1 minute read

Viên Lĩnh

Viên Lĩnh là một trong những loại áo phổ biến trong đời sống người Việt. Tên gọi của nó có nghĩa là cổ áo hình tròn. Đây là một loại áo xuất xứ từ Trung Á, sau đó du nhập vào Trung Quốc thời Ngũ Hồ thập lục quốc, và lan rộng sang các quốc gia Nhật Bản, Triều Tiên - Hàn Quốc chứ không riêng Việt Nam.

Tuy nhiên khi các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cải cách trang phục, loại áo này dần biến mất khỏi đời sống thường nhật, chỉ còn tồn tại ở một số triều phục trong cung đình.

Advertisement

Loại áo này xuất hiện ở trang phục thường ngày, cả nam lẫn nữ đều dùng. Đây cũng là một dạng thức triều phục của tầng lớp quan viên triều đình.

Ghi chép chính thức về áo Viên Lĩnh tại Việt Nam được đề cập một cách không trực tiếp trong “Đại Việt sử kí toàn thư” vào thời Tiền Lê. Vào năm Bính Ngọ (1006), Hoàng đế Lê Long Đĩnh ra chỉ dụ: “Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống”, mà theo quy chế nhà Tống, thì công phục (tức trang phục quan viên ngày thường) đều là áo Bào theo kiểu Viên Lĩnh. Còn cụ thể hơn, trong cuốn “Lĩnh ngoại đại đáp” của thời Tống, miêu tả rằng: “Những người còn lại thường ngày phía trên mặc áo sam đen cổ tròn bó sát, bốn vạt như áo Bối Tử, gọi là áo Tứ Điên. Cuốn “Nguyên thi kỉ sự”, phần “An Nam tức sự” miêu tả người thời Trần: “Người trong nước đều mặc màu đen, áo đen bốn vạt, cổ tròn bằng là”

Đúng như tên gọi, loại áo này có đặc điểm nhận biết chủ yếu là kết cấu cổ áo có hình tròn, nên cũng được gọi là Đoàn Lĩnh. Phần kết cấu chủ yếu của áo là nút thắt cố định cổ áo ở phía trên vai phải của người mặc, kéo xuống sang phần hông cùng phía. Cũng như kết cấu của áo Giao Lĩnh, bên trong áo cũng có một vạt áo con, bị che lại bởi vạt áo từ bên trái người mặc kéo qua.

Loại áo này được sử dụng trong dạng thức áo thường ngày, nhưng cũng đã trở thành công phục cho những quan viên vào những ngày làm việc bình thường.

Tại Trung Quốc, cách thức của áo Viên Lĩnh từ thời nhà Đường trở đi đa phần đều là dạng Bào, tức là phần thân áo khá rộng, bao trùm toàn bộ cơ thể của người mặc. Độ rộng ống tay áo ở thời Đường còn hẹp, bó sát vào cổ tay, nhưng từ thời Tống hướng theo càng lúc càng rộng ra.

This article is from: