11 minute read

1.2. Lý thuyết hành động ngôn ngữ

để hồi đáp cho phù hợp. Từ xưng hô cũng phần nào phản ánh đặc điểm tính cách, văn hóa giao tiếp của nhân vật. Vì vậy, khi nghiên cứu về hành động hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường vấn đề xưng hô không thể không nói đến. Vấn đề này được xem xét qua cuộc thoại trực tiếp, gián tiếp và cặp thoại hẫng trong chương 2 và chương 3 của luận văn.

1.2. Lý thuyết hành động ngôn ngữ

Advertisement

Để khái quát những vấn đề cơ bản nhất về lý thuyết hành động ngôn ngữ, chúng tôi đã tổng hợp trong cuốn Đại cương ngôn ngữ học, Tập 2, Nxb Giáo dục của tác giả Đỗ Hữu Châu, từ trang 111 đến trang 145 làm căn cứ nghiên cứu. Cụ thể các lý thuyết được khái quát như sau:

1.2.1. Khái niệm hành động ngôn ngữ

Theo J.Austin, trong cùng một hành động ngôn ngữ có hành động ở lời, hành động tạo lời và hành động mượn lời. Nhờ đưa ra tiêu chí phân biệt này, J.Austin đã điều chỉnh một cách sâu sắc mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói. Lý thuyết hành động ngôn ngữ do J.Austin đề xướng vào những năm 60 của thế kỉ XX, về sau được các nhà ngôn ngữ kế tục thành công trong đó, tiêu biểu là J.Searle. Tác giả này đã chỉ ra hạn chế trong lý thuyết của J.Austin là chưa phân biệt được sự khác nhau giữa hành động ngôn ngữ và động từ biểu hiện ngôn ngữ. J.Searle đã đưa ra những tiêu chí cơ bản làm nền tảng cho sự phân biệt các hành vi ở lời và trên cơ sở đó, ông đã nêu ra tới mười hai phương diện mà các hành động có thể khác nhau. Trong các tiêu chí đó, ông chọn ba tiêu chí cơ bản để phân loại các hành động tại lời: Đích của hành động ngôn trung; Hướng của sự ăn khớp giữa lời –hiện thực; Trạng thái tâm lí được biểu hiện. Xu hướng nghiên cứu hiện nay là chấp nhận lý thuyết và cách phân loại của J.Searle nhiều hơn cả. Hành động ngôn ngữ là một phạm trù phổ quát mang tính nhân loại và hành động hỏi cụ thể cũng mang tính phổ quát. Đề tài của chúng tôi chọn cách quan niệm về hành động ngôn ngữ của J.Searle làm cơ sở tiền đề để đi vào tìm hiểu các hành động hỏi và hồi đáp trong tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma của tác giả Nguyễn Khắc Trường.

1.2.2. Phân loại hành động ngôn ngữ

1.2.2.1. Hành động tạo lời Theo J.Austin hành động tạo lời là hành động của “nói một cái gì đó”, là hành động bao gồm (đại thể) các tiểu loại: hành động ngữ âm, hành động cấu âm và hành động tạo nội dung mệnh đề, tức hành động sử dụng các từ có khái niệm và sở chỉ ở một chừng mực nào đó có tính xác định. 1.2.2.2. Hành động tại lời Hành động tại lời là hành động được thực hiện ngay khi nói năng. Nó là mục đích của hành động tạo lời, là chức năng của lời nói từ bình diện tác động; nói cách khác, nó là thao tác tạo lực ngôn trung của phát ngôn. Đặc trưng của hành động tại lời là vừa thể hiện ý định của người nói vừa có tính quy ước. Mỗi loại hành động ngôn từ có phương diện biểu đạt riêng và được gọi là phương thức biểu đạt lực ngôn trung. Dựa vào phương thức biểu đạt lực ngôn trung, các hành động tại lời được chia thành ba loại: hành động lời nói cơ bản, hành động lời nói tường minh và hành động lời nói gián tiếp. 1.2.2.3. Hành động mượn lời Hành động mượn lời là hậu quả của hành động tạo lời và hành động tại lời. Khi thực hiện một hành động tại lời, chúng ta luôn luôn tạo ra những hậu quả với các mức độ khác nhau, trong đó, một số không thuộc ý muốn của người nói. Nếu như đặc trưng của hành động tại lời là tính quy ước thì đặc trưng của hành động mượn lời là luôn đề cập đến một hậu quả nào đó.

1.2.3. Các loại hành động ngôn ngữ

1.2.3.1. Phân loại hành động ngôn ngữ của Austin Theo Đỗ Hữu Châu (2009), Đại cương ngôn ngữ học, Tập hai, Nxb Giáo Dục, tr.121, J.Austin chia các loại hành động ngôn ngữ thành 5 phạm trù lớn sau: - Phán xử: Đây là những hành động đưa ra những lời phán xét về một sự kiện hoặc một giá trị dựa trên những chứng cớ hiển nhiên hoặc dựa vào lí lẽ vững chắc như: xử trắng án, xem là, tính toán, miêu tả... - Hành xử: Đây là những hành động đưa ra những quyết định thuận lợi hay chống lại một chuỗi hành động nào đó: ra lệnh, chỉ huy, biện hộ cho, khẩn cầu, đặt

hàng, giới thiệu, van xin, và các hành vi ngôn ngữ như bổ nhiệm, đặt tên, tuyên bố khai mạc, bế mạc, tuyên ngôn. - Cam kết: Những hành động này ràng buộc người nói vào một chuỗi những hành động nhất định: hứa hẹn, bày tỏ lòng mong muốn, giao ước, bảo đảm, thề nguyền, thông qua các quy ước, tham gia một phe nhóm. - Trình bày: Những hành động này được dùng để trình bày các quan niệm, dẫn dắt lập luận, giải thích cách dùng các từ như: khẳng định, phủ định, trả lời, phản bác, nhượng bộ, dẫn thí dụ, chuyển dạng lời... - Ứng xử: Đây là những hành động phản ứng với cách xử sự của người khác, đối với các sự kiện có liên quan, chúng cũng là cách biểu hiện thái độ đối với hành động hay số phận của người khác: xin lỗi, cám ơn, khen ngợi, chào mừng, phê phán, chia buồn, ban phước, thách thức... 1.2.3.2. Phân loại hành động ngôn ngữ của J.Searle J.Searle đã đưa ra 12 điểm được dùng làm tiêu chí phân loại, trong đó có 4 tiêu chí cơ bản nhất (tiêu chí đích ở lời; tiêu chí hướng khớp ghép; tiêu chí trạng thái tâm lí và tiêu chí nội dung mệnh đề) để phân loại 5 phạm trù hành động ở lời, đó là:

- Tái hiện: Hành động này trước đó được J.Searle gọi tên là xác tín. Đích ở lời là miêu tả lại một sự tình đang được nói đến. Hướng khớp ghép là lời – hiện thực, trạng thái tâm lí là niềm tin vào điều mình xác tín, nội dung mệnh đề là một mệnh đề. Mệnh đề này có thể đánh giá theo tiêu chuẩn đúng – sai lôgic. Hành động tái hiện / xác tín gồm các động từ: kể, thông báo, giải trình, giới thiệu... - Điều khiển: Đích ở lời là đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động tương lai; hướng khớp ghép là hiện thực – lời, trạng thái tâm lí là sự mong muốn của người nói; nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nghe. Hành động điều khiển gồm các động từ: ra lệnh, yêu cầu, hỏi, cho phép, dặn dò, mời mọc ... - Cam kết (hứa hẹn, tặng, biếu): Đích ở lời là trách nhiệm phải thực hiện hành động tương lai mà Sp1 bị ràng buộc; hướng khớp ghép hiện thực – lời; trạng thái tâm lí là ý định của Sp1 và nội dung mệnh đề là hành động tương lai của Sp1.

- Biểu cảm: Đích ở lời là bày tỏ trạng thái tâm lí phù hợp với hành động ở lời (vui thích / khó chịu, mong muốn / rẫy bỏ...). Trạng thái tâm lí thay đổi tùy theo từng loại hành động, nội dung mệnh đề là một hành động hay một tính chất nào đó của Sp1 hay của Sp2. Hành động biểu cảm gồm các động từ: vui thích, khó chịu, mong muốn, xin lỗi, chúc, chào, khen, ước ... - Tuyên bố: Đích ở lời là nhằm làm cho có tác dụng nội dung của hành động hướng khớp ghép vừa là lời – hiện thực, vừa là hiện thực – lời; nội dung mệnh đề là một mệnh đề. Hành động tuyên bố gồm các động từ: tuyên bố, buộc tội, bác bỏ, từ chối ...

1.2.4. Biểu thức ngữ vi và dấu hiệu ngữ vi

1.2.4.1. Khái niệm biểu thức ngữ vi Phát ngôn ngữ vi là phát ngôn gây hiệu lực ở lời nhất định. Phát ngôn ngữ vi mang một hiệu lực ở lời nào đó thì chúng có cấu trúc hình thức ấy, hay còn gọi là cấu trúc đặc trưng. Tác giả Đỗ Hữu Châu cũng có một cách định nghĩa tương tự: “Phát ngôn ngữ vi có một kết cấu lõi đặc trưng cho hành vi ở lời tạo ra nó. Kết cấu lõi đó được gọi là biểu thức ngữ vi” [9, tr. 76]. Với quan niệm về biểu thức ngữ vi như trên, chúng tôi nhận thấy để biểu thị biểu thức ngữ vi hỏi có các dạng sau: a. Dùng đại từ nghi vấn b. Dùng các cặp phụ từ lựa chọn theo khuôn hỏi kiểu: có... không, có... chưa, có phải... không, (có) phải không, đã... chưa… Những câu hỏi kiểu này thường chỉ xuất hiện ở vị trí phụ thuộc của cấu trúc đối thoại, nhằm kiểm tra lại một ý kiến có trước còn tỏ ra chưa dứt khoát, chưa quả quyết với một dụng ý nhằm buộc người đối thoại phải bày tỏ quan niệm một cách rõ ràng, dứt khoát hoặc khi mà trước đó có một ý kiến, một sự chờ đợi rằng sự việc không, chưa xảy ra nhưng vào lúc nói lại thấy cần phải kiểm tra lại. Chẳng hạn: “Nó có làm gì con không? / “Không!”. Các câu hỏi dùng các cặp phụ từ biểu thị sự lựa chọn giữa những mặt đối lập thống nhất mang tính tương liên (khẳng định / phủ định). c. Dùng quan hệ từ: hay/ hoặc/ hay là

Những quan hệ từ này cũng thuộc dạng câu hỏi lựa chọn. Dạng thức này không yêu cầu người đối thoại khẳng định hay phủ định nội dung thông tin trong câu hỏi mà yêu cầu người đối thoại phải đưa ra phương án lựa chọn của bản thân trong từng tình huống giao tiếp cụ thể. d. Dùng ngữ điệu (gắn với ngữ cảnh và động từ) e. Dùng một số từ tình thái kiểu như: à, ư, hử, hả… , không… v.v. 1.2.4.2. Biểu thức ngữ vi tường minh và biểu thức ngữ vi hàm ẩn Biểu thức ngữ vi có thể có động từ ngữ vi hay không có động từ ngữ vi trên bề mặt câu chữ. Nếu biểu thức ngữ vi có chứa động từ ngữ vi trên bề mặt câu chữ thì đó là biểu thức ngữ vi tường minh. Ví dụ: Tôi mong chị sẽ đến; Mời bà xơi cơm; Tôi cấm anh nói xấu cô ấy; Anh hứa sẽ đến đúng hẹn… v.v. Nếu biểu thức ngữ vi không có các động từ ngữ vi trên bề mặt câu chữ thì đó là biểu thức ngữ vi hàm ẩn hay còn gọi là biểu thức ngữ vi nguyên cấp. Ví dụ: Ô... thế anh ra khỏi Đảng à?; Sao bảo ông ta chết rồi?; Thằng Long đâu?... v.v. 1.2.4.3. Dấu hiệu ngữ vi Dấu hiệu ngữ vi là những cấu trúc và từ ngữ thể hiện hành vi tại lời. Để nhận biết dấu hiệu ngữ vi người ta thường dựa vào các căn cứ sau đây: - Các kiểu kết cấu như các kiểu câu có mục đích nói: trần thuật, hỏi, cầu khiến, cảm thán… những kết cấu cụ thể ứng với từng hành động ở lời. Với những phát ngôn ngữ vi nguyên cấp, Sp2 phải căn cứ vào dấu hiệu ngữ vi và ngữ cảnh thì mới tìm được hành động tại lời chính xác. Ví dụ: đi đi! - Nếu con đang chơi ở bếp, mẹ nói câu trên thì đó là hành vi ra lệnh. Nếu con xin phép đi chơi, câu nói trên của người mẹ là hành động cho phép. - Những từ ngữ chuyên dùng như những từ ngữ chuyên dùng trong các biểu thức ngữ vi hỏi: ai, cái gì, bao giờ, mấy, à, ư, nhỉ... - Ngữ điệu: cùng một tổ chức từ vựng, ngữ pháp cụ thể, nếu được phát âm với những ngữ điệu khác nhau sẽ cho các biểu thức ngữ vi khác nhau ứng với những hành động ở lời khác nhau. Ví dụ: - Anh có thể mở cửa giúp tôi được không? (nhờ vả)

This article is from: