TRỐNG ĐỒNG Soạn giả: Nguyễn Công Tánh
DẪN NHẬP Trống đồng là một cổ vật của chung miền Nam Á, gồm cả Trung Hoa, Việt Nam, Miên, Thái, Phi, Miến, Mã Lai, Nam Dương... mà nơi phát xuất lớn nhất là Việt Nam trước khi có những cuộc khai quật quy mô các trống đồng tại vùng lãnh thổ của Sắc dân Choang (Zhuang) mìền nam nước Trung Hoa là những dân tộc ít người đông nhất ở Trung Hoa. Ghi chép cổ nhất có liên quan đến trống đồng xuất hiện trong Sử Bản (chữ Hán: 史本), một cuốn sách Trung Quốc từ trước thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Cuốn sách này nay không còn, nhưng được dẫn lại một phần tại một cuốn sách cổ khác: cuốn Thông điển (通典) của Đỗ Hữu (杜佑). Hậu Hán thư (後漢書), quyển 14 ghi: "Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận....". Sách này còn chép rằng Mã Viện, tướng nhà Hán, sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào khoảng 40-43, đã tận thu trống đồng của các thủ lĩnh địa phương, một phần đem tặng, phần nấu chảy để đúc ngựa và cột đồng Mã Viện.
1