
10 minute read
Hy Vọng Nơi Chúa - MS Võ Ngọc Triển
HY VỌNG NƠI CHÚA
Cứ mỗi Mùa Phục Sinh, chúng ta thường hát bài thánh ca “Vì Giê-su Sống” và trong bài thánh ca đó có những câu mà người hát cũng như người nghe nhận được khích lệ, vững bước trong trong đời sống. “Vì Giê-su sống, tôi bước đi với hy vọng. Bóng đêm xa dần, lòng luôn vững tin… Vì Giê-su sống luôn với con, con vui sống trong Ngài.” Vì Giê-su sống, con cái Chúa sống trong hy vọng, nhưng có bao giờ chúng ta ngưng dòng tư tưởng lại và hỏi chính mình rằng: Hy vọng đó là gì? Và chúng ta sống và áp dụng như thế nào với hy vọng đó? “Hy vọng” là hai chữ mà nhiều người trong chúng ta thường nghe và dùng. “Hy vọng” con tôi vào đại học (dù con mình ôm phone và chơi trên máy hàng giờ). “Hy vọng” chúng tôi mua được nhà (dù mình không dành dụm). “Hy vọng” Hội Thánh mua được cơ sở gần nhà chúng tôi (dù mình không dâng hiến rộng rãi). “Hy vọng” năm nay Hội Thánh có 10 người tin nhận Chúa (dù mình không đi làm chứng). Còn nhiều điều “hy vọng” khác. Đây có thật sự là “hy vọng” mà chúng ta mong muốn không? Và đây có phải là “hy vọng” mà Kinh Thánh dạy chúng ta sống không? Trong tiếng Anh, “hy vọng” là một ý tưởng hơi trừu tượng về kỳ vọng. Điển hình, theo Wikipedia, “Hy vọng là một trạng thái lạc quan của tâm trí dựa trên kỳ vọng về kết quả tích cực liên quan đến các sự kiện và hoàn cảnh trong cuộc sống của một người hoặc của thế giới nói chung.” Tuy nhiên, từ “hy vọng” trong tiếng Hê-bơ-rơ (Tikvah/Tikvah) lại có ý nghĩa cụ thể hơn và nó có nghĩa là trông đợi chắn chắn. Ngoài ra, trong tiếng Hê-bơ-rơ nó cũng có nghĩa là sợi dây hoặc dây thừng. Nó xuất phát từ một từ gốc có nghĩa là ràng buộc hoặc chờ đợi, có ý nói đến sự tin chắc. Điều này cho thấy nhiều người dùng từ “hy vọng” theo ý nghĩa của ngôn ngữ hiện nay, mà không theo ý nghĩa của Kinh Thánh. Từ “hy vọng” xuất hiện nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Bản KJV cho biết có 143 lần (hope, hoped, và hoping) và bản ESV thì có 161 lần tổng cộng. Trong tiếng Việt thì BDM dùng 136 lần và Bản Truyền Thống dùng 114 lần. Điều này chứng tỏ “hy vọng” là một chủ đề lớn trong Kinh Thánh. I Cô-rinh-tô 13:13 cũng
Advertisement

xác minh hy vọng là một trong ba điều quan trọng. Mục Sư và người dạy Kinh Thánh phải để ý đến chủ đề này, đặc biệt là giảng giải ý nghĩa của từ “hy vọng” theo đúng ý nghĩa của nó và cho người học thấy niềm hy vọng thật sự trong Chúa của mình. Con cái Chúa, những ai biết Chúa một cách riêng tư không thể đánh mất hy vọng trong Đức Chúa Trời yêu thương và quyền năng. Nói đến chủ đề “hy vọng” thì chúng ta phải nói đến Thi Thiên 130. Thi Thiên này rất nổi bật, đặc biệt nói đến chủ đề “trông đợi, hy vọng” nơi Chúa. Thi Thiên này chắc chắn trả lời câu hỏi nảy sinh từ trong tâm trí của chúng ta, “Lý do nào để tôi hy vọng ngay bây giờ?” khi đứng trước khó khăn, nghịch cảnh, sợ hãi, chán nản, hoặc bối rối trong cuộc đời. Trong Thi Thiên này, chúng ta tìm thấy năm lý do rõ ràng mà Tín Nhân phải hy vọng nơi Chúa ngay hôm nay và ngay tại thời điểm này:
1. Hy Vọng Vì Chúa Nghe Chúng Ta
Câu 1-2 chép, “Đức Giê-hô-va ôi! Từ nơi vực sâu, con cầu khẩn Ngài. 2Chúa ôi! Xin nghe tiếng kêu cầu của con; Xin Chúa lắng tai nghe tiếng nài xin của con.” Đây là lời cầu khẩn của trước giả và cụm từ “nghe tiếng kêu cầu” hay “nghe tiếng nài xin” cho thấy Chúa lắng nghe người kêu cầu Ngài. Chúa lắng nghe lời kêu cầu của chúng ta. Khi một người tin nhận Chúa thật sự, người ấy sẽ tin rằng, trong Đấng Cứu Thế, Đức Chúa Trời đã mở đường cho những tội nhân lầm lạc trong bóng tối được đến với Ngài một lần nữa. Và không chỉ được đến, mà chúng ta còn có sự tương thông mật thiết với Ngài! Tín Nhân có tấm lòng được làm mới lại nhận thức nhu cầu được cứu rỗi của mình, nhìn thấy tác hại và sự tàn phá của tội lỗi, và biết rằng mình không có điều gì đáng để được Chúa lắng nghe. Tín Nhân hy vọng vào sự hiện diện chắc chắn của Đức Chúa Trời, Đấng lắng nghe khi mình kêu cầu, và biết rằng sự hòa giải đã được bảo đảm bằng huyết của Đấng Cứu Thế. Sự hiện diện liên tục của Đức Chúa Trời là một dòng nước đổ vào đời sống của người tin Chúa (như Thi Thiên 1). Ở nơi Chúa chúng ta có hy vọng vì chúng ta không bao giờ đơn độc và vì Chúa nghe sự kêu cầu hay trò chuyện của chúng ta.
2. Hy Vọng Vì Chúa Thương Xót Chúng Ta
Câu 3-4 chép, “Lạy Đức Giê-hô-va, nếu Ngài ghi khắc tội lỗi, thì Chúa ôi! Ai sẽ còn sống? 4Nhưng Chúa sẵn lòng tha thứ để người ta kính sợ Ngài.” Ý chính rõ ràng trong câu này là sự thương xót của Chúa và Ngài sẵn lòng tha thứ chúng ta. Việc trước giả nhận thức sự sa đọa của mình trong câu này là một sự nhắc nhở cho chúng ta. Người ấy nhìn thấy sự vinh hiển của Chúa và do đó người ấy cũng thấy rằng mình không thể đứng trước một Đức Chúa Trời hoàn hảo nếu Ngài không mở một con đường cho mình. Và Đức Chúa Trời đã mở một con đường cho tất cả những người đến với Ngài. Ngài đã mở rộng lòng thương xót cho những ai đặt đức tin vào Đấng Cứu Thế, bằng cách trút cơn thịnh nộ công chính lên Con Ngài, thay vì trên loài người tội lỗi như chúng ta. Chúng ta có lý do để hy vọng vì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự tha thứ trong Đấng Cứu Thế và do đó, đã tuyên bố chúng ta là công chính. Bây giờ không có sự đoán phạt nào dành cho chúng ta nếu chúng ta thuộc về Ngài. Người viết biết ơn ân sủng lớn lao và sự thương xót của Chúa. Nếu không bởi sự thương xót của Chúa thì người viết không thể viết tiếp các điểm còn lại. Nếu Ngài không thương xót thì không ai trong chúng ta còn sống. Ngài tha thứ chúng ta để chúng ta kính sợ Ngài. Đáng buồn thay nhiều “con cái Chúa” sống nhỡn nhơ và coi thường, không trông cậy sự thương xót của Ngài. Nếu Chúa ghi khắc tội lỗi của chúng ta, dù là ai đi nữa, chức vụ to lớn như thế nào đi nữa, hoặc bằng cấp cao bao nhiêu, không ai sẽ sống xót. Đừng nghĩ rằng mình có chức vụ cao trong tổ chức mà không cần sự thương xót của Chúa. Chúng ta có hy vọng nơi Chúa vì Ngài thương xót chúng ta.
3. Hy Vọng Vì Chúa Phán Với Chúng Ta
Câu 5 chép, “Tôi trông đợi Đức Giê-hô-va, linh
hồn tôi trông đợi Ngài; Tôi hy vọng nơi lời của Ngài.” Trước giả chia sẻ sự tin cậy nơi Chúa và tin chắc vào lời của Ngài. “Tôi hi vọng nơi lời của Ngài” nghe như lời của một bài Thánh Ca mà chúng ta thường hát, “Lời Ngài làm chứa chan hy vọng.” Lời hằng sống và sống động của Đức Chúa Trời là một phép lạ! Chúng ta không cần phải luôn chờ đợi để nhận được câu trả lời, phản hồi từ Chúa trong những thời điểm hỗn loạn vì tất cả những gì chúng ta cần làm là mở Kinh Thánh của mình ra. Đức Chúa Trời đã cung cấp một phương cách để chúng ta biết lẽ thật và được thánh hóa bởi phương cách đó. Tín Nhân không sống đơn độc trong cuộc đời mà không có bất kỳ nguồn lực nào để củng cố cuộc chiến tâm linh mình. Tín Nhân có lời Chúa, và lời Chúa là gươm của Thánh Linh để dẫn dắt và bảo vệ đời sống chúng ta. Con cái Chúa thật là người sống theo thánh ý Chúa, nhưng điều này không có nghĩa là việc gì cũng “cầu nguyện xin ý Chúa” để Chúa bày tỏ vì nhiều điều, thánh ý Ngài đã bày tỏ trong Kinh Thánh. Hãy đọc, suy gẫm và làm theo lời Ngài dạy trong Kinh Thánh. Chúa luôn phán dạy chúng ta qua Lời Ngài để chúng ta sống khôn ngoan và đẹp lòng Ngài mỗi ngày trong đời sống. Chúng ta có hy vọng nơi Chúa vì Ngài phán với chúng ta.

4. Hy Vọng Vì Chúa Sẽ Trở Lại
Câu 6 chép, “Linh hồn tôi trông đợi Chúa hơn người lính canh trông đợi sáng, thật hơn người lính canh trông đợi sáng.” Người lính canh chỉ đơn giản là “người canh gác.” Vào thời Cựu Ước, người lính canh sẽ được chỉ định trông coi một phần đất từ bức tường thành trên cao. Nhiệm vụ của họ là phát hiện những kẻ xâm nhập và bảo vệ chống lại sự xâm nhập vào thành. Người lính canh trông đợi sáng là hình ảnh Tín Nhân. Tín Nhân hy vọng vào “buổi sáng,” ngày mà Đấng Cứu Thế sẽ ngự trên những đám mây trên trời với quyền năng và vinh quang cao cả để thiết lập trời mới và đất mới. Bài Thi Thiên hướng dẫn chúng ta hãy cẩn thận cho ngày này, đừng ngồi thụ động và tuyệt vọng, và đừng để bị phân tâm bởi thế gian. Chúng ta phải tích cực tham gia vào sự trông đợi Chúa Giê-su trở lại. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đang đề phòng sức mạnh của tội lỗi trong thế gian và trong xác thịt của chúng ta. Chúng ta hy vọng vì chúng ta biết sự trở lại vinh quang của Đấng Cứu Thế! Sự trở lại của Ngài được trông đợi và chắc chắn, giống như buổi sáng vậy.
5. Hy Vọng Vì Chúa Sẽ Hoàn Tất Công Việc Ngài Trong Đời Sống Chúng Ta
Câu 7-8 chép, “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy hy vọng nơi Đức Giê-hô-va vì Đức Giê-hô-va đầy lòng nhân từ, và Ngài ban ơn cứu rỗi cách dồi dào. 8Chính Ngài sẽ chuộc Y-sơ-ra-ên khỏi mọi điều gian ác.” Từ kinh nghiệm cá nhân, trước giả kêu gọi con dân Chúa hãy hy vọng nơi Ngài vì chính Ngài đầy lòng nhân từ và ban ơn cứu rỗi. Chính Chúa đã thiết lập và sẽ hoàn tất Y-sơ-ra-ên qua việc cứu chuộc dành cho nó. Cuộc chiến của chúng ta chống lại tội lỗi và thân thế lữ hành của chúng ta trên thế gian này có thể là những thực tế đầy chán nản, nhưng Tín Nhân đặt hy vọng nơi Chúa để rồi thấy sự nên thánh hoặc sự tăng trưởng trong đời sống tâm linh, cho đến cuối cùng, để được hoàn tất. Tội lỗi đe dọa với chán nản và tuyệt vọng, nhưng sự tái tạo đặt niềm hy vọng của Tín Nhân vào quyền năng của Đức Thánh Linh để sinh bông trái tốt và làm trội những việc tốt. Thế gian không phải là điểm dừng cuối cùng của chúng ta, mà là nơi quyền năng của Chúa bày tỏ trên cuộc đời chúng ta. Tín Nhân là những người được Chúa dựng nên, tha thứ, và cứu chuộc. Chúng ta hy vọng rằng Chúa sẽ hoàn tất công việc mà Ngài đã bắt đầu trên đời sống của chúng ta.
Lễ Phục Sinh là kỷ niệm sự sống lại của Chúa Giê-su. Sự chết là mối đe dọa lớn nhất cho nhân loại, nhưng Chúa chúng ta đã chiến thắng sự chết. Vì Chúa Giê-su sống, chúng ta có hy vọng. Khi hành trình của chúng ta còn dài và con đường còn đầy chông gai, nhưng chính nơi Chúa, chúng ta vẫn còn đó một niềm hy vọng dồi dào.