Tháng 09 - Chương trình "365 ngày sống Linh đạo I-nhã"

Page 1





01.9  Lời Chúa (Lc 4,20-22). “Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe’. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.  Lời thánh I-nhã “Những người giàu nhân đức, dù học thức của họ không giúp nhiều cho tha nhân, nhưng lời giảng của họ hùng hồn hơn và có sức thuyết phục người ta đến với đời sống tốt lành nhờ cách sống của họ, hơn là họ có thể làm do tài hùng biện, dù được đào tạo cao cấp đến đâu đi nữa”.1 

Suy niệm

Trong công việc tông đồ, để có thể giúp đỡ cho anh chị em được tốt hơn, chắc chắn người tông đồ cần có kiến thức hiểu biết về Lời Chúa và Đức Tin cho vững vàng. Nhưng không chỉ là kiến thức hiểu biết trên “cái đầu”. Thánh I-nhã nhắc nhớ rằng, không chỉ học thức cao, mà quan trọng nhất chính là cách sống tốt lành của người tông đồ mới đưa lại sức thuyết phục anh chị em và giúp anh chị em tìm đến được đời sống tốt lành. Thật vậy, mỗi người tông đồ cần phải nhìn đến Chúa Giê-su, mẫu gương tông đồ tuyệt vời. Lời giảng dạy của Chúa đi đôi với cách sống của Chúa. Chính tinh thần sống này làm cho mọi người đón nhận, thán phục và qua đó họ tin tưởng và vui mừng tìm đến với Chúa. Nói khác đi, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân tông đồ thực sự của Chúa. Người tông đồ của Chúa cần có được sự hài hoà của tâm hồn, của trí hiểu, của lời nói và của hành động. Chất tốt lành của người tông đồ cần phải được kín múc từ chính Chúa Giê-su, để rồi chất tốt lành đó lan toả và trở thành hồn sống của người tông đồ. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay mời bạn cùng tôi chú ý đến sự hài hoà tốt lành của trái tim với suy nghĩ cùng lời nói và hành động. Chúng ta cùng tập sống sự hoà điệu tốt lành này ít nhất một lần trong ngày hôm nay nhé. Xin Chúa giúp chúng ta tránh được kiểu sống “nói một đàng, làm một nẻo”; “nhịp đập trái tim thì tốt, còn đôi tay hành động thì lại xấu”.

1

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 01.9.


02.9  Lời Chúa (Ga 15,1-2). “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn”.  Lời thánh I-nhã “Nếu còn vết tích nào thuộc về bản tính tự nhiên mà chưa được thuần hóa, vốn làm cho lời nói và việc làm của chúng ta trở nên không phù hợp với ơn gọi của mình, thì chúng ta càng phải chế ngự khắt khe hơn ngay cả khi chúng đã tuân phục chúng ta”.2 

Suy niệm

“Tôi đã sống xứng đáng với ơn kêu gọi Thiên Chúa ban cho mình chưa?” Một câu hỏi dành cho Tu Sĩ, Linh Mục và cả Giáo Dân. Chúa kêu gọi mỗi người trong một vai trò, bổn phận và sứ mạng. Dù ở trong ơn gọi nào, Chúa Giê-su đều mong sao mỗi người chúng ta như là cành nho gắn liền với thân cây nho và sinh hoa kết trái. Tuy nhiên, không chỉ vậy, Chúa lại nhắc nhớ chúng ta rằng, “Cha Thầy là người trồng Nho và sẽ cắt tỉa cành nào đã và đang sinh trái, để nó sinh nhiều hoa trái hơn”. Như thế, cắt tỉa là điều không thể thiếu. Nói khác đi, “con đường trở nên” hoàn thiện không bao giờ dừng bước ở đời này đối với con cái Chúa. Còn ở đời này, là còn trên đường “trở nên”, là còn được cắt tỉa. Thánh I-nhã mời gọi chúng ta cần phải chú tâm hơn trong việc cắt tỉa, việc thuần hoá các bản tích tự nhiên, nghĩa là thuần hoá và cắt tỉa suy nghĩ, lời nói và việc làm, để căn tính Ki-tô hữu của chúng ta tương hợp với lời nói, suy nghĩ và việc làm tốt lành tương hợp với tinh thần Tin Mừng. Đi xa hơn nữa, thánh I-nhã còn nhắc nhớ, “chúng ta càng phải chế ngự khắt khe hơn ngay cả khi chúng là các suy nghĩ, lời nói và việc làm đã tuân phục chúng ta”. 

Hồn sống trong ngày

“Bạn và tôi là Ki-tô hữu. Bạn và tôi cũng là tông đồ của Chúa”. Đó là ơn gọi của chúng ta. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy xét xem, có suy nghĩ nào, lời nói nào và việc làm nào chưa tương xứng với ơn gọi của chúng ta, và chưa tương hợp với tinh thần Tin Mừng? Điều gì bạn và tôi thấy cần được cắt tỉa, để “cành nho của chúng ta đã sinh trái, càng sinh trái nhiều hơn cho Chúa”? Trong âm thầm chúng ta cầu xin Cha trên trời cắt tỉa điều đó nhé!

2

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 02.9.


03.9  Lời Chúa (Ga 13,35). “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.  Lời thánh I-nhã “Hãy khao khát cho mọi người thấy được cách sống của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài”.3 

Suy niệm

Vào thế kỷ thứ hai, văn sĩ Tertulliano viết rằng, người ta đã kinh ngạc khi thấy các Ki-tô hữu yêu thương nhau thắm thiết. Đời sống của các Ki-tô hữu tiên khởi đã làm sống động lời của Chúa Giê-su nhắc nhớ các môn đệ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Thiết nghĩ rằng, điều thánh I-nhã nhắc nhớ chúng ta “Hãy khao khát cho mọi người thấy được cách sống của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài”, cũng mang ý nghĩa mời gọi chúng ta xây dựng cách sống của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài, tràn đầy hương vị của tình yêu. Bạn và tôi, chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ truyền thông, của trí tuệ nhân tạo, của thời đại con người có thể đi du lịch ở ngoài vũ trụ và biết bao khuynh hướng sống tiêu cực đang vây quanh chúng ta. Vậy, là Ki-tô hữu, chúng ta khao khát gì, chúng ta có khao khát xây dựng đời mình tràn đầy tình yêu thương? Chúng ta có khao khát cách sống của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài đều toả ngát hương thơm của yêu thương và hiệp nhất? Làm sao để có thể thanh thoát và mặc lấy được tinh thần và lối sống yêu thương này? Đến với Chúa Giê-su, bạn ơi. Bên Ngài, với Ngài và trong Ngài chúng ta cùng tập để gạn đi mọi khao khát “vẩn đục”, để khơi nguồn khao khát “trong lành” trong chúng ta. Khao khát trở nên giống Chúa Giê-su, và trở nên môn đệ của Ngài với hồn sống yêu thương và tiếp tục yêu thương, dù cuộc đời như thế nào đi nữa. 

Hồn sống trong ngày

“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Mời bạn cùng dành giờ cầu nguyện và suy gẫm lời của Chúa thật nhiều lần. Trong ngày mời bạn cùng sống một tâm tình yêu thương, qua lời nói hay qua suy nghĩ, qua cử chỉ hay qua việc làm.

3

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 03.9.


04.9  Lời Chúa (Rm 8,14). “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”.  Lời thánh I-nhã “Đừng thân thiết hoặc ngoan ngoãn nghe theo tất cả mọi người, nhưng hãy xin Chúa Thánh Thần chỉ dẫn xem Ngài thúc đẩy bạn đến với ai hơn cả”.4 

Suy niệm

“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”. Lời thánh Phao-lô mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống tâm linh và Đức Tin của mình: “Tôi đã và đang được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn như thế nào? Cụ thể trong suy tưởng, trong cảm xúc, trong lời nói, trong hành động và trong các tương quan?” Để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tâm hồn và trí hiểu của chúng ta cần quảng đại và chú tâm với ánh sáng và tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Đây là một trường học dài lâu và cần được trung thành tập luyện, trên hết là khiêm tốn cầu xin Chúa Thánh Thần đoái thương hướng dẫn. Thánh I-nhã khuyên chúng ta trong các tương quan: “Hãy xin Chúa Thánh Thần chỉ dẫn xem Ngài thúc đẩy bạn đến với ai hơn cả”, nghĩa là chúng ta không còn sống theo tình cảm của con người, không còn để cho động lực của con người điều khiển ta, mà hoàn toàn để cho Thánh Thần Chúa hướng dẫn. Vì thế, không nhanh chóng kết thân hay ngoan ngoãn nghe theo người này hay người khác, mà trước hết trong cầu nguyện và nhận định, chúng ta xem xét sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần muốn chúng ta đến với ai, nghe theo ai. Sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần luôn đưa lại những hoa trái tốt lành, là bình an, là thăng tiến Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, là giúp cho tình bác ái giữa người và người được triển nở trong ý nghĩa tốt lành, là cá nhân mỗi người được phát triển trong tâm linh và chiều sâu, cũng như là mỗi người chúng ta được trở nên con cái tự do của Thiên Chúa. 

Hồn sống trong ngày

“Hãy xin Chúa Thánh Thần chỉ dẫn”. Mời bạn cùng tôi tập sống tinh thần khiêm tốn và cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn nhé. Cụ thể hôm nay, trong mọi sự chúng ta đừng vội vàng bắt tay vào làm ngay, mà dừng bước, đi vào thinh lặng để xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thúc đẩy và soi sáng. Ngoài ra, ta có thể đọc kinh sáng soi trước mỗi điều chúng ta làm trong ngày hôm nay.

4

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 04.9.


05.9  Lời Chúa (2Cr 1,12). “Chúng tôi không sống theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa”.

 Lời thánh I-nhã “Hãy để mọi người xem bạn như kẻ ngu ngốc, để Thiên Chúa coi bạn là người khôn ngoan”.5 

Suy niệm

Là con cái và môn đệ của Chúa, bạn và tôi vẫn bươn chải trong cuộc đời, vẫn phải đón nhận những lo toan và trách nhiệm, và vẫn phải đối diện với nhiều mánh lới, cám dỗ và lời mời mọc của sự dữ trong cuộc đời. Ở giữa dòng chảy của cuộc sống này, ta được thánh I-nhã nhắc nhớ đừng sợ hãi gì cả, mà luôn can đảm sống theo tinh thần và huấn lệnh của Chúa, vì khi sống như vậy thì trong đôi mắt của Thiên Chúa, ta là người khôn ngoan, dù cho cuộc đời có nhìn ta khác hẳn, nghĩa là coi ta là kẻ ngu ngốc. Thật vậy, trong Chúa và theo bước Chúa, ta thoát khỏi “ánh mắt đánh giá và áp lực” của thế giới này, ta không cần phải sống “rập khuôn” theo thế giới này, không phải làm điều này điều kia để tương hợp với đòi hỏi của cuộc đời này hay theo ý của thần dữ muốn. Ngược lại, chuẩn mực và tinh thần sống của ta là chính Chúa, là ân sủng của Chúa, là huấn lệnh và tinh thần Tin Mừng của Chúa. Thánh Phao-lô là mẫu gương cho cách sống thanh thoát này. Ngài đã viết cho các tín hữu ở Cô-rin-tô: “Chúng tôi không sống theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa”. Như thế, để được sống trong sự khôn ngoan của Chúa, chứ không theo kiểu khôn ngoan của cuộc đời này, chúng ta cần ân sủng Chúa ban, cần có “chất Chúa”, “hồn Chúa” trong ta. 

Hồn sống trong ngày

Hồn sống của ngày hôm nay là gì vậy? Mời bạn cùng tôi tập sống một hay hai khoảnh khắc với tâm tình sau: “Quyết tâm lắc đầu từ chối một điều gì đó thuộc về thế gian và cuộc đời này. Có thể là suy nghĩ, lời nói, cảm xúc tình cảm và việc làm tiêu cực. Kiên định vâng lời huấn lệnh Chúa và thực thi điều Chúa muốn là những điều tích cực đưa lại bình an và niềm vui sống”.

5

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 05.9.


06.9  Lời Chúa (Pl 2,8). “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” .  Lời thánh I-nhã “Cách vâng phục tốt nhất là ở sự sẵn sàng vâng phục, khiến ta không chờ đến khi cần mệnh lệnh cấp cao nhất, hay được ra lệnh rõ ràng”.6 

Suy niệm

Thánh Phao-lô đã diễn tả dung mạo của Chúa Giê-su thật đẹp với tâm tình mời gọi các Ki-tô hữu học nơi Chúa những nét cao quý đó. Một trong những nét tuyệt vời nơi Chúa Giê-su là sự vâng phục. Vâng phục trong yêu thương để cứu rỗi nhân loại, bằng cách Chúa Giê-su đã trở nên giống phàm nhân, mặc lấy thân nô lệ để phục vụ. Cao điểm của vâng phục nơi Chúa Giê-su là bằng lòng đi vào con đường thương khó, chịu chết và chết trên cây thập tự, một cái chết thê lương chỉ giành cho những tội phạm, mà Chúa vẫn sẵn sàng đón nhận, dù Ngài chẳng tội lỗi chi. Bước theo Chúa Giê-su, mọi Ki-tô hữu, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân đều được mời gọi sống tinh thần vâng phục này cách triệt để. Vâng phục Thiên Chúa với cả tâm hồn sẵn sàng, không chần chờ đợi đến mệnh lệnh ban ra. Đó là tinh thần mà thánh I-nhã mời gọi. Để sống được tinh thần vâng phục này, thiết nghĩ mỗi người chúng ta cần mặc lấy trọn vẹn tinh thần của Chúa Giê-su Ki-tô, thấm đậm hồn Tin Mừng của Chúa dạy, để rồi trong mọi sự không còn phải ta sống nữa, mà là chính Chúa Giê-su Ki-tô sống trong ta. 

Hồn sống trong ngày

Ngày hôm nay mời bạn cùng tôi chú tâm sống tinh thần vâng phục ít nhất một lần. Vâng phục Chúa và làm một điều gì đó cách cụ thể trong đời sống hằng ngày, để làm sáng danh Chúa và đưa lại bình an, niềm vui và hạnh phúc cho anh chị em cũng như cho bản thân.

6

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 06.9.


07.9  Lời Chúa (Lc 1,38). “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.  Lời thánh I-nhã “Vâng phục là chìa khoá để vào Nước Trời, cũng thế sự bất tuân phục làm cho ta mất được trời”.7 

Suy niệm

Mẫu gương vâng phục mà chúng ta thường hướng đến để học hỏi và tập sống là Mẹ Maria. Biến cố truyền tin đã xưa nhưng lại luôn luôn mới. Cái luôn luôn mới chính là tinh thần “Xin vâng” của Mẹ Maria. Lời xin vâng của Mẹ như là chiếc chìa khoá mà Thiên Chúa dùng “mở cánh cửa” của thế trần này, và Ngài bước vào để cùng trở nên giống chúng ta mọi đàng trừ tội lỗi, và qua đó Ngài cứu độ từng người trong chúng ta. Nhưng để ơn cứu độ của Chúa đến được với bạn và tôi, Chúa mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Ngài. Sự cộng tác đó chính là vâng phục như Mẹ Maria. Vâng phục để Chúa đến, vâng phục để Chúa ngự vào lòng. Theo lời thánh I-nhã nói: “Vâng phục là chìa khoá để vào Nước Trời”, vậy ta hãy trao cho Chúa chiếc chìa khoá là tinh thần vâng phục của ta, để rồi Chúa dẫn bước ta vào nước Trời. Ngoài ra, xin Chúa cũng giúp cho bạn và tôi đừng bao giờ trở nên cứng lòng và bất tuân phục Thiên Chúa. Vì khi ta bất tuân phục Thiên Chúa là ta đang nắm chặt chìa khoá trong tay, không trao cho Chúa chìa khoá đó. Lúc đó cánh cửa Nước Trời không được mở ra cho ta. 

Hồn sống trong ngày

“Vâng phục là chìa khoá để vào Nước Trời, cũng thế sự bất tuân phục làm cho ta mất được trời”. Hôm nay, mời bạn cùng tôi nhẩm đi nhắc lại lời này của thánh I-nhã, để lời này thấm vào lòng mình, trí hiểu của mình. Trong âm thầm, bạn hãy dành ba khoảnh khắc sáng - trưa – tối chạy đến với Mẹ Maria, xin Mẹ giúp bạn biết sống xin vâng Thiên Chúa như Mẹ bạn nhé!

7

Ignatius von Loyola, In allem – Gott. Echter Verlag. Würzburg 2006. S.86-87 và Ignatius von Loyola. Brief und Unterweisung. Echter Verlag. Würzburg 1993. S.178.


08.9  Lời Chúa (1Cr 9,24-25). “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát”.  Lời thánh I-nhã “Hãy chế ngự bản thân; vì nếu làm như vậy, bạn sẽ lãnh được triều thiên sáng láng hơn trên Trời, hơn những người có bản chất nhu mì”.8 

Suy niệm

Lời của thánh Phao-lô gởi đến tín hữu ở Cô-rin-tô nhằm nhắc nhớ họ cần phải có lòng kiên vững và ra sức sống đạo như hình ảnh của một vận động viên chạy trên đường đua. Để có thể thắng cuộc, vận động viên cần phải dồn sức, tập trung, cố gắng và hy sinh. Hơn nữa, là tay đua anh ta cần phải kiêng kỵ đủ điều. Cũng vậy, Ki-tô hữu cũng cần phải nỗ lực và cố gắng từ bỏ nhiều đam mê của bản thân, cũng như nhiều điều xấu và tiêu cực từ bên ngoài đưa lại. Có như vậy Ki-tô hữu mới có thể đạt được tinh thần sống là con cái tự do của Thiên Chúa. Thánh I-nhã cũng nhắc nhớ ta cần phải nỗ lực chế ngự bản thân, nghĩa là làm chủ cuộc sống với các đam mê làm cho ta trở nên nô lệ và không còn thanh thoát để sống cho Chúa và thánh ý của Chúa. Chế ngự bản thân là cách sống có kỷ luật, có tiết độ và ý thức kiêng cữ những gì không tốt cho đời sống tâm linh và Đức Tin. Có thể là tiết kiệm thời gian và sống tiết độ với các trang mạng xã hội, với lướt mạng internet. Có thể là kiêng cữ và không dùng bia rượu và thuốc lá quá độ. Có thể là giảm bớt tiêu thụ và mua bán những gì không cần thiết. Thật vậy, theo bước Chúa cũng là con đường của kỷ luật, của tinh thần tiết độ chế ngự và làm chủ thân xác, để tất cả tập trung vào “đường chạy đến với Chúa”. Có như thế, thì ở cuối đường chạy , ta mới “lãnh được triều thiên sáng láng hơn trên Trời”, là “phần thưởng không bao giờ hư nát”. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, mời bạn cùng tôi tập sống ý thức chế ngự một nết xấu nào đó mà ta có. Nết xấu đó là gì vậy? Ta nên bắt đầu tập chế ngự nết xấu đó như thế nào? Trong âm thầm ta xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng.

8

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 08.9.


09.9  Lời Chúa (Hc 1,18). “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào”.  Lời thánh I-nhã “Dẫu việc phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, vì yêu mến, phải được quý trọng hơn hết, nhưng cũng phải ca ngợi sự kính sợ quyền uy Chúa. Vì việc kính sợ Thiên Chúa như con thảo là việc tốt và rất thánh, nhưng ngay cả sự kính sợ như tôi tớ, khi không thể làm cách tốt hơn và có ích hơn, cũng giúp nhiều cho ta ra khỏi tội trọng; và một khi ra khỏi tội trọng, dễ tiến tới lòng kính sợ như con thảo, là điều đẹp lòng Thiên Chúa, Chúa chúng ta, vì điều ấy cũng chỉ là một với lòng mến Chúa”.9 

Suy niệm

Đời sống Đức Tin luôn mời gọi chúng ta sống yêu thương Chúa và yêu thương nhau. Kế bên đó, chúng ta cũng luôn được mời gọi có lòng kính sợ Thiên Chúa, vì lòng kính sợ Thiên Chúa luôn đưa lại nhiều hoa trái hữu ích và giúp cho tình yêu triển nở trọn vẹn hơn. Sách Huấn Ca viết: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào”. Thật vậy, sự khôn ngoan của con cái của Chúa không hệ tại ở trí thông minh, sự nhanh nhẹn và khéo léo, mà trên hết sự khôn ngoan được thể hiện qua lòng kính sợ Chúa. Khi kính sợ Chúa, ta tuyên xưng Chúa chính là Thiên Chúa độc nhất mà ta tin, Ngài là Đấng tạo dựng nên ta, Ngài là Đấng cầm quyền sinh tử của ta và Ngài là Đấng yêu thương ta trong mọi hoàn cảnh và mọi giây phút của cuộc sống. Hơn nữa, theo thánh I-nhã: “Vì việc kính sợ Thiên Chúa như con thảo là việc tốt và rất thánh”, nên lòng kính sợ Chúa đưa ta lại gần với Chúa hơn, giúp cho tương quan giữa ta là người con với Chúa là Cha được khắng khít hơn. Ở gần bên Chúa và có tương quan thân mật với Chúa, chắc chắn bình an của Chúa đến với ta, sự bình an đích thật và sâu lắng được tỏ lộ rõ ràng qua sức khoẻ của tâm hồn và của thân xác. Một trong những điều thuộc về sức khoẻ tâm hồn do lòng kính sợ Chúa đưa lại, mà thánh I-nhã nhận ra rõ rệt. Đó là “giúp nhiều cho ta ra khỏi tội trọng”. Như thế, càng kính sợ Chúa, ta càng gần Chúa, càng yêu Chúa và càng xa tránh sự dữ, ma quỷ và qua đó ta được Chúa che chở không làm cho ta mắc tội trọng. 

Hồn sống trong ngày

Mời bạn cùng tôi chọn cho mình một thái độ Đức Tin tỏ lộ lòng kính sợ Chúa. Có thể là đứng thẳng và cúi đầu thờ lạy Chúa, có thể là quỳ gối và phủ phục trước tôn nhan Chúa. Ta làm cử chỉ đó thật nhiều lần trong ngày nhé!

9

Sách Linh Thao. Số 370.


10.9  Lời Chúa (Tv 50,3-4). “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy”.  Lời thánh I-nhã “Để chống lại các mưu chước thâm độc hằng ngày của ma quỷ, cần trung thành giữ việc xét mình vào các giờ ấn định: nhìn kỹ vào nội tâm mình, để xem xét mỗi lời nói, việc làm và tư tưởng của mình trước mặt Thiên Chúa”.10 

Suy niệm

Hồi tâm là thái độ sống rất hữu ích để giúp cho đời sống tâm linh thăng tiến. Theo linh đạo I-nhã hồi tâm đóng vai trò rất quan trọng, vì qua đó ta luôn ý thức và thường xuyên “sắp xếp lại đời mình theo đúng thánh ý của Chúa”, và kế bên đó hồi tâm còn giúp ta “chống lại các mưu chước thâm độc hằng ngày của ma quỷ”, kẻ luôn rình mò tìm cơ hội bước vào tâm hồn và đời sống ta để ảnh hưởng và lôi kéo ta theo chúng. Theo tinh thần của thánh I-nhã, mỗi ngày ta nên hồi tâm hai lần: Trước khi dùng bữa trưa và và buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi lần hồi tâm khoảng 15 phút. Nhưng hồi tâm như thế nào? Đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Đó là thái độ của cầu nguyện. Trong thinh lặng, với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, ta “nhìn kỹ vào nội tâm mình, để xem xét mỗi lời nói, việc làm và tư tưởng của mình”. Nhìn kỹ chứ không nhìn hời hợt. Nhìn kỹ đến tâm hồn mình là đụng tới các cảm xúc, xem cảm xúc tiêu cực nào đến từ thần dữ và cảm xúc tích cực nào do Chúa ban. Sau đó xét đến tư tưởng suy nghĩ, để nhận biết ảnh hưởng của thần dữ trên tư tưởng nào, và Thần Khí Chúa hoạt động trên suy nghĩ nào. Tư tưởng thường được biểu lộ ra lời nói và việc làm, ta xem xét từng lời nói và việc làm trong ngày, để nhận biết thần dữ đã len lỏi vào và ảnh hưởng ở chỗ nào, và lời nói nào cũng như việc làm nào ta được Thần Khí Chúa hướng dẫn. Hậu quả xấu mà thần dữ đưa lại bình thường là: buồn chán, thất vọng, chia rẽ, oán hờn, thâm độc và gây thù hận. Hoa trái của Thần Khí Chúa ban tặng là: bình an sâu lắng, thanh thoát nhẹ nhàng, được an ủi trong Chúa, vui tươi trong tâm hồn, khiêm tốn trước Chúa và anh chị em. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, mời bạn tập hồi tâm như phần suy niệm ở trên nhé. Lúc bắt đầu hồi tâm và khi kết thúc hồi tâm, xin mời bạn đọc lời Thánh Vịnh thật chậm rãi và sốt sắng: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy”.

10

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 10.9.


11.9  Lời Chúa (Mt 6,33). “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.  Lời thánh I-nhã “Nếu có nhiều trách nhiệm, cần phải chọn lựa điều quan trọng nhất và xả thân cho điều ấy. Đó là tinh thần phục vụ Thiên Chúa nhiều hơn, phục vụ để tìm hữu ích nhiều hơn cho người lân cận, cũng như phục vụ cho ích lợi được tốt hơn và mở rộng hơn cho mọi người. Cũng nên lấy chút thời gian để sắp xếp lại chính mình và công việc của mình, hầu giúp đạt được mục đích trên”.11 

Suy niệm

Đắn đo suy nghĩ, tìm kiếm chọn lựa và quyết định thuộc về cuộc sống làm người. Tuy nhiên, nếu ta đắn đo suy nghĩ trong ánh sáng của Chúa, Thần Khí Chúa chắc chắn giúp ta chọn lựa tốt, và có được quyết định tốt cho điều mình tìm kiếm và thực thi. Nếu làm ngược lại, ta sẽ gặp nhiều khó khăn và bất an trên đường đời. Nhưng trước hết nên tìm gì đây và đâu là động lực chính yếu cho mọi suy nghĩ, cân nhắc và chọn lựa cùng quyết định? Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su nhắc nhớ: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”. Đây là điều chính yếu cần tìm, là động lực quan trọng nhất cho mọi suy nghĩ và cân nhắc, cho mọi chọn lựa và quyết định. Vì thế, ta cần trở về lại với động lực chính yếu và quan trọng này, để nhìn lại, suy xét, cắt tỉa và chỉnh đốn tâm hồn, suy nghĩ, lời nói và hành động tông đồ của mình. Ngoài ra, tinh thần Chúa Giê-su mời gọi còn giúp cho ta tập sống điều mà thánh I-nhã nhắc nhớ: “Nếu có nhiều trách nhiệm, cần phải chọn lựa điều quan trọng nhất và xả thân cho điều ấy”. Điều ấy là điều gì? Là điều phục vụ Thiên Chúa nhiều hơn và hữu ích hơn cho các linh hồn. Vì thế, giữa biết bao lo toan, một trong các trách nhiệm của người tông đồ là dành thời gian cầu nguyện, suy xét, phân định và sắp xếp lại việc tông đồ theo chính tinh thần của Chúa Giêsu. Cụ thể mọi sự ta chọn lựa và quyết định đều phải tương hợp với tinh thần Tin Mừng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Chúa”. Có như thế, chắc chắn ta sẽ phục vụ Chúa tốt hơn và việc phục vụ của ta hữu ích hơn cho anh chị em. 

Hồn sống trong ngày

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”. Hôm nay trong cầu nguyện mời bạn cùng tôi suy đi nghĩ lại với Lời của Chúa Giê-su và xin Chúa giúp ta biết sắp xếp lại việc tông đồ theo tinh thần nền tảng này.

11

Ignatius von Loyola, In allem – Gott. Echter Verlag. Würzburg 2006. S.59.


12.9  Lời Chúa (Mt 6,34). “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.  Lời thánh I-nhã “Nếu bạn hứa hẹn bất cứ điều gì cho ngày mai, hãy làm ngay trong hôm nay thì tốt hơn là trì hoãn nó”.12 

Suy niệm

“Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. Lời Chúa nói đưa chúng ta về lại giây phút hiện tại, giây phút ta đang sống tại đây. Giây phút hiện tại với biết bao lo toan và trách nhiệm cần thi hành. Tuy nhiên, cuộc sống ta đôi khi lại thích “bay trở ngược về quá khứ” để bám víu vào người này, người khác, điều này điều kia. Từ quá khứ ta lại có bước nhảy vọt ngang qua cả hiện tại và ảo tưởng mơ mộng về tương lai, để rồi quên khuấy đi hiện tại với những trách nhiệm và bổn phận hằng ngày. Thánh I-nhã mời gọi chúng ta chú ý đến giây phút hiện tại, đến ngày hôm nay, cụ thể chú ý đừng vội vàng hứa hẹn bất cứ điều gì cho ngày mai mà mình có thể làm và chu toàn ngày hôm nay. Nói khác đi, với thánh nhân, điều quan trọng hơn hết cần để tâm vào và thực hiện là những điều của ngày hôm nay. Đừng trì hoãn, đừng “đẩy đưa” bao nhiêu chén dĩa mới ăn xong qua ngày mai mới rửa, đừng trì hoãn ươn lười “đẩy đưa” bài vở cần làm cho ngày mai mới đọc mới làm, đừng hẹn lần hẹn lượt là mình sẽ thăm người bạn đau yếu để rồi chẳng bao giờ thực hiện. Quảng đại và ý thức sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Đó là cách thức sống cần có của bạn và của tôi. “Hãy làm ngay trong hôm nay điều cần làm và nên làm thì tốt hơn là trì hoãn nó”. “Hãy quảng đại về thời giờ: khi hứa ngày mai làm gì thì nếu được hãy làm ngay hôm nay”. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay mời bạn nhớ đến một điều gì mà bạn đã trì hoãn hay đã hẹn lần hẹn lượt mà chẳng thi hành. Nếu có thể, bạn hãy quyết tâm hoàn thành điều đã trì hoãn ngay trong hôm nay nhé!

12

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 11.9.


13.9  Lời Chúa (Lc 14,28-30). “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc”.  Lời thánh I-nhã “Hãy thấy trước những gì chúng ta sẽ phải làm, và lượng giá những gì chúng ta đã làm, đó là những quy tắc đáng tin cậy nhất để hành động cách đúng đắn”.13 

Suy niệm

Dù là việc gì đi nữa, nếu muốn đạt được thành công cũng đều cần chuẩn bị cho thật tốt. Việc tông đồ và hành trình theo Chúa cũng vậy. Chúa Giê-su đòi hỏi những ai muốn theo Chúa phải từ bỏ bản thân, từ bỏ mọi tương quan thân thiết và mọi ràng buộc, để nên người môn đệ thanh thoát và tự do cho Chúa và cho Tin Mừng của Chúa. Sự từ bỏ này chính là điều mà ta cần chuẩn bị, như hình ảnh của người xây dựng cần phải chuẩn bị và tính toán nhiều điều, đặc biệt về phí tổn cho công trình có đủ hay không. Với thánh I-nhã, ngài cũng rất kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị cho công việc tông đồ. Vì thế, ngài mời gọi chúng ta cần dành thời gian chuẩn bị trước khi thực thi công việc tông đồ nào đó: “Hãy thấy trước những gì chúng ta sẽ phải làm”. Khi làm xong, ngài cũng mời gọi dành thời gian để nhìn lại “lượng giá những gì chúng ta đã làm”. Sự chuẩn bị như vậy không chỉ giúp cho công việc được tốt và tốt hơn nữa, mà qua đó ta còn có thể học để tự mình lớn lên, trưởng thành hơn trong việc tông đồ, trưởng thành trong ý thức chuẩn bị cho công việc, trưởng thành với trách nhiệm thực thi công việc, trưởng thành qua chính trải nghiệm mà ta nhận biết trong việc nhìn lại và lượng giá. Người tông đồ của Chúa và con cái của Chúa trong thời đại hôm nay, không thể sống trong trạng thái bị động hay ươn lười, mà ngược lại luôn chăm chỉ trau dồi học hỏi và luôn mặc lấy tinh thần cầu nguyện, tinh thần Tin Mừng. Hơn nữa, trong ánh sáng của Thần Khí luôn ý thức và nghiêm túc trong việc chuẩn bị, thực thi việc tông đồ theo ý Chúa, và cũng luôn ngoan nguỳ vâng theo tinh thần được cắt tỉa, chỉnh sửa qua lượng giá và nhìn lại, để mỗi ngày hoàn thiện hơn theo lòng Chúa ước mong. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, ta thử chuẩn bị thật nghiêm túc một việc gì đó trong thời gian tới mà ta dự định làm, có thể là việc tông đồ hay việc trong gia đình; cũng như thử nhìn lại một việc mà ta đã hoàn thành cách đây không lâu. Bài tập này chắc chắn sẽ giúp ta trưởng thành hơn. 13

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 13.9.


14.9  Lời Chúa (Tv 51,7-9) “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết”.  Lời thánh I-nhã “Nếu thấy mình đã vấp ngã, thì bạn cũng đừng tuyệt vọng; vì ngay cả những va vấp ấy cũng giúp ích cho bạn”.14 

Suy niệm

Lầm lỗi thuộc về đời người. Sinh ra là đã bị ảnh hưởng bởi tội lỗi của xã hội và môi trường xung quanh, dù cho em bé chẳng làm gì nên tội. Lớn lên bước vào cuộc đời, dù ít nhiều và dù muốn hay không, con người đều vấp ngã. Có những vấp ngã nhẹ nhàng, nhưng cũng có những vấp ngã nặng nề để lại dấu ấn khó quên hay vết thương khó lành, và nếu có lành thì vẫn còn vết sẹo lớn. Lầm lỗi vấp ngã sẽ được hoán chuyển thành một bài học thật quý giá, khi ta biết thành tâm trở về. Thành tâm trước Chúa, Đấng yêu thích tâm hồn chân thật, Đấng mong muốn dạy dỗ bạn thấu triệt lẽ khôn ngoan. Sự khôn ngoan của Chúa giúp ta biết nhìn đến lòng thương xót vô bờ của Chúa, để đón nhận ơn tha thứ và kín múc niềm hy vọng, cũng như biết rút ra những điều thật hữu ích cho bản thân trên hành trình tâm linh và Đức Tin. Trong tâm tình này, chúng ta được mời gọi đừng bao giờ rơi vào “hố tuyệt vọng” buông xuôi, vì các vấp ngã và tội lỗi chúng ta đã phạm. Thánh I-nhã nhắc nhớ: “Nếu thấy mình đã vấp ngã, thì bạn cũng đừng tuyệt vọng; vì ngay cả những va vấp ấy cũng giúp ích cho bạn”. Đừng tuyệt vọng về chính mình với phận hèn tội lỗi, vì Chúa đâu có thất vọng hoàn toàn với ta đâu. Đừng để cho thần dữ lên tiếng nhấn chìm ta vào hố sâu tuyệt vọng với những tư tưởng tiêu cực làm giảm giá trị cuộc sống và đánh mất căn tính cao quý của ta. Bạn ơi, dù gì đi nữa, “Bạn và tôi mang hình ảnh của Thiên Chúa. Trong đôi mắt Chúa ta thật quý giá và được Chúa trân trọng mến thương”. Vì thế, ta cùng giữ vững niềm hy vọng vào Đấng Yêu Thương nhé! 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay mời bạn cùng tôi nhìn đến một vấp ngã của bản thân. Có thể là vấp ngã trong quá khứ xa xôi hay vấp ngã gần đây thôi. Trong cầu nguyện tĩnh lặng, ta đặt sự vấp ngã này trước Chúa. Với tâm hồn chân thật, ta xin Chúa tha thứ và biến đổi: “Lạy Chúa, xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết”.

14

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 14.9.


15.9  Lời Chúa (Mt 6,9-10). “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.  Lời thánh I-nhã “Xin ơn Thiên Chúa cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn”.15 

Suy niệm

“Sống ở đời để làm gì?” Câu hỏi hiện sinh đeo bám đời người ngay từ lúc sinh ra, và lớn lên mỗi người trả lời cho câu hỏi này theo cách thức và lối sống của mình. Là người Ki-tô hữu, chúng ta được Chúa nhắc nhớ cuộc đời này không chỉ lo “cơm bánh, lương thực hằng ngày”, mà trên hết là sống để làm vinh danh Thiên Chúa, làm cho Nước Chúa được trị đến và sống để thi hành thánh ý của Cha trên trời. Đó là ba lời cầu xin đầu tiên của Kinh Lạy Cha như là la bàn hướng dẫn chúng ta trên hành trình sống Đức Tin. Tương hợp với tinh thần của ba lời cầu xin này, trong tiến trình Linh Thao thánh I-nhã mời gọi chúng ta dâng Chúa ơn xin: “Xin ơn Thiên Chúa cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn”. Ơn xin của thánh I-nhã đề nghị và ba lời cầu xin trong kinh Lạy Cha đưa bạn và tôi ra khỏi mình, và hướng ta trực tiếp về với Thiên Chúa chí tôn. Ngắm nhìn Chúa và trong ánh sáng của Thần Khí Chúa, ta suy xét lại suy nghĩ và ý chí, tâm hồn và cảm xúc, ý hướng và mục đích, hành vi và hoạt động của mình. Tất cả có hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa không, có làm Chúa được vinh danh, làm cho Nước Chúa được trị đến và thánh ý Chúa được thể hiện không? 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, khi vừa thức giấc, mời bạn cùng tôi cầu xin Chúa điều mà thánh I-nhã hướng dẫn. Chúng ta đọc lời cầu xin này chậm rãi ba lần: “Lạy Chúa, xin Chúa cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con trong ngày hôm nay hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn”. Trong ngày sống, chúng ta dành thời gian nhẩm đi nhắc lại lời cầu xin này. Cuối ngày ta dành thời gian hồi tâm xét mình, xem ta đã sống tinh thần cầu nguyện này như thế nào nhé!

15

Sách Linh Thao. Số 46.


16.9  Lời Chúa (Ga 4,34). “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”.  Lời thánh I-nhã “Mặc dù mọi người và mọi lý lẽ đều thuyết phục, nhưng chúng ta không nên khởi sự bất kể công việc gì mà chưa hỏi ý Thiên Chúa trong cầu nguyện trước đã”.16 

Suy niệm

“Điều gì làm nên người Ki-tô hữu tốt lành?” Nhìn đến Chúa Giê-su, chúng ta tìm thấy được câu trả lời: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. Lời giáo huấn của Chúa Giê-su dành cho các tông đồ ngày xưa cũng rất quan trọng và hữu ích với Ki-tô hữu trong mọi thời đại, cả thời đại của chúng ta hôm nay. Tầm mức quan trọng của việc thực thi thánh ý Chúa đã được mọi thánh nhân chú tâm chu toàn. Thánh I-nhã với tinh thần luôn đi tìm thánh ý của Chúa đã để lại lời hướng dẫn: “Mặc dù mọi người và mọi lý lẽ đều thuyết phục, nhưng chúng ta không nên khởi sự bất kể công việc gì mà chưa hỏi ý Thiên Chúa trong cầu nguyện trước đã”. Trong cầu nguyện ta hỏi ý Chúa bạn nhé, dù trước đó biết bao lý lẽ của con người mang vẻ thuyết phục và tốt lành. “Ý Chúa là gì trong trường hợp này vậy Chúa ơi?” “Công việc tông đồ này trong đôi mắt chúng con thật là cần thiết và quan trọng, nhưng trong đôi mắt Chúa thì sao?” Với những câu hỏi đó, ta đang mời Chúa đóng vai trò quyết định trong đời ta, trong việc tông đồ phục vụ của ta. Khi ta mở lòng và trao cho Chúa “chìa khoá đời ta”, Chúa sẽ từng bước giúp ta biết mở cánh cửa cuộc sống, biết cùng cộng tác với Chúa trong việc tông đồ để hoàn tất công trình mà Cha trên trời mong muốn. Khi ý ta hoà quyện và tan biến trong ý Chúa, thì “niềm vui của Chúa và của ta” sẽ trở nên trọn vẹn. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, khi vừa thức giấc, mời bạn cùng tôi cầu xin Chúa điều mà thánh I-nhã hướng dẫn. Chúng ta đọc lời cầu xin này chậm rãi ba lần: “Lạy Chúa, xin Chúa cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con trong ngày hôm nay hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn”. Trong ngày sống, mời bạn cùng tôi tập từ bỏ một ý riêng nào đó không tương hợp với ý Chúa và không giúp ta sống phụng sự và ca tụng Chúa. 16

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 16.9.


17.9  Lời Chúa (1Tx 5,16-18). “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su”.  Lời thánh I-nhã “Suy niệm và trò chuyện với Thiên Chúa thì chế ngự được sức mạnh của bản tính tự do và kiểm soát được những xung động của nó”.17 

Suy niệm

Chuyện kể về một nông dân xứ Ars. Mỗi ngày trước khi ra đồng anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát. Khi trở về anh cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy. Trong xứ ai ai cũng nể và kính phục. Một hôm có người hỏi anh nông dân: - Ngày ngày anh ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế? Anh nông dân trả lời: - Tôi trò chuyện với Chúa và Chúa trò chuyện với tôi. Trò chuyện với Chúa, tâm sự với Chúa và cầu nguyện với Chúa nhưng về điều gì vậy? Về mọi điều trong cuộc sống. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện lo lắng và cả chuyện được bình an. Rồi cầu nguyện và trò chuyện với Chúa trong thời gian nào? Thánh Phao-lô khuyên nhủ rằng: “Cầu nguyện không ngừng và tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Vâng, không ngừng và mọi nơi mọi lúc, vì cầu nguyện và trò chuyện với Chúa thấm sâu vào tâm hồn, trí hiểu và đời sống của ta, trở nên “hơi thở” cần có để ta sống, như cá cần có nước để sống. Như thế, có thể nói rằng, Kitô hữu là con người cầu nguyện, con người luôn biết trò chuyện với Chúa về mọi điều trong cuộc sống. Con người sống thân mật với Chúa. Hơn nữa, khi việc cầu nguyện và trò chuyện với Chúa trở nên hồn sống và hơi thở của ta, Thần Khí Chúa sẽ hoạt động trong ta, để nhờ đó ta có thể “chế ngự được sức mạnh của bản tính tự do và kiểm soát được những xung động của nó”, như thánh I-nhã nói. Ở đây, thánh I-nhã rất thực tế, vì ngài nhìn thấy khuynh hướng thích tự do bay nhảy và xung động mạnh mẽ của bản tính ta có thể làm cho ta dễ lạc bước, vì thế ai càng chìm sâu trong cầu nguyện, ai càng thường xuyên tâm sự với Chúa và sống thân mật với Ngài, thì người đó sẽ được chính Chúa ấp ủ chở che, người đó trở nên nhạy bén với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần hơn và ngoan nguỳ bước đi theo sự hướng dẫn của Ngài hơn. 

Hồn sống trong ngày

Mời bạn cùng tôi tập sống cầu nguyện trò chuyện với Chúa thường xuyên trong ngày hôm nay nhé. Cụ thể, ít nhất ba khoảnh khắc trong ngày: sáng trưa và tối, chúng ta tâm sự với Chúa như hai người bạn tri kỷ tâm sự với nhau về những gì ta có trong lòng và trong cuộc sống. 17

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 17.9.


18.9  Lời Chúa (Cl 3,14). “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”.  Lời thánh I-nhã “Nếu muốn triển nở trong tình yêu, bạn hãy nói về tình yêu; vì trò chuyện thiêng liêng giống như một làn gió nhẹ, thổi bùng ngọn lửa đức ái”.18 

Suy niệm

Khi nói đến “sống yêu thương”, ta nhận ra rằng tình yêu bao trùm toàn bộ cuộc sống của ta: Yêu trong suy nghĩ, yêu với cảm xúc, yêu bằng lời nói và yêu bằng hành động. Nói khác đi, yêu thương bác ái trở nên mối dây liên kết mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn và của tôi. Hơn nữa, yêu thương bác ái cũng là mối dây liên kết ta với trời, ta với người nữa đó. Vì thế, thánh Phao-lô nhắc nhớ các tín hữu ở Cô-lô-xê: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”. Như thế, tình yêu và bác ái cần hoà quyện hoàn toàn với cuộc sống. Một trong những điều mà tình yêu nên hoà quyện vào. Đó là lời nói. Bởi vì sao? Vì lời nói là điều mà ta thường “dùng” tới nhất. Cho nên lời của thánh I-nhã khuyên thật là chí lý: “Nếu muốn triển nở trong tình yêu, bạn hãy nói về tình yêu; vì trò chuyện thiêng liêng giống như một làn gió nhẹ, thổi bùng ngọn lửa đức ái”. Lời của thánh I-nhã giúp ta nhìn lại chính lời của ta, để nhận biết xem lời ta nói, lời ta viết trong các tin nhắn mỗi ngày chứa đựng bao nhiêu phần trăm hương vị của bác ái và yêu thương. Xin Chúa giúp bạn và tôi triển nở trong tình yêu qua chính lời nói tràn đầy hương thơm của bác ái và yêu thương, cũng như biết im lặng không thốt ra những lời thừa thãi vô ích và đặc biệt tránh đi những lời tiêu cực đưa lại bất an và buồn đau cho bản thân, cho anh chị em và cho Chúa nữa. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, mời bạn cùng tôi chú ý đến lời nói. Trước khi nói bất cứ điều gì, ta dừng bước cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để nhờ đó lời ta thốt ra, chữ ta viết lên đều mang hương vị của bác ái, của yêu thương và trên hết là luôn có “hồn của Lời Chúa” nhé!

18

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 18.9.


19.9  Lời Chúa (2Cr 5,14). “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi”.  Lời thánh I-nhã “Chẳng có gì là nặng nề đối với người sẵn lòng làm việc ấy, đặc biệt nếu đó là điều được thi hành vì tình yêu”.19 

Suy niệm

Một trong những câu hỏi quan trọng mà người dấn thân làm việc tông đồ cần chú ý trả lời là: “Động lực nào thúc đẩy anh chị làm việc tông đồ? Anh chị làm việc tông đồ này vì ai và vì điều gì vậy?”. Ai trả lời câu hỏi này cách thoả đáng, thì mới bền chí trong việc tông đồ được, nghĩa là công việc tông đồ ta làm không phải vì bản thân ta, hay vì danh tiếng của ta, mà là vì Chúa và vì Nước Chúa, cũng như vì hữu ích cho linh hồn của anh chị em. Thánh Phao-lô đã chia sẻ rất thành thật với các các tín hữu ở Cô-rin-tô về tinh thần tông đồ của ngài: “Chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn, thì cũng là vì anh em” (2Cr 5,13). Kế bên động lực quan trọng và nền tảng này, thánh Phao-lô còn nhắc đến tinh thần cao quý khác đã giúp Ngài vững bước trên hành trình tông đồ: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi”. Trên hành trình sứ mạng tông đồ, thánh nhân đã gặp biết bao tai ương, lúc ở tù, khi đắm thuyền, nhưng ngài đã vượt qua tất cả, vì ngài có Chúa, vì ngài được tình yêu Chúa Ki-tô thúc đẩy ngài. Thật vậy, vì Chúa và được tình yêu Chúa thúc đẩy, dù ta gặp khó khăn nào đi nữa trong việc tông đồ, ta cũng có thể vượt qua được. Đó cũng là điều mà thánh I-nhã nhắc nhớ cho bạn và cho tôi hôm nay: “Chẳng có gì là nặng nề đối với người sẵn lòng làm việc ấy, đặc biệt nếu đó là điều được thi hành vì tình yêu”. Xin Chúa cho bạn và tôi luôn có Chúa và luôn được tình yêu của Chúa như lửa thiêng soi chiếu, sưởi ấm và thúc đẩy cùng hướng dẫn chúng ta. Có như thế, ta không nản lòng, không sợ hãi và không chùn bước trước những thử thách và khó khăn. 

Hồn sống trong ngày

Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc bạn như thế nào trong việc tông đồ, trong đời sống Đức Tin? Trong giờ cầu nguyện hôm nay, mời bạn cùng tôi suy nghĩ và tâm tình với Chúa về câu hỏi trên nhé. Ngoài ra, mời bạn cùng tôi làm một việc gì thật tốt nhưng không vì bạn hay danh tiếng của bản thân, mà vì Chúa và vì ích lợi của anh chị em.

19

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 19.9.


20.9  Lời Chúa (Ga 20,19). “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em!”  Lời thánh I-nhã “Với một người có Thiên Chúa ở với mình, thì chẳng điều gì làm xáo trộn có thể xảy đến; vì Thiên Chúa không bao giờ mất được, trừ khi chúng ta muốn đánh mất Người; và mọi phiền muộn chỉ nổi lên khi chúng ta đánh mất, hoặc sợ để mất đi một điều tốt lành”.20 

Suy niệm

Với những xáo trộn và sợ hãi trong tâm hồn, các tông đồ đã đóng kín cửa phòng nơi các ông gặp nhau. Nhưng chính lúc đó Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra, đứng giữa và chào các ông với lời thật đẹp: “Bình an cho anh em”. Bình an luôn đến, khi Chúa đến, dù cho cuộc sống quanh ta thế nào đi nữa. Bình an luôn có và chẳng có điều gì có thể làm xáo trộn ta, khi Chúa đến và ta mở rộng tâm hồn đón mời Chúa vào ngự trị. Vâng, “với một người có Thiên Chúa ở với mình, thì chẳng điều gì làm xáo trộn có thể xảy đến, vì Thiên Chúa không bao giờ mất được”, và Ngài luôn ở bên cạnh để chở che đỡ nâng. Đó là tâm tình của thánh I-nhã gởi đến chúng ta. Nhưng có đôi khi phận người lại rơi vào trong mù tối của tội lỗi và đam mê, và đánh mất chính Chúa. Khi mất Chúa cũng là lúc mất bình an. Khi vắng bóng Chúa là lúc phiền muộn và sầu não xâm chiếm cuộc đời. Ngắm nhìn Chúa Giê-su Phục Sinh trao ban bình an cho các Tông Đồ, chúng ta xác tín rằng, Chúa không bao giờ muốn chúng ta sống trong bất an và phiền muộn. Ngược lại Chúa muốn chúng ta ở với Chúa để hưởng nếm sự bình an tuôn tràn từ lòng thương xót vô bờ của Chúa. Phần chúng ta thì sao? Ta có muốn điều Chúa muốn không? Xin Chúa cho bạn và tôi có được sự khôn ngoan của Chúa, biết muốn điều Chúa muốn, biết mở tâm hồn để Chúa đến và hiện diện, nhờ đó bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh ngự trị trong tâm hồn ta. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, mời bạn cùng tôi dành ra 7 khoảnh khắc trong ngày, từ khi thức giấc cho đến lúc chuẩn bị đi nghỉ đêm. Mỗi khoảnh khắc đó, bạn nhắm mắt lại, tay bạn đặt trên ngực để cảm được nhịp đập của trái tim, lòng bạn hướng về Chúa và âm thầm nhắc bảo chính mình: “Chúa đang ở trong tâm hồn tôi, trái tim Chúa đang cùng đập với nhịp đập của trái tim tôi”.

20

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 20.9.


21.9  Lời Chúa (Mt 25,45). “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.  Lời thánh I-nhã “Khi tôi phục vụ những người làm tôi tớ của Thiên Chúa, tôi xem đó như là đang phụng sự chính Thiên Chúa”.21 

Suy niệm

Tin mừng Mát-thêu đã để lại cho chúng ta một bài học thật sâu sắc về cuộc phán xét chung. Điều sâu sắc nhất là lời của Chúa nhắc nhớ bạn và tôi cùng muôn người: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. Tương hợp với lời của Chúa, thánh I-nhã có tâm tình: “Khi tôi phục vụ những người làm tôi tớ của Thiên Chúa, tôi xem đó như là đang phụng sự chính Thiên Chúa”. Thật vậy, anh chị em bất hạnh và nhỏ bé mà chúng ta phục vụ và yêu thương chính là hiện thân của Chúa. Khi bạn giơ tay nắm bàn tay yếu ớt của một cụ già và dẫn cụ qua đường, đó là bạn đang nắm tay Chúa. Khi bạn đến thăm trại mồ côi và ôm ấp một cháu bé vào lòng, là bạn đang ôm ấp chính Chúa vào lòng bạn. Khi bạn không thể hiện diện bằng thể lý để thăm viếng người nghèo đơn côi, bạn vẫn sống tinh thần thương xót qua việc đóng góp từ thiện, bạn đang cho Chúa chút của cải để có cái ăn, có viên thuốc uống. Chúa yêu thương người nghèo và bất hạnh, vì họ giống như bạn và tôi đều là con cái của Chúa. Trong đôi mắt của Chúa, mỗi phận người chúng ta dù nghèo hay giàu, dù mạnh khoẻ hay đau yếu, đều quý giá cả. Mời bạn cùng tôi sống để “đánh bóng” phẩm giá cao quý của chúng ta mà Chúa đã cho, bằng cách luôn tập sống yêu thương nhau nhé! 

Hồn sống trong ngày

Mời bạn cùng tôi chọn ra một hay là hai người đang cần được chú tâm và yêu thương. Hôm nay, ta cố gắng sống yêu thương anh chị em đó cách cụ thể qua lời nói, qua cầu nguyện, qua hành động nhé.

21

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 21.9.


22.9  Lời Chúa (Tv 32,5). “Con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa’, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”.  Lời thánh I-nhã “Thiên Chúa sẵn lòng ban cho chúng ta nhiều ân huệ lớn lao hơn nữa, nếu chúng ta không để cho những tà ý của mình cản trở lòng quảng đại của Ngài”.22 

Suy niệm

Thiên Chúa luôn quảng đại và sẵn sàng ban rất nhiều ân huệ cho chúng ta, đặc biệt những ơn nào mà bạn và tôi cần tới. Tuy nhiên, có những điều cản trở ân huệ đó đến với ta. Một trong những điều cản trở là các tà ý của ta, như thánh I-nhã nói: “Thiên Chúa sẵn lòng ban cho chúng ta nhiều ân huệ lớn lao hơn nữa, nếu chúng ta không để cho những tà ý của mình cản trở lòng quảng đại của Ngài”. Các tà ý đó là gì? Có thể hiểu đó là những gì thuộc về các đam mê tội lỗi trong ta, những gì thuộc về thần dữ luôn manh nha ảnh hưởng đến ta. Khi bị các tà ý đó ảnh hưởng và điều khiển, ta dễ dàng bị lôi kéo ra xa khỏi Chúa và đóng lòng mình lại với ân sủng và lòng quảng đại của Chúa. Để có thể tránh được các tà ý đó, mời bạn cùng tôi đọc lời Thánh Vịnh thật đẹp: “Con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa’, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”. Với tâm tình của thánh vịnh, ta nhận ra rằng thống hối ăn năn là thái độ sống rất tích cực của con cái Chúa. Tích cực vì ta ý thức phận hèn và tội lỗi của mình, tích cực vì ta thành thật ăn năn tin tưởng và chạy đến với Chúa, Đấng yêu thương ta. Ngoài ra, để tránh được các tà ý, mời bạn chú ý đến giây phút hồi tâm mỗi ngày. Trong phút hồi tâm, ta xin Chúa giúp để nhận ra những cảm xúc, suy nghĩ, lời nói và hành động tiêu cực mang dáng dấp của tà ý. Sau khi đã nhận ra, ta xin Thần Khí Chúa nâng đỡ và chỉnh đốn, đưa chúng ta trở về lại với chính lộ. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay mời bạn cùng tôi dành thời gian để xét mình kỹ lưỡng và xin Chúa cho chúng ta nhận ra những tà ý trong ta. Tà ý đó là gì vậy? Thật khiêm tốn và với sự quyết tâm, ta xin Chúa giúp ta biết tránh xa những tà ý đó nhé. Nếu bạn muốn, có thể chạy đến với bí tích Hoà Giải. 22

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 22.9.


23.9  Lời Chúa (Cl 3,2). “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.  Lời thánh I-nhã “Trong cuộc sống này có điều ích lợi cho chúng ta, nếu điều ấy giúp chúng ta đến gần với đời sống vĩnh cửu, và có điều rất tồi tệ cho chúng ta, nếu điều ấy cản trở ta đến với đời sống vĩnh cửu”.23  Suy niệm Xin mời bạn cùng tôi làm một bài tập: Ta cùng dừng bước làm một cuộc nhìn lại hành trình sống 30 năm, 40 năm, 50 năm hay nhiều hơn nữa của mình dựa trên hai điều sau: (1) Mấy chục năm qua tôi đã đi tìm những gì thuộc về hạ giới, như đam mê và hưởng thụ tiền bạc vật chất, đam mê quyền lực danh vọng… Các điều đó có thật đưa lại hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống cho tôi ở đời này, cũng như giúp tôi thăng tiến và chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu mai hậu bên Chúa hay không? Hay các điều hạ giới đã biến tôi thành nô lệ và mất tự do nội tâm? (2) Mấy chục năm qua tôi đã đi tìm những gì thuộc về thượng giới, như tìm chính Chúa, tìm tinh thần sống của Chúa là hiền lành khiêm tốn, hy sinh hiến dâng trong yêu thương, từ bỏ con người ích kỷ, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa, cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Chúa, hiệp nhất và tương trợ anh chị em trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, trong gia đình? Khi đi tìm và sống theo tinh thần của những điều mà Chúa dạy, tôi thấy hạnh phúc đến với tôi ở đời này như thế nào, cũng như qua đó đời sống tôi có gần Chúa hơn cũng như giúp tôi chuẩn bị tốt hơn cho đời sống kết hiệp với Chúa sau này mãi mãi không?

Để làm bài tập này thật tốt, xin bạn lắng đọng thật sự và khiêm tốn cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Bạn lấy ra hai tờ giấy, một bên đề là HẠ GIỚI và tờ giấy khác ghi là THƯỢNG GIỚI. Sau khi bạn đã hoàn tất hai trang giấy nhìn lại đời bạn, bạn hãy dành thời gian tâm tình chia sẻ với Chúa Giê-su nhé. Nếu bạn muốn, có thể chia sẻ với Mẹ Maria hay vị thánh nào bạn thích. Ngoài ra, khi làm bài tập này, xin bạn luôn đưa lời của thánh Phao-lô và lời của thánh I-nhã vào trong suy tư và cầu nguyện nhé: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. “Trong cuộc sống này có điều ích lợi cho chúng ta, nếu điều ấy giúp chúng ta đến gần với đời sống vĩnh cửu, và có điều rất tồi tệ cho chúng ta, nếu điều ấy cản trở ta đến với đời sống vĩnh cửu”.  Hồn sống trong ngày Mời bạn cùng tôi chú ý đến hai trang giấy nhìn lại đời bạn với HẠ GIỚI và THƯỢNG GIỚI. Bạn suy xét một hay hai điều nào thuộc hạ giới làm bạn bối rối, buồn và nặng nề, cũng như một hay hai điều nào thuộc về thượng giới làm bạn vui, phấn khởi và bình an? Hãy cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp bạn “cắt tỉa” các điều hạ giới đó và mặc lấy các điều thượng giới đó nhé! 23

Ignatius von Loyola, In allem – Gott. Echter Verlag. Würzburg 2006. S.48.


24.9  Lời Chúa (Lc 17,7-10). “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.  Lời thánh I-nhã Để có thể quán xuyến được những việc lớn lao như chúng ta mong ước, những điều quan tâm nhỏ nhất phải được đặt ra trước; để rồi chúng ta có thể xin trợ giúp lớn lao nơi Đấng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.24 

Suy niệm

Mời bạn cùng tôi đọc đi đọc lại và suy nghĩ trong cầu nguyện về lời thánh I-nhã nói ở trên, bạn thấy thánh nhân muốn nhắn nhủ ta điều gì? Một đàng chúng ta cần ý thức và có trách nhiệm trong đời sống tâm linh cá nhân, cũng như trong việc dấn thân tông đồ, cụ thể biết chuẩn bị những điều nhỏ nhất cần làm trong những việc lớn lao ta đón nhận; đàng khác nhưng lại quan trọng hơn là ta cần mặc lấy tinh thần khiêm nhường cần có. Khiêm nhường của một người tôi tớ biết sức hèn của mình để không vênh váo và cao ngạo, mà luôn biết cậy trông bám chặt vào Chúa cùng kêu xin, vì Chúa ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Đó là tinh thần mà Chúa Giê-su dạy dỗ các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay đó bạn. Phục vụ cách khiêm tốn, phục vụ với ý thức về vai trò và vị trí của mình: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Thật vậy, khi tinh thần khiêm tốn thấm sâu vào máu thịt ta, vào suy nghĩ ta, thì lúc đó không còn là ta sống, mà là chính Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường sống trong ta. Xin Chúa cho bạn và tôi có được ơn lớn lao này, ơn lớn lao dành cho người tôi tớ: “Khiêm tốn phục vụ” anh chị em như Chúa Giê-su vậy. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay ta cùng chú ý đến tinh thần khiêm tốn bạn nhé! Cụ thể, khiêm tốn trong suy nghĩ, khiêm tốn trong lời nói, khiêm tốn trong hành động của mình. Khi sống tinh thần khiêm tốn này, bạn hãy đặt hai tay tréo trên ngực và cúi mình trước Chúa cùng thưa với Ngài: “Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng, con chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

24

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 24.9.


25.9  Lời Chúa (Mt 5,48). “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.  Lời thánh I-nhã Sự tốt lành của Thiên Chúa chí tôn, tình yêu đầy quyền năng và sự ân cần chăm sóc của người Cha, sẵn sàng tự ý trao ban sự hoàn thiện cho chúng ta hơn là chúng ta đi kiếm tìm sự hoàn thiện.25 

Suy niệm

Kỷ niệm biến cố 500 năm hoán cải của thánh I-nhã là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm lại hoạt động tuyệt vời của Thiên Chúa nơi thánh nhân. Từ một con người đi tìm vinh danh thế giới và vinh danh bản thân, Thiên Chúa đã biến đổi I-nhã trở thành một thánh nhân, một người con cái hoàn thiện của Thiên Chúa, chỉ đi tìm vinh danh cho Thiên Chúa mà thôi. Thiên Chúa chủ động trong hành trình “trở nên hoàn thiện, trở nên một vị thánh” nơi con người I-nhã. Thiên Chúa đã biến đổi thánh nhân, đã phá hủy mọi lối nghĩ của ngài và đã dẫn ngài, ngay cả trên bờ vực của cái chết, để trở thành một người hành hương khiêm tốn và vĩ đại theo như Chúa muốn, trở thành một con người hoàn thiện theo tinh thần của Chúa Giê-su. Chiêm ngắm sự hoạt động tuyệt vời của Thiên Chúa trong cuộc đời của thánh I-nhã, chúng ta thấy lời của thánh nhân thật là chí lý: “Sự tốt lành của Thiên Chúa chí tôn, tình yêu đầy quyền năng và sự ân cần chăm sóc của người Cha, sẵn sàng tự ý trao ban sự hoàn thiện cho chúng ta hơn là chúng ta đi kiếm tìm sự hoàn thiện”. Thật vậy Thiên Chúa chủ động làm cho con cái của Ngài nên hoàn thiện, nhưng điều mà Chúa cần chúng ta cộng tác là sự mở lòng ao ước và quảng đại của chúng ta, nói khác đi là sự ngoan nguỳ vâng phục của chúng ta đối với Chúa. Trong Bài Giảng Trên Núi Chúa Giê-su đã mời gọi: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Nên hoàn thiện! Muốn nên hoàn thiện, ao ước nên hoàn thiện và cố gắng đóng góp sức hèn của mình với Chúa, để Chúa biến đổi và dẫn dắt ta trên con đường trở nên hoàn thiện bạn nhé. 

Hồn sống trong ngày

Sự hoàn thiện của Cha trên trời mà chúng ta cần bắt chước để trở nên con cái hoàn thiện của Cha, thì không phải là kiểu nói cách trừu tượng. Thiên Chúa là Cha luôn được nhận ra qua tình yêu tốt lành và cụ thể, vì thế hôm nay mời bạn cùng tôi tập sống nên hoàn thiện với hành động cụ thể nhé, như tha thứ, thương xót người nghèo, thăm viếng người đau yếu…

25

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 25.9.


26.9  Lời Chúa (Kh 3,15-16). “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”.  Lời thánh I-nhã Những sự xấu xa của linh hồn đều phát sinh từ sự thái quá, hoặc là do chểnh mảng hoặc là do hăng hái quá mức.26 

Suy niệm

Trong các chương đầu tiên của sách Khải Huyền, thánh Gioan nêu lên bảy thông điệp với từ ngữ “Ta biết”, nghĩa là Chúa Ki-tô thấy, biết và yêu thương Hội Thánh của Người. Vì thế, các lời của Chúa là lời nhắn nhủ răn bảo trong yêu thương. “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. Lời này thuộc về thông điệp gởi cho Hội Thánh Lao-đi-kia. Tại đây có những suối nước nóng và nước lạnh. Dựa vào bối cảnh này, thông điệp nhắc nhớ các tín hữu cần ý thức hơn và nghiêm túc hơn trong đời sống Đức Tin, không quá dễ dãi thờ ơ đến nỗi cẩu thả trên hành trình theo Chúa, theo kiểu “hâm hẩm chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng”. Là con cái của Chúa cần có tinh thần xác quyết của Chúa Giê-su, tinh thần Tin Mừng, không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được (x.Lc 16,13). Sự xác quyết rõ ràng trên hành trình theo Chúa giúp ta tránh được lối sống thái quá hoặc kiểu sống chểnh mảng dễ dàng đưa lại những tật xấu khác. Thánh I-nhã với tính cách của người Basque là cương quyết, rõ ràng và kỷ luật nhưng được Chúa dạy dỗ tinh thần mực thước quân bình, ngài mời gọi bạn và tôi ý thức hơn và nghiêm túc hơn trong đời sống tâm linh và Đức Tin: “Những sự xấu xa của linh hồn đều phát sinh từ sự thái quá, hoặc là do chểnh mảng hoặc là do hăng hái quá mức”. Xin Chúa cho ta đừng sống theo kiểu “chẳng nóng chẳng lạnh”, kiểu nửa vời không rõ rệt, ngược lại luôn cương quyết sống theo tinh thần của Chúa dạy với sự quân bình mực thước. 

Hồn sống trong ngày

Xét mình lại hôm nay bạn nhé! Trên hành trình tâm linh và Đức Tin của ta có gì theo kiểu “nửa vời, chẳng nóng chẳng lạnh” không? Ta quân bình hay chểnh mảng thờ ơ hoặc hăng hái thái quá không? Nếu nhận ra một điều gì đó cẩn chỉnh đổi lại cho rõ ràng và quân bình, ta cầu xin Chúa giúp nhé bạn. Mời bạn cũng lập đi lập lại lời của thánh I-nhã: “Những sự xấu xa của linh hồn đều phát sinh từ sự thái quá, hoặc là do chểnh mảng hoặc là do hăng hái quá mức”. 26

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 26.9.


27.9  Lời Chúa (Ga 1,37-38). “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: Các anh tìm gì thế? Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”  Lời thánh I-nhã “Thật hiếm những thợ tốt lành thuộc loại không tìm kiếm những gì cho riêng mình, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô”.27 

Suy niệm

Trong bốn Tin Mừng, ta có thể tìm thấy hơn 100 câu hỏi của Chúa Giê-su. Chắc chắn mỗi câu hỏi của Chúa đều có ý nghĩa nhất định. “Các anh tìm gì thế?”. Chúa Giê-su đặt câu hỏi này cho hai môn đệ của Gioan tẩy giả theo bước Chúa. “Các anh tìm gì thế?” Một câu hỏi nghe thật đơn sơ bình thường, nhưng lại có trọng lượng lớn, vì câu hỏi làm cho hai môn đệ ngày xưa và làm cho bạn cùng tôi hôm nay phải trở về lại với động lực cũng như mục đích của đời sống theo Chúa, đời sống tông đồ. Rồi câu hỏi đó cũng làm cho ta sững người, ta cần dừng bước xem xét lại thực tế đời ta với lối sống, khuynh hướng sống, những gì ta bám víu, những gì ta cho là quan trọng, những gì trực tiếp hay gián tiếp đang áp lực và ảnh hưởng trên ta. Thật vậy, dù vẻ bên ngoài ta tỏ ra thật tốt lành trong việc tông đồ, nhưng có thể ở đàng sau lại ẩn chứa động lực ta đi tìm sự công nhận, lời khen, những điều tô bóng tên tuổi của riêng mình, hay ta chỉ đi tìm ta mà thôi. “Tìm kiếm những gì cho riêng mình” là một cám dỗ lớn trên hành trình của những thợ làm vườn nho cho Chúa. Thánh I-nhã có lẽ đã nhận ra cám dỗ này hấp dẫn lắm, nên ngài đã nói rằng: “Thật hiếm những thợ tốt lành thuộc loại không tìm kiếm những gì cho riêng mình, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô”. Ngày ngày chúng ta cần phải xem xét lại chính mình, xem xét lại động lực thúc đẩy mình. “Các anh tìm gì thế?” “Ta đi tìm mình hay tìm Chúa, trong đời tu trì hiến dâng phục vụ, trong đời phục vụ của người tông đồ giáo dân?” Đôi khi động lực lúc đầu thật tốt lành là hiến dâng phục vụ Chúa và anh em, nhưng giữa chừng cỏ lùng lại đến ảnh hưởng trên lúa tốt, và làm méo mó động lực tốt lành thuở đầu tiên, là vẫn tìm Chúa và phục vụ anh chị em, nhưng phần mình cũng cần phải được lợi cái gì chứ. Xin Thần Khí Chúa giúp bạn và tôi luôn ý thức khiêm tốn, bám vào Chúa, và tỉnh thức không để thần dữ ảnh hưởng và lèo lái động lực cùng mục đích tốt lành tìm Chúa, làm vinh danh Chúa và phục vụ anh chị em trong đời. 

Hồn sống trong ngày

Dán mắt vào Chúa, bám vào Chúa trong suốt ngày hôm nay bạn nhé. Ngoài ra, như các môn đệ ngày xưa, trong ngày bạn hãy hỏi Chúa luôn mãi câu này: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Chắc chắn Chúa sẽ chỉ đường cho bạn, khi bạn thành tâm hỏi Chúa. 27

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 27.9.


28.9  Lời Chúa (Is 18,9). “Đừng có gió nào cũng theo, đường nào cũng bước” (Hc 5,9).  Lời thánh I-nhã “Linh hồn muốn tiến tới trong đàng thiêng liêng bao giờ cũng phải xử sự ngược lại với cách chước của kẻ thù, nghĩa là nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn ra thô thiển hơn, thì phải gắng trở nên tế nhị hơn. Cũng vậy, nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn tế nhị đi tới thái quá, thì linh hồn phải gắng giữ trong mức trung dung để được bình an hoàn toàn”.28 

Suy niệm

Trong phần cuối của sách Linh Thao, thánh I-nhã nhắc đến những ghi chú và các quy tắc cần chú ý, để thao viên có thể giữ vững tinh thần theo bước và sống kết hiệp với Chúa. Lời thánh I-nhã hôm nay được trích từ phần nói “về những bối rối cùng những xúi bẩy của kẻ thù chúng ta”. Kẻ thù xúi bẩy điều gì để gây ra bối rối cho ta? Có hai điều. Thứ nhất “kẻ thù muốn làm cho linh hồn ra thô thiển hơn”, nghĩa là kẻ thù với đặc tính ác ôn, thô tục, hời hợt nông cạn xúi dục và điều khiển ta, để rồi từ suy nghĩ đến miệng lưỡi và hành động, ta suy nghĩ nông cạn và thiếu tinh tế, ta nói năng lời thô lỗ và đôi khi rất thô tục, cuối cùng là hành động vụng về, bất lịch sự, thiếu cân nhắc dễ làm mất lòng người khác và dễ lỗi đức bác ái. Điều thứ hai “kẻ thù muốn làm cho linh hồn tế nhị đi tới thái quá”, nghĩa là kẻ thù cám dỗ chúng ta “vượt rào” trong mọi phương diện của cuộc sống, và đánh mất đi nhân đức tiết độ cần thiết, như trong ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, dùng thời gian cho mạng xã hội và internet, tương quan với người khác, làm việc bổn phận và việc tông đồ. Trước hai xúi bẩy này của kẻ thù, thánh I-nhã khuyên chúng ta hãy chọn hướng ngược lại với khuynh hướng của kẻ thù. Cụ thể là gắng trở nên tế nhị hơn, khi kẻ thù xúi mình nên thô thiển. Giữ mức trung dung, khi kẻ thù đẩy mình “vượt rào” và nên thái quá. Đi với trung dung, sự tiết độ cũng giúp ta tránh được thái quá. Cùng với trung dung, tiết độ, tinh thần tự chủ rất cần thiết. Sách Huấn Ca nhắc nhớ: “Đừng có gió nào cũng theo, đường nào cũng bước” (Hc 5,9). Xin Chúa cho bạn và tôi luôn có được tâm thức tỉnh táo, tự chủ, tiết độ và với sự soi sáng của Thần Khí, ta luôn biết chọn khuynh hướng ngược lại với xúi bẩy của kẻ thù là sự dữ và ma quỷ. 

Hồn sống trong ngày

Hôm nay, mời bạn cùng tôi quyết tâm sống tinh thần “làm ngược lại” với những gì sự dữ hay kẻ thù xúi dục ta, như thay vì nói xấu người khác, thì im lặng hay nói tốt hơn về họ…

28

Sách Linh Thao. Số 350.


29.9  Lời Chúa (Lc 17,1-3). “Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!”  Lời thánh I-nhã “Sự sa ngã của một người là nỗi kinh hoàng cho những người khác, và làm nguội lòng nhiệt thành của nhiều người đang trên đường nhân đức”.29 

Suy niệm

Việc tốt lan toả hương thơm, gương xấu gây nên vấp phạm. Chúa Giê-su đã nhìn việc “làm cớ cho người khác vấp phạm” là điều hết sức nguy hiểm, bởi vì nó có thể làm cho những người có đức tin non yếu phải sa ngã và thất vọng, và còn có thể làm cho họ bị mất luôn đức tin. Hơn nữa, để nhấn mạnh và làm tăng thêm giá trị cho lời dạy dỗ quan trọng này, Chúa còn dùng hình tượng thật mạnh mẽ qua câu nói: “Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ…”. Như vậy, thật là vô phúc, nếu ta gây ra gương mù gương xấu cho anh chị em. Thánh I-nhã cũng nhấn mạnh điều này và nhắn nhủ rằng: “Sự sa ngã của một người là nỗi kinh hoàng cho những người khác, và làm nguội lòng nhiệt thành của nhiều người đang trên đường nhân đức”. Xin Chúa cho bạn và tôi đừng bao giờ trở nên nên gương mù gương xấu cho anh chị em. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta biết bám chặt vào Chúa, biết ngoan nguỳ để Chúa cắt tỉa đi những gì nguy hiểm có thể làm cho ta phạm những lỗi lầm nghiêm trọng và trở nên cớ vấp phạm cho người khác. 

Hồn sống trong ngày

Với tinh thần khiêm tốn, mời bạn cùng tôi chạy đến với Chúa suy xét tâm hồn và đời sống tâm linh. Có điểm đen nào đang hiện diện? Có đam mê nào đang ẩn tàng? Điểm đen và đam mê đó có thể đẩy chúng ta vào con đường tội lỗi nặng nề và làm cớ vấp phạm cho anh chị em. Khi nhận ra điểm đen hay đam mê xấu đó, thật khiêm tốn và thành thật, chúng ta giãi bày với Chúa và xin Ngài thương cắt tỉa.

29

Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 29.9.


30.9  Lời Chúa (Rm 13,13-14). “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng”.  Lời thánh I-nhã “Với sự cẩn trọng lớn lao, mọi người cần chăm lo và chú ý đến cánh cửa của giác quan, đặc biệt là canh chừng đôi mắt, đôi tai và miệng lưỡi trước tất cả mọi điều lệch lạc không đàng hoàng”.30 

Suy niệm

Đọc lời trên của thánh I-nhã, ta nhận ra thánh nhân rất thực tế, vì ngài đã nhận ra được lầm lỗi chúng ta mắc phải thường là qua miệng lưỡi, đôi tai và đôi mắt. Vì thế ngài đã khuyên chúng ta cần cẩn trọng và chú ý. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, vì thế tâm hồn của bạn và của tôi sẽ trở nên nhẹ nhàng thanh thoát, khi chúng ta biết nhìn và chiêm ngắm những điều tốt lành và những vẻ đẹp thanh cao mà Chúa đã tạo dựng trong thiên nhiên, hay những gì thật tốt con người trong yêu thương đã làm cho nhau. Đôi tai đón nhận biết bao âm thanh trong ngày sống, từ môi trường xung quanh, từ các phương tiện truyền thông và từ những cuộc gặp gỡ giữa người và người. Nếu bạn và tôi ý thức “lọc các âm thanh nhiễu” là những gì tiêu cực, thì tâm và trí ta sẽ thoải mái và nhẹ nhàng. Còn nếu ta đón nhận những “âm thanh nhiễu” như lời đàm tiếu nói xấu gây hoang mang, hay bất cứ âm thanh tiêu cực và giả dối nào, thì ta sẽ bị “nhức đầu” và trở nên bối rối. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu tục ngữ quen thuộc cha mẹ dạy ngày xưa, nhắc nhớ ta đừng để bất cứ điều lệch lạc và xấu xa nào thoát ra từ miệng lưỡi ta, và đừng tham dự vào những cuộc trò truyện gây ra rạn nứt, làm đổ vỡ các tương quan. Có như thế, ta sẽ tìm được bình an, niềm vui và hạnh phúc. Đó cũng là cách sống của những người con cái của ánh sáng, như tâm tình của thánh Phao-lô nhắc nhớ tín hữu ở Rô-ma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng”. Như thế, thánh Phao-lô mở ra thêm cho chúng ta một con đường tuyệt vời để có thể làm chủ được miệng lưỡi, đôi mắt và đôi tai, cũng như những điều tiêu cực luôn muốn điều khiển ta. Đó là con đường “mặc lấy Chúa Ki-tô”. 

Hồn sống trong ngày

Mời bạn cùng tôi “mặc lấy Chúa Ki-tô”. Trước khi nói, nhìn hay nghe điều gì, ta tự hỏi: “Nếu Chúa ở trong trường hợp của ta, Ngài sẽ nói, nhìn và nghe gì?” Ta làm giống như Chúa nhé! 30

Ignatius von Loyola, In allem – Gott. Echter Verlag. Würzburg 2006. S.53.


Quaûng Ñaïi Hieán Daâng Lôøi kinh cuûa Thaùnh Ignatio Loyola

q = 65 - Taâm tình

         

             Laïy Chuùa Gieâ

      





bieát phuïng söï

           

ñi

 



Chuùa





nhö



maø khoâng tính

toaùn,

 

      



hôn laø ñöôïc bieát

    

con

 

ngöôøi

  

Chuùa. Naøy laø töï

             con moïi söï   

hieåu cuûa con

Ngaøi.

 CODA

    





Xin

ban

 

  A

  

phuïng



   



tình





bieát



cho

  



    

thaân maø khoâng mong chôø phaàn thöôûng naøo

        yù

 

Chuùa.

 

 

Con xin daâng

Chuùa

           con. Nhöõng gì con coù xin daâng laïi cho                                

   





söï,

ñaïi,

   

do, yù chí cuûa con. Naøy laø trí Naøy laø töï do, yù chí cuûa con.

ñeàu





ñaáu khoâng ngaïi thöông tích, bieát laøm

thi haønh

 

quaûng

 

    

con ñang

cuûa



    

bieát soáng

ñöôïc

  

bieát chieán

 

 



 

vieäc khoâng tìm nghæ ngôi, bieát hieán

          

con

Chuùa ñaùng

          



    

su! Xin Chuùa daïy

 

Lm. AÂn Ñöùc, 91

 

ñeàu thuoäc veà thuoäc veà

 

 

yeâu

vaø

 

 

-

men!











nhôù, trí hieåu cuûa Naøy laø trí nhôù, trí



Chuùa. Xin duøng Chuùa.



aân

con theo thaùnh yù

suûng

-

 

1.



Chuùa.

   A

 



 -

-

2.

 

Chuùa.

  

men!


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.