LỄ NGHI TRONG PHẬT GIÁO I. Dẫn nhập: Người Phật Tử khi nhìn chiêm ngưỡng tôn tượng Đức Phật, các vị Bồ Tát trang nghiêm thanh thoát hay vào một ngôi chùa trước điện thờ, Tam Bảo với lòng tôn kính ta chấp tay quỳ xuống đảnh lễ (đầu thành đảnh lễ - gieo năm vóc sát đất) đó là lễ Phật. Lắng lòng nghe tiếng chuông đại hồng khởi lên và tiếng tụng kinh trầm bổng của Chư Tăng lòng ta cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc. Những bài tán dương Tam Bảo với tiếng trống cơm, kèn tiêu, phách trắc hoà lên trong các buổi lễ đạo nên một âm thanh trầm ấm áp trang nghiêm đó là lễ nhạc. Ở trên bàn thờ thấy hương thơm quyện toả, đèn đuốc sáng trưng, hoa chưng đẹp đẽ, trà thơm trái bánh tươi tốt, thức ăn bày biện đầy đủ đó là cỗ lễ. Trong những buổi lễ tại chùa, các lễ cầu an, cầu siêu, sám hối, trai đàn chẩn tế v.v… Chư Tăng tán tụng tuyên sớ bạch Phật, đảnh lễ Tam Bảo. Cũng có lúc ba hồi chuông trống Bát Nhã khởi lên làm cho tâm ta phấn chấn, chánh niệm đó là phần nghi lễ. Chính những sự kiện nêu trên gọi chung lễ nghi của Phật Giáo gồm: Cỗ lễ, nhạc lễ và nghi lễ. Lễ nghi Phật Giáo Trung Quốc sẽ khác với Lễ nghi Phật Giáo Tibet hay Bhutan; Lễ nghi Phật Giáo Việt Nam cũng rất khác với lễ nghi Phật giáo Nhật bản, Hàn quốc mặc dù có một điểm giống nhau duy nhất là thành tâm và chí kính. Cũng vậy, lễ nghi Phật giáo Trung phần về hình thức, tiết điệu rất khác với lễ nghi Phật giáo Bắc phần hay Nam bộ. Từ đó tổ chức GĐPT Việt Nam đã đơn giản hóa hoàn toàn để phù hợp tuổi trẻ và thời đại. Đơn giản nhưng vẫn phải đủ lễ nghi, đúng theo chánh Pháp, bao gồm sự hòa hợp nhẹ nhàng trong 3 phần: nghi lễ tôn giáo, lễ hành chánh và lễ truyền thống được phân biệt rõ ràng. Tuy nghi lễ Phật giáo đối với tổ chức GĐPT đã châm chế, đơn giản rất nhiều nhưng Huynh trưởng của tổ chức GĐPT Việt Nam cần phải học hỏi tìm hiểu dựa trên tinh thần “nhập gia tùy tục - nhập giang tùy khúc” để khi tham gia Phật sự hoặc hộ giới, trợ niệm… chúng ta không phải bối rối, ngỡ ngàng vì thiếu hiểu biết. Ít ra là sự thông hiểu mọi nghĩa lý để giải thích, hướng dẫn đoàn sinh của mình.
II. Phần nghi lễ: 1/ Định nghĩa: Nghi lễ là gì? Nghi là nghi thức, khuôn mẫu, các hình thức lễ lược bề ngoài hàm tàng bao ý nghĩa sâu xa phát ra từ nội tâm, thuộc phần nghi thức; Lễ là cách bày tỏ ý cung kính của mình lấy hình thức lễ cúng mà nói lên niềm tôn kính bên trong. Học nghi lễ là học những cách thức làm lễ, học những bài tụng niệm để ứng dụng trong khi nguyện cầu, cúng hiến, dâng tế... Nghi lễ của Phật giáo bao gồm các lễ: nhạc lễ, nghi thức tụng niệm, lễ lạy, tán tụng v.v… Riêng phần lễ lược trong các khoá chẩn tế trai đàn, Tiểu mông sơn, thí thực, các lễ Phật Đản, Thành Đạo Chư Phật thì có phần nghi thức riêng. Các lễ cầu an, cầu siêu, sám hối hay đám tang thường Chư Tăng có đọc sớ điệp gọi là văn sớ, cách đọc khác nhau và cách tác bạch một buổi lễ cúng dường thưa thỉnh Chư Tăng Ni chứng minh. Hàng Huynh trưởng cần phải biết để tổ chức, ứng dụng cho trang nghiêm buổi lễ. A. Lễ lược trong GĐPT. (Theo tài liệu huấn luyện Huyền Trang trang 143 đến 181)