
17 minute read
Đặc Thù Của Người Báp-tít - MS Phan Phước Lành
ĐẶC THÙ CỦA NGƯỜI BÁP-TÍT
Tôi có rất nhiều điều để tạ ơn Thiên Chúa. Thứ nhất, tôi được làm một con người bởi sự tạo dựng diệu kỳ của Ngài, Sáng Thế Chủ. Thứ hai, tôi được làm một môn đệ của Chúa Jêsus Christ, Cứu Thế Chủ. Thứ ba, tôi được là một mục sư, tôi tớ của Đức Chúa Trời bởi ơn kêu gọi của Ngài. Thứ tư, tôi được là một người Báp-tít, bởi sự xác tín của đức tin và lương tâm của sự nhận thức. Người Báp-tít có những đặc thù vì họ không bị chi phối bởi các thẩm quyền, giáo điều, hay tín điều ngoại trừ thẩm quyền của Kinh Thánh. Trong bài viết này, tôi muốn trình bày những điều đặc thù của Người Báp-tít.
Advertisement
Người Báp-tít có những đặc thù sau:
1. Thánh Kinh: Thẩm quyền tuyệt đối (Ma-thi-ơ 24: 35; 1 Phi-e-rơ 1: 23; 2 Ti-môthê 3: 16-17) 2. Tự trị: Quyền của hội thánh địa phương (Ma-thi-ơ 18: 15–17; 1 Cô-rinh-tô 6: 1-3) 3. Tư tế: Thánh chức của tất cả các tín hữu (1 Phi-e-rơ 2: 5-9; 1 Ti-mô-thê 5) 4. Thánh lễ: Báp-têm và Tiệc Thánh (Công vụ 2:41–47; 1 Cô-rinh-tô 11: 23-32) 5. Tự do và trách nhiệm: Quyền tự do của mỗi linh hồn (Rô-ma 14: 5–12) 6. Thánh chức được thụ phong: Mục sư và Chấp sự (1 Ti-mô-thê 3: 1-13; Tít 1–2) 7. Tách biệt giữa Hội thánh và Nhà nước (Ma-thi-ơ 22: 15–22) 8. Thực thi Đại Mạng Lệnh với Chương Trình Hiệp Tác (Ma-thi-ơ 28: 16-20)
Thánh Kinh: Thẩm Quyền Tuyệt Đối
Những Người Báp-tít, nhận phép thanh tẩy, trầm mình trong nước, trải qua bao thế kỷ vẫn xác tín rằng Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời có thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống đức tin của họ. Họ sẵn sàng chống lại những thế lực, cả quyền lực tôn giáo và quyền lực thế tục, tuyên bố hạ thấp giá trị và thẩm quyền của Kinh thánh. Họ sẵn sàng chịu bách hại vì bảo vệ thẩm quyền tuyệt đối của Kinh thánh, là quyển sách nền tảng cho mọi giá trị đức tin và lối sống theo Chúa của Hội thánh và từng cá nhân.
Khi Người Báp-tít xây dựng một nền tảng thần học hay một tuyên bố đức tin nào đó, họ đều trích dẫn Kinh thánh cho những gì họ nói hay làm. Họ đến với nhau trong sự thuận phục, không bởi thẩm quyền của tổ chức giáo hội hay địa vị của cá nhân, nhưng bởi thẩm quyền của Kinh thánh. Không phải tất cả những Người Báp-tít đều có cùng mọi tín lý, nhưng dù có sự khác biệt nhau đi nữa, họ vẫn đồng ý rằng Kinh thánh là văn bản có thẩm quyền cuối cùng duy nhất của họ đối với đức tin và thực hành.
Tự Trị: Quyền Của Hội Thánh Địa Phương
Hầu hết (nhưng không phải tất cả) những Người Báp-tít đều nhấn mạnh đến quyền tự trị của các hội thánh địa phương. Từ “tự trị” bắt nguồn từ hai từ Hy Lạp có nghĩa là “tự” và “luật”. “Autonomous” có nghĩa là “tự quản” hoặc “tự chỉ đạo”. Hội thánh Báp-tít không nhận thẩm quyền từ Giáo hội; cũng một thể ấy, Giáo hội Báp-tít không chủ trương có thẩm quyền trên hội thánh địa phương. Do đó, hội thánh Báp-tít được quyền tự trị tự quản mà không có sự chỉ đạo hoặc kiểm soát của bất kỳ ai từ bên ngoài. Các hội thánh Báp-tít công nhận quyền kiểm soát và thẩm quyền tối thượng của Chúa Jêsus Christ trong Hội Thánh.
Quyền tự trị có nghĩa là mỗi hội thánh Báp-tít được lựa chọn lãnh đạo cho mình, xác định hình thức thờ phượng, quyết định các vấn đề tài chính và chỉ đạo các công việc khác liên quan đến hội thánh mà không có sự kiểm soát hoặc giám sát từ bên ngoài. Các tổ chức giáo hội Báp-tít toàn quốc, tiểu bang, giáo khu, Liên Hội, các đại hội toàn quốc hay tiểu bang không có thẩm quyền đối với các hội thánh Báp-tít. Bất kỳ tổ chức nào trong số này cố gắng thực hiện quyền kiểm soát đối với hội thánh địa phương là vi phạm niềm tin cơ bản của Người Báp-tít về cơ chế của tổ chức. Là Hội thánh tự trị, Người Báp-tít không chấp nhận có sự kiểm soát của chính phủ đối với đức tin và việc thực hành tôn giáo của họ.
Tư Tế: Thánh Chức Của Tất Cả Các Tín Hữu
Những Người Báp-tít nhấn mạnh rằng tất cả những ai tin nhận Chúa Jêsus là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc đều là những thầy tế lễ. Khái niệm về chức tư tế của các tín hữu là điều cơ bản đối với những Người Báp-tít. Cũng như một số niềm tin quan trọng khác, đối với những Người Báp-tít, có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của khái niệm này, nhưng tất cả những Người Báp-tít đều trân trọng chân lý Kinh thánh về chức tư tế của các tín hữu. Trong Cựu Ước, các thầy tế lễ chịu trách nhiệm về đa số khía cạnh của sự thờ phượng và đóng vai trò trung gian giữa dân sự và Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ cả, người đứng đầu của các thầy tế lễ, là người duy nhất được phép vào Nơi Chí Thánh trong đền thờ Do Thái. Nơi đặc
biệt linh thiêng này được ngăn cách với phần còn lại của ngôi đền thờ, với các thầy tế lễ và những người thờ phượng khác bằng một tấm màn che lớn.
Bởi sự giáng thế, hy sinh và sự phục sinh của Chúa Jêsus, tất cả những điều này đã thay đổi. Việc giết sinh tế làm của lễ chuộc tội không còn thích hợp nữa, bởi vì Đấng Christ với tư cách là Chiên Con của Đức Chúa Trời đã tự hiến mình làm vật tế lễ cho tội lỗi. Sự hy sinh của Chúa Cứu Thế được xem như một hành động một lần đủ cả và mãi mãi.
Vào lúc Chúa Jêsus tắt thở trên thập tự giá, bức màn lớn trong đền thờ “bị xé làm hai từ trên xuống dưới” (Ma-thi-ơ 27: 51). Điều này cho thấy rằng Chúa Jêsus, Vị Thượng Tế Vĩ Đại, hiện đang làm trung gian giữa Đức Chúa Trời và loài người, không còn cần đến các thầy tế lễ theo kiểu Cựu Ước nữa. Thật vậy, tất cả những ai tin Chúa Jêsus đều trở thành thầy tế lễ và được tiếp cận trực tiếp với Đức Chúa Trời. Những người trung gian không còn cần thiết nữa. Mọi tín hữu trong Đấng Christ có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời để cầu nguyện, xưng tội, ngợi khen và thờ phượng.
Thánh Lễ: Báp-Têm và Tiệc Thánh
Niềm tin của Người Báp-tít về phép trầm mình (Báp-têm) và Tiệc Thánh của Chúa khác với niềm tin của nhiều giáo phái khác. Người Báp-tít thường sử dụng thuật ngữ “giáo lễ” hơn là “bí tích” khi đề cập đến Báp-têm và Tiệc Thánh của Chúa. Ngay cả khi chữ “các bí tích” được sử dụng, nó cũng không bao giờ có hàm ý rằng một trong hai bí tích này là cần thiết để một người được cứu. Vì phép Báp-têm và Tiệc Thánh của Chúa mang tính biểu tượng, nên việc sử dụng các biểu tượng thích hợp rất quan trọng. Phép Báp-têm tượng trưng cho sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Jêsus đã làm nên sự cứu rỗi. Phép Báp-têm cũng tượng trưng rằng một người nhờ đức tin trong Đấng Christ đã từ chết sang sự sống và người này đã đồng nhất với sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ (Rô-ma 6: 3–5, Cô-lô-se 2:12). Những Người Báp-tít cũng tin rằng chỉ có một người được dìm mình hoàn toàn trong nước mới đủ tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất và sự phục sinh theo mẫu mực của Chúa Jêsus. Dầu vậy, có những trường hợp mà Tân Tín Hữu không thể được trầm mình hoàn toàn thì những phương cách khác như đổ nước từ trên đầu vẫn có thể sử dụng.
Tương tự như vậy, việc hiểu chính xác ý nghĩa trong Tiệc Thánh của Chúa là điều quan trọng đối với những Người Báp-tít. Chúa Jêsus đã thiết lập Bữa Tiệc Thánh trong bữa ăn cuối cùng với các môn đồ như một phần của Lễ Vượt Qua của người Do Thái (Ma-thi-ơ 26: 26–30; Mác 14: 22–26; Lu-ca 22: 14–20). Theo Tân Ước, bánh không men và nước nho là một phần của bữa ăn. Chúa Jêsus chỉ ra rằng “bánh” tượng trưng cho thân thể Ngài và “chén” tượng trưng cho huyết Ngài.
Khi dự phần vào bánh và chén, các môn đồ của Đấng Christ phải nhớ đến sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá khi Ngài đã hiến thân mình và đổ huyết vì tội lỗi của mỗi người. Những người Báp-tít tin rằng Kinh Thánh dạy các yếu tố được sử dụng trong Bữa Tiệc Thánh không phải là thân và huyết của Đấng Christ theo nghĩa đen. Chúng được xem như biểu tượng của thân và huyết của Ngài. Khi ăn bánh và uống chén, một người không thực sự ăn thịt và uống huyết thật của Đấng Christ. Đúng hơn, đó là cơ hội nhắc chúng ta nhớ lại sự hy sinh của Ngài vì chúng ta, sự hiện diện của Ngài với chúng ta và sự tái lâm chắc
chắn của Ngài để chúng ta tuân theo mệnh lệnh của Đấng Christ về việc rao truyền sự chết của Ngài cho đến lúc Ngài đến (1 Cô-rinh-tô 11: 24-28).
Tự Do và Trách Nhiệm: Quyền Tự Do Của Mỗi Linh Hồn
Nhiều thuật ngữ khác nhau đã được sử dụng cho khái niệm này; chẳng hạn như “tự do tâm hồn”, “tự do lương tâm” và “năng lực tâm hồn”. Nó đề cập đến sự tự do do Đức Chúa Trời ban cho và khả năng của mỗi con người để biết và đáp lại ý muốn của Ngài. Những Người Báp-tít tin rằng Chúa ban cho con người khả năng để đưa ra sự lựa chọn. Những người Báp-tít nhấn mạnh rằng khả năng này không phải là một đặc tính đơn thuần của con người, mà là một món quà từ Chúa. Trong quá trình sáng tạo, Đức Chúa Trời đã ban cho con người quyền tự do lựa chọn, một sự tự do mang trong mình trách nhiệm cao cả. Mỗi con người chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình và nhận lấy kết quả hay hậu quả cho những quyết định của mình, kể cả việc tin hay không tin Chúa Jêsus. Theo cách tường thuật của Tân Ước, cả Chúa Jêsus và các giáo phụ của Hội Thánh thời Tân Ước đều không ép buộc hay bắt buộc mọi người phải theo Ngài vì đó là sự tôn trọng quyền tự do linh hồn của mỗi cá nhân.
Thánh Chức Được Thụ Phong: Mục Sư và Chấp Sự
Hội Thánh Báp-tít trong sau nhiều năm hình thành đã xác nhận hai thánh chức của một Hội Thánh thời Tân Ước là mục sư và chấp sự. Họ tin Kinh thánh dạy rằng tất cả Cơ đốc nhân được kêu gọi để phục vụ và phục vụ người khác trong danh Đấng Christ. Dầu vậy, cũng có một số người được Đức Chúa Trời kêu gọi đặc biệt để giữ vai trò cụ thể của chức vụ, chẳng hạn như mục sư và chấp sự.
Người Báp-tít tin rằng chức vụ mục sư là một trong hai thánh chức mà một hội thánh theo khuôn mẫu của các Hội Thánh Thời Tân Ước nên có. Kinh thánh sử dụng ba từ cho cùng một chức vụ: trưởng lão, mục sư và giám mục. Trong ngôn ngữ Hy Lạp của Tân Ước, những từ này chỉ những chức năng khác nhau chứ không phải những chức vụ khác nhau (Công vụ 20: 17–28; 1 Phi-e-rơ 5: 1-5).
Về phần Mục sư. Tiêu chuẩn của một Mục sư dựa vào Kinh Thánh (1 Ti-mô-thê 3: 1-7; Tít 1: 5–9). Chức vụ Mục sư được đặt nặng vào ơn kêu gọi của Chúa, đạo đức, sự hiểu biết Lời Chúa và khả năng chăn bầy. Mỗi Hội thánh Báp-tít toàn quyền mời mục sư để quản nhiệm cho Hội thánh mình. Qui trình cụ thể khác nhau ở một mức độ nào đó của từng Hội thánh, nhưng hầu hết các Hội thánh đều tuân theo mô hình sau: • Khi Hội thánh không có mục sư quản nhiệm, hội thánh bầu ra một ủy ban tìm mời mục sư để cầu nguyện tìm kiếm những người khác nhau để trở thành mục sư của hội thánh. • Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ủy ban đề xuất với toàn thể hội thánh về người mà hội thánh tin rằng Chúa muốn gọi đến để trở thành mục sư. • Mục sư tương lai đến thăm hội thánh, giảng Lời Chúa và được phỏng vấn. Sau đó, hội chúng biểu quyết xem có nên mời người đó hay 3 không. Nếu cuộc bỏ phiếu thuận lợi, mục sư tương lai có quyền chấp nhận hoặc từ chối. • Mục sư phục vụ cho Hội thánh không có nhiệm kỳ miễn là cả mục sư và hội
thánh đồng ý rằng mối quan hệ sẽ tiếp tục.
Về phần Chấp sự. Trong khi các mục sư thường được chọn từ những người không phải là thành viên của hội thánh, thì các chấp sự được chọn từ trong thành viên của Hội Thánh. Các tiêu chuẩn trong Kinh thánh cho một chấp sự (1 Ti-mô-thê 3: 8-13) chủ yếu tập trung vào tính cách và các mối quan hệ trong hội thánh, gia đình và cộng đồng. Các chấp sự phải là những người có đức tính hoàn hảo và đức tin sâu sắc, những người đầy dẫy Chúa Thánh Linh. Công vụ 6:1–6 ghi lại sự khởi đầu vai trò của các chấp sự. Họ phải chăm sóc các nhu cầu vật chất của hội thánh để các mục sư có thể tập trung vào các nhu cầu thuộc linh. Các chấp sự, theo Tân Ước, không phải là một cơ quan quản lý hội thánh mà là những người lãnh đạo tôi tớ để phục vụ hội thánh.
Phong chức mục sư và chấp sự . Người Báp-tít không tin rằng việc phong chức cho một người có bất kỳ quyền năng hoặc thẩm quyền đặc biệt nào trên người đó. Việc phong chức này là một cách để chỉ cho các cộng đồng dân Chúa và thế giới nói chung rằng một người đã được công nhận là được ơn thiên triệu và xứng đáng để trở thành một mục sư hoặc chấp sự. Vì thế, nghi lễ này được gọi là thụ phong thay vì tấn phong. Trong những năm gần đây, Người Báp-tít đã mở rộng việc phong chức cho những người khác trong chức vụ, chẳng hạn như tuyên úy và giáo sĩ.
Tách Biệt Giữa Hội Thánh và Nhà Nước
Kinh thánh chỉ ra rằng các chính phủ được Đức Chúa Trời cho phép hình thành để thực thi pháp luật và bảo đảm an ninh cho người dân (Rô-ma 13: 1–5). Các nhà lãnh đạo chính phủ phải hành động vì lợi ích của công dân (1 Phi-e-rơ 2: 13-14). Cơ đốc nhân phải tôn trọng, cầu nguyện cho các quan chức chính phủ (1 Ti-mô-thê 2: 1-3; 1 Phi-e-rơ 2: 17), nộp thuế (Ma-thi-ơ 22: 17–22; Rô-ma 13: 6–7) và vâng lời chính phủ trừ khi sự vâng lời rõ ràng sẽ trái với ý muốn của Đức Chúa Trời (Công vụ 4: 19–20; Công vụ 5: 29). Đối với những người Báp-tít, Hội thánh và Giáo hội bao gồm cả các hội thánh địa phương và các tổ chức khác nhau được thành lập vì mục đích đức tin, chẳng hạn như các giáo khu, giáo hội, hiệp hội, hội nghị, trường học và tổ chức. Người Báp-tít tin rằng mục đích cốt lõi của “hội thánh” là truyền bá phúc âm của Chúa Jêsus Christ (Công vụ 1: 8), dạy Lời Chúa, phát triển hội thánh (Ma-thi-ơ 8: 19–20; Ê-phê-sô 4: 11–13) và phục vụ trong Đấng Christ (Ma-thi-ơ 25: 31–46). Hội thánh phải dựa vào Chúa và Kinh thánh chứ không phải chính phủ và chính sách của chính phủ trong việc thực hiện sứ mệnh của mình.
Lý tưởng nhất, mối quan hệ của hội thánh và nhà nước là đôi bên cùng có lợi. Ví dụ, nhà nước cung cấp trật tự và an ninh; những điều này hữu ích cho hội thánh trong việc thực hiện sứ mệnh của mình (Công vụ 13–16). Và hội thánh đóng góp vào một trật tự xã hội tích cực bằng cách giúp phát triển những công dân tốt, chăm chỉ tuân thủ luật pháp (Ê-phê-sô 4: 24–32; 1 Phi-e-rơ 2: 11-17).
Thực thi Đại Mạng Lệnh với Chương Trình Hiệp Tác
Người Báp-tít chú trọng đến việc thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa Jêsus qua việc môn đệ hóa muôn dân. Sứ mạng này có ba bước trong một chu trình vòng tròn: ra đi, báp-têm và dạy họ mọi điều mà Chúa Jêsus đã truyền. Mỗi Người Báp-tít thường xem mình là một chứng nhân của Chúa Jêsus. Họ rất chú tâm vào việc truyền bá phúc âm, gởi giáo sĩ và thành lập Hội thánh mới. Vì Giáo hội Báp-tít không có thẩm quyền để bắt buộc hội thánh địa phương dâng hiến tài chánh, nên giáo hội có một Chương Trình Hiệp Tác. Chương Trình Hiệp Tác (Cooperative Program) của Giáo Hội Báp-tít Nam Phương là một đặc thù gây quỹ rất kết quả. Niên khóa 2020-2021, chương trình đã nhận được $192,271,436. 50% của tổng số quỹ được cung cấp cho Cơ Quan Truyền Giáo Quốc Nội (NAMB), các đại chủng viện, các cơ quan và Ban Điều Hành (Executive Committee). 50% phần còn lại được góp vào với quỹ Lottie Moon lo công tác truyền giáo hải ngoại.
Kể từ năm nay (2022), Liên Hội Báp-tít Việt Nam Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) cũng mong ước có được Chương Trình Hiệp Tác cho công việc Chúa của Người Việt Nam (gọi là Việt Cooperative Program). Liên Hội hiện có và trong tương lai sẽ có thêm nhiều cơ quan như Viện Thần Học, Cơ Quan Truyền Giáo, Cơ Quan Truyền Thông, Cơ Quan Phát Triển Hội Thánh, Liên Đoàn Nam Giới, Liên Đoàn Phụ Nữ, Đặc Biệt là Liên Đoàn Thanh Niên, Mục vụ Nhi Đồng và các Mục vụ đặc biệt khác. Liên Hội cần có tài chánh để thực hiện công việc Chúa một cách hữu hiệu. Liên Hội kêu gọi dùng Chúa Nhật Tết để dâng hiến đặc biệt cho Chương Trình Hiệp Tác của Người Việt.
Thật là một đặc ân để mỗi con người được làm con cái của Thiên Chúa qua sự cứu chuộc của Chúa Jêsus. Và cũng bởi sự xác tín của đức tin và sự nhận thức của lương tâm, Người Báp-tít nên tự hào về chỗ đứng của mình. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta tự cho mình hơn các hệ phái bạn, nhưng đơn thuần là chúng ta có những đặc thù riêng của mình và những đặc thù này rất sát với Thánh Kinh. Vậy chúng ta hãy sống xứng đáng với thành ngữ “Người Báp-tít là người của Kinh Thánh.” A-men!
MS Chritian Phan Phước Lành
Tài liệu tham khảo:
Benedict, David (1848). A General History of the Baptist Denomination in America and Other Parts of the World. Lewis Colby. p. 325. Brackney, William H. (1999). Historical Dictionary of the Baptists. Scarecrow Press. pp. 160–161. Cummins, David L. This Day in Baptist History 2. Greenville, SC: BJU Press, 2000. Leo., Garrett, James (2009). Baptist theology : a four-century study (1st ed.). Macon, Ga.: Mercer University Press. ISBN 9780881461299. OCLC 223853668. Lutherans and Baptists: What is the difference between confessional Lutheran beliefs and the beliefs of Baptists?” WELS. 2015-03-09. Retrieved January 27, 2018. Roberts, Dr. E. Al (2011). A Disparity in Doctrine and Theology: Baptist Versus Mormon Doctrine and Theology. WestBow Press. p. 15. ISBN 978-1449712112. Sacrament versus Ordinance - Wisconsin Evangelical Lutheran Synod (WELS) Shurden, Walter B. The Baptist Identity: Four Fragile Freedoms. Macon, Georgia: Smyth & Helwys Publishing, 1993.