nhà nước. Trong chế độ chuyên chế thần quyền, những lãnh tụ là người “cõi trên” do vậy quyền lực cai trị không thể bị nghi ngờ. Tuy nhiên, đa số nhân dân không tin là mình được thần thánh cai trị và chính những người cai trị biết rõ nhất mình có là thánh thần hay không. Cũng có quan điểm cho rằng không nên hạn chế quyền lực vì sự tin tưởng vào đạo đức của người cai trị. Nhưng cai trị bằng đạo đức là lý tưởng hơn là một thực tế vì lịch sử cho thấy các vị vua và các lãnh tụ cai trị bằng nhân đức không nhiều. Hơn nữa, chỉ điều chỉnh các quan hệ quyền lực bằng các quy tắc đạo đức, bằng nhân nghĩa trong điều kiện phát triển của chế độ tư hữu và xung đột giai cấp gần như là không thể vì các quy tắc đạo đức rất đa dạng và không thể xác định rõ ràng. Xét về mục đích, mục đích thứ nhất và quan trọng nhất của việc chế ngự quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa sự chuyên chế, lạm dụng quyền lực. Trong hầu hết các chính thể hiện đại, nguồn gốc quyền lực nhà nước được ghi nhận là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nhưng quyền lực này chủ yếu được thực hiện thông qua các đại diện của nhân dân. Vì quyền lực không do dân trực tiếp thực hiện nên không có sự đảm bảo tuyệt đối là quyền lực nhà nước không đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Ở góc độ này, sự chế ngự quyền lực giúp hạn chế sự lạm dụng quyền lực nhà nước và đảm bảo cho việc thực hiện quyền lực nhà nước phải vì lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, sự chế ngự quyền lực nhà nước không chỉ ngăn ngừa sự chuyên chế và lạm dụng mà nó còn có mục đích đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực hiện một cách có hiệu quả và có trách nhiệm. Có quan điểm đối lập tính hiệu qủa với sự chế ngự quyền lực nhà nước, chế ngự sẽ trói buộc nhà nước và do vậy dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong quản lý nhà nước. Vấn đề thực sự là nhân dân trước tiên và cần thiết phải tránh được điều tồi tệ xảy ra do sự chuyên chế và lạm dụng quyền lực