PHẦN IV: CAPITAL STRUCTURE AND DIVIDEND POLICY P
CHƯƠNG 30 KIỆT QUỆ TÀI CHÍNH (Financial Distress)
Để cập nhật các thông tin mới nhất về tài chính, hãy tham khảo www. rwjcorporatefinance. blogspot.com
Vào ngày 16/02/2011, Borders Group—tập đoàn phân phối sách nổi tiếng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11. Công ty đã đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Amazon.com và Barnes & Noble. Trong suốt quá trình xin bảo hộ theo luật phá sản, công ty đã lên kế hoạch cắt giảm 200 trong tổng số 462 cửa hàng và chuyển hướng sang tập trung vào các sản phẩm sách điện tử (e-book) và các sản phẩm không phải là sách (nonbook products). Các chủ nợ không được đảm bảo lớn nhất của công ty là những công ty xuất bản. Thực tế, sáu nhà xuất bản lớn nhất đã cho tập đoàn này vay với tổng số tiền là $182 triệu và họ hy vọng lấy lại được 25% số tiền này. Dĩ nhiên không chỉ có Borders mới rơi vào tình trạng phá sản. Honolulu Symphony Orchestra cũng xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 để tái cấu trúc tài chính trong năm 2009, nhưng sau đó công ty buộc phải chuyển phá sản sang hình thức thanh lý (liquidation) theo Chương 7 vào tháng 2/2011. Các tài sản được đem bán đấu giá bao gồm: 2 cây đàn piano loại lớn, một cây đàn dương cầm và 11 cái chuông đeo (cowbells). Thậm chí bánh pizza cũng không phải là tài sản ngoại lệ. Round Table Pizza (chuỗi cửa hàng kinh doanh bánh pizza), với lời hứa phục vụ “The Last Honest Pizza” và hệ thống tiệm ăn pizza Giordano ở Chicago, vốn “nổi tiếng trên thế giới” với phong cách bánh pizza loại dày (deep—dish pizza) cũng nộp đơn xin phá sản cách nhau một tuần trong tháng 2/2011. Ba trường hợp phá sản trên là những ví dụ về việc các công ty xảy ra tình trạng kiệt quệ tài chính và là chủ đề của chương này. Một doanh nghiệp không có đủ dòng tiền để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đã được ký, chẳng hạn như thanh toán tiền lãi vay, được xem là rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Một doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ thanh toán theo yêu cầu có thể buộc phải thanh lý tài sản, nhưng thường thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ tái cấu trúc tài chính của mình. Tái cấu trúc tài chính liên quan đến việc thay thế nợ cũ bằng nợ mới và xảy ra thông qua các vụ dàn xếp riêng (private workouts) hoặc phá sản theo thủ tục pháp lý. Dàn xếp riêng là những thỏa thuận mang tính tự nguyện nhằm tái cấu trúc một khoản nợ của công ty, chẳng hạn như việc trì hoãn thanh toán hoặc giảm quy mô khoản thanh toán. Nếu cuộc dàn xếp riêng là không thể thực hiện được, thì phá sản chính thức sẽ được tiến hành.
30.1 Kiệt Quệ Tài Chính Là Gì? Rất khó để có định nghĩa một cách chính xác thuật ngữ kiệt quệ tài chính (financial distress). Điều này phần nào đúng bởi vì có nhiều sự kiện khác nhau xảy khi doanh nghiệp đối diện với tình trạng kiệt quệ tài chính. Danh sách các sự kiện này thì gần như vô tận, nhưng dưới đây là một vài ví dụ: Cắt giảm cổ tức Đóng cửa nhà máy Các khoản lỗ Sa thải nhân viên CEO từ chức Giá cổ phiếu giảm mạnh 1022