khamdinhvietsu

Page 434

434

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XVII

Lương Đăng dâng kiến nghị mới về các tiết mục nghi thức của các lễ coi chầu hoặc yến tiệc trong những ngày sinh nhật nhà vua, tết nguyên đán, mồng một, ngày rằm. Lễ mới này khi đặt xong, nhà vua sai viết ra treo ở cửa Thừa Thiên. Đến đây, nhà vua đi bái yết thái miếu, bắt đầu mặc áo cổn, đội mũ miện; trăm quan mặc triều phục, làm lễ. Khi nhà vua coi chầu, lúc ra lúc vào đều có tiền hô hậu hét. Bọn Lê Trãi, Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, và Nguyễn Liễu tâu rằng: "Lễ nhạc là cốt ở người, mới đặt ra được. Phải là bậc tài đức như Chu Công1 rồi sau mới không thể chê trách về việc đặt lễ, chế nhạc. Nay nhà vua để cho hạng bầy tôi nhỏ mọn ở trong cung chuyên việc sắp đặt lễ nhạc, như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao? Vả lại, việc làm của Đăng đều là dối vua, lừa dưới không căn cứ vào đâu cả. Thí dụ như xưa kia, khi trống đánh thì người ta truyền báo lễ chầu buổi sớm; nay vua đã ngự triều ban, yên chỗ rồi, bấy giờ mới đánh trống! Xưa kia, khi vua đi ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung2, bên hữu có 5 chuông3 cùng rền lên để hưởng ứng lại. Khi vua đi vào thì người ta đánh chuông di tân4 và cũng họa lại bằng năm chuông khác. Ngày nay, khi vua ra coi chầu, đánh 108 tiếng chuông. Số 108 đó là số đếm khi lần tràng hạt5 của các hòa thượng. "Nếu theo chế độ nhà Minh, khi vua ngồi, ở cửa Phụng Thiên thì có kim đài6, ở điện Phụng Thiên thì có bảo tọa. Bây giờ chỉ có một điện Hội Anh, lại có kim đài thường di chuyển không để yên một chỗ; nếu đặt hai kim đài ở cả hai chỗ thì lại không nên. Đó là những lễ nghi gì? "Còn về xe vua dùng, phía trước có mái vẩy, phía sau có cửa, thế mà bây giờ mở cửa phía trước! Lối xưa có như vậy không? "Vua, khi ra, khi vào có tiền hô hậu hét, đó là lệ thường. Bấy giờ, khi cáp môn sứ đã xướng đến tiết mục "tâu việc xong rồi", trăm quan đã lui gót, thế mà vua còn ngồi lại, người coi nghĩ lễ mới bắt đầu hô: "nhập tất"7. Thế là nghĩa gì? "Lương Đăng là tên bầy tôi nhỏ mọn, ra vào nơi cung cấm, hầu hạ ở bên vua. Như vậy chúng tôi trộm lấy làm ngờ lắm!". Lương Đăng tâu: "Thần là kẻ vô học, không biết chế độ thời xưa ra sao. Những việc bây giờ làm đó chỉ là biết thế nào, làm thế ấy thôi". Nguyễn Liễu tâu: "Từ xưa đến nay, chưa có bao giờ hoạn quan lại được tự chuyên, làm nát thiên hạ như vậy!". Đinh Thắng từ trong nội đi ra, mắng rằng: "Hoạn quan làm gì mà nát thiên hạ? Nếu nát thiên hạ thì phải nát đầu mày". Nhà vua bèn giao Nguyễn Liễu cho hình quan xét hỏi. Khi án đã kết, Liễu bị tội đáng chết chém. Nhưng nhà vua ra chiếu chỉ cho đặc cách giảm xuống tội thích chữ vào mặt, đày đi châu xa. Lời chua - Phía trước có mái vẩy, phía sau có cửa: Ở phần Xa dư loại trong Uyên giám loại hàm, Trần Tượng Đạo có nói: "Về chế độ xe, theo hình tượng trời để làm mui, theo hình tượng đất để làm thùng xe, theo sao đẩu để làm trụ cắm gọng mui và ổ bánh xe, theo chòm sao nhị thập bát tú để làm gọng mui xe, theo mặt trời và mặt trăng

1

Xem chú giải ở Chính biên I, 9.

2

Một trong mười hai luật mà người xưa dựa vào thời tiết để đánh dấu mười hai tháng. Hoàng chung thuộc tháng trọng đông (tháng 11 âm lịch).

3

Tức là thanh chung (chuông xanh), xích chung (chuông đỏ), hoàng chung (chuông vàng), cảnh chung (chuông ghi công) và hắc chung (chuông đen). Theo Từ Nguyên trang 76.

4

Một trong mười hai luật tính theo thời tiết mười hai tháng âm lịch. Di tân thuộc tháng trọng hạ (tháng 5 âm lịch).

5

Theo nhà Phật số 108 là số lượng phiền não. Khi lần tràng hạt, mỗi lượt gần hết 108, tức là qua được 108 cái phiền não.

6

Chỗ ngồi cao, có trang sức bằng vàng, hoặc thiếp vàng.

7

Cấm mọi người qua lại, dành đường để vua trẩy vào cung.


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.