7 minute read

Xây dựng văn hóa niềm tin

MINH MINH (tổng hợp)

Niềm tin là yếu tố thiết yếu trong các mối quan hệ tại nơi làm việc, có ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng, khả năng giữ chân và thậm chí là cả năng suất của cán bộ nhân viên.

Advertisement

BIDV mới đây đã ban hành Sổ tay văn hóa BIDV với 5 giá trị văn hóa cốt lõi bao gồm: Trí tuệ, Niềm tin, Liêm chính, Chuyên nghiệp và Khát vọng

(iBIDV). Đối với giá trị “Niềm tin”, lãnh đạo và cán bộ nhân viên BIDV hiểu rằng niềm tin, sự tín nhiệm của khách hàng, đối tác, cộng đồng và của chính họ là nền tảng cho mọi thành công trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, mỗi người không ngừng tận tâm, trách nhiệm trong mọi hoạt động, thực hiện đúng, đủ và hiệu quả mọi cam kết, thỏa thuận do BIDV đưa ra. Mỗi hành động đều dựa trên căn cứ xác thực, giữ lời hứa, nói đi đôi với làm; tiếp nối các thế hệ đi trước bồi đắp cho lối sống nhân văn, trân trọng những điều tốt đẹp.

Theo Hiệp hội Đào tạo kinh doanh quốc tế (IBTA) - Hoa Kỳ, một tổ chức tốt là một tổ chức có nền văn hóa doanh nghiệp dựa trên năng lực, sự tin cậy, giao tiếp thân thiện, hướng các thành viên đến một tầm nhìn chung. Khi làm việc trong một tổ chức mà có ít hoặc không có sự tin tưởng giữa lãnh đạo và nhân viên hay giữa các nhân viên với nhau sẽ gây ra sự căng thẳng và dễ có xung đột. Thiếu niềm tin đồng nghĩa với môi trường làm việc thù địch, hiệu suất công việc hạn chế, tư tưởng của nhân viên không kiên định, dẫn đến sự bất ổn của tổ chức.

Theo kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu năm 2016, 55% người được khảo sát cho biết sự thiếu niềm tin là mối đe dọa đối với khả năng phát triển của tổ chức. Theo một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Harvard Business Review, những người làm việc trong doanh nghiệp có niềm tin cao cho thấy ít bị stress hơn 74% so với những người làm việc ở những nơi có niềm tin thấp, và có mức độ năng lượng khi làm việc cao hơn 106%, 76% gắn kết hơn và 29% thỏa mãn hơn với cuộc sống của họ. Tất cả những yếu tố này thúc đẩy hiệu suất làm việc mạnh mẽ hơn. Và như vậy, dường như niềm tin là yếu tố cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Việc tạo dựng niềm tin trong tổ chức đều xuất phát từ sự tin cậy và niềm tin trong kinh doanh, niềm tin vào bản thân, niềm tin vào lãnh đạo, niềm tin vào nhân viên, niềm tin vào công việc và sản phẩm. Vậy, làm thế nào để xây dựng văn hóa niềm tin trong doanh nghiệp? Dưới đây là một số gợi ý.

Trước hết, doanh nghiệp cần minh bạch và chia sẻ thông tin. Doanh nghiệp minh bạch là doanh nghiệp luôn thấu hiểu, đề cao và thực hiện có hiệu quả việc chia sẻ thẳng thắn và rõ ràng về tầm nhìn - sứ mệnh - giá trị cốt lõi, chiến lược, quy trình hoạt động và mọi kết quả đạt được của doanh nghiệp lẫn nhân viên. Theo Harvard Business Review, chỉ có 40% nhân viên có đầy đủ thông tin về các mục tiêu của doanh nghiệp. Sự không rõ ràng về định hướng của doanh nghiệp hoặc sự không nhất quán trong các thông điệp dẫn đến vấn đề căng thẳng giữa nhân viên và làm xói mòn lòng tin giữa nhân viên và đội ngũ quản lý. Việc đảm bảo rằng nhân viên nắm rõ về các mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới và cách thức thực hiện những mục tiêu đó sẽ giúp tạo nên một đội ngũ gắn bó hơn, cảm thấy mình là một phần của doanh nghiệp, cùng chung mục đích, từ đó giúp xây dựng niềm tin trong doanh nghiệp, giúp nhân viên thêm động lực làm việc hiệu quả hơn.

Thứ hai, doanh nghiệp cần ghi nhận sự đóng góp của mỗi cá nhân. Theo Harvard Business Review, sự ghi nhận có tác động lớn đến sự tin cậy. Cần nỗ lực để đảm bảo rằng mọi nhân viên ở các bộ phận đều được ghi nhận sự đóng góp của họ. Sự ghi nhận này giúp đảm bảo rằng nhân viên không phải là người thừa trong tổ chức. Bằng cách kể những câu chuyện thành công và nêu bật công việc đang được thực hiện trong toàn doanh nghiệp, chúng ta có thể tạo dựng niềm tin và sự gắn kết của nhân viên với sứ mệnh lớn của doanh nghiệp bằng cách thể hiện ý nghĩa của những đóng góp quan trọng này đối với các mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp cần cho phép sự thất bại. Hãy tưởng tượng bạn làm việc trong một môi trường mà bạn quá sợ hãi khi thử một điều gì đó mới mẻ bởi thất bại đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị khiển trách hoặc nặng hơn là thôi việc. Doanh nghiệp cần có chính sách chấp nhận sự thất bại, thậm chí có thể thêm những câu chuyện hài hước đối với những sai lầm đó. Sai lầm cũng là cách để nhân viên hiểu thêm điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả. Cho phép nhân viên học hỏi thông qua thất bại sẽ giúp củng cố niềm tin rằng doanh nghiệp luôn khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.

Thứ tư, hãy giữ lời. Niềm tin không được tạo dựng trong một sớm một chiều hay trong một cuộc họp, mà là thứ được tạo dựng và bồi đắp qua thời gian thông qua mọi tương tác mà nhân viên có với các thành viên khác trong nhóm. Khuyến khích mọi người trong công ty trung thực với lời nói của họ. Nếu bạn lên lịch gặp ai đó, hãy chắc chắn rằng bạn có mặt. Nếu bạn nói rằng bạn sẽ hoàn thành một việc gì đó, hãy làm điều đó. Xây dựng văn hóa niềm tin bắt đầu từ những hành động nhỏ này.

Không kém phần quan trọng, đó là sự thân tình, cởi mở. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể bồi đắp văn hóa niềm tin bằng cách khuyến khích nhân viên cởi mở và thành thật về các mục tiêu nghề nghiệp của họ; khuyến khích các cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn về con đường sự nghiệp, cơ hội của nhân viên, lắng nghe từng thành viên và thấu hiểu họ một cách nhân văn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin.

Một doanh nghiệp tốt là doanh nghiệp trong đó mỗi thành viên phấn đấu vì một mục tiêu chung, cởi mở chia sẻ thông tin, tôn trọng đồng nghiệp và lãnh đạo, giao tiếp trung thực và thân thiện… Tất cả những điều ấy đều phải khởi nguồn từ niềm tin.