
10 minute read
Lời dẫn chuyện
Dân gian xưa, mỗi khi gia đình nào sinh con khó nuôi, người ta thường gửi vào chùa, xin bùa bình an, trừ tà. Hoặc khi gặp trường hợp này, ba mẹ ông bà thường đặt tên cho con xấu xí, khó nghe. Có khi họ thay đổi cả giới tính khi gọi tên con cháu mình, để đánh lừa ma quỷ khỏi bám đuổi bắt chúng theo về với cõi âm. Có lẽ phong tục ấy không chỉ xảy ra trong dân gian, mà ngay ở chốn cung cấm cũng vậy.
Tương truyền rằng từ thời các chúa Nguyễn, có những vị sinh bao nhiêu con trai đều chết hết. Từ đó, phủ chúa có lệnh cấm gọi các ông hoàng là đức ông này đức ông kia, mà thay vào đó phải gọi họ là Mệ hay Mụ. Giới quý tộc Nguyễn thay đổi giới tính con cháu mình trong tên gọi đúng như phong tục, nhưng vẫn cố giữ danh phận cao quý của dòng dõi thế thiên hành đạo, chứ không giải quyết theo cách của dân gian.
Advertisement
Mệ là cách gọi của người Huế để chỉ người đã sinh ra ba mẹ mình (mệ nội, mệ ngoại) tương đương với ông bà nội
Đời của Mệ ngoại thường dùng ở đàng Ngoài. Mệ hay Mụ còn là tên gọi nhằm chỉ những quý bà ngang tầm tuổi với ông bà mình.
Gọi là Mụ trong quan niệm người Huế xưa không hề mang ý nghĩa xúc phạm hay khinh khi theo kiểu mụ này mụ nọ, mà xem họ là chị em hay đồng trang lứa với ông bà mình. Theo thời gian, “Các Mệ - các Mụ” là từ thông dụng để chỉ tầng lớp quý tộc Nguyễn, các hoàng thân cư trú trong nội, ngoại thành hoặc ở những phủ đệ quanh Huế.
Ở Huế, lưu truyền nhiều giai thoại về tầng lớp quý tộc
Nguyễn, mà người ở đây gọi là “chuyện các Mệ”. Đó là những mẩu chuyện vui, ý nhị nhưng cũng đượm chất bi hài; phản ánh sự giằng co giữa danh phận và thực tế trong giai tầng quý tộc đương thời.
Vòng “nguyệt quế” mà lịch sử đã dành cho giới hoàng thân Nguyễn trải qua biết bao thăng trầm. Dù chế độ phong kiến không còn nữa, thì ảo ảnh và dư hương ấy vẫn không thể rời khỏi tư thế và nếp nghĩ của Mệ. Cho nên, một số Mệ hiện nay vẫn luôn ý thức giữ đúng danh phận là dòng dõi con vua, cháu chúa. Họ thể hiện trong nếp sinh hoạt, nói năng, phong thái lẫn việc ứng xử của mình.
Những ngày mà triều đình nhà Nguyễn đã mất hết thực quyền trước thực dân Pháp, Mệ vốn nghèo lại càng nghèo.
Tuy vậy, Mệ có thể mặc áo cũ, áo vá, nhưng phải trên nền gấm, nhiễu… quý phái, xa hoa. Mệ dù mất chất uy vũ của dòng dõi thế thiên hành đạo, nhưng tác phong vẫn phải đường bệ, ngôn ngữ cũng phải hào sảng, hý lộng, mang khẩu khí của bậc trưởng thượng, bề trên…
Những lo toan đời thường, phải được “Mệ” tảng lờ, như chưa hề mảy may vướng bận. Người trong phủ đệ dù có ăn rau, nhưng với thành cao, cổng kín, không ai dám loạn ngôn nói điều nghi hoặc.
Mệ vờ xem thường bả vinh hoa, cho dù phải đoạn trường với nỗi ấy. Phải ban tặng khi cần thiết, cho dù, vật ban tặng người khác, Mệ chẳng thể nào đủ sức để sắm lại.
Phải biết bông đùa hoá những lúc đám “bách tánh” thấy được mảnh đời vá víu rất thật ở đằng sau cuộc sống của Mệ.
Để sau đó Mệ một mình
“
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hương”
Càng về sau, Mệ “vi hành” càng nhiều, sống gần gũi với dân; chia sẻ nhiều điều với chủ và khách các quán rượu, quán nước, hàng rong... Mệ đã phải sống như vậy, cần sống như vậy. Và trong một chừng mực nào đó, đã tạo nên lối ứng xử đặc thù, lan toả ảnh hưởng đến làng trên, xóm dưới.
Từ đó chất “Mệ” thâm nhập vào dân cư và xã hội chốn kinh kỳ. Nơi mọi người đã cùng với “Mệ” chứng kiến những ngày tháng vinh hoa lẫn thời điểm suy tàn của triều đại. Ai cũng có xu hướng cảm thấy cần đánh thức, làm sống dậy phong độ lịch lãm, quyền quý một thời.
Đời của Mệ
“Mệ” Huế từ đó bỗng dưng trở thành từ gọi không chính thức, nhưng thường được sử dụng, nhất là khi người ngoại tỉnh muốn so sánh tính cách người Huế với nơi khác. Nó vừa bao hàm ý nghĩa thân mật, pha chút dí dỏm, nhưng, không phải không có dụng ý của người so sánh.
Người sống chốn kinh kỳ Huế, không chỉ là các hoàng thân, đây còn là nơi hội tụ của quan lại, của những người đỗ đạt, thành danh từ khắp nơi. Là chốn tụ cư của tầng lớp thượng lưu, nghệ sĩ, hoặc, những kẻ có chút danh vị trên nhiều lĩnh vực khác nhau... Trong xã hội phong kiến Nguyễn, địa vị của các đối tượng ấy có thể không cùng nguồn gốc xuất thân, nhưng, họ cùng thấm đẫm ân sủng của thời đại.
Họ có cùng thân phận và tâm trạng của lớp chứng nhân quyền quý thuở giao thời.
Để bảo vệ nếp quyền quý mà thời gian và lịch sử đe doạ tước mất, không gì hơn là họ tự tạo “vầng sáng” cho mình bằng một hệ ứng xử xã hội, đồng bộ với thân phận một cách dường như thật. Cách sống ấy vẫn rất ấn tượng đối với mọi người và tạo nên một sức lan toả nhất định.
Nếp nghĩ, lối sống của một cộng đồng dù lớn, dù nhỏ, khi đã ngưng đọng thành cách ứng xử mang tính văn hoá, chúng thường không dễ đánh mất, mà tái hiện một cách phù hợp trong điều kiện sống mới.
Vì nhiều lý do, ngoại trừ Vua, những thành viên của hoàng tộc nhà Nguyễn không tham chính nhiều. Họ thường được giáo dục chữ nghĩa, kiến thức, lễ nghi trong cung cấm nhiều hơn là trở thành sĩ tử để ứng thí trong các kỳ thi. Vì vậy, không nhiều trong số họ trở thành tầng lớp quan lại quý tộc. Lối sống thiên về chiều hướng ngã mạn, xuất phát từ dòng dõi được dịp thể hiện bằng cách này hay cách khác.
Không thiếu những ông hoàng tài hoa, chữ nghĩa đầy mình, bộc lộ năng khiếu của mình trên nhiều lĩnh vực, một số khác sống phóng khoáng bất chấp trong tâm trạng chính danh nhưng hư quyền, và không phải không có những vị thỏa hiệp với đại chúng để luôn được nói, được làm điều mình thích, và được thừa nhận một cách ưu ái trong mắt mọi người. Bởi vì Mệ lập công hay mang tội thì chỉ có Tôn nhơn phủ được quyền phán xử, chứ chẳng ai được phép can thiệp vào.
Kinh đô Huế, được xem là cứ điểm cuối cùng của bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam. Chất nệ cổ theo tinh thần Nho giáo, vì thế, vẫn có lý do khách quan, tồn tại dai dẳng hơn các vùng khác: - Phụ nữ Huế vẫn ngại ngùng hơn khi phát huy thế đối ngoại. - Dư luận Huế vẫn khắt khe hơn với lối sống vọng ngoại. Từ đó, hệ quả là hình thành ở con người nơi đây một lối sống cân nhắc và ngần ngại trong quá trình tiếp thu cái mới. Cái mới ở đây phải được hiểu bao gồm cả cái hay lẫn cái dở, cái thích hợp lẫn không thích hợp.
Huế e ngại, cân nhắc với cái mới quá đáng là một thiệt thòi. Nhưng mặt khác, chúng lại có điều kiện để thanh lọc trong tiếp nhận, cũng như giữ gìn bền vững hơn những giá trị truyền thống.
Đời của Mệ
Ở Kim Long hiện nay có một ngôi nhà vườn đẹp, do chủ nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, nên điểm dừng chân này có tên là nhà hàng “Thả om”. Thả om cũng chính là tiêu đề của một mẩu giai thoại điển hình về chân dung các Mệ thuở phong kiến mạt kỳ:
Suốt cả ngày dường như vô ý, “Mệ” mải mê ngâm thơ, đánh cờ, đàn ca, hàn huyên,… nên chỉ qua loa củ khoai, miếng sắn đến quên bữa. Cho đến khi trời tối mịt, “Mệ” mới thủng thỉnh bỏ lon gạo duy nhất còn lại vào chiếc om đất, lò mò xuống sông. Trên tay “Mệ” là cây đèn sáp lập loè do tay run vì đói. “Mệ” không muốn ai nhìn thấy cảnh này. Nhưng vô tình, hôm ấy, bến sông vẫn còn người.
Một trong đám dân đen lên tiếng:
- Bẩm Mệ, đêm hôm khuya khoắt, Mệ còn xuống sông làm chi. Lỡ không may vấp bổ (té, ngã) thì khốn. Chuyện đã đến nước này, mệ đường bệ trả lời thủng thẳng, chất giọng ngang tàng:
- Đứa mô rứa bây? Hôm ni tự nhiên tức cảnh sinh tình, tau muốn xuống đây thả cây đèn cho vui. U chà, mặt sông đêm có lung linh ánh bạch lạp (nến, sáp), tụi bây mới thấy hết cái đẹp của Huế mình. Nói xong, “Mệ” thở phào nhẹ nhõm, tay cầm cây đèn sáp cắm vào om gạo và thả chúng lênh đênh trên sông. Bữa cơm tối của Mệ cũng đang trôi trên sông.
Mệ cố giữ giọng bình thản:
- Tụi bây thấy răng? Đẹp không?
Mọi người không nói ra, nhưng ai cũng hiểu. Mệ là vậy!
Cũng có khi Mệ bốc đồng “nựng” một bà quả phụ hơ hớ, bị đối phương phản ứng, Mệ bình tĩnh lấy lại phong độ đường bệ:
- Tau thử mi đọ (đó)! Nếu mà ngồi yên thì đúng là nòi trắc nết. Phản ứng như mi mới là phụ nữ đoan chính.
Giỏi! Giỏi!
Mệ có khi túng quẫn, nhận bán giúp xấp gấm cho một cô chủ quán. Tiền bán được Mệ mời người quen uống rượu bất chấp. Ai có sức bao nhiêu cứ uống là Mệ vui.
Đến ngày chủ quán đòi tiền, Mệ dõng dạc:
-Tau quăng nó đi rồi, đồ gấm giả tào lao bị tụi nó lừa mà cũng đòi bán với buôn. Ở phủ còn khối thứ gấm, the, lĩnh, đoạn... Mai nhắc tau, tau đưa cho mỗi thứ vài xấp, rồi nhìn thật kỹ mà học tập đâu chân, đâu giả, để lần sau khỏi bị lừa nghe chưa.
Thật tình chẳng ai đánh giá Mệ là người không đứng đắn, và rõ ràng những giai thoại ấy trong thực tế chưa chắc đã có thật, nhưng người Huế thích nhấn mạnh đến một type người ngang tàng và có chút gì đó oái oăm, bi hài. Bởi có như vậy mới là Mệ...
Theo tôi, phủ đệ và con người sống trong phủ đệ chính là chiếc cầu nối tạo nên chất tương tác trong văn hoá quý tộc và dân gian Huế.
Đời của Mệ
“Mệ” thường xuyên “vi hành” để tìm nguồn vui, cũng như tìm cách bù đắp những nhu cầu vật chất và tinh thần trong dân gian theo cách của “Mệ”, thì ngược lại, tính cách
“Mệ” qua sự giao lưu thường xuyên với dân gian, cũng tạo nên ảnh hưởng không nhỏ trong lớp đại chúng những cách ứng xử tương đồng.
Vị chủ soái của Hương Bình Thi Xã, quốc lão đại thần
Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) đã từng nói về mình với nhiều sở thích rất dân gian:
Vỹ Dạ thôn có lão vương tôn là Thúc Giạ.
Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo, hò khoan.
Ham vui điệu cổ thi đàn
Nghe câu tuyệt xướng, muôn vàng cũng mua.
Với những gì vừa bàn, chất “Mệ” theo thời gian không còn là thứ “đặc sản” của giới quý tộc Nguyễn, mà chúng lan toả trong dân gian, tạo nên tính cách con người một vùng đất. Nói điều này, tôi hoàn toàn không có ý phê phán trên góc độ đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu mà chỉ đơn thuần xem đó là một đặc điểm, một di sản văn hoá đầy ấn tượng.
Tất nhiên, những đặc điểm ấy tự nó cũng hàm chứa nhiều thử thách trong quá trình hội nhập và phát triển đối với người Huế trên nhiều lĩnh vực.
Thật ra hai cách nhìn giữa “tôi trước” và “tôi sau” không hề đối lập nhau. Cũng nội dung ấy, tuỳ âm điệu và cách diễn đạt có thể làm cho người nghe cảm thấy ý vị hay cười khẩy, thích thú hay thương cảm, thấu hiểu hay khúc mắc... Đối với tôi, tất cả đều không thành vấn đề. Không phải vì tôi gắn với Huế mà binh vực hay nhắm mắt bảo vệ những điều không phải, mà luôn cho rằng, sự góp mặt đa dạng nét đặc trưng mang tính khí con người của từng vùng miền, từng địa phương, là một cách làm phong phú thêm cho văn hoá dân tộc.
Có lẽ vì vậy mới có những đúc kết không hẳn đúng, nhưng chẳng ai thắc mắc về tính chính xác hoặc mang tinh thần phê phán:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co
Bình Định hay lo
Thừa Thiên lũm (nhét tất cả vào) hết”
Tôi cũng chẳng hỉnh mũi to như quả cà chua khi nghe khúc: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được... ”, và cũng chẳng thắc mắc với cách nhìn của Thu Bồn:
“Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ...
... Con sông dùng dằng con sông không chảy của Mệ
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...
Và hoàn toàn không tự ái hay bực bội với nhận xét “Huế thơ, Huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu”.
Thì ra cái xứ này muôn đời vẫn thế. Thi lão Bùi Giáng thật là đáo để:
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.