
9 minute read
Photography & Life Magazine No.409-410 Mar & Apr 2023
VỀ NHỮNG BỨC TƯỢNG ĐÀI VỀ PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG NHIẾP ẢNH
TỔNG HỢP: TIẾN DŨNG
Advertisement
Ở bất cứ loại hình văn học - nghệ thuật nào, hình tượng người phụ nữ cũng được phản ánh một cách phong phú và sinh động. Các nhà nhiếp ảnh cũng có những đóng góp quý báu vào việc thể hiện hình tượng người phụ nữ, tạo dựng nên những bức tượng đài vô cùng hấp dẫn, đẹp đẽ bằng ảnh về người phụ nữ Việt Nam dũng cảm, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

O du kích giải giặc lái Mỹ
O du kích giải giặc lái Mỹ
NSNA Phan Thoan chụp bức ảnh này ngày 20/9/1965 tại Hà Tĩnh quê ông. O du kích nhỏ bé trong tấm ảnh quý giá đó tên là Nguyễn Thị Kim Lai mặc áo nâu, chân đi dép lốp. O giương cao súng, áp giải tên phi công Mỹ cao lớn lênh khênh, hai tay bị trói, cúi đầu bước trên đường. Bức ảnh của Phan Thoan đã đoạt giải Huy chương Vàng tại cuộc thi ảnh của Đại hội Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Sôphia (Bun-ga-ri) năm 1968. Đặc biệt, khi xem tác phẩm nhiếp ảnh này, nhà thơ Tố Hữu đã cảm hứng viết bài thơ “Tấm ảnh” gồm 4 câu mà hầu như ai cũng thuộc, cũng tâm đắc:
"O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế ! To gan hơn béo bụng.
Anh hùng đâu cứ phải mày râu!"
Ngô Thị Tuyển - Người nữ chiến sĩ dân quân anh hùng

Ngô Thị Tuyển - Người nữ chiến sĩ dân quân anh hùng
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ thực thi kế hoạch “Sấm rền” ném bom ồ ạt xuống miền Bắc, đặc biệt là những tỉnh miền Trung. Thanh Hoá là một trong những tỉnh chịu nhiều bom Mỹ, vì nơi đây là một trong những huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men vào Nam.
Tại khu vực Hàm Rồng, rất nhiều lực lượng được huy động tham gia chiến đấu bảo vệ cầu cùng với bộ đội chủ lực. Trong đó, góp một phần quan trọng trong cuộc chiến đấu này là các đơn vị dân quân tự vệ. Có rất nhiều tấm gương sáng ngời về tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có nữ dân quân Ngô Thị Tuyển. Ngày 04/4/1965, vừa làm xong nhiệm vụ truy lùng bọn giặc lái Mỹ nhảy dù, Ngô Thị Tuyển gặp một chiếc tàu Hải quân yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu. Không một chút đắn đo, Ngô Thị Tuyển cùng với các chiến sĩ dân quân tự vệ xuống sông, bơi ra tàu làm nhiệm vụ, mặc cho máy bay địch đang quần lượn trên đầu. Khi có đoàn xe tiếp đạn vừa tới, chị lại xung phong đi vác đạn. Có lần gặp phải 2 hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, anh em dùng thuổng bật ra để vác nhưng chưa được. Sợ chậm trễ ảnh hưởng đến chiến đấu, Ngô Thị Tuyển ghé vai vác luôn 2 hòm đạn nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể mình, vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội chiến đấu.
Sau này khi nhắc về chuyện vác đạn, bà cười: “Hồi đó tôi vác 98kg, khi nhà báo về nói họ không tin. Họ bảo tôi biểu diễn cho họ xem, ai ngờ tôi vác nhiều hơn 2 hòm đạn ngày ấy 2kg”. Bà cười đôn hậu. Nụ cười ấy chất chứa cả sức mạnh nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dũng cảm kiên cường, Ngô Thị Tuyển đã hai lần được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Ngày 01/01/1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Cô gái kéo xác máy bay Mỹ

Cô gái kéo xác máy bay Mỹ
Bức ảnh này do nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn chụp năm 1966 tại xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu (Nam Định). Người kéo mảnh xác chiếc máy bay F4 có hình lá cờ, một biểu tượng của nước Mỹ là nữ dân quân Hà Thị Nhiên, còn vật dùng để kéo là chiếc dây thừng, vật “bất ly thân” được trang bị cho dân quân các xã ven biển nhằm sẵn sàng bắt, trói phi công địch. Chính nhờ sự “ngẫu nhiên” này, tác giả có được những chi tiết giá trị cho tấm ảnh. Bức ảnh đã được trao Huy chương Vàng tại Triển lãm Ảnh Quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức 3 /1970.
Mẹ Suốt

Mẹ Suốt
Tổng cộng ước tính mỗi năm mẹ Suốt chèo đò qua lại đến 1400 chuyến. Trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt được mời tham dự. Ngày 1/1/1967, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước. Ngày 11/10 /1968 mẹ Nguyễn Thị Suốt đã hy sinh trong một trận bom Mỹ. Năm 1980, Ủy ban Nhân dân thị xã Đồng Hới đã cho dựng tượng đài “Mẹ Suốt” nằm giữa trung tâm bến đò. Hiện nay ngay gần cầu Nhật Lệ là con đường Mẹ Suốt, là nơi đặt bức tượng “Mẹ Suốt”. Bức tượng được khánh thành năm 2003, tác giả là nhà điêu khắc Phan Đình Tiến. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã sáng tác bài thơ nổi tiếng mang tên “Mẹ Suốt”.

Mẹ Suốt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1996. Ảnh: TTXVN
Mẹ Suốt tên thật là Nguyễn Thị Suốt (1906 - 1968), nữ Anh hùng Lao động trong Chiến tranh Việt Nam, người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua con sông Nhật Lệ trong những năm 1964 - 1967. Năm 1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ bắt đầu đem quân đánh phá miền Bắc. Miền đất Quảng Bình là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và hải quân Mỹ, với mục đích nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc cho lực lượng cách mạng miền Nam. Lúc đó, mẹ đã gần 60 tuổi nhưng vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, ngay cả những lúc máy bay Mỹ ném bom oanh tạc ác liệt.
Nữ anh hùng La Thị Tám

Nữ anh hùng La Thị Tám
Hơn 50 năm trước, ngã ba Đồng Lộc, nằm trên đường Hồ Chí Minh, giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua huyện Can Lộc - mạch máu giao thông quan trọng của mọi tuyến đường ra Bắc vào Nam nên bị địch đánh phá ác liệt.
Nhiệm vụ của La Thị Tám là đứng trên quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay địch ném bom, dùng ống nhòm quan sát để đếm, xác định xem những quả nào đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ. Quả nào chưa nổ thì chạy xuống cắm cọc tiêu báo bom để các lực lượng công binh rà phá. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom. La Thị Tám được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 1969, khi mới 20 tuổi. Trong một lần đến Đồng Lộc, nhiếp ảnh gia Văn Bảo đã chụp được khoảnh khắc La Thị Tám đang đứng ở trên đồi, tay cầm ống nhòm, đôi mắt quan sát những quả bom rơi.
Bức ảnh ấy trở thành nguồn cảm hứng để nhà thơ Phương Thúy cho ra đời bài thơ “Cô gái sông La” và nhạc sĩ Doãn Nho đã phổ nhạc bài thơ này thành bài hát “Người con gái sông La” nổi tiếng: “Bom thù xới nát đất này từng ngày/ Mà em đứng đó tóc xanh tung bay/ Em là chồi biếc của mùa Xuân Việt Nam...”
Nụ cười chiến thắng

Nụ cười chiến thắng
Trong ký ức của nhiều người vẫn còn nhớ rất rõ sự kiện ngày 02/08/1968, trước Tòa án Quân sự mặt trận Vùng 3 Chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, sau khi nghe kết án chị Võ Thị Thắng đã nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”. Thực tế đã chứng minh lời nói của bà, ngày 7/3/1974, chị Võ Thị Thắng và nhiều chiến sĩ cách mạng khác đã được trả tự do theo Hiệp định Paris.
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” với câu nói ngắn gọn, đanh thép của cô gái miền Nam, nữ sinh Sài Gòn Võ Thị Thắng đã làm rung động lòng người; tác động tích cực đến tinh thần chiến đấu của chiến sĩ và là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác của văn nghệ sĩ trong và ngoài nước thời bấy giờ.
Nụ cười ấy đã trở thành biểu tượng hiên ngang dũng mãnh của cả thế hệ người Việt Nam anh hùng trong kháng chiến, bức ảnh nụ cười chiến thắng đã theo chân những người biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam - xuất hiện khắp Paris, là hành trang cho bao chiến sĩ và bao người bị nhà lao đế quốc giam cầm. Chị Võ Thị Thắng là niềm tự hào của người Việt Nam. Ảnh do một phóng viên Nhật chụp.