TVBN 29.9

Page 1

Chương trình tư vấn NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI MONG CON Kỳ III, tháng 09/2012

Hỏi: Con trai tôi đang điều trị tại bệnh viện Bình Dân, cứ 3 tháng đi xét nghiệm 1 lần, đều có kết quả là không có tinh trùng trong tinh dịch. Xin hỏi làm thế nào để có tinh trùng? Chúng tôi có mang kết quả này lên khoa Hỗ trợ sinh sản bệnh viện An Sinh thì ở đó kết luận là con tôi bị bẩm sinh thì tôi cũng không hiểu lý do tại sao, cũng mong bác sĩ giải thích dùm. ThS. Hồ Mạnh Tường: Trường hợp không có tinh trùng thì có 2 khả năng. Khả năng thứ nhất là tinh hoàn vẫn sản xuất ra tinh trùng bình thường nhưng tinh trùng không đi ra ngoài được, tức là đường dẫn không có, nếu do bẩm sinh tức là khi sinh ra thì thiếu đường dẫn tinh trùng ra ngoài. Trong trường hợp này, tinh hoàn và tinh trùng có thể rất tốt nhưng không có con được vì tinh trùng không bao giờ đi ra ngoài được. Khả năng thứ hai là ngay từ lúc sinh ra thì tinh hoàn không hoạt động, hoặc do một bệnh lý nào đó thì tinh hoàn không hoạt động được sau một thời gian. Nên đi khám để xác định nguyên nhân là gì, nhưng đa số là không thể điều trị được. Không thể nào thiếu đường dẫn tinh mà mình tạo ra được một đường dẫn, y học hiện nay chưa làm được. Với tinh hoàn không hoạt động được thì không có khả năng làm cho nó hoạt động trở lại. Chỉ có một số trường hợp rất hiếm là do nguyên nhân thiếu nội tiết, cũng có thể do bẩm sinh, do thiếu nội tiết đó thì tinh hoàn không phát triển được, những trường hợp đó thì bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm nội tiết và dùng thử nhiều loại nội tiết khác nhau. Nếu cậu ấy đã được điều trị ở bệnh viện Bình Dân 1 năm thì có thể do một trong 2 trường hợp đầu, tức là vô tinh bế tắc hoặc vô tinh do tinh hoàn không hoạt động. Như vậy, các trường hợp đó điều trị thường không làm cho có tinh trùng trở lại được. Hỏi: Con tôi mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh vào tháng 6/2011. Con tôi sốt ruột nên hỏi thì bác sĩ Bình Dân nói là chờ đợi trong vòng 2 năm, trong lúc đó vẫn uống thuốc, sau đó nếu không được thì mổ lại để lấy tinh trùng. Không biết phải hay không? Khoảng bao lâu mình có thể đi điều trị lại, trong khi bác sĩ cứ bảo chờ 2 năm. ThS. Hồ Mạnh Tường: Không tinh trùng thường khó điều trị. Một số bác sĩ có khuynh hướng cố gắng làm thử, như tìm thấy giãn tĩnh mạch thừng tinh thì thử mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh, nếu muốn biết nó có hiệu quả thì phải chờ chờ từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc tuổi của người phụ nữ vì đây là một yếu tố liên quan rất nhiều đến cơ hội có con của một cặp vợ chồng. Tuổi phụ nữ tăng thì số lượng và chất lượng của trứng giảm đi. Do đó, nếu thử điều trị tinh trùng mà làm mất nhiều thời gian quá thì không nên, nên đi theo hướng khác là làm sao điều trị cho có con liền. Nếu không, một vài năm sau, khi tuổi người phụ nữ lớn hơn thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hiện tại, cách điều trị hiệu quả nhất hiện nay là người ta tìm trong tinh hoàn còn tinh trùng hay không, nếu còn tinh trùng thì có thể điều trị. Còn nếu không thể tìm thấy tinh


trùng trong tinh hoàn thì bắt buộc phải xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng để điều trị. Nói chung, điều trị hiếm muộn nên thực hiện sớm. Còn về việc bao lâu mình có thể đi điều trị lại, chắc là sau buổi tư vấn này (thứ hai 01/10/2012) đi được rồi, vì mình phải đi càng sớm càng tốt. Hỏi: Em 37 tuổi, năm vừa rồi có TTTON ở phòng mạch của bác sĩ. Lúc chọc trứng để tạo phôi thì được báo chỉ có 2 trứng thôi, không đủ để tạo phôi. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về trường hợp này? Như vậy là do bẩm sinh trong cơ thể, hay do chu kỳ có vấn đề về sức khỏe gì đó? Một chu kỳ khác có thể đi được nữa hay không? Xét nghiệm từ đầu hay sao? Ngày mấy của vòng kinh? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Trước khi làm TTTON, chị sẽ được cho làm các xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng, nghĩa là sẽ đánh giá số lượng trứng còn hiện tại trong buồng trứng của chị. Với những trường hợp giảm dự trữ buồng trứng do tuổi mình lớn rồi, thì khi tiêm thuốc phải tiêm nhiều thuốc mà số lượng nang, số lượng trứng vẫn ít. Khi trứng ít như vậy thì nguy cơ không có phôi sẽ cao hơn bình thường. Nếu có 2 trứng hoặc 1, thì cũng có thể có được 1 phôi, nhưng mà rất hiếm khi không có phôi. Không có phôi đi kèm với chất lượng trứng xấu, nghĩa là số lượng vừa ít và chất lượng vừa xấu, thành ra chu kỳ đó không có phôi được. Chị có hỏi là chỉ có chu kỳ đó như vậy thôi, sau này một đợt khác mình có thể làm lại không. Chúng tôi cần đánh giá lại. Giả sử khi xét nghiệm lại thì dự trữ buồng trứng của chị đã giảm rất nhiều thì không nên làm lại với trứng của mình nữa, bởi vì có thể lặp lại tình huống như vậy, mà mình nên xin trứng để làm. Nếu xét nghiệm dự trữ buồng trứng mà vẫn còn có thể thử được ở một chu kỳ khác. Thường nếu mình có được 3 phôi trở lên thì cơ hội đậu thai của mình cao hơn. Còn nếu mình chỉ có 1-2 phôi thì cơ hội đậu thai của mình cũng thấp. Chỉ cần xét nghiệm nội tiết đánh giá dự trữ buồng trứng và siêu âm đầu chu kỳ kinh để biết được hướng làm tiếp tục của mình là gì, mình sẽ làm lại với trứng của mình hay mình xin trứng. Mình đi làm vào ngày 2 hoặc ngày 3 của chu kỳ kinh. Hỏi: Buồng trứng như thế nào thì thuận tiện để làm IVM, khi nào thì không thuận lợi? Khi nào thì buộc phải làm IVF? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: IVM là viết tắt của một thuật ngữ được dịch ra là nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm. Kỹ thuật này khác với TTTON cổ điển ở chỗ không kích thích buồng trứng nhiều. TTTON bình thường có 2 phác đồ tiêm thuốc, như BS Tường đã trình bày, là phác đồ dài hay phác đồ ngắn. Mục đích của 2 phác đồ này là thu 15-17 trứng trưởng thành, trứng được lấy ra khỏi cơ thể là trứng trưởng thành, rồi mới thụ tinh tinh với tinh trùng tạo phôi, sau đó đưa phôi vào buồng tử cung. Còn nuôi trứng non nghĩa là không lấy trứng trưởng thành ra khỏi cơ thể, chỉ tiêm thuốc 3 ngày chứ không tiêm nhiều ngày, rồi lấy trứng non ra khỏi cơ thể, thêm một công đoạn bên ngoài là nuôi trưởng thành trứng non cho trưởng thành. Khi trứng trưởng thành, thì sẽ thụ tinh với tinh trùng, tạo phôi rồi chuyển phôi như trường hợp TTTON bình thường. Vì nuôi trứng non thêm một công đoạn là trưởng thành trứng bên ngoài cơ thể


nên tỉ lệ thành công cao khi áp dụng cho hội chứng buồng trứng đa nang hoặc siêu âm có hình ảnh buồng trứng đa nang. Với những buồng trứng có rất nhiều trứng trong đó, mình chọc hút và lấy được mười mấy hoặc hai mấy trứng non chẳng hạn, thì tỉ lệ trứng non trưởng thành bên ngoài cơ thể là 70%. Giả sử mình lấy được 20 trứng, mình nuôi thì sẽ được 14 trứng trưởng thành, làm phôi và chọn lựa phôi để chuyển. Do đó, nên làm nuôi trứng non khi có hình ảnh buồng trứng đa nang hoặc hội chứng buồng trứng đa nang. Còn khi nào buộc phải làm TTTON (IVF)? Trường hợp thứ nhất là buồng trứng bị giảm dự trữ buồng trứng thì không thể nào nuôi trứng non được. Giảm dự trữ buồng trứng tức là buồng trứng có nguy cơ đáp ứng kém, ít trứng thì nên tiêm thuốc để làm. Trường hợp thứ hai là không thể nuôi trứng non, hoặc tỉ lệ trưởng thành của trứng non bên ngoài cơ thể quá thấp. Bình thường, tỉ lệ trưởng thành trứng non là 70% nhưng khi mình lấy được trứng non ra nuôi trưởng thành bên ngoài thì tỉ lệ trưởng thành của mình dưới 50% thì nên tiêm thuốc để lấy trứng trưởng thành từ trong cơ thể ra sẽ phù hợp hơn. Đây là những ý liên quan đến nuôi trứng non và TTTON. Hỏi: Vợ bị hội chứng buồng trứng đa nang (viết tắt HCBTĐN, tiếng Anh là PCOS), chồng có tinh dịch đồ (TDĐ) bình thường. Trong tương lai muốn thực hiện TTTON thì tỉ lệ thành công có khả quan không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Tôi nghĩ, trong trường hợp này, chị bị HCBTĐN đã dùng thuốc gây phóng noãn nhiều lần mà không thành công (không rụng trứng hoặc không có thai được) thì nên làm nuôi trứng non hơn là TTTON. Bởi nuôi trứng non ích lợi hơn TTTON đối với những bệnh nhân HCBTĐN ở những điểm sau đây. Thứ nhất là tiêm ít thuốc hơn nên đỡ tốn tiền hơn, chỉ cần tiêm thuốc 3 ngày. Thứ hai là an toàn. Những người HCBTĐN khi tiêm thuốc thường bị quá kích buồng trứng. Với nuôi trứng non thì không kích thích cũng không làm trứng lớn nên an toàn, không bị quá kích buồng trứng. Về tỉ lệ thành công của nuôi trứng non ở Việt Nam: Việt Nam là nước duy nhất thành công về nuôi trứng non trong khu vực Đông Nam Á. Tháng 11/2012 đã có một đoàn bác sĩ ở Singapore sang Việt Nam học làm kỹ thuật nuôi trứng non. Việt Nam có quyền tự hào là có thể làm được những kỹ thuật mà các nước tiên tiến khác trong khu vực vẫn chưa làm được. Tỉ lệ thành công của nuôi trứng non theo thống kê của chúng tôi là 38% ở năm 2011 (so với TTTON là 41%). Sự chênh lệch thành công không lớn bao nhiêu, mà chi phí giảm nhiều và an toàn cho bệnh nhân. Kỹ thuật nuôi trứng non là một thế mạnh của Việt Nam. Hỏi: Prolactin máu là 25, kết quả này có cao không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Đây là một kết quả bình thường. Prolactin là một loại nội tiết trong cơ thể, nếu tăng cao sẽ gây ra tình trạng chảy sữa non, rối loạn phóng noãn. Bình thường, khi prolactin tăng cao thì dùng thuốc cho prolactin giảm xuống, rồi mới kích thích buồng trứng. Còn một trường hợp khác là prolactin tăng do một loại u ở tuyến yên chế tiết, chúng ta phải đi khám


để xem có u hay không. Nếu u to thì các bác sĩ sẽ mổ để lấy u ra, như vậy sẽ điều trị được prolactin trong máu tăng. Tuy nhiên, prolactin gọi là stress hormone, nó sẽ bị thay đổi theo cảm xúc của mình rất nhiều. Ví dụ khi thực hiện lấy máu, bệnh nhân nhìn thấy cây kim, có cảm giác sợ thì máu lấy ra có thể có prolactin tăng. Do đó, hơi tăng prolactin có thể là không tăng thật, mà chỉ là tình trạng tăng giả là do căng thẳng lo sợ. Nếu tăng thật thì nó sẽ tăng cao và đôi khi có biểu hiện lâm sàng là chảy sữa non. Hỏi: Bệnh nhân bị sùi âm hộ đang điều trị, hỏi sau này khi mang thai thì có ảnh hưởng gì không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Sùi âm hộ là một bệnh do virus mồng gà ở âm hộ gây ra. Câu trả lời là không. Đây là một bệnh lý mà mình điều trị hết rồi thì khi mang thai sẽ bình thường, không ảnh hưởng gì. Hỏi: Hiệu quả điều trị của phác đồ ngắn và dài thì có gì khác biệt không? Cái nào tốt hơn? BS Vương Thị Ngọc Lan: Hiện tại, cả hai phác đồ đều cho tỉ lệ trứng thu được tương đương nhau, không có sự khác biệt gì. Riêng trong kinh nghiệm điều trị lâm sàng của chúng tôi, người bị đáp ứng kém với kích thích buồng trứng, người mà dự trữ buồng trứng giảm, thì kích thích buồng trứng bằng phác đồ ngắn sẽ hiệu quả hơn, tỉ lệ có thai cao hơn. Bởi vì ở phác đồ ngắn, mình không ức chế buồng trứng nhiều. Còn với phác đồ dài, ở 2 tuần lễ đầu tiên tiêm thuốc là để ức chế buồng trứng, 2 tuần sau mới là kích thích buồng trứng. Do phác đồ dài gồm 2 pha như vậy nên đối với những buồng trứng yếu thì có khi “ức chế” luôn, buồng trứng sau này không kích thích được nữa! Do đó phác đồ ngắn có lợi điểm với những người đáp ứng kém với kích thích buồng trứng. Thứ hai, phác đồ ngắn có ưu điểm hơn so với phác đồ dài cho những người trẻ tuổi, có nhiều nang trứng và bị hội chứng buồng trứng đa nang (HCBTĐN) nếu cần phải kích thích buồng trứng. Bởi vì ở phác đồ ngắn cho phép thay đổi một loại thuốc cuối cùng để tránh quá kích buồng trứng cho bệnh nhân. Còn nếu dùng phác đồ dài mà nang trứng phát triển nhiều thì không có cách nào “né”, hoặc phải chấp nhận ngưng luôn chu kỳ không làm gì nữa, hoặc nếu chấp nhận đi tới thì sẽ có quá kích buồng trứng nặng. Do đó, phác đồ ngắn có những ưu điểm trong việc hạn chế quá kích buồng trứng. Tuy vậy, phác đồ dài vẫn còn được sử dụng. Phác đồ dài còn hiệu quả trong những trường hợp bị lạc nội mạc tử cung buồng trứng nặng, hoặc lạc nội mạc tử cung ở cơ tử cung (người ta gọi là bệnh tuyến cơ tử cung – adenomyosis). Hỏi: Chế độ ăn có ảnh hưởng đến phôi không? Ăn uống sau chuyển phôi như thế nào? BS Vương Thị Ngọc Lan: Đây là một câu hỏi mà tôi luôn luôn nhận được trong các buổi tư vấn khác nhau. Chúng tôi cũng tìm hiểu và muốn biết liệu có loại thức ăn nào giúp phôi tốt và người ta dễ sinh hơn bình thường không. Hiện tại chưa có thấy thức ăn nào tốt đến mức độ như vậy. Tôi không biết thức ăn có liên quan gì đến tỉ lệ thành công. Tôi chỉ biết rằng, trên thế giới, ở các


nước giàu, phụ nữ càng mập nhiều thì tỉ lệ thành công của TTTON càng giảm, tức là béo phì làm giảm cơ hội điều trị vô sinh bằng bất kỳ phương pháp nào. Béo phì liên quan đến việc ăn nhiều chất mỡ, thịt, ít vận động. Ở nước ngoài người ta hay ăn fastfood (thức ăn nhanh), ăn nhiều sẽ gây béo phì. Còn ở Việt Nam, với 16 năm kinh nghiệm tham gia điều trị thì hầu như rất ít khi tôi thấy phụ nữ Việt Nam nặng hơn 80kg, chỉ có một chị 113kg. Thành ra ở Việt Nam, mình còn rất lành mạnh. Ngay cả với những giáo sư, bác sĩ ở nước ngoài sang Việt Nam hỏi thăm về tình hình TTTON, về đặc điểm bệnh nhân như thế nào. Người ta dùng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, tính bằng trọng lượng với chiều cao) thì thấy rằng BMI của người châu Á >23 kg/m2 thì gọi là thừa cân và >25 kg/m2 thì gọi là béo phì . Hầu như bệnh nhân người Việt Nam có BMI quanh khoảng 20, nghĩa là các chị hiện tại đang giữ “thể hình” rất tốt, thành ra chế độ ăn của các chị hiện rất tốt. Còn cái gì làm tốt hơn nữa thì hiện nay tôi vẫn chưa biết. Về vấn đề nằm nghỉ sau chuyển phôi, như BS Tường đã trình bày, khi chuyển phôi, mình đưa phôi vào buồng tử cung kèm theo một thể tích môi trường rất ít, nhỏ hơn 1/10 giọt nước, mà đường đi của tử cung rất lắt léo gập khúc (qua lỗ ngoài cổ tử cung, đi vào kênh cổ tử cung, rồi qua lỗ trong cổ tử cung, mà kênh cổ tử cung lại gập góc so với tử cung). Do đó, phôi không thể biết đường để đi ngược ra ngoài. Với thể tích môi trường đi kèm nhỏ như vậy, phôi không thể trào ngược ra ngoài, thể tích môi trường đó sẽ được hấp thu vào nội mạc tử cung liền và phôi sẽ nằm yên ở trong đó. Nếu có trào ngược hay không là ở thời điểm chuyển phôi, lúc đó quan sát trên siêu âm bác sĩ sẽ phát hiện. Còn sau đó là không thể nào phôi đi ra được. Có nhiều chị về nằm rất nhiều, khi được tin có thai thì cứ nghĩ là do mình nằm, chứ không nghĩ là do trứng mình tốt và tinh trùng của chồng mình tốt tạo ra cái phôi tốt giúp mình có thai. Có những chị không có thai lại tự trách bản thân do mình không nằm, nhưng thực tế không phải vậy, nằm ngồi đi đứng không ảnh hưởng. Nếu thực sự nằm giúp giải quyết vấn đề, giúp tăng tỉ lệ có thai thì chắc chắn chúng tôi sẽ khuyến khích các chị nằm. Ở những nước phát triển như Mỹ, Úc thì chuyển phôi xong là đứng dậy liền ngay tại phòng chuyển phôi, thay đồ và đi về nhà. Ở Việt Nam, chúng tôi để các chị nằm 2-4 tiếng vì các chị quá căng thẳng, giúp các chị yên tĩnh nghỉ ngơi vì nhiều chị cũng ở xa, chủ yếu là do sức khỏe của mình. Có nhiều chị nằm sau chuyển phôi, nín tiểu quá thành ra bí tiểu và không thể đi tiểu luôn. Bởi vì não mình sẽ chỉ đạo bàng quang của mình mở cổ bàng quang để đi tiểu hay không đi tiểu, mình theo sát sao chỉ đạo quá nên cổ bàng quang không mở được nữa, phải đặt thông tiểu để lấy nước tiểu ra. Đặt thông tiểu có nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Có nhiều chị đặt thông tiểu xong rồi về nhà vẫn bí tiểu, lý do là cổ bàng quang đã siết lại rồi, thế là mấy chị phải ở trong bệnh viện mấy ngày để tập đi tiểu trở lại. Bàng quang to như vậy sẽ kích thích tử cung nhiều hơn, thành ra có hại cho cơ thể. Có một biến chứng rất nặng do nằm là thuyên tắc mạch do cục máu đông (huyết khối). Mình nằm quá thì máu lưu thông không tốt và làm thành những cục huyết khối trong lòng mạch, nhất là khi tham gia điều trị thì nội tiết tố estrogen tăng và có những chị lớn tuổi đi điều trị sẽ có nguy cơ thuyên tắc trong tĩnh mạch rất cao, bởi vì hệ thống van trong tĩnh mạch trong chân yếu. Mình nằm nhiều sẽ bị huyết khối. Có khi huyết khối ở chân, làm cho chân tê liệt và không thể đi đứng, chân bị sưng rất to, phải dùng thuốc kháng đông làm tan cục máu đông. Có khi tắc ở


những chỗ nguy hiểm hơn, như tĩnh mạch cảnh trên cổ, hay ở trên não gây ra tai biến mạch máu não làm liệt. Đây là những bệnh lý rất nặng mà chủ yếu do mình tự tạo ra. Như vậy, các anh chị cố gắng sau chuyển phôi thì cứ như bình thường. Mình ăn uống, nghỉ ngơi, đi đứng, hoạt động như bình thường. Hỏi: Sau khi kích thích buồng trứng nhiều lần thì chất lượng trứng và buồng trứng có bị ảnh hưởng không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Mỗi tháng mình có 1 trứng rụng vào giữa chu kỳ. Để có 1 trứng rụng, buồng trứng sẽ có vài trăm trứng được chiêu mộ vào 1 nhóm phát triển hàng tháng. Chúng phát triển đến một giai đoạn rồi thoái hóa, cho đến khi còn 1 trứng rụng vào giữa chu kỳ. Người ta nghiên cứu thấy ở buồng trứng của bé gái tuổi dậy thì có 500.000 trứng. Nếu mỗi tháng mình chỉ rụng 1 trứng thì mình còn rất dư dả trứng. Tại sao mình lại bị mãn kinh? Mình bị mãn kinh là do buồng trứng hết trứng. Từ 15 tuổi đến 50 tuổi, mình có 35 năm, tức là có 420 tháng, vậy là mỗi tháng để 1 trứng phát triển thì cần 300 trứng rụng. Mỗi tháng có 1 cái trứng rụng thì 299 trứng hi sinh. Khi kích thích buồng trứng, các chị nghĩ là kích thích buồng trứng làm mau hết trứng rồi gây ảnh hưởng, nhưng không phải vậy. Khi kích thích buồng trứng, thay vì 299 trứng bỏ đi, mình dùng thuốc để giữ lại một số trứng tùy ý mình muốn, nhưng không giữ hết 299 trứng. Giả sử mình cho 150 đơn vị thuốc trong 1 ngày để giữ 15 trứng, nếu muốn nhiều hơn thì cho thuốc liều cao hơn. Khi dùng thuốc như vậy thì chúng tôi phải siêu âm, theo dõi để xem bệnh nhân có đáp ứng với mục tiêu chúng tôi mong muốn hay không. Tóm lại, kích thích buồng trứng không hại gì mình hết, thay vì mình “xài” sang, mình bỏ đi thì bác sĩ “lượm” lại bớt. Hỏi: Có nhiều trường hợp sau kích thích buồng trứng, làm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) nhưng thất bại, sau đó bác sĩ khuyên là chuyển qua TTTON, nhưng sau đó tự nhiên bệnh nhân có thai. Giải thích lý do? BS Vương Thị Ngọc Lan: Chuyện này rất mừng và bình thường. Bơm tinh trùng thường được chỉ định điều trị cho trường hợp vô sinh tương đối. Ví dụ như có những anh chị đi khám thấy bình thường nhưng quan hệ vợ chồng hoài mà không có con nên bác sĩ cho chỉ định điều trị, bằng những phương pháp đơn giản nhất như kích thích buồng trứng rồi bơm tinh trùng. Sau đó, buồng trứng làm việc lại bình thường nên có cơ hội có thai bình thường. TTTON dùng để điều trị những trường hợp vô sinh tuyệt đối nhưng vẫn được chỉ định cho những trường hợp vô sinh tương đối. Hỏi: Thời gian giữa 2 đợt TTTON là bao nhiêu lâu? Có thể làm bao nhiêu lần? BS Vương Thị Ngọc Lan: Trên thế giới vẫn chưa có ai quy định thời gian giữa 2 đợt TTTON như thế nào là tốt nhất. Có những nơi làm 1 tháng, nghỉ 1 tháng. Có những nơi làm liên tục. Với chúng tôi thì 1 bệnh nhân làm 1 chu kỳ, cho nghỉ 2-3 tháng rồi mới thực hiện 1 chu kỳ mới. Chúng tôi mà không làm liền ngay lập tức, thứ nhất là vì tinh thần anh chị cũng căng thẳng lo âu, thứ hai là do mới kích thích buồng trứng tháng trước nên có những nang còn tồn lưu nên


cần thời gian để buồng trứng trở lại như bình thường. Một bệnh nhân nên nghỉ 2-3 tháng. Trên thế giới cũng không quy định về số lần làm. Bình thường, khi kích thích buồng trứng để làm TTTON, chúng tôi thường làm tối đa 6 lần, bởi vì có người nói kích thích buồng trứng nhiều lần làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Nói chung, trong cộng đồng bác sĩ làm TTTON trên thế giới thống nhất là không dùng thuốc kích thích buồng trứng quá 6 lần cho 1 người. Nếu quá 6 lần vẫn không được thì bệnh nhân có thể xin trứng để làm TTTON. Hỏi: Trong quá trình điều trị, châm cứu có tăng khả năng có thai không? Ở một số trung tâm, trước và sau khi có thai thì bệnh nhân được châm cứu ở bụng. BS Vương Thị Ngọc Lan: Đây là một chuyện rất hay. Trong thực tế, TTTON có tỉ lệ thành công nhất định, cho dù làm tốt hết tất cả mọi thứ thì đến khi chuyển phôi vào vẫn chỉ có 40% cơ hội có thai. Do đó, người ta ráng làm thêm thứ này thứ kia để có thể hi vọng giúp bệnh nhân có thai. Mỗi một nơi sẽ có cách tiếp cận khác nhau nên sẽ sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác nhau. Một số nghiên cứu nói rằng châm cứu sau khi chuyển phôi giúp tăng cơ hội có thai. Gần đây nhất, có một nghiên cứu rất qui mô với cỡ mẫu bệnh nhân rất lớn ở đại học Hongkong vào năm 2011 liên quan vấn đề này, nó được xem là một nghiên cứu đầy đủ và bài bản nhất để cung cấp kiến thức về việc châm cứu hay không sau khi chuyển phôi, nghiên cứu này được đăng trên một tờ báo y học quốc tế nổi tiếng. Người ta so sánh hai nhóm bệnh nhân, một nhóm bệnh nhân được châm kim cùn (châm giả bộ nhưng bệnh nhân vẫn tưởng là được châm để tránh ảnh hưởng tâm lý của việc có làm và không làm) và một nhóm được châm kim thật. Kết quả là không có sự khác biệt về tỉ lệ có thai giữa hai nhóm, thậm chí, tỉ lệ có thai ở nhóm được châm kim cùn cao hơn. Như vậy, người ta nói đến tâm lý tác động, nếu có tâm lý tích cực thì sẽ có cơ hội có thai cao hơn. Có dịp, tôi sẽ dịch ra bài này để đăng lên các website dành cho bệnh nhân (như ivfvietnam.net hay namhoc.org.vn) để các anh chị tham khảo thêm. Hỏi: Em thấy các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia thì có tỉ lệ thành công TTTON rất cao. Tại sao ở Việt Nam không làm được như họ? BS Vương Thị Ngọc Lan: Trong giới bác sĩ làm TTTON, chúng tôi tự hào rằng tỉ lệ thành công ở Việt Nam khá cao, thậm chí là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì mình không thua người ta gì hết, thậm chí, tỉ lệ có thai còn cao hơn. Thành ra, các anh chị có thể mạnh dạn và suy nghĩ tích cực hơn cũng như tự tin hơn với TTTON tại Việt Nam. Sở dĩ mấy anh chị thấy một số trường hợp đi TTTON ở nước ngoài có thai mà ở Việt Nam không có thai là như vầy. Những trường hợp đi nước ngoài điều trị thực sự không vô sinh, đi nước ngoài làm là để chọn lựa giới tính, bản thân những người này có thai đã dễ rồi, 10 người đi mà 5 người về báo có thai thì kết luận tỉ lệ có thai cao quá, đến 50%. Trong khi ở Việt Nam cày cục làm do bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung, tinh trùng yếu, tắc vòi trứng… tỉ lệ có thai 30-40%. Như vậy, sự so sánh không công bằng, bởi vì so sánh ở một nhóm người tự nhiên vẫn có thai, so sánh với nhóm cực kỳ khó khăn mới có thai. Thậm chí, chúng ta có những kỹ thuật nổi trội hơn mà nước ngoài cần sang học hỏi.


BS Hồ Mạnh Tường: Thực ra, những người làm TTTON trong khu vực gặp nhau rất thường xuyên, một năm gặp mấy lần, thành ra ở đâu làm như thế nào là chúng tôi đều biết. Ở nước ngoài, họ làm thương mại nhiều hơn mình. Chi phí làm TTTON ở nước ngoài cũng như ở đây, nhưng lại thu của bệnh nhân gấp 5-6 lần, thậm chí gấp 10 lần, cho nên họ có chi phí làm quảng cáo thu hút bệnh nhân. Trong giới chuyên môn thì đều biết là TTTON ở Việt Nam đang làm tốt hơn những nước khác. Ở đây mình không lôi kéo bệnh nhân giống như ở nước ngoài. Bệnh nhân của mình bị lôi kéo bởi quảng cáo nhiều hơn, chứ thực sự tỉ lệ thành công của TTTON ở Việt Nam không thấp hơn ở các nước kia. Hỏi: Tại sao TTTON không thành công khi trứng tốt, phôi tốt, niêm mạc tốt… Như vậy, để thành công cần có những yếu tố nào? BS Vương Thị Ngọc Lan: Ngay cả ở bệnh nhân cái gì cũng tốt hết thì cũng có xác suất thành công, đó là một vấn đề mà chúng tôi cũng rất trăn trở. Nhóm đó chúng tôi gọi là nhóm thất bại làm tổ nhiều lần, là những chị cái gì cũng tốt nhưng chuyển phôi 5-7 lần vẫn không có thai. Vừa rồi, chúng tôi thực hiện truyền Atosiabn giúp làm giảm cơn co tử cung quanh thời điểm chuyển phôi và tăng tưới máu tử cung cho các chị thất bại làm tổ nhiều lần. Kết quả ghi nhận giúp tăng tỉ lệ có thai ở các bệnh nhân này. Nghiên cứu này chúng tôi cũng đã đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế tên Reproductive BioMedicine Online. Chúng tôi truyền atosiban ở 71 chị thất bại làm tổ nhiều lần, trung bình là thất bại 4 lần, người nhiều nhất là 12 lần chuyển phôi. Như vậy, sau khi truyền, tỉ lệ có thai ở nhóm này là 43%, tỉ lệ mang thai sau 7 tuần là 36,6% do một số chị bị sẩy sau khi mang thai. Đây là một trong những điều làm có cơ sở khoa học và chứng cứ. Tuy nhiên, không phải ai truyền atosiban thì cũng có thai được. Chúng tôi chỉ nỗ lực tăng cơ hội có thai ở những chị thất bại làm tổ nhiều lần. Hỏi: Câu hỏi về lạc nội mạc tử cung buồng trứng và u nang buồng trứng, khi TTTON thì có ảnh hưởng gì khi có thai không? Tỉ lệ có thai có cao hay không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân gây vô sinh rất khó điều trị, ảnh hưởng đến tỉ lệ thành công rất nhiều. Bởi vì lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng làm cho buồng trứng bị giảm số lượng trứng và giảm chất lượng trứng. Nhưng khi có thai được, thì không ảnh hưởng gì. Có thai là điều may mắn nhất khi bị lạc nội mạc tử cung, vì có thai, chính nội tiết trong lúc có thai giúp các nang trong lạc nội mạc tử cung teo nhỏ lại, thành ra có chị điều trị xong và có thai, lần sau tự nhiên có thai lại. Trước đây, bị lạc nội mạc tử cung, sau khi điều trị cho có thai rồi thì các nang lạc nội mạc tử cung cũng bị teo nhỏ, nên lần sau có thai dễ. Hỏi: Quan hệ với tần suất 2 ngày 1 lần thì có ảnh hưởng đến tinh trùng hay không? BS Hồ Mạnh Tường: Nhiều người không biết là tinh trùng được sản xuất ra nếu không xuất tinh sẽ ứ đọng lại, ứ đọng lâu quá sẽ bị thoái hóa và chết. Nếu mình để lâu quá mới xuất tinh thì tinh trùng cũ, tức là hàng tồn kho. Nếu xuất tinh thường xuyên, hàng mới về là bán được liền thành


ra hàng toàn hàng mới, thành ra tốt hơn. Người ta thấy rằng quan hệ càng thường xuyên thì chất lượng tinh trùng càng tốt và khả năng có thai càng cao. Nhiều người nghĩ ngược lại, thậm chí một số bác sĩ còn giải thích cho bệnh nhân là để tinh trùng lâu mới dùng, điều này sai. Để càng lâu thì tinh trùng càng cũ, nếu không sử dụng thì không nhập hàng mới về, thành ra khi xuất toàn hàng cũ. Hàng cũ thì khả năng có thai thấp. Hỏi: Câu hỏi về kết quả ghi tinh dịch đồ. BS Hồ Mạnh Tường: Kết quả tinh dịch đồ có khoảng 10 chỉ số khác nhau. Trong đó, có 3 chỉ tiêu quan trọng nhất: số lượng tinh trùng nhiều hay ít, độ di động tốt hay không, hình dạng tinh trùng tốt hay không. Trong 3 chỉ số này, hình dạng tinh trùng là quan trọng nhất. Nếu mình thấy số lượng nhiều nhưng độ di động không tốt và hình dạng không tốt thì khả năng có thai sẽ giảm. Như tôi đã nói, hiện nay y học không điều trị được, không thể uống thuốc gì hay ăn gì làm tinh trùng tốt lên. Giả sử bây giờ mà có thuốc gì hay thức ăn gì giúp tinh trùng tốt lên thì nửa dân số thế giới sẽ muốn dùng, mình giành không được đâu, bởi vì chất lượng tinh trùng càng giảm mà. Hiện tại, thuốc có gốc kháng oxy hóa (gốc tự do) được ghi nhận là có tăng độ di động của tinh trùng một chút và khả năng thụ tinh của tinh trùng cũng tăng lên. Ngoài ra, không có phương pháp nào điều trị giúp tinh trùng tốt hẳn lên. Đó là một trong nhiều điều băn khoăn hiện nay, vô sinh nam ngày càng nhiều, mà phương pháp điều trị thì không có nhiều. Với phương pháp ICSI, chỉ cần có vài tinh trùng thì được áp dụng điều trị cho hầu hết các trường hợp do vô sinh nam. Với phương pháp này, tinh trùng ít cũng không sao, vì chỉ cần vài con tinh trùng, việc có 5-10 con với vài triệu con thì hầu như không khác nhau. Hỏi: Sau khi chọc hút trứng, muốn trữ lạnh trứng vì tinh trùng chồng yếu quá, để sau này làm lại để có phôi chuyển, có được không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Trữ lạnh trứng thường cho kết quả thành công thấp. Khi trữ lạnh trứng, nhiệt độ hạ đột ngột xuống mức âm, trong quá trình đó, những vật thể lớn, có nhiều nước bên trong sẽ hình thành nhiều tinh thể đá và dễ bị tổn thương. Trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể người phụ nữ, do đó, nguy cơ tổn thương trứng khi trữ lạnh rất cao. Điều tốt hơn có thể làm là lấy tinh trùng thụ tinh với trứng làm thành phôi và đem phôi đi trữ lạnh thì cơ hội có thai sẽ cao hơn. Nếu so sánh với việc đông lạnh trứng rồi chờ tinh trùng tốt thì nên làm thành phôi rồi đông lạnh phôi. Hỏi: Nguyên nhân giảm dự trữ buồng trứng đáp ứng kém khi tuổi dưới 30 là sao? BS Vương Thị Ngọc Lan: Ở một số trường hợp, chúng tôi thấy rất lạ. Một số chị mổ, phẫu thuật trên buồng trứng, điều trị thuốc, hóa trị hay xạ trị, nhưng một số chị lại không có nguyên nhân gì nhưng số trứng lại vẫn ít. Chúng tôi quan sát, đặc điểm chung là các chị gầy, thậm chí rất gầy. Tôi nghĩ có thể việc này liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Ở Hàn Quốc hay Nhật thì buồng trứng của phụ nữ cùng lứa tuổi khi điều trị thì tốt hơn ở Việt Nam, nên chúng tôi nghĩ rằng có


thể có vấn đề gì đó liên quan đến dinh dưỡng. Chúng tôi phát biểu lúc này thì còn hơi sớm, chúng tôi cần tổng kết nhiều số liệu hơn, để có thể biết rõ nguyên nhân này. Hỏi: Chồng được trích tinh trùng bằng phương pháp PESA, 2 lần TTTON đầu bị thất bại, muốn chuyển sang trung tâm khác thì có cần làm lại hồ sơ không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Tùy theo trung tâm mới, nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ làm chẩn đoán lại. Thông thường, khi đã có kết quả vô tinh do bế tắc đường dẫn tinh, thì không cần thám sát bìu lần nữa. Hỏi: Vợ có bất thường chuyển đoạn NST 2 và 18, cách giải quyết là như thế nào? BS Vương Thị Ngọc Lan: Khi người phụ nữ bị chuyển đoạn NST, dễ truyền sang trứng, trứng gặp tinh trùng sẽ tạo thành phôi bất thường. Khi tạo phôi bất thường, có thể sẽ không có thai, nếu có thai thì dễ bị sẩy hoặc thai lưu trong 3 tháng đầu rất nhiều lần. Có 2 phương án giải quyết. Phương án 1 là xin trứng người khác (đương nhiên khi xin trứng người phụ nữ có NST bình thường thì trứng người đó sẽ bình thường, khi TTTON, người phụ nữ bất thường NST vẫn mang thai được bình thường). Phương án 2 là chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, nghĩa là vẫn sử dụng trứng của chị này thụ tinh với tinh trùng chồng tạo thành những phôi, rồi lấy 1 tế bào phôi ra chẩn đoán di truyền, lựa phôi nào không bất thường NST số 2 và 18 để chuyển vào, vậy thì có thể có thai bằng trứng của mình. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể làm tổn thương phôi, làm giảm khả năng có thai sau khi được chuyển vào buồng tử cung. Ngoài ra, hiện kỹ thuật này chưa được Bộ Y tế cho thực hiện ở Việt Nam, vì tình cờ khi làm chẩn đoán di truyền của phôi thì biết được giới tính của phôi. Hỏi: Tỉ lệ đậu thai giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ là như thế nào? Trường hợp nào nên chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ? BS Vương Thị Ngọc Lan: Gần đây, theo các báo cáo lớn trên thế giới, tỉ lệ có thai khi chuyển phôi trữ cao hơn khi chuyển phôi tươi. Và ở một nghiên cứu rất mới, vào tháng 8 năm 2012 đăng trên tạp chí của Mỹ, nói rằng tỉ lệ những em bé sinh ra từ chuyển phôi trữ thông minh và tốt hơn những em bé chuyển phôi tươi. Một số trung tâm ở Mỹ khi làm phôi ra sẽ trữ phôi toàn bộ, không chuyển phôi tươi, rồi chờ người phụ nữ có kinh lại và chuẩn bị lại nội mạc tử cung, người ta mới rã đông phôi và chuyển từ từ. Kết quả là tỉ lệ có thai rất cao, khoảng 60%. Điều đó làm chúng tôi suy nghĩ, bởi vì tỉ lệ có thai của mình chỉ là 41%. Hiện tại, ở trung tâm của chúng tôi, tỉ lệ có thai khi chuyển phôi tươi lại cao hơn phôi trữ. Chúng tôi sẽ cải tiến lại quy trình chuyển phôi trữ trong thời gian rất gần đây, hi vọng sẽ nâng được tỉ lệ thành công khi chuyển phôi trữ, vì chúng tôi đã có cử người đi học đi nghiên cứu xem người ta làm như thế nào để đạt được thành công cao như vậy khi chuyển phôi trữ . BS Hồ Mạnh Tường: Mình hay nghĩ là phôi đông lạnh sẽ không tốt như phôi tươi. Các báo cáo trên thế giới trong 1-2 năm gần đây đều thấy rằng những người có thai bằng phôi trữ thì thai tốt


hơn phôi tươi. Phôi sau khi đông lạnh thì khả năng sống tốt. Những em bé sinh ra từ phôi trữ tốt hơn phôi tươi. Sắp tới, khuynh hướng TTTON sắp tới trên thế giới sẽ chuyển phôi trữ. Đây là một hướng tốt hơn cho các thế hệ tương lai do các em bé sinh ra từ phôi trữ tốt hơn. Hỏi: Nội mạc tử cung mỏng, làm gì để nội mạc tử cung dày hơn? BS Vương Thị Ngọc Lan: Đây là một chuyện rất nan giải. Hiện tại có nhiều cách. Chúng tôi dùng thuốc nội tiết, nếu uống không được thì tiêm. Thậm chí có một cách là theo dõi chu kỳ tự nhiên, nang trứng phát triển bình thường, nội mạc tử cung phát triển đến một độ dày nhất định thì chuyển phôi, miễn là độ dày này không dưới 6mm. Tuy nhiên, có nhiều chị làm nhiều cách nhiều lần, thậm chí cả năm trời, mà niêm mạc tử cung vẫn quanh 7,2-7,5mm. Tôi từng chuyển phôi một chị 45 tuổi có niêm mạc tử cung chỉ 7,2mm thôi nhưng giờ chị đã sinh em bé. Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận rằng nếu niêm mạc tử cung dưới 6mm thì đừng chuyển phôi, trên 6mm thì vẫn có cơ hội có thai nhất định. Hỏi: Vợ 36 tuổi, chồng 39 tuổi, lập gia đình 3 năm, mong con 2 năm, đã bơm tinh trùng 2 chu kỳ nhưng vẫn chưa có thai. Các xét nghiệm đều bình thường. Hỏi có nên làm TTTON không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Đây là vô sinh chưa rõ nguyên nhân, khoảng 10% các cặp vợ chồng khi khám xét nghiệm có kết quả đều bình thường nhưng không có con. Vì thật ra, cơ hội có con mỗi tháng của người phụ nữ chỉ khoảng 25%, khi càng lớn tuổi thì cơ hội tự nhiên đó càng giảm. Người ta khuyên điều trị từ những biện pháp đơn giản từ từ lên, như bơm tinh trùng. Tỉ lệ thành công của bơm tinh trùng là 15% cho một chu kỳ thôi, khi người ta bơm khoảng 3-4 chu kỳ mà vẫn không được thì sẽ cân nhắc chuyển qua phương án khác. Trong trường hợp này, các anh chị có thể tiếp tục với phương án bơm tinh trùng. Tuy nhiên, cần hỏi bác sĩ những thông tin sau đây khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung: chất lượng tinh trùng vào ngày bơm trước và sau khi lọc rửa (bởi vì chất lượng tinh trùng ở ngày bơm ảnh hưởng đến kết quả có thai của chu kỳ bơm, có nhiều khi chất lượng tinh trùng ngày bình thường thì tốt nhưng đến ngày bơm thì yếu) và thông tin về số nang noãn phát triển khi kích thích buồng trứng. Hỏi: Sinh thiết tinh hoàn chỉ có tế bào sertoli nghĩa là sao? BS Hồ Mạnh Tường: Khi sinh thiết tinh hoàn, có một số người không có tinh trùng mà chỉ có tế bào sertoli. Cần hiểu là trong tinh hoàn có 2 loại tế bào: tế bào sertoli (hoàn toàn không liên quan đến tinh trùng) và tế bào sinh tinh sản xuất ra tinh trùng. Nếu không có tế bào sản xuất ra tinh trùng, tức là không có nguồn nguyên liệu sản xuất ra tinh trùng thì chắc chắn không thể có tinh trùng. Trong trường hợp đó, không thể nào uống thuốc hay có cách nào điều trị. Chỉ khi nào có tế bào sản xuất tinh trùng thì mới có thể điều trị được. Cho đến nay, hiệu quả của các phương pháp điều trị là thấp hoặc không có. Gần đây, có những thông tin về nuôi cấy tinh tử, tuy nhiên, những trường hợp chỉ có tế bào sertoli đơn thuần thì cũng không thể nuôi cấy gì được. Chỉ với những người có sẵn tế bào sinh tinh mà nửa chừng nó không phát triển tiếp thì


mới có thể nghiên cứu nuôi cấy thêm tinh tử, nhưng cho đến nay, hiệu quả phương pháp này rất thấp. Hiện tại, một số trung tâm TTTON ở Việt Nam có điều trị theo phương pháp này, chủ yếu là Học viện quân Y ở Hà Nội nhưng chúng tôi không áp dụng phương pháp này vì hiệu quả rất thấp. Nuôi cấy chưa chắc tinh trùng phát triển tiếp và khi nuôi cấy thì chưa chắc tinh trùng phát triển tốt. Cho đến nay, chưa có báo cáo chính thức về tỉ lệ thành công của phương pháp này ở Việt Nam, còn những trung tâm tốt nhất trên thế giới với quy trình chuẩn thì tỉ lệ có thai khoảng vài phần trăm. Tức là, với 100 người nuôi cấy tinh tử thành công thì chỉ vài người có thai. Với những trường hợp bị tế bào sertoli đơn thuần thì không nên mất thời gian điều trị với phương pháp này, trong khi tuổi người phụ nữ tăng thì cơ hội có thai lại giảm. Hỏi: Khi TTTON, kích thích bao nhiêu trứng thì đáp ứng việc tạo phôi? BS Vương Thị Ngọc Lan: Trung bình, khi kích thích buồng trứng thì chúng tôi mong muốn được 12-15 trứng, để có phôi chuyển và phần dư thì trữ lạnh. Hỏi: Tuổi phụ nữ làm TTTON cho tỉ lệ có thai tốt là bao nhiêu? Ở một số nghiên cứu trước đây, người ta cho rằng dưới 30 tuổi, người phụ nữ làm TTTON sẽ tốt hơn khi tuổi ≥35 tuổi. Gần đây, có nhiều cải tiến trong quy trình TTTON nên độ tuổi gia tăng lên đến ngưỡng 38 tuổi. Khi hơn 38 tuổi thì làm như thế nào kết quả cũng thấp hơn khi dưới 38 tuổi do dự trữ buồng trứng của người phụ nữ đã bị giảm. Còn dưới 38 tuổi thì kết quả vẫn còn khả quan. Hỏi: Câu hỏi về hội chứng buồng trứng đa nang. Một bệnh nhân nói rằng trước đây siêu âm có hội chứng buồng trứng đa nang, sau đó khi siêu âm lại ở một bệnh viện khác thì lại nói buồng trứng bình thường. Nếu muốn có con khi bị hội chứng buồng trứng đa nang thì phải làm sao? BS Vương Thị Ngọc Lan: Về việc chẩn đoán buồng trứng đa nang trên siêu âm, thường là bác sĩ điều trị hiếm muộn sẽ quan tâm việc này hơn. Còn nếu đi khám phụ khoa, thường bác sĩ chỉ quan tâm đến buồng trứng có u không, có ung thư không, tử cung có nhân xơ không. Người ta thường đọc kết quả là hai buồng trứng bình thường, tử cung kích thước bình thường, không có u xơ, không có u nang buồng trứng. Với bác sĩ điều trị hiếm muộn, không chỉ quan tâm đến có u và có ung thư, mà còn quan tâm đến dạng buồng trứng đó có đa nang không. Thành ra, do khác nhau về chuyên môn (bác sĩ phụ khoa hay hiếm muộn) mà bác sĩ sẽ siêu âm ra các kết quả khác nhau. Các chị thấy rằng, với hội chứng buồng trứng đa nang, vấn đề chính và lớn nhất gây ra việc không có con là do nang trứng không lớn và không rụng, các nang trứng cứ nằm yên dù rằng buồng trứng có rất nhiều nang. Thành ra, kinh bị thưa và không đều. Bác sĩ sẽ cho dùng thuốc để kích thích buồng trứng để có nang trứng lớn và rụng, khi có rụng trứng thì bác sĩ báo để hai vợ chồng giao hợp quanh thời gian rụng trứng, khi đó giúp tăng xác suất có thai.


Hỏi: Một bệnh nhân từng điều trị vô sinh nhưng không có thai, để tự nhiên thì có thai và sinh em bé tháng 10/2010. Bây giờ, để có con trở lại thì không được, hỏi có phải vô sinh thứ phát không? Cần làm gì để có con lại? BS Vương Thị Ngọc Lan: Đây là vô sinh thứ phát. Theo tiền sử và bệnh sử kể ở đây, chị có tiền căn bóc u buồng trứng, có polyp lòng tử cung gây rong kinh rong huyết và tinh trùng chồng bình thường. Theo tôi, trong trường hợp này, chị nên đi kiểm tra, quan trọng nhất là buồng tử cung và hai vòi trứng, xem chúng có bình thường không, nên lấy polyp ra, và kiểm tra 2 vòi trứng còn thông hay không, đó là kiểm tra thứ nhất. Thứ hai là kiểm tra dự trữ buồng trứng, xem số lượng trứng trong buồng trứng của mình còn lại bao nhiêu. Nếu tất cả đều bình thường hết thì không có gì trầm trọng, chị có thể điều trị bằng các phương pháp đơn giản hơn, thậm chí chị có thể theo dõi tự nhiên trong vài tháng, nếu vẫn không được thì có thể tăng cơ hội một chút bằng cách kích thích buồng trứng. Hỏi: Vợ có kinh nguyệt không đều, hai tháng mới có kinh một lần hoặc phải dùng thuốc mới có. Chồng tinh trùng yếu. Lập gia đình đã 4 năm. Bây giờ muốn xin tinh trùng trong ngân hàng được không? BS Vương Thị Ngọc Lan: Kinh không đều là một dấu hiệu của rối loạn phóng noãn, nghĩa là buồng trứng không hoạt động đều đặn, làm không rụng trứng. Theo tôi thì không cần xin tinh trùng trong ngân hàng, vì tinh trùng yếu thì cũng có tinh trùng, như bài trình bày của BS Tường hồi nãy, với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) thì chỉ cần vài con tinh trùng là cặp vợ chồng đã có cơ hội có con. Người phụ nữ khi kích thích buồng trứng lấy ra 12-15 trứng thì chỉ cần lấy vài chục con tinh trùng bình thường là đủ rồi. Tóm lại, theo tôi, nếu tinh trùng của chồng mình yếu thì nên đi TTTON bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, không cần xin tinh trùng ở ngân hàng. Hỏi: Khi chuẩn bị TTTON có uống vitamin được không? BS Hồ Mạnh Tường: Khi chuẩn bị TTTON có thể uống vitamin. Còn những câu hỏi khác như uống đông trùng hạ thảo, một số thuốc nam hay thuốc bắc thì câu trả lời như sau: có một nguyên tắc là khi có thai, phải biết chắc loại thuốc sử dụng không ảnh hưởng lên thai thì mới uống, không nên thử. Nếu thử mà gây tác động thì mình không thay đổi trở lại được. Với thuốc nam và thuốc bắc thì tùy theo kinh nghiệm, nhưng không có một nghiên cứu nào chứng minh là nó có tác động lên thai hay không và tác động lợi hay hại thì nên thận trọng. Thận trọng khi sử dụng thuốc trước và trong khi có thai. Hỏi: Nên chuyển phôi ngày 2, ngày 3 hay ngày 5? BS Hồ Mạnh Tường: Nguyên tắc là như vầy, giả sử mình có 10 phôi, không phải tất cả 10 phôi đều có khả năng phát triển thành phôi tốt và thành em bé, trong đó chỉ có khoảng 3-4 phôi tốt. Với 3-4 phôi tốt đó, mình chuyển phôi 3-4 lần thì có khả năng sẽ phát triển thành thai. Nếu mình


chia 10 phôi thành 3 lần chuyển phôi vào ngày 2 hay ngày 3 thì cơ hội của mình có cũng là 3-4 em bé. Nếu mình nuôi 10 cái phôi này cho đến ngày 5, trong đó sẽ có 6-7 cái phôi không tốt thì nó sẽ bị loại bớt, cuối cùng đến ngày 5, mình sẽ còn lại số phôi tốt. Cơ hội thật sự vẫn như vậy. Nếu trung tâm nuôi phôi không tốt, thì đối với những cái phôi đáng lẽ cấy vào có thai thì nó cũng bị mất theo. Thay vì bệnh nhân được chuyển phôi 3 lần và tổng cơ hội 3 lần cũng cao như vậy. Còn nếu bệnh nhân nuôi phôi đến ngày 5, chỉ được chuyển phôi 1 lần, tỉ lệ có thai nhiều khi thấp hơn 3 lần chuyển phôi kia cộng lại. Thật sự, không có cái nào hơn cái nào. Ở nước ngoài, người ta có khuynh hướng nuôi đến phôi đến ngày 5, không phải để tỉ lệ có thai cao hơn, mà để hạn chế tỉ lệ đa thai (khi chuyển 1-2 phôi thì ít có song thai và tam thai). Hỏi: Sau khi quan hệ, tinh dịch chảy ra từ cơ quan sinh dục của người phụ nữ là như thế nào? BS Hồ Mạnh Tường: Trong tinh dịch chứa tinh trùng, khi vừa mới xuất tinh, thường tinh dịch sẽ đặc lại, sau đó mới loãng và chảy ra. Tinh dịch đặc lại là để đủ thời gian cho tinh trùng bơi lên cổ tử cung, và người ta thấy chỉ cần 10-15 phút thì đã đủ số tinh trùng đi lên cổ tử cung. Nếu có dịch chảy ra 10-15 phút hay nửa tiếng sau khi quan hệ thì không cũng cần phải lo, những tinh trùng tốt đã đi lên trên rồi. Một số trường hợp khác là do bất thường ở tinh dịch, đáng lẽ tinh dịch phải đặc lại để giữ được tinh trùng một thời gian mà nó không đặc lại, thường với những trường hợp này thì tinh trùng cũng không tốt, nên thử tinh dịch đồ xem như thế nào để điều trị. Một số trường hợp do tư thế của âm đạo làm tinh dịch chảy ra dễ hơn, tuy nhiên, tinh dịch mới xuất tinh lúc nào cũng đặc lại và ít khi nào bị chảy ra ngay. Hỏi: Bệnh nhân lập gia đình 2 năm, bị sẩy thai 1 lần. Hiện giờ đang siêu âm canh nang noãn và không có kinh từ lâu lắm nên rất lo lắng. Làm như thế nào để có kinh? BS Vương Thị Ngọc Lan: Để làm cho có kinh thì dễ, mình chỉ dùng thuốc nội tiết, đơn giản như dùng 1 vỉ thuốc ngừa thai là mình có thể có kinh trở lại. Chuyện khó hơn ở đây là chuyện có con. Trong trường hợp này, nếu chị chỉ muốn có kinh thì chị có thể đi khám bất kỳ bác sĩ phụ khoa nào cũng có thể cho thuốc để giúp mình ra kinh. Nhưng, cả hai vợ chồng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn để điều trị cho mình có con sớm. Chị nên khảo sát lại buồng trứng, có nhiều khả năng là buồng trứng mình không rụng trứng, và cần kiểm tra tinh trùng của chồng xem như thế nào. Hỏi: Những dấu hiệu đặc trưng vào ngày rụng trứng của phụ nữ? BS Vương Thị Ngọc Lan: Có những chị khi rụng trứng thì có những dấu hiệu báo trước, như ở giữa chu kỳ, có chất dịch nhầy-trong-dai như lòng trắng trứng chảy ra (do tác động của nội tiết tố nữ estrogen tăng khi nang trứng lớn, làm chất nhầy cổ tử cung nhiều-trong-loãng), đây có thể là dấu hiệu báo trước của phóng noãn. Nhiều khi cũng không đặc hiệu, như cơ thể bị tình trạng lộ tuyến cổ tử cung thì chất nhầy cũng nhiều. Mình không có dấu hiệu nào đặc trưng để theo dõi rụng trứng tự nhiên rõ ràng. Có những cách làm để biết chu kỳ rụng trứng như siêu âm


để xem nang noãn. Bác sĩ sẽ siêu âm, nang noãn đầu chu kỳ nhỏ, rồi nang lớn dần lên, đến giữa chu kỳ nang sẽ lớn nhất, sau đó nang xẹp, thì bác sĩ sẽ báo là đã rụng trứng. Đây là cách làm tương đối chính xác nhất. Còn nếu đoán dựa vào những triệu chứng cơ thể thì cũng khó. Một hình thức khác mà các chị hay làm là đo nhiệt độ cơ thể. Các chị nghĩ rằng khi nhiệt độ tăng lên là rụng trứng, thực tế là sau khi rụng trứng 2 ngày thì nhiệt độ mới tăng, nhưng trứng rụng ra khỏi nang và có giá trị thụ tinh với tinh trùng chỉ trong 1 ngày. Khi mình thấy nhiệt độ tăng thì hai vợ chồng lập tức quan hệ thì lúc đó trứng đã hết khả năng thụ tinh, đã qua thời điểm tốt nhất để thụ tinh rồi. Do đó, việc theo dõi nhiệt độ để canh trứng rụng và giao hợp không còn được thực hiện phổ biến nữa. Hỏi: Vợ chồng làm TTTON, lần cuối cùng được kích thích buồng trứng, 6 tháng nay thì vợ không có kinh. Ngoài ra, khi lọc rửa, bác sĩ có báo là 20 triệu mà không rõ con số đó ra sao. Vậy nên bắt đầu làm từ những cái gì? Nên làm IVF hay IVM? Chi phí 2 phương pháp này khoảng bao nhiêu? Đôi khi chúng tôi thấy giống như đi trong đêm vậy. BS Vương Thị Ngọc Lan: Cảm ơn câu hỏi của anh. Tôi làm trong lĩnh vực này 16 năm, nghe tâm sự của mấy anh chị rất nhiều, khi anh nói giống như đi trong đêm thì tôi rất thấu hiểu và thông cảm. Có nhiều người viết thư hay e-mail cho tôi rất dài, tôi luôn đọc hết để biết được mấy chị đang suy nghĩ gì, có điều gì nên làm. Khi điều trị đều có cơ hội thành công, chứ không phải là 100%. Sự tin tưởng và kiên trì trong điều trị là rất cần thiết. Tuy nhiên, không thể tự nhiên đòi hỏi mấy anh chị kiên trì và tin tưởng được. Vấn đề là ở người làm phải làm gì để anh chị có thể tin tưởng và kiên trì trong điều trị. Chúng tôi suy nghĩ điều này rất nhiều để có thể làm điều tốt nhất trong điều trị vô sinh. Riêng trường hợp của anh chị, tôi nghĩ nên đi khảo sát lại. Nhiều khả năng là buồng trứng không hoạt động rụng trứng, thành ra mất kinh luôn và chu kỳ kinh không đều. Có những chị sau khi kích thích buồng trứng thì cả năm sau không có kinh, khi siêu âm lại thì thấy buồng trứng đa nang, nang trứng nhỏ li ti đầy trong đó. Còn tinh trùng sau khi lọc rửa mà còn được 20 triệu là rất tốt, có lẽ vấn đề không phải ở đây. Hoạt động buồng trứng có thể không tốt, có thể đi kiểm tra và điều chỉnh lại chuyện rụng trứng để hoặc bơm tinh trùng, hoặc giao hợp tự nhiên vẫn có thể. Còn kỹ thuật IVF (thụ tinh ống nghiệm cổ điển) và IVM (nuôi trưởng thành trứng non). IVM chỉ dành cho những người bị hội chứng buồng trứng đa nang, chích thuốc 3 ngày rồi lấy trứng non ra. Tổng chi phí của IVM, vừa tiêm thuốc vừa đóng tiền bệnh viện là khoảng 30 triệu đồng. Với TTTON là khoảng 60 triệu đồng, do chích thuốc kéo dài.


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.