
31 minute read
BÁO CHÍ TRẺ NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG
Cha đẻ “Got It” Trần Việt Hùng nỗ lực đào tạo thế hệ trẻ 4.0 tại Việt Nam
Hoàng Việt - Báo Ảnh K37 Tiến sĩ Trần Việt Hùng - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Got It là gương mặt quen thuộc của giới khởi nghiệp, Anh cũng là một trong những founder Việt hiếm hoi tại Silicon Valley (Mỹ). Hiện nay, TS Hùng cũng là thành viên trẻ tuổi nhất trong Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2021.
Advertisement
Chặng đường mới Got It là một ứng dụng giáo dục trên điện thoại được xây dựng từ năm 2011 dựa vào nền tảng hỏi-đáp. Ứng dụng thường xuyên ở trong top 10 ứng dụng giáo dục tại Apple App Store (Mỹ) và từng đứng thứ hai, chỉ sau iTunesU năm 2016. Trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, ý tưởng về việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam nảy ra trong TS Trần Việt Hùng. Đối với anh Hùng và các thành viên trong nhóm cộng tác, việc bị phong tỏa, giãn cách xã hội có thể là một cơ hội để giảm thiểu thời gian đi lại và dành nhiều sự tập trung hơn cho dự án. Cũng từ đây, anh Hùng đã tìm thấy một con đường mới cho việc đào tạo nguồn nhân lực 4.0 tại Việt Nam. Anh Trần Việt Hùng chia sẻ: “Với những du học sinh và người đi làm ở Mỹ, hàng năm mọi người đều sẽ làm một công việc thiện nguyện nào đó để cho đi - giống như một nét văn hóa phổ biến của người Mỹ. Việc dạy IT cho trẻ em tại Việt Nam cũng được coi là hoạt động tình nguyện. Thật may mắn khi trình bày ý tưởng này, tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều bạn trẻ đang học tập và làm việc ở Mỹ. Tất cả chúng tôi đều có chung một mong muốn là góp phần tạo ra cơ hội cho trẻ em Việt Nam được tiếp cận với mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới”. Từ đó, anh Hùng cùng những người cộng sự tài năng của mình bắt đầu khởi nghiệp với tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam. Theo nhà sáng lập, STEAM for Vietnam như một dự án 0với kỳ vọng xây giấc mơ lớn, đào tạo một thế hệ trẻ có khả năng đi xa hơn trong ngành công nghệ Việt Nam. Dự án được vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.
Đưa thế hệ trẻ Việt Nam vươn tầm thế giới Ý tưởng về việc dạy lập trình miễn phí cho trẻ em của nhà sáng lập Got It bắt đầu từ mùa hè năm ngoái. Anh đã vô cùng ngạc nhiên khi có một cậu bé 13 tuổi – học sinh một trường
THCS ở Hà Nội – đến xin làm thực tập sinh phát triển phần mềm. Ngày đầu tiên đi làm khi vừa học xong lớp 6, sau hơn 3 tháng, cậu bé đã hoàn thành khoá học sử dụng giáo trình nhập môn khoa học máy tính dành cho bậc đại học ở Mỹ. Ngoài ra, cậu bé cũng được học thêm về trí tuệ nhân tạo và có thể biến chiếc xe ô tô điện đồ chơi thành một chiếc xe tự lái. Điều này khiến anh Hùng và các kỹ sư phần mềm ở Got It cảm thấy vô cùng bất ngờ. Sau đó, anh tiếp tục phỏng vấn, dạy lập trình cho một số học sinh cấp 2 khác và nhận thấy các học trò nhỏ tuổi có khả năng tiếp rất thu nhanh và sáng tạo. “Những người “khổng lồ” công nghệ đã làm thay đổi thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk,... đều bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ độ tuổi lên 10. Vì thế, tôi cho rằng, nếu được định hướng và đào tạo tốt, nhất định tụi nhỏ sẽ đi được rất xa. Tôi cũng ấp ủ ý tưởng về việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và được đào tạo về công nghệ càng sớm càng tốt với hy vọng trong tương lai không xa, đây chính là một lực lượng nhân sự công nghệ hùng hậu của Việt Nam để có thể thay đổi cuộc chơi”, TS Hùng nói. Từ trải nghiệm của bản thân và các cộng sự, TS. Trần Việt Hùng cho rằng, hầu hết những người thành công trong lĩnh vực công nghệ đã trải qua con đường rất dài trước khi có chỗ đứng như ngày hôm nay. “Vì vậy, chúng tôi muốn giúp làm ngắn lại con đường đưa nhân lực công nghệ trẻ tại Việt Nam ra thế giới bằng cách góp phần trang bị, định hướng mọi thứ kỹ càng cho trẻ ngay từ khi còn bé, để chúng không cần sang Mỹ hay Singapore mới có thể thành công. Khi giúp trẻ biết được chúng cần phải làm gì, thì dù không ra nước ngoài, chúng cũng có thể tự tin cạnh tranh sòng phẳng với đồng nghiệp quốc tế như một lẽ tự nhiên”. “Nếu được dạy về tư duy máy tính từ sớm và áp dụng được như một khả năng tự nhiên, trẻ sẽ có khả năng giải quyết hiệu quả mọi vấn đề trong cuộc sống vì có những suy nghĩ logic và tối ưu trong bất kỳ ngành nghề nào mà trẻ sẽ theo đuổi trong tương lai”, TS Hùng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trần Việt Hùng cùng đồng nghiệp tại nơi làm việc
Tiến sĩ Trần Việt Hùng chia sẻ những ý tưởng của mình về việc đưa thế hệ Việt Nam vươn tầm thế giới

Lớp học chữ Nôm - Dao ở Đà Bắc
Khánh Vi - Báo In K37 Chữ viết là tài sản, là văn hóa, niềm tự hào của mọi dân tộc. Ở huyện vùng cao Đà Bắc, trong khi chữ Nôm - Dao cổ có nguy cơ bị mai một thì từ năm 2019, một lớp truyền dạy chữ Nôm - Dao đã được mở tại xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc thu hút đông đảo người dân tham gia.
Cần mẫn “cõng chữ” dân tộc đến từng xã Vượt qua con đường đèo dốc ngoằn ngoèo, tôi đến với lớp học tiếng Nôm - Dao của Nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh tại xóm Sưng, xã Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình. Xe vừa tắt máy, tôi đã nghe rõ tiếng “hát” đồng thanh phát ra từ căn nhà tranh nằm sừng sững trên đỉnh đồi. Sở dĩ tôi gọi là tiếng “hát” bởi tiếng Nôm - Dao khi đọc lên mang âm điệu như hát, êm tai và rất thú vị. Những âm thanh văng vẳng đó làm sôi động cả bản làng yên ả, thanh bình. Lớp học được mở gần 3 năm nay với đầy đủ lứa tuổi, không phân biệt người già, trẻ nhỏ, hay tầng lớp, địa vị. Người cao tuổi nhất đã 59 tuổi, học viên nhỏ nhất mới lên 10 tuổi. Cán bộ xóm, nông dân, học sinh đều ngồi chung một lớp, tất cả họ đều có cùng mong muốn hiểu thêm truyền thống và gìn giữ chữ viết dân tộc mình. Ông Hềnh tâm sự: “Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhiều luồng văn hóa đã du nhập đến các làng, bản người Dao. Người trẻ được học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ mà không được học tiếng dân tộc là điều khiến ông và những người cộng sự trăn trở. Lo lắng chữ viết dân tộc sẽ mai một, những lớp dạy tiếng Nôm - Dao cổ được mở ra đã trở thành niềm vui của cả cộng đồng người Dao. Ban đầu, với mục đích dạy chữ viết cho cộng đồng và để lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của người Dao Tiền, ông đã bắt đầu dạy chữ Nôm - Dao cho con cháu trong gia đình, dòng tộc”. Năm 2008, được sự giúp đỡ của thành viên mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình, ông Hềnh đã lập tờ trình đề nghị UBND xã Cao Sơn cho dạy phổ biến chữ Nôm – Dao cho cán bộ và nhân dân trong vùng. Mới đầu ông mở lớp dạy miễn phí cho các cháu nhỏ và người dân trong xã. Tại đây, các học viên không chỉ được học về chữ viết Dao cổ mà còn học các làn điệu dân ca Dao Tiền như: hát Khía, hát đối đáp giao duyên và hát trong các lễ làm đám tâm linh dân tộc Dao như: múa chèo, múa chuông,.. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các xã khác khi biết có lớp học chữ Nôm - Dao đã đến đăng ký tham gia học mong có cái chữ để truyền dạy lại cho thế hệ sau. Đặc biệt, kể từ khi có nghị

Lớp học tiếng Nôm - Dao ở xóm Sưng, Cao Sơn, Đà Bắc
định số 82/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 về việc phổ biến việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số đến các làng xã, huyện trong tỉnh, số người học tăng lên đáng kể. Nhiều người đã đăng ký và quyết tâm theo học đến cùng với hi vọng có thể truyền dạy lại cho bà con trong xóm và con cháu trong dòng tộc. Lớp học được tổ chức quy củ, có thầy giáo, lớp trưởng, lớp phó, kiểm tra, điểm danh nghiêm túc. Ông Hềnh và những người cộng sự là ông Lý Hồng Si, Triệu Văn Thanh đã ấp ủ ý tưởng mở lớp truyền dạy chữ Nôm - Dao cho bà con từ lâu nhưng do kinh phí eo hẹp nên gặp rất nhiều khó khăn trong khoảng thời gian đầu. Được Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững Hà Nội tập huấn nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ biên soạn giáo án; Cơ quan chính quyền xã giúp đỡ thêm một ít chi phí và nhất là tinh thần nhiệt tình, tự nguyện của học viên trên địa bàn chính là động lực lớn lao thôi thúc những người thầy mở lớp và tham gia giảng dạy. Đến nay, đã có 8 lớp với trên 250 học viên tham gia tại địa bàn huyện. Cứ mỗi thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, ông và những cộng sự của mình lại luân phiên nhau “cõng chữ” đến các xã Tu Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Tân Pheo, Đoàn Kết. Nhớ về những ngày đầu tiên mở lớp, ông Lý Văn Hềnh bồi hồi tâm sự: Để có tài liệu mở lớp, các “thầy giáo” đã phải đi tìm tòi, sưu tầm rồi biên soạn thành giáo trình từ một số sách Nôm - Dao lưu giữ được. Phải trải qua một quá trình biên soạn, chỉnh sửa, phê duyệt thì giáo trình mới được đưa vào dạy đại trà. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ ông và những người cộng sự suy nghĩ về việc từ bỏ. Quyết tâm không để tiếng dân tộc bị mai một cùng với tinh thần ham học hỏi của người dân trong huyện chính là động lực để những người thầy giáo “không chuyên” cần mẫn đến từng xã dạy học với ước nguyện tiếng Nôm - Dao mãi ngân vang trong những lớp học.

Nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh đã ngoài 70 tuổi (Ảnh: Phạm Khánh Vi)
Các học viên trong lớp cùng nhau ôn lại bài trong giờ nghỉ giải lao

Học chữ dân tộc để hiểu nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống của dân tộc mình Nội dung sách phần lớn liên quan đến tri thức dân gian, bài học đạo đức, thiên văn, sách thuốc, dân ca và phong tục tập quán. Học chữ Hán - Nôm đã khó, để hiểu, dịch nghĩa, phiên âm sang tiếng dân tộc Dao còn khó hơn đòi hỏi người học phải kiên trì, ham mê mới có thể thành công. “Chúng tôi mở lớp, không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết và văn hoá người Dao mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác” - ông Triệu Văn Thanh (giáo viên đứng lớp cùng ông Hềnh) chia sẻ. Ông Triệu Văn Thảo, sinh năm 1962 (59 tuổi), học viên lớn tuổi nhất cho biết: "Trước đây tôi chỉ biết nói chứ không biết viết tiếng Dao, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy, tôi nhận ra chữ của người Dao mình rất hay. Tôi sẽ cố gắng học hỏi để truyền dạy cho con cháu. Nhờ học chữ Dao mà vùng đồng bào Dao sinh sống luôn ổn định. Không có người Dao nghiện ma tuý hay sa vào các tệ nạn xã hội." Đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: "Từ ngày có lớp học chữ Dao trên địa bàn huyện, số lượng người biết viết chữ Nôm - Dao tăng lên đáng kể. Việc mở lớp không chỉ để mọi người hiểu về chữ viết, văn hóa người Dao, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc." Ông Triệu Văn Đức ôn lại bài giảng trước giờ ăn trưa tại lớp học
Chữ cổ Nôm - Dao: Biểu trưng cho tín ngưỡng của người dân tộc Dao Nói về tính ứng dụng của chữ Nôm - Dao trong đời sống, hằng năm, người Dao thường tổ chức các nghi lễ cơ bản như: Lễ cấp sắc (lễ đặt tên âm cho con trai đã lập gia đình); lễ cúng tạ mả; lễ Tết nhảy; lễ khai quang,… Trước đây, để thực hiện các lễ này thì người trong nhà không thể tự làm mà phải thuê người ngoài, người khác họ. Để duy trì các nghi lễ này buộc phải có nhiều người biết chữ Nôm - Dao, biết tiếng Dao văn chương. Do vậy, việc thành lập và duy trì các lớp học tiếng Nôm - Dao không những là chìa khóa để bảo tồn nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mà còn giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế dựa vào chính kiến thức mình học được. Thực tế trên cho thấy, chữ Nôm - Dao là một di sản văn hóa quý báu gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Những người nắm giữ loại hình di sản quý giá này trong cộng đồng người Dao như ông Lý Văn Hềnh, Lý Hồng Si và Triệu Văn Thanh rất cần được động viên, khuyến khích. Từ đó họ có động lực truyền bá những tri thức được lưu giữ bằng loại văn tự này cho các thế hệ kế tiếp nhằm tránh khỏi sự mai một. Đồng thời khuyến khích con em dân tộc Dao học tập, lưu giữ và tiếp nối tri thức do ông cha truyền lại. Bên cạnh đó, chính quyền cũng như các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cần quan tâm, hỗ trợ thỏa đáng để việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ, dạy chữ của người Dao đạt hiệu quả cao, làm cơ sở cho việc lưu giữ lâu dài và phát huy giá trị của di sản quý báu này.

Từ người "nói lắp", trở thành chủ nhiệm CLB về tranh biện
Lam Phương - Báo Ảnh K36 Thường xuyên nói lắp, nói ngọng, không thể phát âm trọn vẹn một câu những năm tiểu học, thế nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng, Đỗ Trường Huy đã vượt lên chính mình để trở thành một chủ nhiệm CLB tranh biện.
Từ không thể nghe nói một cách trôi chảy Sinh ra với chứng “rối loạn ngôn ngữ”, Đỗ Trường Huy gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề giao tiếp. Ước mơ của cậu bé này 10 năm trước là “Có thể nói tiếng Việt một cách bình thường như bao người, dù bố mẹ, người thân và em đều sinh ra, lớn lên ở Việt Nam”. “Lúc đó, em còn không thể phân biệt được ăn và anh, lẫn lộn mọi tiếng có vẻ giống nhau và phải mất rất lâu mới nói xong một câu”, Huy chia sẻ. Huy không thể phát âm trôi chảy, thậm chí khi nói một câu cũng bị lắp đến hàng chục lần. Trong khi các bạn đồng trang lứa đọc một cuốn truyện chỉ mất một ngày, cậu phải cần đến một tuần. Ai nói nhanh quá, Huy cũng không nghe được. Vì vậy, kết quả học tập của Huy những năm cấp I luôn chỉ đạt trung bình và những vướng mắc với môn Tiếng Việt. Suốt tuổi thơ của mình, chàng trai luôn bị các bạn của mình châm chọc, coi thường. Họ nói Huy có “giọng nói quái gở”, luôn nhại lại cậu mỗi khi cậu nói ngọng và nói lắp. Để đến tận bây giờ khi nhớ lại, cậu vẫn cảm thấy ám ảnh với những tràng cười và những lời trêu trọc của các bạn đồng trang lứa. Dù thế nhưng Huy vẫn không bỏ cuộc vì luôn có gia đình của mình kề bên. Hằng ngày, bố mẹ Huy luôn cùng con trai mình học, kèm cậu viết, đọc và dạy cậu cách phát âm. Họ cũng luôn kiên nhẫn lắng nghe mỗi khi con trai mình muốn bày tỏ điều gì và khuyến khích cậu giao tiếp nhiều hơn. Khi Huy học cấp 2, khả năng giao tiếp và đọc viết của Huy đã cải thiện hơn rất nhiều, dù vẫn còn khá chậm so với các bạn khác. “Để theo kịp mọi người, em phải chăm chỉ hơn rất nhiều, học tới tận khuya, đọc nhiều sách báo, mở các video trên Youtube với tốc độ 1.25 lần để luyện nghe nhanh. Bên cạnh việc học tiếng Việt để giao tiếp, em còn cố gắng học thêm cả tiếng Anh để không bị các bạn bỏ lại phía sau”, em Đỗ Trường Huy chia sẻ về cách học của bản thân.

Đỗ Trường Huy hồi học phổ thông
Thành chủ nhiệm CLB về tranh biện Nghe đến tranh biện ai cũng đều biết là nơi dành cho những người nhanh nhẹn trong cả việc nói và nghĩ. Những lời nói ra phải thuyết phục, có luận điểm, luận cứ chặt chẽ và luôn phải tự tin trước đám đông để trình bày suy nghĩ, quan điểm một cách mạch lạc nhất. Thế mà cậu bé luôn bị gắn cái mác “thằng nói ngọng, nói lắp”, “giọng nói quái dở”, lên đến tiểu học còn chưa phát âm được, đã thành lập một CLB tranh biện ở trường khi vừa lên lớp 10. Hiện tại, câu lạc bộ tranh biện đã có gần 40 thành viên tham gia hoạt động, cho đến nay hoạt động rất năng nổ. Câu lạc bộ thường xuyên có tổ chức các buổi tranh biện giữa các nhóm nhằm giúp các thành viên luyện tập, trau dồi kỹ năng. Riêng Huy còn thử thách bản thân với việc đăng ký dự thi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, tuy không đạt được nhiều thành tích nhưng đó là một trải nghiệm đáng nhớ cho Huy. Câu lạc bộ mang tên “The Lorius of CLDC – Chi Linh Debate Club” là một đứa con tinh thần lớn của Huy, nhớ về lúc phát biểu giới thiệu về CLB của mình trước toàn trường đến bây giờ Huy vẫn run: “Giây phút đứng trước hàng trăm bạn bè và thầy cô, em hồi hộp, tay ướt nhẹp mồ hôi giới thiệu về CLB của mình. Khi cất lời, em lại nói lắp vì quá run. Cả trường cười ồ. Ký ức về những ngày bị trêu chọc, cô lập lại hiện hữu trước mắt em. Em phải nhắm mắt, hít một hơi thật sâu và không cho phép mình sợ hãi nữa, dõng dạc bắt đầu lại. Cứ thế em hoàn thành bài phát biển trong những tràng pháo tay của bạn bè”. Trường Huy cho biết đây cũng chính là khoảnh khắc giúp Huy ứng tuyển vào trường Đại học VinUni, giành được học bổng 3,3 tỉ đồng. Bài luận mang tên “Dáng hình âm thanh” đó là hành trình đi tìm lại giọng nói của mình, được Huy kể lại và gửi cho Đại học VinUni. Với câu chuyện ấn tượng và bài luận xuất sắc đã giúp em giành được học bổng, Huy còn nhận được đánh giá cao từ các giảng viên cao cấp của trường. Không dừng lại ở đó, Đỗ Trường Huy sau khi đỗ đại học vẫn tiếp tục ôn thi tốt nghiệp THPT và đạt kết quả cao, em luôn tự nhủ bản thân không được ngủ quên trên chiến thắng. Trải qua không ít khó khăn, Huy tự nhận thức được điều mình nên làm đó là nỗ lực thay đổi và hoàn thiện bản thân thì mới có thể tốt lên được. Huy bắt đầu luyện nói, rèn luyện phát âm, đọc nhiều và giao tiếp nhiều với mọi người trong gia đình. Mỗi một ngày, ngoài việc đi học Huy đều dành thời gian cho việc luyện nói và duy trì thói quen đó. Nhờ đó tình trạng nói lắp, ngọng của Huy đã cải thiện nhiều, em nói chuyện dõng dạc, tự tin hơn.
Đỗ Trường Huy chính là một tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ đang còn tự ti về bản thân, nghi ngờ năng lực của chính mình học tập và lấy đó làm động lực. Khi vượt qua được những thứ tiêu cực. cũng chính là lúc Huy vượt qua được chính mình làm được những điều mình mơ ước trước đây. “Trải qua những thách thức, em hiểu mình sẽ không bao giờ thất bại nếu không bỏ cuộc” – Trường Huy nói.

Huy (đứng, bìa phải) cùng các bạn trong CLB tranh biện của trường.
Hành trình kết nối với thế giới xung quanh của nữ MC khiếm thị đầu tiên tại VTV
Phương Lam - Báo Ảnh K36 Đôi mắt chỉ toàn là bóng tối từ lúc mới sinh ra, bị bạn bè xa lánh kì thị và là một học sinh lúc nào cũng đội sổ, cô gái Lê Hương Giang từng bước một tiến tới kết nối với thế giới xung quanh mình. Lê Hương Giang trở thành một tấm gương lớn, khi là nữ MC khiếm thị đầu tiên trên sóng VTV.
Từ bé, Lê Hương Giang đã mắc căn bệnh bẩm sinh về mắt, thị lực chỉ còn 1/10. Gia đình đã cố gắng chữa trị mọi nơi nhưng đều không có kết quả. Với một quãng thời gian dài đi tìm ánh sáng, giải thoát cho đôi mắt cũng như chính mình, Giang và gia đình dường như chọn cách chấp nhận sự thật. Cô bắt đầu làm quen với bóng tối, tập trung vào việc học và tham gia các hoạt động xã hội, lấy đó làm động lực để cố gắng và thử thách chính bản thân mình. Khi bắt đầu đến tuổi tới trường, khó khăn lớn nhất của Giang là bị bạn bè trong lớp xa lánh, cười đùa. Những điều Giang nghe thấy mọi nguời nói về mình là “con mù”, “mù à’,... mỗi câu châm chọc như một tảng đá vô hình đè nặng lên Giang. “Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất với em. Khi là một người khiếm thị, với em điều đáng sợ không phải bóng tối mà đó là khi mình không thể kết nối với thế giới xung quanh. Ở trên lớp, những bạn mắt sáng không chơi với em, không nói chuyện với em. Chỉ một mình em ngồi ở góc lớp lắng nghe những âm thanh xung quanh, nghe các bạn cười đùa vui vẻ với nhau” - Hương Giang kể về ngày tháng đó. Chính những thử thách, áp lực đó khiến cho Giang càng cố gắng hơn. Mẹ của Giang tâm sự: “Khi con làm bất kỳ việc gì, gia đình cũng động viên rằng cứ làm đi, sai cũng được, không sao cả. Mình còn nhiều thời gian, mình còn trẻ, sai không vấn đề gì”. Cứ thế, Giang bắt đầu hành trình kết nối với thế giới xung quanh, tìm lửa cho đam mê của mình. Ước mơ hồi bé của Giang là một chuyên gia tâm lý để giúp cho những người khuyết tật, nhưng lại bén duyên với nghề dẫn chương trình. Nghề này đã từng bước thôi thúc cô nuôi đam mê mới, Giang dần dần tiến vào thế giới truyền hình. Cô bắt đầu tham gia vào CLB phát thanh thiếu nhi của VOV2 thực hiện những bài phóng sự đầu tay. Lên cấp 3 may mắn hơn Hương Giang được mời làm chương trình Nhật Ký Ánh Sáng của Đài tiếng nói Việt Nam, chính những cơ hội này đã giúp cô vươn tới ước mơ nhanh hơn. Những ngày đầu Giang còn lúng túng nhưng dần dần cô cũng thuần thục. Sự chăm chỉ, cố gắng mỗi ngày

Lê Hương Giang trong vai trò người dẫn chương trình VTV
của cô giúp Lê Hương Giang trở thành nữ MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhớ về những kí ức ngày đầu khi mới vào nghề, Giang thấy thật may mắn khi được các anh chị và ekip dành sự quan tâm chỉ dạy tận tình, mang đến cho cô thêm tình yêu nghề và niềm hạnh phúc khi không phải nhận sự kỳ thị, phân biệt nào. Khi được khán giả đón nhận mình, đón nhận giọng nói của mình, cô luôn thấy hạnh phúc và được công nhận. Giang đã từng thi đậu vào trường THPT Thăng Long ngay cả người mắt sáng cũng thấy khó, và bây giờ cô cũng đã trở thành một cô dẫn chương trình truyền hình đầy tự tin. Không có bất kì một lý do nào để nghi ngờ năng lực của Lê Hương Giang nữa. Một tấm gương lớn cho nhiều bạn trẻ, Giang chính là cô gái bé nhỏ truyền cảm hứng. Câu chuyện của Giang đã từng truyền cảm hứng cho rất nhiều người qua chương trình “We Choice Awards 2018”. Nhìn lại hành trình đi kết nối với thế giới xung quanh của mình, Hương Giang luôn hài lòng vì bản thân mình đã hết mình theo đuổi đến cùng. Dám nghĩ dám làm, Nghiêm túc thực hiện đam mê dù còn nhiều khiếm khuyết. Tuổi trẻ của Giang luôn là sự nỗ lực và phấn đấu, người bình thường chỉ cần 5 thì cô lại phải cố 10 mới có thể hoàn thành. Nhưng chưa bao giờ vì vậy mà Hương Giang bỏ cuộc. Tiếp nối đam mê và thành công của mình, Hương Giang quay về hoàn thành ước mơ hồi nhỏ của mình là trở thành một chuyên gia tâm lý thật giỏi. Vẫn là muốn giúp đỡ cho những người khuyết tật, mang đến sự tự tin và sự cảm thông cho họ. Lê Hương Giang luôn có một trái tim tràn đầy yêu thương và vững vàng nghị lực. Cho dù đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng cô luôn tràn ngập sức sống và lan tỏa nguồn cảm hứng tích cực cho mọi người. Cô làm thay đổi nhận thức của một nhóm xã hội về những người khuyết tật, cô không thích việc mọi người có suy nghĩ rằng, đã là người khuyết tật thì đi với sự nghèo và thất học hay vô dụng chỉ có ăn bám. Ai cũng có ước mơ và muốn một cuộc sống vui vẻ, chỉ vì họ kém may mắn hơn nên đừng bao giờ kỳ thị hay có những ánh nhìn không hay về người khuyết tật. “Tôi có thể làm được thì bạn cũng có thể làm được” đó là thông điệp mà MC Lê Hương Giang muốn lan tỏa đến tất cả mọi người xung quanh, đặc biệt là đối với cộng đồng người khiếm thị.

Hương Giang lần đầu dẫn bản tin “Cà phê sáng với VTV3” cùng MC Lê Anh.
Dù không nhìn thấy mọi thứ xung quanh nhưng Hương Giang luôn tự tin khi đứng trước ống kính và luôn sống rất lạc quan.

Gương mặt trẻ Thủ đô, ThS. Bác sĩ Phạm Văn Phúc: “Tôi nhận vinh dự này cho cả những người đồng nghiệp”
Phan Linh - Báo Ảnh K39 ThS. Bác sĩ Phạm Văn Phúc vinh dự là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020 với nhiều cống hiến cho cộng đồng đáng được tôn vinh
Cùng đội ngũ y bác sĩ “căng mình” chống dịch Phạm Văn Phúc (SN 1990, quê ở Nghệ An) công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khoa Hồi sức tích cực đến nay đã được 4 năm. Ngay khi xuất hiện làn sóng lây lan dịch bệnh đầu tiên ở Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đơn vị được Chính phủ, Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 của miền Bắc. Khi vừa xuất hiện dịch Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc), anh Phúc cùng với đội ngũ y bác sĩ đã xác định tinh thần trước về khả năng lây lan rộng tới Việt Nam. Thời điểm đó, anh đã bắt đầu tham khảo tài liệu, soạn sẵn slide và các phương án điều trị căn bệnh hô hấp có diễn biến “bất thường” này. Gặp những bệnh nhân nặng đầu tiên được chuyển lên khoa Hồi sức, Phạm Văn Phúc cảm thấy rất lo lắng. Anh lo là bởi đây là một loại dịch mới và nguy hiểm, ban đầu bản thân anh và các đồng nghiệp khác gần như không có kinh nghiệm gì. Vừa lo, anh lại có thêm nỗi sợ khi nhìn thấy hai anh em bác sĩ cùng chiến tuyến bị lây nhiễm. Trải qua một chặng đường dài chống dịch, bác sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ: “Xuyên suốt những khó khăn khi điều trị cho các bệnh nhân không may mắn mắc Covid-19, tôi đã thực sự trưởng thành hơn với chính bản thân mình. Đáng nhớ nhất, khi bệnh nhân số 19 nhập viện (64 tuổi), một trong những trường hợp có tình trạng nặng nhất trong số các ca mắc Covid-19 phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO (tim phổi nhân tạo). Tôi và đồng nghiệp đã rất hoảng loạn khi bệnh nhân ngừng tim vào khoảng 12h đêm, chúng tôi liên tục ép tim 45 phút. Sau khi nhận được tín hiệu khả quan và khi bệnh nhân đã được công bố âm tính, tôi mới thấy thấm thía hơn những giây phút làm nên lịch sử. Cảm xúc thật khó diễn tả!”. Những đảo lộn sinh hoạt khi phải trực 24/24 giờ đối với Bác sĩ Phạm Văn Phúc hết sức bình thường. Anh động viên đồng nghiệp hãy luôn giữ vững tinh thần, sức khỏe, tranh thủ nghỉ ngơi để mỗi khi nghe chuông

ThS. Bác sĩ Phạm Văn Phúc
báo động sẽ bật dậy tràn đầy năng lượng. Vừa là bác sĩ, vừa đóng vai trò như người nhà chăm sóc bệnh nhân, anh Phúc kể: “Những bệnh nhân mắc Covid-19 đều phải cách ly với gia đình, khi bệnh nhân an thần thì không sao, còn những bệnh nhân khác sẽ có triệu chứng như hoảng loạn. Vì thế ngoài sử dụng thuốc, tôi đã kết nối họ với người nhà qua điện thoại để động viên chia sẻ, an ủi họ. Khi đó, họ sẽ có thêm tinh thần để vượt qua dịch bệnh”. Gác lại thời gian bên gia đình, anh Phúc tập trung hết quỹ thời gian của mình tại khoa Hồi sức. Khi làn sóng lây lan dịch bệnh đợt 1 khiến các trường học đóng cửa, vợ anh ở Hà Nội làm việc, nên đành gửi con cho bà ngoại. Mỗi khi con ốm, anh chỉ biết lo lắng hỏi han chứ không thể làm khác. Bởi vì bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân như anh cũng là F1, vì vậy thời gian đó, anh đã ở bệnh viện ròng rã 2 tháng, không thể gặp mặt được gia đình. Chặng đường dài để đến với nghề y Tuổi thơ chứng kiến bố mình thường xuyên ốm đau, anh Phúc nhen nhóm trong lòng mình một khát khao được trở thành bác sĩ. Để có được những kiến thức chuyên môn vững vàng ở hiện tại, Phạm Văn Phúc quyết tâm vào khuôn khổ học tập chăm chỉ ngay từ sớm. Khoảng thời gian là sinh viên trường ĐH Y Hà Nội, anh dành hầu hết quỹ thời gian của mình để học hỏi thầy cô và những anh chị đi trước và tiếp xúc với bệnh nhân để trau dồi thêm kỹ năng tương tác với người bệnh. Sau khi ra trường đi làm, anh bắt đầu chịu trách nhiệm chính trong mỗi ca bệnh. Khác hẳn so với tâm thế hồi còn đi học được các thầy, các anh chịu trách nhiệm chính, Phạm Văn Phúc tâm sự: “Từ ngày xưa tôi đã có nguồn năng lượng mạnh, nên ít khi nản. Nhớ thời học ở khoa Cấp cứu, nhiều bệnh nhân tử vong, cảm xúc của tôi rất thất vọng, bị hụt hẫng một thời gian dài. Tôi nghĩ mãi sao mình không thể điều trị cho họ thành công ở thời điểm đó. Hiện tại thì tôi đã “quen” hơn khi đối diện với các ca tử vong, hơi stress nhưng không phải là buông bỏ nghề. Mỗi khi thất bại, tôi lật lại phác đồ điều trị xem có đúng không, có phù hợp không. Nhưng đôi khi cũng phải chấp nhận vì sinhlão-bệnh-tử và một phần mình đã cố gắng tối đa nhưng không qua khỏi”.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp và bệnh nhân tại khoa Hồi sức
“Tôi nhận vinh dự này cho cả những người đồng nghiệp của tôi” Là một người khiêm tốn, Phạm Văn Phúc khi biết mình trong danh sách 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu đã nói: “Tôi thật sự bất ngờ bởi tôi cảm thấy mình so với các đồng nghiệp khác vẫn chưa thật sự có nhiều thành tích. Tôi cảm thấy danh hiệu chung sẽ hợp lý hơn là danh hiệu cá nhân, chống dịch là công việc tập thể, một cá nhân không thể làm nên thành công được. Cho nên, tôi sẽ nhận giùm đồng nghiệp của khoa Hồi sức thành quả của quá trình cố gắng vừa qua. Tôi tin, sự quan tâm của BCH Đoàn thành phố Hà Nội sẽ là động lực để chúng tôi luôn sát cánh cùng nhau vì sự sống người bệnh”. Một số thành tích đáng tự hào của ThS. Bác sĩ Phạm Văn Phúc: Là bác sĩ cách ly điều trị trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch vào khoa. Cùng với nhân viên trong khoa triển khai thành công nhiều kĩ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân nặng. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn góp phần hoàn thành nhiệm vụ chống dịch của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nói riêng và cả nước nói chung.