VÀI GHI CHÚ VỀ BÀI VIẾT CỦA ALAN KIRBY Khế Iêm Tựa đề về cái chết của hậu hiện đại không có gì mới vì đã có khá nhiều bài viết bàn về vấn đề này, từ những đầu thập niên 1990. Nhưng bài viết đã phác họa cho chúng ta thấy đời sống văn hóa trong thời đại sau chủ nghĩa hậu hiện đại với sự xuất hiện những phương tiện công nghệ mới. Lạc quan hay bi quan, chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng những hệ tư tưởng cũ đang dần dần bị tàn phai nơi những thế hệ mới. Trong bài tham luận về nhà thơ Mỹ, T.S. Eliot, Bernard Sharrat lập luận rằng, thời kỳ hậu hiện đại (postmodern) bắt đầu vào năm 1979 với việc xuất bản cuốn “Điều kiện hậu hiện đại” của Lyotard và sụp đổ sau khi các nước Đông âu và Liên xô tan rã. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) về văn học và nghệ thuật lại bắt đầu sau thế chiến thứ II, khỏang thập niên 1950 cho tới hết thập niên 1980, gắn liền với thời kỳ chiến tranh lạnh. Raymond Carver và một số người khác, với sự nổi lên của chủ nghĩa tân hiện thực (New Realism) vào những năm 1980, tuyên bố chủ nghĩa hậu hiện đại không còn nữa. (Dĩ nhiên, tân hiện thực ở đây hiểu theo nghĩa, là đời sống hiện thực ở bất kỳ thời điểm nào của đương đại, với tất cả phức tạp và phong phú của nó). Năm 1989, Tom Wolfe, với tiểu luận “Stalking the BillionFooted Beast” cho rằng tiểu thuyết tân hiện thực đã thay thế tiểu thuyết hậu hiện đại, và rằng cuốn tiểu thuyết White Noise của Don Dellio, do nhà xuất bản Viking Press, 1985, hoặc cuốn The Satanic Verses của Salman Rushdie, xuất bản tại Anh 1988, là những cuốn tiểu thuyết cuối cùng của thời kỳ hậu hiện đại. Một thế hệ những nhà văn mới như David Foster Wallace, Giannina Braschi, Dave Eggers, Michael Chabon, Zadie Smith, Chuck Palahniuk, Jennifer Egan, Neil Gaiman, Richard Powers, Jonathan Lethem – và những nhà xuất bản như McSweeney's, The Believer, được tờ The New Yorker, coi như là những nhà văn hậu-hậu hiện đại (post-postmofernism). Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học có thể chia ra làm hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất từ thập niên 1950 tới 1970, khi những nhà văn bận tâm tới những sự đổ nát của ngôn ngữ như trong những tác phẩm của Samuel Beckett và siêu hư cấu của Jorge Luis Borges. Thời kỳ thứ hai từ đầu thập niên 1970 tới cuối thập niên 1980, bắt nguồn từ hàng lọat những khám phá mới vào thập niên 1960 như lý thuyết Hỗn mang (Chaos), hình học Fractal, chủ nghĩa Hủy cấu trúc, đồng thời với sự ra đời của máy điện tóan đưa tới cuộc cách mạng tin học sau này. Một biến cố không thể không nhắc tới là cuộc biểu tình của sinh viên khuynh tả Pháp vào tháng 5 – 1968,