Đề xuất cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch Việt Nam liệu có hợp lý?

Page 1

Đề xuất cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch Việt Nam liệu có hợp lý? 1. Cho người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản du lịch – Nên hay không? Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người nước ngoài chỉ được mua và sở hữu nhà ở (quy định trong Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở), cụ thể: Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% tổng số lượng căn hộ tại tòa nhà chung cư, tối đa 250 hoặc 10% căn nhà thấp tầng tại dự án nhà ở. Riêng với cá nhân nước ngoài sẽ được sở hữu nhà không quá 50 năm và được phép gia hạn thêm tối đa 50 năm. Theo đó, luật pháp chưa quy quy định người nước ngoài sở hữu loại hình bất động sản du lịch tại Việt Nam. Bởi vậy, Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan đang nghiên cứu, kiến nghị trình Thủ tướng sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở cho người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài trong mỗi tòa chung cư. Đồng thời, đề xuất cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam. Đề xuất này không phải là không có căn cứ. Bởi lẽ, nhìn rộng hơn, tại một số nước Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia,… đều đã có quy định cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng. Chẳng hạn, Malaysia còn có hẳn chương trình “Malaysia my second home” để thúc đẩy mua bất động sản nghỉ dưỡng của người nước ngoài đã sinh sống 10 năm. Theo Luật nhà ở 2014, cá nhân, tổ chức người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam đã đem lại tín hiệu rất tích cực cho thị trường bất động sản cao cấp và hạng sang. Kể từ năm 2015 đến nay, nguồn cung căn hộ cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM liên tục tăng mạnh và hấp thụ tốt.


Cụ thể, CBRE Việt Nam ghi nhận giá căn hộ cao cấp ở trung tâm luôn có mức tăng trưởng khá nhanh (tăng 17% vào năm 2018 và dự báo sẽ tăng thêm 10% trong năm 2020) với tỷ lệ hấp thụ tới 90%. Dễ nhận thấy, đây là chiến lược kích cầu tốt và khả thi cho phân khúc bất động sản cao cấp nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh bất động sản du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, phần đông giới chuyên gia trong ngành ủng hộ đề xuất trên của Bộ Xây dựng và cho rằng nó sẽ có tác động tích cực đến loại hình bất động sản này.

Đề xuất cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam được phần đông giới chuyên gia ủng hộ

2. Chuyên gia địa ốc nói gì? Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – ông Nguyễn Văn Đính cho biết, Việt Nam đang đứng Top 3 về năng lực cạnh tranh du lịch, mục tiêu đón 30 – 35 triệu khách quốc tế vào năm 2030. Đây được coi là một thách thức lớn bởi cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp tại Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.


Còn về việc cho người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản du lịch, ông Đính cho rằng các đối tượng đó cũng chỉ là nhà đầu tư thứ cấp nên việc thu hút nguồn vốn từ đề xuất này cũng là cách để nâng cao hạ tầng cho ngành du lịch. Do vậy, để người nước ngoài mua biệt thự du lịch hay condotel trong các dự án bất động sản du lịch rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, các đối tượng đó không được phép làm thay đổi bản chất của phân khúc và buộc phải tham gia kinh doanh dự án đó. Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, cho người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản du lịch tại Việt Nam là việc nên làm. Chúng ta đang kêu gọi đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, vậy tại sao lại cấm người nước ngoài sở hữu bất động sản, bao gồm cả bất động sản du lịch. “Tuy nhiên, việc mua bán, sở hữu bao nhiêu bất động sản du lịch phải dựa vào việc quản lý về mặt an ninh chính trị, tránh tạo nên tổ hợp ảnh hưởng đến vấn đề an ninh hoặc các vị trí xung yếu”, ông Khương nhấn mạnh. Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đã chỉ ra các điểm lợi khi cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua bất động sản du lịch Việt Nam như: Ngoài việc gỡ khó cho thị trường bất động sản du lịch thì dưới góc nhìn thương mại, việc mua ở, đầu tư phân khúc này cũng được coi là hình thức xuất khẩu tại chỗ, miễn sao là chúng ta kiểm soát được an ninh chính trị và người mua hoàn thành được nghĩa vụ thuế, phí theo quy định của nước sở tại, chứng minh được dòng tiền mua là tiền sạch (không phải rửa tiền). Thậm chí, theo ông Khương, việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam được coi như hình thức lưu trú hợp pháp, cải thiện hệ thống tiêu dùng và dòng tiền chạy về Việt Nam ở các lĩnh vực khác cũng tốt theo. “Chúng ta đang ở nền kinh tế thị trường, mỗi phân khúc đều có nhu cầu riêng. Nhu cầu người nước ngoài sở hữu bất động Việt Nam còn rất lớn, ở cả phân khúc nhà ở lẫn du lịch. Thay vì họ phải nhờ người thân đứng tên để mua, thì giờ đây, cần có thêm cơ chế để họ được mua, được sở hữu bất động sản hợp pháp, giúp kích thích cho nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, tôi cũng luôn nhấn mạnh, về mặt quản lý, chúng ta phải đảm bảo được yếu tố về an ninh chính trị, tránh các vị trí xung yếu”, ông Khương chia sẻ.


Để người nước ngoài mua biệt thự du lịch hay condotel trong các dự án bất động sản du lịch rất đáng khuyến khích Còn theo ông Nguyễn Đình Trung – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, đứng ở góc độ của người kinh doanh bất động sản, Nhà nước cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng là hoàn toàn có lợi. Ngoài việc đối tượng khách hàng được mở rộng cả trong và ngoài nước, khách hàng quốc tế còn kích thích các chủ đầu tư mạnh dạn chi tiền để nâng cao chất lượng sản phẩm trong các phân khúc cao cấp. Theo ông Trung, một khi ngành bất động sản du lịch có cơ hội phát triển thì du lịch Việt Nam cũng sẽ có được thứ hạng cao trong mắt bạn bè quốc tế, người dân địa phương sẽ có thêm việc làm và có thu nhập cao hơn. Ông cho rằng, về mặt tổng thể thì đề xuất này là cơ sở và đòn bẩy quan trọng cho ngành bất động sản du lịch phát triển cả về chất và lượng, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế và đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản cả nước nói chung, bất động sản du lịch nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề


bởi dịch Covid-19. Giao dịch sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước, tồn kho lớn, chủ yếu là căn hộ du lịch, căn hộ cao cấp. Theo các chuyên gia, việc sửa Luật để người nước ngoài có thể sở hữu bất động sản du lịch Việt Nam là một giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, nên được tính toán đường dài chứ không phải là câu chuyện trước mắt.


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.