Tuổi Trẻ Việt Nam và Đất Nước

Page 1

Bài số 1: BIỂN ĐÔNG DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TÁI ÔNG THẤT MÃ

TÁI ÔNG THẤT MÃ Quốc phá sơn hà tại (Xuân vọng – Đỗ Phủ) Phàm là mọi việc trên đời thì đều có mặt tốt và xấu của nó. Mà câu chuyện Tái ông mất ngựa trong sách Hoài Nam Tử với bình luận sâu sắc của sách “Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái kết quả của nó” đã trở thành một triết lý sống rất minh triết trong suy nghĩ của người Châu Á. Đem cái suy nghĩ thấy vậy mà không phải vậy ấy áp dụng vào chuyện nước mình thì thật “thú vị” thay. Còn nhớ cách đây khoảng hai tháng khi hai nữ phát ngôn “khả ái” là bà Phương Nga của Việt Nam và bà Khương Du của Trung Quốc cùng “lên tiếng mạnh mẽ” về vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 nhiều người đã khấp khởi tin vào những quyết định “sáng suốt” của Đảng và chính phủ. Nhiều người bạn nói với tôi về một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nhà nước. Tôi cũng không biết nói sao đành dùng một câu kinh điển trong tiểu thuyết Tàu mà trả lời rằng : “ Thôi để hạ hồi phân giải nhé ! ” . Đó là hồi thứ nhất mở đầu câu chuyện biển đảo của năm 2011 này. Để rồi những tuần sau đó khi mỗi Chủ Nhật những người yêu nước xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc lại bị chính Thông tấn xã Việt Nam bảo là tự phát “tụ tập” chẳng khác nào từ ngữ mà báo chí vẫn hay dùng cho một nhóm thanh niên tụ tập đua xe hay hút chích. Tiếp theo sau đó là những hành động đàn áp biểu tình “cứng rắn” hơn của chính quyền đã khiến Sài Gòn lặng tiếng, biểu tình ở thủ đô may nhờ


sự kiên cường của các nhân sĩ trí thức nên vẫn tiếp tục. Nhưng đến cuộc biểu tình yêu nước sáng 17.7 với hình ảnh thật “nực cười” mà chắc chỉ có ở Việt Nam khi mà người dân yêu nước đi phản đối sự xâm lấn của nước ngoài lại bị chính những người ăn lương của dân đạp túi bụi vào mặt đã khiến nhiều người “tỉnh ngộ”. Nhiều người lại nói đến một hiểm họa Trung Quốc, sự phản ứng mâu thuẫn đến là “kì cục” của Nhà nước Việt Nam,.... nhưng bản thân tôi cho rằng đó là một diễn biến hợp lý và nói lên nhiều điều. Chúng ta lo cái nạn ngoại xâm phương Bắc, cái nhục mất nước nhưng thưa các bạn thử hỏi trong lịch sử hơn bốn nghìn năm của mình có lúc nào mà người khổng lồ xấu tính kia không dòm ngó nước ta bằng con mắt thèm thuồng. Có người nói rằng Trung Quốc là Cộng sản nên họ tham lam và khi nào một chính thể dân chủ lên lãnh đạo thì họ sẽ lịch sự hơn với chúng ta. Nhưng thưa các bạn nên nhớ rằng ngay cả những triều đại được xem là tốt đẹp nhất của Hoa Hạ như nhà Đường , nhà Tống, nhà Minh với những bậc đại tăng như Tam Tạng mà hè nào đài truyền hình Việt Nam cũng chiếu đi chiếu lại cho “nhi đồng thối tai” của Đại Việt xem, hay như các nhà văn hóa kiệt xuất Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha,... thì trong cái “thiên triều” ấy vẫn có những kẻ muốn thôn tính nước Việt Nam ta. Vì vậy chúng ta không thể dễ dàng thay đổi thái độ của Trung Quốc mà chỉ có thể thay đổi cách nhìn chúng ta. Hãy xem Trung Hoa như một động lực để thúc đẩy sự phát triển của dân tộc ta. Khi mà mỗi chúng ta đem hết sức mình chung tay xây dựng một Việt nam hùng cường thì dã tâm thôn tính kia sẽ phải tan biến ngay thôi. Đó là một sự thật đã được lịch sử minh chứng khi chúng ta có những Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, ….và hàng triệu những anh hùng vô danh khác thì không có một kẻ thù nào có thể xâm lấn được dù chỉ là một tấc đất, tấc biển của Tổ Quốc ta. Tôi không dám khẳng định rằng dân tộc ta có chỉ số


IQ thuộc hàng Top của thế giới như ông nghị Hà Nội Trần Tiến Cảnh từng cao giọng phát biểu tại nghị trường Quốc Hội. Nhưng tôi có tin chắc rằng chúng ta là một dân tộc yêu nước. Bởi vì chỉ có yêu nước chúng ta mới thoát ra khỏi 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn là người Việt Nam, cũng nhờ lòng yêu nước mà cha ông ta từ mảnh đất nhỏ bé bên bờ sông Hồng đã mở rộng giang sơn thành một dải đất hình chữ S với cả một Biển Đông rộng lớn. Nhưng tiếc thay trong lịch sử không thiếu những kẻ vì lợi ích riêng tư mà trở thành tay sai cho giặc. Lợi ích có thể ngô nghê như cô gái Mị Châu bị kẻ nhân danh tình yêu lợi dụng. Lợi ích đó còn đa số xuất phát từ những kẻ chỉ biết vinh thân phì gia mưu cầu danh lợi mà cam tâm chà đạp lên quê hương đất nước.Nhưng phải khẳng định một điều là chỉ khi nào đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì những kẻ mà ngày thường vẫn mạnh miệng hô hào trung quân báo quốc, của dân do dân và vì dân mới lộ diện. Mà nói một cách dân giã là “cháy nhà mới lòi mặt chuột”. Nếu không có Trọng Thủy thì An Dương Vương vẫn không biết cô con gái rượu của mình đặt tình yêu mù quáng trên cả tình cha con, tình yêu đất nước. Nếu không có Nguyên Mông thì Trần Ích Tắc chắc vẫn còn là một vị thân vương mũ cao áo dài, ra vào khệnh khạng....Và nay chúng ta phải một lần nữa “cảm ơn” nhà nước Trung Quốc nhờ họ mà chúng ta có thể thấy được ong trong tay áo , khỉ trong nhà. Chúng ta có thể kí hàng trăm thỉnh nguyện thư, cộng đồng quốc tế có thể đứng về phía chúng ta....Nhưng công sức chúng ta bỏ ra sẽ chỉ là công dã tràng nếu có những kẻ đang tâm bán đứng chúng ta trong những cuộc họp bí mật nào đó. Chỉ khi nào chúng ta có một chính thể hợp lòng dân, cả dân tộc là một khối thống nhất trăm người như một thì không có việc gì mà chúng ta không làm được. Chúng ta không sợ mất nước điều chúng ta lo là một nền độc


lập giả hiệu, một thứ tự do nửa vời. Liệu rằng chúng ta có nên trải qua một cơn bĩ cực để mà sắp xếp lại, xây dựng lại một đất nước hùng mạnh với một nền tảng thật sự vững chắc như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo : Càn khôn bĩ rồi lại thái. Nhật nguyệt hối rồi lại minh. Tôi để câu trả lời cho các bạn nhưng tôi nghĩ đã là những con người yêu dân chủ thì phải tôn trọng ý kiến của nhau dù có sự khác biệt trong quan điểm đánh giá. Riêng tôi cho rằng tuy tình hình đất nước hiện nay báo hiệu một bình minh mới cho đất nước Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta những người trẻ có đủ dũng cảm và năng lực để cất cao tiếng hát đón chào ngày mới trên quê hương hay không ?. Yêu nước không phải là việc của riêng chính phủ càng không phải là đặc quyền của một tầng lớp hay cá nhân nào, nó là một nghĩa vụ, một nhu cầu hiển nhiên phải có của mọi người dân nước Việt. Mong rằng những suy nghĩ đi giữa đường cái (không theo lề nào) của tôi nhận được sự đồng tình của các bạn .Vì nói cho cùng đó cũng là những suy nghĩ rất non nớt bắt nguồn từ một thứ tình cảm thiêng liêng: Tình Yêu Tổ Quốc.

Bài số 2: "Khát vọng tuổi trẻ - Kiếm tìm những khát vọng"

Tái ông Không có ngựa Nhóm blog khatvongtuoitre.net “Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng


Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông”. (phạm minh tuấn) Hãy sống! hãy sống! hãy sống. Một đoạn trích trong nhạc phẩm khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn muốn nhắn nhủ chúng ta, hãy sống như thế nào? Để làm được những gì? Nhưng đối với những người trẻ thì cần phải. “hãy sống” rất nhiều, nhiều hơn thế nữa. Quý vị độc giả thân mến : Giới trẻ là tương lai, là mầm giống cho đất nước, nước Việt Nam thịnh hay suy là nhờ vào sự nỗ lực xây dựng đất nước bằng con tim khối óc của các bạn trẻ. Nay đất nước ta đang trong tình trạng SOS, chúng tôi tự nhận thấy rằng im lặng là đồng lõa với tội ác, nên chúng tôi quyết định xây dựng blog “khatvongtuoitre.net” để góp 1 phần nhỏ cho sự an nguy của đất nước trên chiến trường truyền thông. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ luôn luôn cháy lên một khát vọng, mỗi một khát vọng là một mục đích mà các bạn trẻ cần nỗ lực để vươn tới. Đúng như vậy, mỗi người đều có những khát vọng cho tương lai: tiền bạc, danh quyền, tình cảm… Nhưng đã bao giờ các bạn trẻ nhìn về tương lai để rồi cháy lên trong tim một khát vọng tốt đẹp cho tổ quốc Việt Nam thân yêu chưa? Ngay lúc này đây. Khi mà vận nước đang đặt ra những câu hỏi lớn cho những trái tim biết đập cùng nhịp đập với đất nước, những trái tim biết xót xa và trân trọng xương máu của lớp lớp người đã ngã xuống, trong đó có những người thân của chúng ta đã không tiếc thân mình, đem máu xương dâng hiến cho tổ quốc. Tại sao những ngọn lửa xanh mang niềm hy vọng cho tổ quốc vẫn còn yếu ớt thế. Hãy ngoái nhìn lại quá khứ đi, nhìn lại những tấm gương còn trẻ tuổi, non nớt nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, những khát vọng lớn lao để rồi: Trần Quốc Toản với 16 chữ vàng đã dậy lên “hào khí Đông A”, những thanh niên hiên ngang trước họng súng quân thù, và còn bao


nhiêu anh hùng nhỏ tuổi đã hi sinh vì tổ quốc. Các bạn cũng là những người trẻ Việt Nam. Hãy tự hỏi chúng ta đã làm được gì cho tổ quốc ?. “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta Mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay” Hãy thổi bùng ngọn lửa khát vọng hỡi các bạn trẻ con rồng cháu tiên. Đó chính là lí do blog “khatvongtuoitre” ra đời. với mong muốn kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước. Các bạn là những người trẻ yêu nước, các bạn muốn nói với các anh hùng đã khuất: “Con là người trẻ yêu nước”, các bạn không muốn tuổi trẻ trôi qua một cách vô nghĩa. Đúng vậy, các bạn hãy chứng minh đi, đất nước đang kêu gọi các bạn đó, hãy cùng tôi chúng ta hãy siết chặt vòng tay để ôm lấy mảnh đất chữ S thân yêu của chúng ta. Hãy thổi bùng ngọn lửa của khát vọng. các bạn là những mầm xanh của đất mẹ. Tổ Quốc đang rất cần các bạn đó. Với mong ước đóng góp một phần nhỏ cho đất nước. để không phí hoài tuổi trẻ qua trang blog chúng tôi tha thiết kêu gọi các bạn trẻ hãy lên tiếng cho tổ quốc thân yêu. Đồng thời cũng mong được sự đóng góp và ủng hộ của các độc giả. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn. Bài 3: Chính quyền đã dạy con làm người

Mẹ dạy con trai mẹ phải trở thành người tốt, và mẹ dạy con phải ăn học thành người. Chưa cần biết con có trở thành một viện sỹ viện hàn lâm nào đó, chưa cần biết con sẽ đứng ở đâu giữa một xã hội đông nghịt người như hồ Gươm trong đêm giao thừa hay sẽ làm tới một chức vụ nào đó trong một bộ máy mà từ xưa đên nay luôn rao giảng đó là một bộ máy của dân, do dân và vì dân, Cha mẹ luôn tin rằng con sẽ là người có có ích cho xã hội.


Con vẫn nhớ cái cảnh ngày xưa hồi con còn bé tí, bố đạp xe đèo con đi học. Tình cờ đạp xe qua đồn công an, con thấy một người thanh niên với khuôn mặt xương xương và đầy đau khổ tới rợn người bị lôi từ trên xe xuống, và bố bảo đó là tội phạm là những phần tử xấu của xã hội. Từ đó cho tới nay, trong đầu con luôn hình dung về chân dung của những tên tội phạm là những người có tướng mạo thật tàn ác xấu xa, giống những mụ phù thủy, những tên yêu tinh hay xuất hiện trên các chương trình dành cho thiếu nhi. Lắm lúc tình cờ gặp một vụ bắt bớ nào đó con cùng bao người hiếu kỳ cố len vào giữa đám đông để xem tên yêu tinh, mụ phù thủy đã bị đưa ra khỏi cuộc sống bất công. Nhưng chao ôi, sao lúc đó trước mặt con trai mẹ chẳng thấy đâu vẻ gian ác, hung tợn, lạnh lùng bạo tàn của những tên đâm thuê chém mướn hay những trùm buôn ma túy mang một dòng máu lạnh lẽo và con tim giá băng. Soi lại vào trong gương con thấy mình sao đôi lúc giống họ một cách lạ thường. Nào quần âu, áo sơ mi, tóc rẽ ngôi lệch, đeo kính cận chẳng khác chi bác học. Ôi thế là những hình dung trong đầu của con về những kẻ tội phạm đã tan vỡ bởi nhiều người trong số họ chẳng khác vóc dáng con là bao, thậm trí nhiều khi con phải thốt lên rằng thật khôi ngô tuấn tú. Mẹ tin vào bói toán, và nếu như nhân tướng học có thể quyết định con người ta có trở thành những kẻ phạm tội hay không thì thật lạ có người hao hao giống con họ phạm những tội ác không thể tha thứ, còn con trai của mẹ vẫn mãi là đứa con ngoan hiền . Có lẽ, chỉ khi nào con người ta bị công an bắt, lúc


đó mới đủ để quy kết con là một kẻ phạm tội, có tội và đáng phải chịu tội như biết bao người đã bị lôi vào trong đồn từ trước tới nay, còn khi nào con chưa bị công an tóm cổ, bị túm chặt vai lôi đi con chưa phải là tội phạm. Giật mình đắng miếng giữa bữa cơm khi nghe tin tàu Trung Quốc ngang nhiên đi vào lãnh hải nước ta, con nhớ tới cái ngày Việt Nam chiến thắng Thái Lan. Ngày đó cả nhà ta cùng biết bao người rủ nhau xuống đường ăn mừng như thể, đất nước ta vừa chiến thắng một đế quốc hùng mạnh chẳng kém gì quân Nguyên Mông. Ôi bãi cọc Bạch Đằng giang vẫn còn đó, ải Chi Lăng còn đó, tiếng voi gầm vua Quang Trung xưa còn đó, và vẫn còn đó nào những uất hờn của Nam Quan, Bản Giốc. Ngồi học lịch sử, địa lý cho tới giáo dục quốc phòng, các thầy cô đều dạy "Hoàng Trường Sa là của Việt Nam, nhưng thực tế Trung Quốc cai quản." Nực cười thay: đất nhà ta, biển nhà ta là đất là biển ngàn đời cha ông gây dựng. Mẹ ơi, ngoài Cột cờ Hà Nội, ngoài hồ Hoàn Kiếm từng đoàn người với quốc kỳ và khẩu hiệu nối đuôi nhau hô hào một điều không thể phủ nhận: "Hoàng Sa là của Việt Nam, Trường Sa là của Việt Nam." Và mẹ ơi con phải đi theo tiếng gọi của con tim mình. Chân con không đủ chắc, nhưng ý chí con dục con đi bao cây số cùng đoàn người không mỏi không mệt. Hét khản cả giọng giữa cả trăm người chẳng ai quen ai, nhưng chúng con chia nhau từng điếu thuốc thơm, từng chai nước suối. Và rất có thể nếu ngày mai có chiến tranh với quân bành trướng chúng con lại chia nhau những gì mình có như một bài ca bất diệt của những chiến sỹ không tên. Ôi xung quanh con những em bé vẫn đang tuổi ăn học, những ông già tuổi gần đất xa trời, và bao thanh niên trai tráng quyết hô một lòng xin đánh chẳng khác chi hội nghị diên hồng...


Ngày hôm đó công an ở Đại Sứ Quán Tàu sao đông quá, và có cả những con người bặm trợn vô hồn, tay đeo những tấm băng đỏ chẳng hiểu để làm gì. Họ cố lôi, họ cố bắt những người con không quen không biết lên xe chẳng khác gì cảnh công an bắt tội phạm ngày xưa con thấy. Con của mẹ đã ở vòng an toàn , nhưng thật bất công khi công nhận một cách công khai chủ quyền của nước nhà đối với Hoàng Sa -Trường Sa lại bị bắt đi như những tên tội phạm. Mẹ ơi, họ bị bắt và bị chống cự một cách yếu ớt. Chính quyền đối xử với họ như tội phạm, vậy có khác chi con cũng đã phạm một tội gì đó với tổ quốc, với nhân dân, một cái tội vì dám yêu nước Việt.

Trong con lúc đó chợt nghĩ kéo được người nào hay người đấy, hoặc nếu có bị bắt bớ bị kết tội nọ tội kia cũng thanh thản với lòng mình. Và dĩ nhiên con cùng với bốn mươi bốn con người đã bị bắt, bị đưa đi tới môt nơi rời xa nội thành. Sờ lại túi thấy rỗng không, điện thoại hết pin cái bụng thỉnh thoảng lại sôi lên vùi đói. Nhìn xung quanh xe cũng toàn người với


người. Có người ăn nói hòa nhã nhưng chẳng thể vừa tai bất cứ ai, có cô văng tục từ lúc bị bắt cho tới lúc tới trụ sở làm việc cô vẫn cứ văng, chẳng hiểu sao càng nghe càng thấy thấm; càng thấy hay. Chết thật con của mẹ bị dân biểu tình làm hư hỏng rồi.

Có lẽ vì con hư hỏng nên bị túm cổ, lôi vào phòng làm việc với cái bả vai đau ê ẩm. Những con trong người đó, họ nói với chúng con rằng "mọi người được mời tới đây làm việc". Từ cái ngày hôm đó, con đã thấu hiểu được rõ đâu là tình cảm của những kẻ phạm tội "yêu nước". Chia nhau từng chiếc bánh, từng chai nước, điếu thuốc, quả trứng . Cuộc sống của những con người phạm tội "yêu nước" thật lạ kỳ làm sao, trong họ có những ông giáo sư tiến sỹ chẳng biết bằng xịn hay đểu nhưng nói năng đâu ra đấy, lại am hiểu tất tần tật nhân tình thế thái. Mấy người đó không như bác cán bộ phường ta được ăn học tử tế và lúc nào cũng được cả làng nêu tên ra giữa chốn chợ búa. Họ còn có những tay thanh niên tầm tuổi con. Chẳng biết chúng học trường nảo trường nào nhưng giỏi lịch sử ,địa lý am tường nhân tình thế thái. Mẹ ơi, các ả trong đoàn con nhìn ai cũng đẹp cả. Không đẹp về nội y như Ngọc Trinh, cũng chẳng quý phái sang trọng như Mai Phương Thúy. Trong họ có một thứ gì đó thật đẹp và mắt thường không thể cảm nhận được hết vẻ đẹp đó nhưng phải dùng con tim của chính mình"


Nếu con nghiện ma túy, trại cai nghiện sẽ là nơi giúp con thoát khỏi cái làn khói mờ ảo. Nếu con giết người, trường bắn hoặc phòng tiêm thuốc độc sẽ là nơi con trả nợ đời. Nhưng khi đã yêu nước, đâu sẽ là nơi giúp con trở thành những tay sai bán nước hại dân đây mẹ. Công an họ bảo thể hiện lòng yêu nước có thể bằng nhiều cách, tuần hành biểu tình dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Trời đất ơi, hóa ra bao lâu nay họ coi thường con hay con không phải là kẻ khôn ngoan và đã bị biết bao người xỏ mũi dắt đi vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, như dắt những chú nghé và thỉnh thoảng lại kêu lên mấy tiếng "Hoàng Sa Trường Sa". Thật là những kẻ xấu xa, và chúng dẫn dắt con vào con đường phạm tội "Yêu Nước." Chúng là những kẻ con có thể chỉ mặt điểm tên như Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương, Lê Lợi, Quang Trung. Xin cám ơn những người chiến sỹ công an Việt Nam, cám ơn chính quyền nhân dân rất nhiều.Ccác anh đã dạy tôi cách trở thành người tốt và tôi phải xin lỗi vì bản tính ngấm sâu vào máu không cho phép tôi trở thành người tốt và nằm im ở nhà xem truyền hình đưa tin một vài ngư dân bị bắn, một vài ngư dân bị giết, một vài người khác nữa do phạm tội công khai bảo vệ chủ quyền biển đảo đã bị xử lý. Cám ơn các anh, bởi các anh đã dạy tôi làm người tốt ra sao và xin lỗi các anh tôi sẽ vĩnh viễn chỉ có thể làm một kẻ phạm tội trung hiếu với đất nước, với nhân dân.


Đây là giọng văn của 1 cậu bé mới bước vào đời nhưng đã thấu hiểu được nhưng gì của những ngày hè yêu nước 2011. Giọng văn tuy sốc và có chút ngông nhưng đó là tuổi trẻ mong bạn đọc bỏ qua và hay thấu hiểu lớp trẻ người biên tập chỉ sửa lỗi chính tả không thêm bớt gì Gửi BTC có thể cho thêm để đọc giả đỡ sốc với giọng văn của 1 bạn trẻ hoặc cungc có thể bỏ đi nếu thấy được theo ngụ ý của tôi nên bỏ đoạn nay nhưng tôi cũng phải viết vào để tránh bị là do tôi viết và có từ làm tự ái ai đó. Hoài Thạch Bài 4: Vượt mặt - có thể hay không thể - Phạm Hoàng Diễm

Từng hòa vào dòng thanh niên hăng hái băng qua các con


đường Lê Duẩn, Nam Kỳ, hô vang khẩu hiệu “Get out of our teritorial waters” trước khắp các tuyến đường và Đại sứ quán Trung Quốc, không phải để giận dữ trước những trò càn của họ đối với Trường Sa của Việt Nam mà để cho họ biết rằng sẽ luôn còn có cả một thế hệ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, không sợ bất cứ điều gì để giữ lại từng tấc đất của ông cha. Những lúc đó chẳng ai phân biệt trẻ già, sang hèn, tất cả chỉ đơn giản, chúng tôi là người Việt Nam. Thế nhưng những việc làm ít ỏi đó của chúng tôi chỉ có thể làm một gã khổng lồ như Trung quốc sửng sốt và dè sẻm hơn hành động vì không phải người Việt nào cũng “sợ sệt và run rẩy”. Grimlatanet đã từng nói “Chỉ có kẻ mạnh hơn mới làm kẻ khác kiêng nể” , vậy có thể nào làm một đất nước với diện tích chỉ bẳng 1/29, dân số chỉ vừa đến 7%, phải làm Trung quốc phải nể mặt ? Đừng vội lắc đầu nếu như chưa nhìn qua Nhật Bản hay Singapore; hơn nữa Nhật từng chiếm đóng Trung Quốc gần 200 năm, điều nào đã làm cho một đất nước Nhật bé nhỏ có thể gìm cương một gã khổng lồ như Trung Quốc trong gần hai thế kỷ ? Đó không hẳn là do binh đội tinh nhuệ, vũ khí hiện đại mà điều cốt yếu chính ở tư tưởng, tư tưởng”chinh phục”. Cái tư tưởng ấy đã không những từng giúp Nhật Bản trở thành một cái tên khét tiếng trong bao cuộc tung hoành khắp Châu Á vào những năm giữa thế kỷ 20, mà tư tưởng ấy còn giúp một đất nước Nhật vốn “nghèo nàn” có thể đứng lên sau một đống đổ nát của chiến tranh một cách nhanh chóng và đầy bản lĩnh, vươn mình trở thành một con rồng trên thế giới về kinh tế, khoa học kĩ thuật hay giáo dục. So với Trung Quốc, Việt Nam nào có khác Nhật , cũng mang sắc vóc của một cậu bé con bên gã khổng lồ , khác chăng Việt Nam không có cái tư tưởng chinh phục đó mà thôi. Ai chẳng biết rằng : Lãnh thổ Việt Nam nhỏ hơn và dân số ít hơn Trung quốc nhưng không có nghĩa là cần phải nghèo và


lạc hậu hơn. Việt Nam vẫn có cơ hội và tiềm năng để trở thành một cường quốc kinh tế trước Hoa lục. Nhưng liệu rằng Việt Nam có dám mang tư tưởng đi trước nước láng giềng này không? Câu hỏi này là chỉ đơn giản là bảo “có hay không” nhưng vẫn phải làm bao nhiêu thế hệ phải băn khoăn lựa chọn. Muốn vượt qua được Trung Quốc, phải thực hiểu Trung Quốc, vị trí và con đường đã dẫn đến Trung Quốc ngày nay, tận dụng cơ hội mà những nhược điểm trong quá trình phát triển quá nóng của Trung Quốc để lại. Từ đó, vạch rõ kế hoạch và định hướng một “tư tưởng chinh phục”, chinh phục ở đây phải hiểu là “Vượt mặt” chứ không phải là “đuổi kịp”, vì như thế cuối cùng Việt Nam cũng chỉ như một đứa trẻ lẽo đẽo chạy theo, đứng đằng sau và bị bắt nạt mọi lúc. Lối đánh “Tiên pháp chế nhân” là một lối đánh nổi tiếng trong binh pháp Tôn tử, cũng là chiêu thức mà người anh hùng Lý thường Kiệt đã sử dụng để có thể tạo nên chiến thắng vang dội trên sông Như Nguyệt cách đây hơn 900 năm, chủ động đánh địch trước để dành thế phản công. Việt Nam cũng có thể như thế, “đánh Trung Quốc” trước để dành thế chủ động, hiển nhiên phải tự hiểu rằng đánh ở đây không phải là tấn công theo nghĩa đen mà là tấn công trên thương trường, vượt mặt Trung Quốc trong kinh tế, dành thế chủ động kiểm soát và bảo vệ lãnh thổ nước nhà, dùng trí để thắng cường, ắt là cách giải quyết triệt để và bền lâu. Muốn có thể lập lại lịch sử tạo ra thế đánh đầy trí dũng ấy, nhất quyết cần phải tìm ra được điểm yếu của Trung Quốc, “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Nhìn chung, một đất nước, có ba thành tố cần đáng lưu tâm : thể chế kinh tế chính trị, cục diện xã hội và đối ngoại với thế giới. Ở ba yếu điểm


này, Trung Quốc đều cho thấy tử huyệt của mình: Thứ nhất là là kiên trì đeo đuổi mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thứ hai là gánh nặng dân số, và thứ ba là bị thế giới xem là một hiểm họa”. Cả ba nhược điểm này đều là “gót chân Asin” chí mạng của Trung Quốc nhưng lại bị che đẩy bởi những lời nói bóng bẩy, những màn kịch xa hoa đắt tiền của đại lục. Hiện nay, không thể không phủ nhận rằng, tiếng nói của Trung Quốc thật sự có trọng lượng trên nhiều phương diện: là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chủ nhân chiếc ghế hội đồng thường trực của Liên Hợp Quốc và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Thế nhưng đó chỉ là ba phần nổi, bảy phần chìm của tảng băng mang tên Trung Quốc mới là thứ làm người ta e dè nhất. Trung Quốc phát triển nhanh chóng chủ yếu là nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài gần cả trăm tỷ đô đổ vào đây mỗi năm, điều này cho thấy Trung quốc phát triển không dựa vào nội lực của nền kinh tế mà là dựa vào ngoại lực bên ngoài. Nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay bị chi phối nặng nề bởi những công ty, tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; các công ty Trung Quốc đang ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa có tập đoàn nào là có thể đạt được tầm vóc những ông trùm thế giới như Toyota, Microsoft hay GE. Như Nguyễn Đại Việt đã viết, nguồn vốn khổng lồ đổ vào Trung Quốc phần lớn là do “sức lao động của hơn 1 tỷ dân tạo thành”, nếu như sức lao động ấy không đủ nhiều và rẻ đáp ứng được các tập đoàn, nếu như những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ dân tộc Trung Hoa trở thành hiểm họa thì sự rút lui của các công ty này không phải là không thể, lúc đó Trung Quốc sẽ ra sao? Cái cách vươn mình của Trung Quốc đã không đủ vững chãi thì cái cách điều hành cho sự phát triển của Trung Quốc lại là sự đe dọa lớn đối với nền kinh tế này. Trung Quốc hô vang khẩu hiệu “phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ?” Thế nào


là phát triển kinh tế theo lối định hướng xã hội chủ nghĩa ? Đó chẳng qua là một “xã hội không tưởng” mà thôi, con người phát triển là do những nỗ lực của bản thân, kẻ này khác kẻ khác là do họ chăm chỉ và cố gắng, không thể nào tạo dựng một xã hội mà kẻ làm và kẻ không làm đều có thể như nhau, đó chính là bất công; hơn nữa, với tư tưởng này Trung Quốc khó có thể gỡ bỏ những căn bệnh trầm kha là gốc rễ như “quan liêu” hay “tham nhũng”, để rồi chính những điều này lại gây ra một mối nguy mới “sự mâu thuẫn xã hội sâu sắc” , tính mất đoàn kết bên trong nội bộ sẽ là quả bom nổ chậm cho sự suy vong của bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc không những phải loay hoay giải quyết bài toán trong nước mà phải tìm lời giải cho “ ánh nhìn” của thế giới dành cho mình, đó không phải là một ánh nhìn ngưỡng mộ dành cho kẻ đứng đầu mà là e dè đề phòng với một nước bị coi là “hiểm họa của nền kinh tế”. Người dân nhiều quốc gia , đặc biệt là châu Âu cho rằng Trung Quốc đã cướp đi công ăn việc làm của họ trước sự đổ bộ không ngừng nghỉ của hàng loạt các mặt hàng giá rẻ. Không những thế, những vụ phát giác về sữa có melamine hay sản phẩm đồ chơi độc hại nhiễm chì đang len lỏi khắp các ngõ ngách, làm người ta phải nhíu mày khi chọn lựa một món hàng “made in China”. Bên cạnh đó, về chính trị, mặc dù biên giới trên lục địa của Trung quốc đi ngang qua 14 quốc gia nhưng quan hệ hàng xóm giữa Trung quốc và các quốc gia lân bang không mấy tốt đẹp. Ai cũng xem đại lục như một hiểm họa hơn là một đồng minh, một nhà báo đã từng giải thích rằng chính vì tâm lý ích kỷ và háo thắng mà “ Trung Hoa chưa bao giờ tỏ ra có thiện ý đối với các nước chung quanh, lại càng không muốn nhìn thấy họ vươn lên, cho dù sự vươn lên ấy sẽ mang lại thịnh vượng và ổn định lâu dài cho toàn vùng.” Có thể thấy những mâu thuẫn gần đây của Việt Nam hay Philipines với Trung Quốc hẳn là một ví dụ điển hình.


Chính vì thế, nói về Trung Quốc, người ta luôn cảm giác không an toàn , giống hệt như là đánh bạn với một kẻ xấu. Sự bất ổn trong ngoài của Trung Quốc sẽ là một lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong việc lựa chọn con đường đi tới. Muốn hành động, trước hết Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng, phải xác định được vị trí của bản thân mình và phải nuôi được lý tưởng “chinh phục” . Nên nhớ lý tưởng là điều kiện tiên quyết nếu muốn thực hiện bất cứ việc gì, nếu không có lý tưởng và lòng tin thì sẽ không bao giờ có thể vươn lên được. Muốn đi trước Trung Quốc thì ngay bây giờ phải lấy tư tưởng “Vượt mặt được Trung Quốc “ mà phấn đấu, nếu nghĩ đã không dám nghĩ thì làm sao mà hành động ? Làm sao mà vươn lên? Làm sao có thể bảo vệ được đất nước, giang sơn ?. Thanh niên là lực lượng nòng cốt trong việc nuôi dưỡng lý tưởng này. Là tương lai của đất nước thế hệ thanh niên cần có thêm quyết tâm ý chí, tự rèn luyện và học tập để có thể đưa đất nước tiến lên một cách vững chãi nhất, nuôi dưỡng lòng tự tôn, khao khát ý chí vươt qua nhưng vẫn phải ý thức rằng mình đang đứng tại đâu. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” lời nói của cổ nhân đến nay vẫn chưa một lần sai hỏng. Hơn nữa cần có những nỗ lực trong những hoạt động xã hội để có thể gắn kết cộng đồng với nhau, cố gắng theo đuổi một nghiên cứu khoa học về các vấn đề của đất nước nếu có năng lực. Những công trình đề tài của Trung quốc là còn chưa nhiều thì ở Việt Nam những con số này còn quá ít ỏi, tận lực bỏ thời gian vào dây là cách làm tốt nhất để có thể xây dựng được cho tương lai nước nhà một tài nguyên khoa học, đó là nền tảng của sự phát triển. Hơn nữa, thanh niên còn cần phải có trách nhiệm trong những mối quan hệ với bạn bè quốc tế để đẩy mạnh vị thế và hình ảnh của Việt Nam. Còn quá sớm để có thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi đã


nêu“Vượt mặt - có thể hay không thể?” nhưng đã gần muộn nếu như chưa dám đặt câu hỏi đó cho chính bản thân mình ngay lúc này .Đừng chần chừ để làm cho con đường đi phía trước thêm chông chênh … PHD

Bài 5: Sáng chủ nhật trời trong xanh qua, bốn phương đổ về bờ Hồ - Bạn của Người Buôn Gió

Tác giả: Bạn của Người Buôn Gió Phần 1 Sáng chủ nhật cuối thu, trời trong xanh, mát mẻ. Thời tiết rất đẹp để những người dân thủ đô đi dạo. Mình cũng như thế, mình đi bộ từ nhà đến gần hàng phở Thìn ngồi uống cà fe ung dung 1 mình, ngắm thiên hạ đi qua đi lại,người quen nhiều lắm. Cả an ninh lẫn bạn biểu tình, nhưng mình làm như không biết gì ai, bởi bây giờ mới 8 giờ 30, còn quá sớm để chào hỏi nhau. Gần 9 giờ đối tượng theo dõi mình ngó vào quán xem mình còn ở đó không. Đối tượng đi theo mình bao lâu, lúc ở Ngĩa Tân, lúc ở Hàng Buồm, rồi Thái Hà, và Hồ Gươm quen đến nỗi mình cũng chả bận tâm. Mình đi sang bên đường , hai tay đút túi cứ tà tà đi giữa hè đường. Đang đi đến chỗ đối diện tượng đài Lý Thái Tổ thì gặp Phạm Văn Phương, Phương Bích, Lê Dũng, Lã Dũng và ông anh trai mình. Cũng chả nói chuyện với ai, mình đút tay vào túi đi tiếp thì thấy xôn xao, ngoái lại thấy Phương bị một đám thanh niên lôi lên xe buýt, đứng nhìn thấy Lê Dũng bị lôi lên tiếp. Bắt


xong bọn bắt người nhìn quanh tìm ai bắt nốt, lúc đó có một thằng đeo kính đen ( thằng này mình có ảnh, sẽ tìm sau ) nó gọi bọn kia chỉ vào mình. Bọn kia lao tới, mình gỡ kính cho vào túi áo khoác sợ sẽ rơi vỡ, 4 thằng kia bám cánh tay mình lôi đi, mình bảo bỏ ra để anh lên. Chúng buông ra ,mình vẫn hai tay đút túi đi lên xe buýt. Đúng là mình không làm gì để bị bắt thế, có bao nhiêu sếp công an ở đấy, họ nhìn mình đứng yên họ cũng thôi bỏ qua. Nhưng cái thằng kia nó thù hằn cá nhân mình vì mấy lần mình chụp ảnh và gườm nhau với nó, nó chỉ bọn choai choai bắt mình. Và điều nữa nếu mình cứ lảng ra thì không bị bắt, nhưng mình đứng đó và chờ bị bắt, và may quá khi các sếp lớn lờ đi thì có thằng quay phim, chụp ảnh lại chỉ bọn kia bắt mình. Nếu không làm sao mình biết nỗi lòng của anh em bị bắt lên xe buýt bao nhiêu lần trước. Lên xe buýt thấy chị Phương, Đoan Trang, Dương thị Xuân, Lã Dũng, Trương Dũng, Lưu Đức, Phương, ông anh trai mình và mấy người nữa. Phương đang bực bội nói việc bị mấy thằng đạp vào ngực. Lê Dũng thì nói về lòng yêu nước bị xúc phạm, còn Trương Dũng thì luôn mồm mắng bọn bắt người. Xe buýt đi nhanh kinh khủng, có xe còi hụ dẫn đường, xe buýt lấn trái, phải, vượt, chèn ngồi trên xe mà phát hoảng cho những người đi xe máy dưới đường. Xe buýt đến trại Lộc Hà- đây là trại phục hồi nhân phẩm dành cho gái làm tiền- Mình than. - Ôi đi ủng hộ thủ tướng mà lại vào trại phục hồi nhân phẩm. Mọi người lùa xuống một khu, có những căn phòng nhỏ, có giường chiều ngồi chờ ở đấy. Công an canh gác hai đầu,


không cho ra, không ai nói làm việc gì cả. Cứ chờ, mình đề phòng sắp tới sẽ cam go lên đi vệ sinh, lúc vệ sinh ra nhìn cái bể nước có song sắt đậy người không chui lọt, mình nhìn mãi khiến mấy tay công an nhìn mình như thắc mắc mình đang nhìn gì mà kỹ thế. Sau đó mình chui vào một phòng, kiếm giường nằm. Lê Dũng nói thằng Gió tù quen rồi, lên nó ngủ ngon thế, giường cán bộ nhé. Lê Dũng nói làm mình bực quá dậy ra sân nói - Đây là khu giam phạm nhân nhé, các ông nhìn kỹ đi, cửa phòng chỉ có chốt ngoài không có chốt trong, bể nước hàn song sắt kín, cửa sổ song sắt nhưng lại chắn thêm bằng tấm nhựa trong dày để không đưa được cái gì ra, vào. Mọi người xem lại, mới à lên, hóa ra là bị vào khu giam biệt lập. Đâu phải nơi làm việc nào. Lê Dũng, Phương, chị Xuân Bích phản đối với đám công an trẻ gác cổng kinh lắm, nói về yêu nước, về luật pháp này nọ, nhưng đám kia nín thinh. Lê Dũng cứ hỏi sao bắt tôi, lý do đâu...chả ai trả lời anh. Thương anh ý hỏi nhiều, mình mới lại dậy ra bảo thôi em đóng vai trả lời, cho anh hỏi. Thế là mình kiếm cái ghế ngồi rất oai cạnh đám công an. Lê Dũng hỏi - Sao bắt tôi vào đây ? Trả lời - Thích thì bắt. Lê Dũng - Bắt tôi luật gì ?


Trả lời - Luật rừng Lê Dũng - Dựa vào đâu, lý do gì ? Trả lời - Dựa vào đây ( mình chỉ vào dùi cui điện của đám công an đứng bên) mày thấy chưa, nói nữa chúng tao dí điện chết mất xác mày luôn. Chúng tao có vũ khí, thích làm gì là làm, mày còn muốn hỏi nữa không. Đám công an thấy mình diễn không đạt hay sao ý, họ chừng mắt nhìn mình, rồi lôi Lê Dũng đi làm việc. Thế là mình ngồi khoanh chân trên cái ghế thì thấy xe buýt thứ hai tới, thằng Quân thò tay ra vẫy vẫy mình. Đám công an thấy mình lởm khởm bèn ưu tiên lôi mình đi làm việc luôn , vừa ra đến nơi đọc tên, cái tay sếp bảo. - Ơ sao đưa vào đây, trường hợp này làm với bên an ninh cơ mà. Lại bị dẫn vào, các cậu dẫn mình vào thì ngạc nhiên, chứ mình thì không. Vì lúc nằm trong phòng chờ mình đã xóa hết những dữ liệu trong điện thoại, nhét thẻ nhớ vào trong bật lửa Zippo, lục ví xem có giấy tờ gì đốt đi, sau đó nằm chờ tình huống sẽ như diễn ra như thế này. Có 3 người đến mình hỏi rất nhã nhặn. - Anh là anh Hiếu phải không ?


Mình gật đầu. Họ bảo anh theo chúng tôi. Vừa lúc ấy anh Tâm gọi điện từ Sài Gòn ra báo anh chụp ảnh ở lãnh sự quán Trung Quốc, bị bọn nó giật mất máy ảnh trước mặt bao nhiêu công an, híc, mình cho anh ý mượn cái ống kính hơi đắt tiền ( quà của một người bạn cho mình ), mình bảo thôi anh, coi như thua bạc đi. Ba người kia không cho nghe điện thoại nữa, họ thu điện thoại, ví , bật lửa, thuốc lá dẫn mình vào một cái xe con. Đưa mình chạy vòng vèo qua cầu Chương Dương, lên chân cầu Thăng Long, rẽ sang Phạm Văn Đồng ra Phạm Hùng rồi vào Hà Đông, đi trên xe hết 1 tiếng thì vào tới số 6 Quang Trung- Hà Đông. Mình bị bàn giao cho 3 người khác, những người này dẫn mình lên tít trên gác, đến cạnh phòng phó thủ trưởng điều tra an ninh tên Hùng thì có một phòng tổng hợp, mình bị đưa vào đó. Họ hỏi mình mấy lần ăn cơm để đi mua, mình bảo thôi mệt không ăn, họ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện ăn cơm, mình nhất quyết không. Mình bảo muốn uống nước trà, họ đi pha và sau đó ngồi chờ. Chờ cái gì mình không hỏi, mình ngồi nhấp nháp trà nhìn những người vây quanh mình. Im lặng, không ai nói gì, mình cũng không hỏi gì, lặng lẽ nhấp trà, hút chậm từng hơi thuốc, nhìn ra cửa sổ về phía xa, đoán xem cái tòa nhà cao tầng đằng kia có phải Kengnam không. Phần 2 Nửa tiếng sau, một người đàn ông cao to, mặt mũi thông minh, sáng sủa bước vào. Anh ta ngồi đối diện tôi, hỏi một lần nữa về chuyện ăn uống, cố gắng mời tôi ăn chút gì đó. Nhưng tôi bảo không muốn ăn, chỉ xin cốc nước đá. Không có đá, tôi uống nước thường.


Phần bắt đầu,anh ta hỏi họ tên, nhân thân, quan hệ anh chị em ruột. Anh ta hỏi tiếp. Tôi lắc đầu nói - Từ sáng đến giờ, tôi bị đưa đi bao nơi, gặp bao người, tôi chưa có ý kiến. Giờ anh nói làm việc, tôi có ý kiến tôi bị bắt vào đây vì lý do gì.? Anh điều tra ( tạm gọi là số 1, bởi vì sau sẽ có nhiều anh khác) - Cơ quan công an TP có bằng chứng cho thấy anh biểu tình tụ tập ở hồ Gươm nên đưa anh về đây ? Tôi hỏi. - Bằng chứng đâu, bằng chứng nào. Đưa phim hay ảnh đây. Thế nào là tụ tập, thế nào là mất trật tự. Anh số 1 - Có bằng chứng chúng tôi mới đưa anh về đây. Tôi - bằng chứng chưa ngụy tạo xong à, đưa luôn đi. Này nhé, tôi từ xa đi lại, hai tay đút túi, không hò hét, không có băng rôn, khẩu hiệu, tôi chỉ lặng lẽ đi không chuyện với ai. Lúc bị bắt tôi đang đứng dựa ghế đá riêng một mình. Anh số 1 - Giờ chúng tôi là cơ an điều tra, đang làm rõ đúng sai, anh cứ


trả lời. Câu hỏi 1 - Vì liên quan đến chuyện này, anh cho biết đêm qua anh ngủ ở đâu, đi bằng gì ra bờ Hồ, anh kể quá trình đi đến những đâu, gặp ai ? Trả lời. - Tôi điên mà kể trước đó tôi ở đâu à, ông hỏi luôn cả tuần trước, năm trước tôi ở đâu thì sao, đêm qua tôi đi cờ bạc, bay , lắc, gái mú giờ tôi đi kể với ông à ? Tôi chỉ kể từ phần tôi đặt chân đến khu vực bờ Hồ thôi. Cán bộ 1 - Được, anh khai từ lúc ra bờ Hồ. Trả lời. Sáng 8 giờ 30 tôi ra đến Hàng Dầu, ăn phở Thìn và ngồi uống ca fe ngay đó. Đến 9 giờ tôi đi sang nhà vệ sinh bên kia đường, chỗ Trần Nguyễn Hãn. Tôi đi bộ thong dong đến đối diện với bưu điện TP bị một lũ con đồ tóm nách xốc lên xe.Lúc đó là 9 giờ 10. Cán bộ 1. - Ai xốc nách anh, anh em ngoài đó bảo anh hai tay đút túi, hiên ngang đi lên xe buýt. Trả lời.


- Tôi thấy chúng nó xô vào tôi, tôi chỉ tháo kính đút túi cho khỏi rơi, khi chúng xốc nách tôi lôi đi mấy bước thì tôi bảo để anh đi lên, bậc xe cao kia bọn em xô đẩy như vậy nhỡ ngã tai nạn đấy, họ buông tay ra thì tôi đi lên từ tốn khỏi ngã thôi. Cán bộ 1 - Anh cho biết anh ra bờ Hồ với mục đích gì, anh ăn mặc gì ? Trả lời - Tôi đi dạo, áo khoác đen, quần bò, giầy da. Hỏi - Anh có thường xuyên đi dạo thế không ? Trả lời - Thường xuyên, nhà tôi gần hồ, rảnh lúc nào tôi đi lúc đó. Hỏi - Nhưng có bằng chứng anh đi cùng với nhiều người tuần hành quanh Hồ Gươm ? Trả lời - Thế tôi đi ra chợ, ông đi ra chợ, thì tôi và ông và bao người khác là đi cùng nhau à. Ở hồ một ngày có bao đoàn khách tham quan từ xa về, ông đi dạo ở hồ có lúc đi nhanh, đi chậm, kiểu gì cũng có lúc sánh vai với đoàn nào đó. Như thế là đi cùng à?


Hỏi - Nhưng mười mấy lần biểu tình trước anh có đi với những người này, anh có tham gia.? Trả lời. - Nếu ông hỏi về mười mấy lần trước thì tôi có đi biểu tình, còn hôm nay tôi không đi, mà hôm nay là làm việc hôm nay. Hỏi - Không có chuyện ngẫu nhiên, lần trước anh đi biểu tình với họ, lần này anh đi với họ, như vậy là anh có tính chuyện biểu tình. Trả lời - Tôi đề nghị anh không suy luận kiểu lắp ghép như thế, không có căn cứ. Chỉ nói chuyện trên hiện trạng sự việc diễn ra thôi. Lần trước tôi còn máy ảnh, máy quay phim, còn hò hét.Lần này tôi không có ý gì nên chỉ người không đi dạo. Hỏi - Anh có biết thông tin kêu gọi biểu tình trên mạng không ? Trả lời - Tôi còn không biết mạng là gì, tôi trình độ chưa hết phổ thông như anh biết đấy, tiền án, tiền sự đầy mình. Kiếm ăn bằng nghề thợ hàn, phu hồ, biết gì về mạng. Thấy người ta cứ nói mạng, mạng nghe loang thoáng vậy thôi.


Cán bộ 1 - Anh dám làm nên dám nhận, những người khác họ làm, họ nhận cả chứ có sợ đâu, sao anh phải chối như thế.? Trả lời. - Anh học thì anh biết, giáo trình có dạy '' bản chất của tội phạm là chối tội đến cùng''. Đến tội phạm nó làm nó còn chối, huống chi tôi không có tội. Cán bộ 1 - Anh hiểu biết thế, mà sao lại nói là không có học. Trả lời - Tôi bị bắt nhiều, nên kinh nghiệm thế thôi. Cán bộ 1 - Khi bị công an thành phố đưa lên xe buýt về Lộc Hà, anh có thấy anh Quân, ls Lê Quốc Quân không ? Trả lời. - À thì ra bọn dân sự bắt người bạo lực ấy là công an thành phố à ? Tôi không biết ai là Lê Quốc Quân hết. Anh cán bộ mang giấy đi sang phòng bên, qua cửa kính mờ ngăn phòng, mình nhìn thấy có người bến đó, chắc là cho sếp xem bản khai và đợi chỉ đạo. Lúc này vẫn còn 2 cậu canh mình, hai cậu này lúc mới tiếp nhận mình ăn nói áp đảo, cục cằn,nhưng sau vào phòng một lát thì dịu dàng mở điều hòa,


pha nước, kiếm gạt tàn. Người ta thường hay bỏ đương sự đột ngột chờ như vậy, để đương sự sốt ruột, bồn chồn, sau đó bất ngờ vào hỏi tiếp. Bài này mình thuộc lắm, cho nên mình đứng dậy xếp ghế vào nhau và lấy áo đắp, ngủ được chừng nửa tiếng. Cán bộ 1 quay lại với tập giấy , đưa mình xem, đó là bài viết của ai đó có ký tên là Người Buôn Gió. Có mười mấy bài viết, trong đó có bài thơ Trẻ Con Ăn Học Để Làm Gì có đoạn.. Học đi con Học đi mà trả nợ Quê hương ta một giải Chúng nó bán hết rồi... Và có bài viết tên là Bài Ca Chế Độ Độc Tài có đoạn Những chế độ độc tài sớm hay muộn đều bị diệt vong, bởi chúng đi ngược lại với quyền lợi chính đáng của dân tộc. Sở dĩ có những chế độ kéo dài được bởi chúng biết cách thay đổi màu sắc để phù hợp hoàn cảnh. Hơn nữa chúng giỏi việc tuyên truyền nhồi nhét vào đầu óc người dân, bưng bít thông tin.Hãy xem bài ca Ăng Ka Vĩ Đại một bài hát mà trẻ em Căm Pu Chia bắt buộc phải thuộc lòng dưới thời Pol Pot: Trước cách mạng,chúng em sống khổ cực như súc vật Chúng em đói rét và khổ đau Nhưng kẻ thù không đếm xỉa gì đến chúng em Chỉ có da bọc xương, gầy guộc và đáng sợ Đêm ngủ trên nền đất Ngày lại đi ăn xin, kiếm tìm thức ăn trong thùng rác Hôm nay, Angka mang tới cho chúng em sức sống


Và hôm nay chúng em được làm người Anh sáng cách mạng, bình đẳng, tự do tỏa sáng vinh quang Ôi Angka chúng em kính yêu Người Chúng em nguyện đi theo con đường cách mạng của Người. Tôi xem qua rồi trả lại, kêu không biết gì về những cái thứ mà anh gọi là tài liệu này. Anh cán bộ 1 hỏi tôi biết Người Buôn Gió không.Tôi bảo không biết nó là thằng nào. Anh cán bộ bảo tôi xem kỹ lại tài liệu đi, tôi bảo xem làm gì chứ, đầu óc một thằng vô học, phu hồ như tôi đọc những thứ này tiêu sao nổi. Tôi chỉ thích xem ca sĩ hở quần lót, cướp giết hiếp trên báo chính thống thôi. Anh cán bộ vừa ghi lời khai vừa nói. - Thế là cái gì cũng không biết à ? Trả lời. - Đúng không biết, không trả lời. Làm gì có chuyện bắt khi người ta đi dạo, về đây lại hỏi sang chuyện khác. Tôi trả lời anh thì chuyện đến cả năm cũng không hết. Tóm lại tôi nói rồi, tôi chỉ trả lời việc từ 9 giờ hôm nay thôi. Việc khác tôi sẽ không biết, không trả lời. Phần 3 Một cán bộ nữ đi vào, cô ta cầm tập hồ sơ dày đến nửa gang tay. Đặt lên bàn, trên phần bìa có chữ hồ sơ Bùi Thanh Hiếu. Mình đã từng nhìn những tập hồ sơ về mình như thế, mỗi nơi họ đều có một bộ riền từ cấp bộ đến cấp phường, từ nam , trung, bắc.. có lẽ bộ hồ sơ ở đây là đầy đặn, phúc hậu nhất. Tập hồ sơ ấy không dùng đến, cũng chả mở ra. Bởi mình đã


nói không làm việc, không trả lời về những gì khác từ 9 giờ sáng ngày hôm nay. Một tốp người nữa vào. Họ ngồi chật phòng. Cán bộ 1 giới thiệu những người kia. Cán bộ 2 già nói - Tôi nghe mọi người nói Hiếu là người sắt đá lắm. Mình cười. - Chắc không thế đâu anh ạ. Mình cười vì mình biết, tí nữa sau câu đấy sẽ có đoạn đang hỏi cung chen vào câu khác là tưởng anh sắt đá thế nào, chứ anh làm mà anh không dám nhận thì vớ vẩn quá. Tất nhiên là mình nghĩ đúng. Thôi vào công an thì chớ nhận anh hùng, cứ em hèn, em nhát, em chối cho nó lành. Cán bộ 3 giở giấy tờ, anh ta cao, gầy dáng nhanh nhẹn, hoạt bát, lúc này cán bộ 1 nói. - Anh Hiếu, giờ cán bộ kỹ thuật sẽ kiểm tra điện thoại của anh, đề nghị anh mở máy lên. Mình đẩy tất cả tư trang của mình trên bàn ra trước mặt, nói rành rọt. - Các anh dùng vũ lực, đưa tôi về đây, giờ thì tự mà lấy điện thoại làm gì thì làm, tôi không đưa cho các anh, không chứng kiến, không xác nhận. Tôi chỉ nhận điện thoại này là của tôi, còn anh làm gì trong đó, tôi không xác nhận vì đây là thư tín cá nhân. Trong đó có thư tình, có tin tôi dọa chém giết ai, chửi


bới ai... tôi phản đối cách các anh bắt tôi về đây, cũng như phản đối tính pháp lý khi anh kiểm tra điện thoại thuộc về thư tín cá nhân của tôi. Các cán bộ nói - Anh không ký, tôi gọi người làm chứng. Trả lời - Việc của các anh, các anh muốn làm gì thì làm. Mình không nhìn, không nghe họ làm gì với hai cái điện thoại. Có chăng là những tin nhắn sau này, còn lúc trước mình xóa hết rồi còn đâu. Lat sau họ chép ra được 3 tờ giấy, đi ra ngoài gọi một người thanh niên vào. Giới thiệu anh này là dân, đến đấy làm chứng. Anh kia giới thiệu tên địa chỉ rồi chuẩn bị ký vào giấy thì mình nói. - Làm chứng thì phải mở điện thoại ra, đối chiếu từng tin nhắn, cuộc gọi, giờ giấc. Định ký luôn à ? Anh cán bộ 1 anh bảo cậu kia xem điện thoại đi. Mình bảo đó là tôi góp ý thôi, chứ còn tôi có liên quan gì đến cái bản đấy đâu. Cán bộ 2 hỏi, cán bộ 3 ghi. - Anh cho biết từ blog Nguyễn Xuân Diện có lời kêu gọi biểu tình hôm chủ nhật 27-11-2011, anh có biết và có tham gia không ? Mình mím môi vì tức giận, mình cố nén bình tĩnh. May sao ngay từ đầu mình đã nói không biết về mạng, về blog. Không


phải mình hèn không dám nhận, mà tại vì nếu nhận thì phải trả lời những câu hỏi liên quan đến người khác, có khi là hại người ta. Mình bĩnh tĩnh rồi mới nói rõ từng câu. - Theo như tôi biết, thì cán bộ điều tra khi lấy lời khai của đương sự, bị can, người làm chứng phải ghi rõ câu trả lời, không được thêm bớt từng dấu chấm, dấu phẩy. Đúng thế không ạ ? Các anh cán bộ đều gật đầu. Mình nói. - Vậy thì đề nghị các anh ghi rõ câu trả lời của tôi ; Tôi phản đối câu hỏi này của cán bộ điều tra vì có tính dẫn dắt, định hướng. Tôi đã nói không biết in te net thì làm sao tôi biết được blog là gì, Nguyễn Xuân Diện là gì. Các cán bộ nói lao xao, đây là câu hỏi của chúng tôi, anh không trả lời, hay trả lời không biết, chúng tôi có kết luận gì đâu. Tôi đòi hỏi họ phải ghi câu hỏi theo trình tự, không được gộp lại. Đầu tiên phải hỏi tôi có vào mạng không, có đọc blog Nguyễn Xuân Diện không, rồi tiếp đến là có đọc bài kêu gọi biểu tình không, rồi đến có tham gia không. Tôi phản đối cách hỏi gộp này vì dễ làm người ta thường trả lời câu cuối là không tham gia, nhưng vô tình bao hàm việc xác nhận là blog Nguyễn Xuân Diện kêu gọi biểu tình. Một câu hỏi rất hiểm, bởi tâm lý người trả lời thường chỉ lo cho bản thân mình, họ nói không tham gia là xong. Nhưng sẽ để lại ý nghĩ rằng có lời kêu gọi nhưng tôi không tham gia. Chính vậy mà mình cảm thấy tức giận. Tranh luận cuối cùng thì thống nhất câu trả lời của mình là. - Tôi không đọc mạng, không biết in te net là gì, không biết blog Nguyễn Xuân Diện thế nào.


Câu hỏi tiếp theo. - Anh có tham gia biểu tình ngày 27-11-2011 tại hồ Gươm không ? Mình lại lằng nhằng. - Anh cho tôi định nghĩa thế nào là biểu tình, biểu tình là cầm khẩu hiệu, hô hét, đi lại nhảy múa hay là ngồi ghế đá một mình là biểu tình. Nếu ngồi ghế đá là biểu tình thì ngày 27-112011 thì tôi có tham gia. Cán bộ 2 - Chúng tôi không có trách nhiệm giải thích cho anh, anh phải hiểu. Trả lời - ơ thế tôi không hiểu định nghĩa về biểu tình, sao tôi trả lời được anh. Cán bộ 3 - Anh cứ nói là không được rồi. Trả lời - vậy thì không ? Hỏi - Anh có quen Nguyễn Xuân Diện không ?


Trả lời - Không ? Hỏi - Anh quen Lê Quốc Quân không ? Trả lời - Không Hỏi - Anh quen Nguyễn Hữu Vinh không Trả lời - Không Cán bộ nói, thế là không tất à. Cán bộ 3 cười nói giễu - Anh kém hơn mấy ông kia, mấy ông kia các ông ý làm các ông ý nhận hết. Những ông dân chủ đều nhận việc mình làm, đấy, làm chính trị thì phải có bản lĩnh thế người ta mới nể. Mình trả lời - Tôi không nhận những gì để ảnh hưởng đến người khác, hơn nữa tôi chỉ là người dân thường, lao động chân tay, học thức hạn chế như hồ sơ cá nhân thể hiện. Và tôi không phải là nhà dân chủ, tôi chỉ là dân đen, hay ngứa mồm miệng tán láo mà


thôi. Phần 4 - Kết thúc Tất nhiên thì chả cần cơ quan an ninh, khối người dân đều biết mình là chủ blog Người Buôn Gió cũng như là bạn của mấy lão to mồm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Xuân Diện, Lê Quốc Quân, và điều nữa là mình cũng chả ra bờ Hồ để đi dạo một mình. Nhưng có điều là mình đang trên đường đi đến chỗ biểu tình. Những biểu hiện từ khi mình đi đến lúc bị bắt không chứng minh được dấu hiệu đi biểu tình. Cho nên việc bắt là vô lý, mà đã bắt vô lý thì cũng chả việc gì phải trả lời những câu hỏi khác. Anh cán bộ 3 hỏi. - nếu anh vô tội, tại sao anh để yên cho người ta bắt anh đi, tôi nghe kể anh không có phản ứng gì ? Trả lời - Bởi vì tôi có xem một đoạn phim, tôi rút ra được vài kinh nghiệm trong trường hợp đó. Anh hỏi thế là suy luận, chả nhẽ tôi không có tội thì tôi buộc phải vùng vẫy, la hét , thanh minh sao ? Anh cán bộ 2 - Xem phim gì ? Trả lời.


- Thật ra đó là một chương trình giáo dục trẻ em trên truyền hình, ban giám khảo có một thượng tá công an, 2 giáo sư. Họ đặt câu hỏi cho học sinh cấp 2 rằng- Nếu trong trường hợp bị một tên côn đồ tấn công, đe dọa buộc phải làm theo ý hắn thì các cháu làm gì- Một học sinh trả lời là sẽ hô hoán mọi người giúp, một học sinh khác thì bảo sẽ mưu trí lừa hắn để thoát ra....một học sịnh thì mặt buồn thiu trả lời khiến khán giả bật cười chế nhạo, cậu bé nói- Cháu mà bị thế, anh ý nói gì cháu nghe tất, bảo đưa cái gì cháu có cháu cũng đưa tất. Kết thúc ông thượng tá công an đứng lên tổng kết. Ông ấy nói rằng cái cậu bé mà nói đưa tất,nghe theo hết là đúng nhất. Vì không thể mạo hiểm tính mạng trong trường hợp gặp côn đồ như vậy. Còn việc đồ bị mất thì còn cơ hội công an tìm lại, chứ mất mạng rồi thì .. Mấy anh cán bộ gật gù - Hay, đoạn phim hay, bởi thế anh rút ra bài học đúng không ? Trả lời. - Đúng, đó là bài học trên phim, còn bài học nữa là ông Trịnh Xuân Tùng vì giao thông không đội mũ bảo hiểm, bị ông Vũ văn Ninh cũng là công an TPHN đánh chết vỡ sọ. Ông Ninh già thế, bao năm trong nghề còn thiếu tự chủ vậy, huống chi các cậu thanh niên trẻ ngoài hồ Gươm bắt tôi. Các cán bộ cười ,lắc đầu. - Nhưng đoạn phim anh kể thì hay đấy. Anh cho biết anh đi biểu tình bao nhiêu lần ở Hồ Gươm Trả lời.


- Tôi đi nhiều lần. Cán bộ 3. - Đấy rõ là lần nào biểu tình anh cũng đi, thế mà lần này có biểu tình anh cũng ra đó, mà anh không nhận là sao. Trả lời. - Nếu anh làm việc về những lần trước thì tôi có nhận tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Còn lần này thì không, vì tôi mới chỉ đi ra đến nơi, chưa kịp có hành động gì gọi là biểu tình thì bị bắt. Nếu các anh để tôi thêm chút nữa thì tôi nhận. Pháp luật chỉ làm việc trên những gì diễn ra thực tế, không thể suy luận trong đầu hay khi nó chưa diễn ra, nhất là không có bằng chứng. Càng không thể kết luận những lần trước tôi đi biểu tình, lần này tôi cũng đi biểu tình được. Cán bộ 3 - Anh biết gì về Phạm Chính, Lã Việt Dũng, Nguyễn Lân Thắng... Trả lời - Tôi không biết gì về họ Hỏi - Sao cái gì anh cũng không biết, bọn anh vẫn đi với nhau mà.? Trả lời.


- Đến Người Buôn Gió ( nhấn mạnh) tôi còn không biết, vậy thì tôi còn biết ai ? Cán bộ cười. - Chúng tôi có bằng chứng hết, nhưng việc hỏi anh là hỏi anh thôi, anh trả lời không biết cũng được. Trả lời - Nếu các anh muốn hỏi về điều gì, xin giải quyết xong lý do bắt tôi ngày hôm nay. Sau đó các anh có thể đưa tôi về nhà, đưa giấy triệu tập nói rõ lý do là làm việc với cơ quan an ninh về quan hệ với Nguyễn Hữu Vinh, về Lê Quốc Quân, về Nguyễn Xuân Diện hay về blog Người Buôn Gió. Có thể tôi sẽ xác nhận và trả lời blog của tôi, những người kia tôi có quen..nhưng hôm nay thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi khác ngoài việc từ 9 giờ sáng hôm nay. Cán bộ 3. - Vậy là có giấy triệu tập, anh sẽ đi. Trả lời. - Tôi đã nhận nhiều giấy triệu tập, chưa bao giờ tôi không đi cũng như chưa bao giờ không đi đúng giờ. Các cán bộ bảo nhau - Thế thì làm giấy triệu tập. Nói xong họ đứng lên đi hết, còn lại hai cậu bảo vệ, canh gác


ngồi lại với tôi. Lát sau cán bộ 1 quay vào nói - Anh Hiếu này, anh ăn gì đi, trời tối rồi, ngay bên kia có bánh mỳ ngon lắm, tôi gọi 5 phút họ mang vào đây. Trả lời. - Thôi, có gì chốc nữa tôi ăn. Mấy cán bộ kia vào, pha thêm ấm trà, nói chuyện với tôi về cái nhìn, quan điểm trong vấn đề thời sự xảy ra tại thủ đô, biểu tình chống TQ, đòi đất ở Thái Hà. Về biểu tình chống TQ thì quan điểm tôi là yêu nước, hoan nghênh. Về chuyện đòi đất Thái Hà thì tôi quan điểm rằng có mượn thì người ta mới đòi, xưa nay không ai đi đòi nợ người không vay mình. Các anh cán bộ trích dẫn nhiều điều luật, nghị định để thuyết phục rằng tôi đã sai. Tôi nói rằng đây là quan điểm của tôi là thế, các anh hỏi tôi trả lời. Còn quan điểm, luật lệ của các anh tôi cũng xin nghe và không có ý kiến gì hết. Gần 7 giờ tối. Các cán bộ tới tấp điện thoại của gia đình..con chưa về được, anh còn đang làm..em đón con đi anh bận.. Mình vẫn ngồi nhởn nhơ. Cán bộ hỏi - Thế anh cứ thế này mãi, vợ con không sốt ruột à, còn việc nhà chứ. Trả lời. - Vợ con tôi quen rồi.


Hỏi - Chắc là vợ anh đồng tình với anh, chứ không đời nào vợ anh cho đi làm thế. Trả lời - Vợ tôi chán tôi rồi, không nói nữa. Các cán bộ nói - Thôi anh về chăm lo gia đình, làm ăn, đừng dây mấy cái chuyện này. Giải quyết được gì đâu, chỉ gây xáo trộn,rối loạn trật tự xã hội.... Mình chả nói gì, ngồi nghe đến 7 giờ tối. Cán bộ rút hết, hai cậu canh gác dẫn mình xuống dưới, đến phòng của một phó thủ trưởng an ninh điều tra khác, thấy thằng Quân đi ra, mặt nó đỏ gay, mồm miệng cáu gắt. Cán bộ dẫn mình nói. - Thôi tránh nó ra, sang phòng này. Quân đi rồi, họ lôi lại phòng của phó thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra, hình như tên Khanh thì phải. Bảo mình ngồi ghế, một cán bộ lấy ra hai tờ giầy cầm trước mặt hỏi. - Anh có phải Bùi Thanh Hiếu, ở 22 Phất Lộc không ? Trả lời - Đúng Cán bộ nói


- Anh nghe quyết định phạt hành chính. Công an quận HK...phó công an quận...Tuấn...ra quyết định xử phạt hành chính....tội tụ tập , gây rối...hình thức cảnh cáo. Cán bộ đọc xong cất giấy luôn. Mình vớ tay định giằng nói - Anh cho tôi xem chứ, để tôi biết rõ ai ra quyết định tôi kiện. Cán bộ - Anh về Hoàn Kiếm hỏi. Mình luống cuống với cái giấy bút trên bàn nói - Anh cho tôi xem, để tôi ghi lại chi tiết, không thì anh đọc tôi nghe. Cán bộ xếp hồ sơ đi thẳng, mình đứng dậy hấp tấp hỏi cán bộ Khanh. - Thế không ký biên bản phạt hành chính à, anh bảo anh kia đưa tôi xem biên bản nào. Anh Khanh quay lưng nói. - Về quận hỏi, ở đây chúng tôi không biết. Anh đi luôn. Mình thấy không còn ai, mò mãi mới thấy lối ra cổng. Mà từ lúc mình từ phòng đấy đi ra cổng chính chả có ai, cơ quan công an gì mà để đương sự đi tự do thế. Thậm chí ra đến cổng chính có barie có mấy người gác ngồi bên trong. Họ quay mặt


đi, mình đi ra chả thấy ai hỏi. Đứng ở cổng lại thấy '' đuôi'' ở hè đường. Quay lại thấy thằng Quân, nó bắt tay ôm mình, khoác vai ngay trước cổng công an. Mình ghé tai nó bảo. - Tôi vừa bảo đéo quen biết gì ông, thế mà ra khỏi cổng hai thằng lại thế này. Quân bảo. - Tôi không trả lời gì hết, không nhận gì hết Mình. - Thế mà công an bảo tôi là ông nhận hết là đi biểu tình, hài thật. Hóa ra mình cả Quân là hai thằng về cuối cùng của ngày hôm ấy. Đi tới đầu đường đã thấy anh em, chiến hữu ngồi cả đống, đủ mặt Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chính, Lã Dũng, Lê Dũng, Kim Tiến, Lân Thắng, Phương Bich......cả lũ ôm nhau. Người cười, kẻ rớm lệ....


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.