12 minute read

Lý Lẽ Minh Chứng Chúa Phục Sinh - MS Đỗ Đăng Phú

LÝ LẼ MINH CHỨNG CHÚA PHỤC SINH

1. Lời Chứng Của Các Phụ Nữ

Advertisement

Hai người nữ cùng có tên là Ma-ri đã đi đến mộ Chúa lúc rạng sáng ngày thứ nhất trong tuần lễ, đây là thời điểm bắt đầu một ngày mới, nhưng nó cũng tượng trưng cho sự bắt đầu một thời đại mới. Họ không thấy được sự Phục Sinh của Chúa Jêsus. Trong các sách Phúc Âm, không có ai chứng kiến sự Phục Sinh của Chúa Jêsus cả, cũng không có ai là nhân chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Jêsus. Chỉ Đức Chúa Trời mới làm được điều đó. Và Ngài thường làm điều đó, thông qua hai cách là động đất và thiên sứ. Ở đây vị thiên sứ đã mở cửa mộ, không phải để Chúa Jêsus bước ra, mà là để cho những người phụ nữ này thấy rằng Ngài đã sống lại không còn trong đó nữa. Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ… Song thiên sứ nói cùng các người đàn bà đó rằng: Các ngươi đừng sợ chi cả; vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus, là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm; và hãy đi mau nói cho môn đồ Ngài hay rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại…Hai người đàn bà đó bèn vội vàng ra khỏi mộ, vừa sợ vừa cả mừng, chạy báo tin cho các môn đồ (Ma-thi-ơ 28:1, 5-7a, 8). Tất cả những điều này được ghi lại cho chúng ta thông qua lời chứng của những người phụ nữ này! Điều đó quả khiến người ta quá đỗi ngạc nhiên. Như chúng ta đã biết, vào thời đó cả xã hội Do-thái cũng như Hy-La cổ đại đều không xem trọng phụ nữ. Họ không đáng gì cả, họ không thể làm chứng trước tòa. Nhưng Đức Chúa Trời đã để hai người phụ nữ làm nhân chứng đầu tiên cho sự Phục Sinh của Con Ngài! Chúa Jêsus đã từng giáng sinh ở một ngôi làng ít người biết và gia phả của Ngài bao gồm những người nữ không mấy danh giá, Ngài là một người thợ mộc, chẳng ai màng tìm kiếm. Và giờ đây điều ngạc nhiên cuối cùng và là sự ngạc nhiên lớn lao nhất chính là Đức Chúa Trời cho phép những nhân chứng đầu tiên cho sự sống lại của Ngài là những phụ nữ! Nếu có ai đó từng bịa ra câu chuyện Phục Sinh này, chắc chắn họ không bao giờ chọn phụ nữ để làm nhân chứng. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm một điều đặc biệt đến như vậy. Nhưng đây cũng là một hành động vĩ đại nhất kể từ khi sáng tạo muôn vật, đó là làm cho Con Ngài sống lại từ kẻ chết, và Ngài chứng thực sự kiện này qua chính môi miệng của những người bị coi thường. Quả là điều tuyệt diệu! Có thể Phao-lô cũng nhận thấy đây là việc gây khó hiểu, nên trong danh sách những nhân chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Jêsus ở I Cô-rinh-tô 15 không nhắc tới những người phụ nữ này. Điều này không nói lên rằng Phao-lô là người trọng nam khinh nữ. Đơn giản là ông đang đưa ra bằng chứng về sự Phục Sinh của Chúa Jêsus mà chắc chắn sẽ bị đối chất dữ dội tại một phiên tòa luật pháp mà phụ nữ không có tiếng nói giá trị.

2. Ngôi Mộ Chôn Chúa Trống Không

Mặc dù có tảng đá chặn cửa, có đội lính gác, nhưng vào ngày Phục Sinh đầu tiên, ngôi mộ đã trống không. Ngày thứ nhứt trong tuần

lễ, khi mờ sáng, các người đàn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài. Họ thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mồ; nhưng, bước vào, không thấy xác Đức Chúa Jêsus (Lu-ca 24:1-3). Bởi quyền năng của Đức Chúa Trời mà ngôi mộ này bị bỏ trống, chứ không phải bởi việc làm của con người. Thiên sứ và động đất là những hình ảnh tượng trưng cho quyền năng của Chúa. Mathi-ơ 27:57-28:6 chỉ rằng không thể đưa ra một cách giải thích về sự kiện ngôi mộ trống dựa vào tự nhiên. Những kẻ thù của Chúa Jêsus đã vui mừng khi cuối cùng Ngài đã chịu chết và chôn, bị canh giữ và niêm phong. Còn những người bạn của Chúa Jêsus thì hoàn toàn suy sụp tinh thần, họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc dấu xác của Ngài, rồi phao tin rằng Ngài đã Phục Sinh, hơn nữa đội lính canh giữ mộ và sự trông chừng liên tục mà Ma-thi-ơ đã chứng thực cho thấy rằng đó là điều không thể nào thực hiện. Ngôi mộ trống là một sự việc minh chứng Ngài thực sự đã Phục Sinh, mà Ma-thi-ơ muốn chúng ta biết. Theo quan niệm của người Do-Thái, sự Phục Sinh luôn gắn liền với thi thể của người đã chết. Cho nên khi người ta nói, “Ngài đã sống lại từ kẻ chết”, có nghĩa là họ tin chắc rằng thi thể của Ngài không còn ở trong mộ nữa, nếu người ta đến thăm mộ thì sẽ thấy đó là một ngôi mộ trống. Vì vậy, các sách Phúc Âm đã bổ sung cho điều này bằng cách nói rằng người ta đã đến xem và thấy nó trống không.

3. Những Lần Chúa Jêsus Hiện Ra

Trong các sách Phúc Âm và I Cô-rinh-tô 15 đã ghi lại nhiều những lần xuất hiện của Chúa Jêsus sau khi Ngài Phục Sinh. Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ. Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi. Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ đồ. Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy (I Cô-rinh-tô 15:5-8). Ma-thi-ơ ghi lại hai lần: Lần đầu là hiện ra cho những người phụ nữ (Mat. 28:9) và lần thứ hai là cho mười một môn đồ tại xứ Ga-li-lê (16-20). Hội Thánh đầu tiên đã xây dựng nền tảng của mình dựa trên niềm tin và bằng chứng này. I Cô-rinh-tô 15 đã trích dẫn một tài liệu truyền thống ghi lại lời chứng của chính những môn đồ đầu tiên về sự Phục Sinh của Chúa Jêsus. Việc Chúa Jêsus hiện ra cho họ trong những hoàn cảnh khác nhau như thế là bằng chứng hùng hồn về sự sống lại của Chúa Jêsus. Nếu như người ta nỗ lực để mô tả chúng như những khải tượng hay những ảo giác thì không gặt hái được thành công. Vì ảo giác không thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau và với số lượng rất nhiều người như mô tả. Qua những lần Chúa hiện ra như vậy, Ngài đã thay đổi thái độ của các môn đồ, từ buồn bã đến ngạc nhiên rồi quá đỗi vui mừng.

4. Nhiều Cuộc Đời Được Biến Đổi

Sự thay đổi nơi các môn đồ của Chúa Jêsus là một trong những điều kỳ diệu chứng minh cho lời tuyên bố của Cơ Đốc nhân về sự Phục Sinh của Chúa Jêsus. Những ai đặt lòng tin nơi Đấng Christ Phục Sinh đều kinh nghiệm được 47 45

Lý LẼ MINH CHỨNG CHÚA PHỤC SINH

những thay đổi lớn lao trong đời sống họ. Điều này luôn là sự từng trải của các Cơ Đốc nhân qua nhiều thế kỷ. Và điều đó cũng là sự thực với những môn đồ đầu tiên. Hai người phụ nữ cùng tên Ma-ri đã đến mộ với lòng thương cảm sâu xa vì người thầy và cũng là người bạn của mình đã chết. Nhưng họ đã trở về lòng đầy sự kinh ngạc và niềm vui không gì phá hủy được để báo tin cho những người khác về Chúa Jêsus, Đấng đã sống lại từ mồ mả và đã chào hỏi họ. Điều này cũng xảy ra tương tự khi Chúa Jêsus gặp các môn đồ tại ngọn đồi ở vùng Ga-li-lê. Sự Phục Sinh của Ngài là điều chắc chắn không nghi ngờ. Nó đã làm thay đổi mọi thứ. Và ít nhất, sự kiện này đã làm thay đổi tính cách và phẩm chất của họ. - Phierơ: Phi-e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta (Công 5:29). Si-môn Phi-e-rơ, là vị lãnh đạo hay dao động, đã trở thành một người có tinh thần vững như bàn thạch, và Hội Thánh đầu tiên đã xây dựng trên nhân chứng không chút rúng động này. Mười một môn đồ này không còn là những con thỏ luôn hoảng sợ nữa, họ đã trở thành những người rao giảng Phúc Âm mạnh mẽ và thi hành đại mạng lịnh của Chúa. - Phao-lô: Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ (Phi-líp 3:8). Từ một người chống đối và bắt bớ đạo Chúa, giờ đây sau khi gặp Chúa Phục Sinh, Phao-lô đã thay đổi hoàn toàn khi bảo rằng tất cả đều là “sự lỗ” so với sự to lớn của việc nhận biết Chúa Cứu Thế. Đây là một lời phát biểu sâu sắc về giá trị trong mối liên hệ của một người với Chúa Cứu Thế là quan trọng hơn bất cứ một điều gì khác. Nhận biết Chúa Cứu Thế trở nên mục tiêu tối hậu và là lẽ sống của cuộc đời ông.

5. Các Lời Tiên Tri Ứng Nghiệm

Dấu hiệu về sự ứng nghiệm các lời tiên tri luôn chiếm ưu thế trong các sách Phúc Âm và nó vẫn chiếm ưu thế trong các thư tín của Phao-lô. “Đấng Christ chịu chết...Ngài bị chôn... Ngài sống lại...Ngài hiện ra” là những sự kiện lịch sử minh chứng cho sự trường tồn của Phúc Âm được Phao-lô viết “theo Lời Kinh Thánh”, ông muốn nhấn mạnh đến tất cả các sự kiện đều ứng nghiệm các Lời Tiên Tri trong Kinh Thánh Cựu Ước. Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh (ICôr. 15:3-4). Các thầy tế lễ cả cũng như những người Phari-si có một ý tưởng ranh mãnh rằng có lẽ các môn đồ đã cố tìm cách ngụy tạo một sự kiện sống lại. Đó là lý do khiến họ đã đến diện kiến Phi-lát vào ngày Sa-bát để xin cho một lính gác ngôi mộ. Vì vậy, Phúc Âm Ma-thi-ơ đã nhấn mạnh sự Phục Sinh rằng: “Ngài không có ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi, như lời Ngài đã phán”

(Mat. 28:6). Qua đó đã gợi ý về sự sống lại đã được báo trước trong Kinh Thánh Cựu Ước. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ đã trích dẫn lời của Thi 16:8-11 khi nói về sự sống lại của Chúa Cứu Thế Jêsus.

6. Hội Thánh Rao Giảng Phúc Âm

Chúa Jêsus phán: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Mat. 28:19a). Chính xác là sứ mệnh này được bắt đầu không có gì khác hơn là sự Phục Sinh. Tất cả các nhà thần học trong thời Tân Ước đều đồng ý với nhau rằng chính niềm tin Phục Sinh đã thúc đẩy Hội Thánh thi hành chức vụ rao giảng Phúc Âm giữa cộng đồng và cho toàn thế giới. Dĩ nhiên, đức tin Phục Sinh phải bắt nguồn từ sự kiện Phục Sinh. Nhưng sự lan rộng của Phúc Âm là một trong những dấu chỉ mà sách Công Vụ đã viện dẫn để chứng minh cho lẽ thật Chúa Phục Sinh. Vào thời điểm viết sách này, Phúc Âm đã đến với nhiều vùng chính của thế giới, và từng đoàn môn đồ mới lũ lượt gia nhập vào Hội Thánh. Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh…Ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh (Công 2:41,47). Giờ đây những người Do-Thái cũng như Dân Ngoại đã nhận ra chính họ đã là những người cùng thờ phượng một Cứu Chúa. Còn các Cơ Đốc nhân thì hiểu rõ đó là điều gì: đó chính là sự Phục Sinh của Chúa Jêsus. Sự Phục Sinh của Chúa Jêsus chính là điểm khởi đầu cho công tác rao giảng. Các môn đồ có thể ra đi và công bố Phúc Âm chỉ vì có sự Phục Sinh của Chúa Jêsus. Nếu không có sự kiện này, họ không có gì đáng để công bố. Nhưng vì sự kiện này đã diễn ra, nên họ không thể giữ im lặng được. Đó là tin tức tốt lành nhất của nhân loại này. Những người tin Ngài không thể nào ngăn mình khỏi công tác truyền giáo. Qua những lí lẽ minh chứng Chúa Phục Sinh, chúng ta phải thừa nhận sự xác thực của Kinh Thánh rằng Chúa Cứu thế Jesus thật đã sống lại từ trong kẻ chết và hiện nay Ngài đang sống. Chúa sẵn sàng bước vào những tấm lòng rộng mở tiếp nhận Ngài làm Chúa làm Chủ của đời sống, để tha thứ, tẩy sạch, và khiến những con người ấy được biến đổi để bày tỏ vẻ đẹp, cùng vinh quang Chúa cho những người thế gian, thôi thúc họ chạy đến với Chúa. Hãy để Chúa bắt đầu và tiếp tục làm việc của Ngài trong lòng mỗi chúng ta từ nay cho đến ngày chúng ta gặp Chúa.

MS Đỗ Đăng Phú

This article is from: