khamdinhvietsu

Page 285

285

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển X Đinh Dậu, năm thứ 17 (1357). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 17). Tháng 2, mùa xuân. Thượng hoàng mất.

Trước kia, Thượng hoàng là con vợ thứ lên nối ngôi, rồi người đích mẫu là Bảo Từ thái hậu sinh được người con trai, Thượng hoàng hớn hở, có ý muốn trả lại ngôi vua cho con của đích mẫu. Khi bấy giờ Anh Tông vắng mặt vì đang đi tuần ở nơi biên giới, gặp ngày đầy tuổi tôi của người con đích mẫu ấy, Thượng hoàng sai làm theo lễ đầy năm của thái tử, các quan lấy làm khó nghĩ. Thượng hoàng nói rằng: "Cứ phải lẽ mà làm, việc gì mà khó nghĩ?". Được một năm nữa, người con đích mẫu ấy chết, Thượng hoàng thương tiếc một cách quá đặc biệt. Thượng hoàng thường dạy các hoàng tử rằng: "Ai mà trì khu làm giàu, co cỏm bỏn sẻn, thì không phải là con ta. Thà rằng hào phóng mà phải nghèo, dẫu không khỏi túng thiếu đấy thật, nhưng vẫn không phi tiếng là con nhà sang". Thượng hoàng lại thường nói: "Ông vua dùng người, không phải có thiên vị với ai đâu. Nếu ta thực là người hiền, thì những người mình dùng được cũng hiền; ấy như Nghêu, Thuấn với Tắc, Tiết, Quỳ, Long đấy. Nếu như không phải là người hiền, thì những người mình dùng cũng không phải là hiền; ấy như Kiệt, Trụ với Phi Liêm, Ác Lai đấy. Đó là cái lẽ thanh ứng khí cầu, loài nào đi thứ ấy, chứ có tây vị ai được đâu?". Khi ngài se mình, có người xin dâng thuốc và cầu cúng, Thượng hoàng đều từ chối cả. Nhân bấy giờ các hoàng tử đang ngồi hầu ở bên, ngài phán bảo: "Cứ xem việc làm của cổ nhân, điều hay thì bắt chước, điều dở thì tránh xa, chứ cần gì phải phiền cha phải dạy bảo?". Khi bệnh kịch, ngài sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo những thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn chần chừ. Ngài dụ bảo rằng: "Các vật đáng tiếc còn không tiếc được thay, huống chi những thơ ấy còn tiếc làm gì!". Thượng hoàng mất ở cung Bảo Nguyên. Tên thụy là Chương Nghêu Văn Triết hoàng đế, miếu hiệu là Minh Tông, ở ngôi 15 năm, nhường ngôi 28 năm, thọ 58 tuổi. Lời phê - Thiên lệch một chiều1. Lời bàn của Phan Phu Tiên - Minh Tông có tư chất nhân hậu, nối nghiệp thái bình, không thay đổi phép tắc của ông cha đã định. Khi bấy giờ có người học trò dâng sớ nói rằng: "Dân gian nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ hộ, mà lại không đóng góp phú thuế và sưu dịch". Ngài bảo: "Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa!". Triều thần là Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh đều muốn thay đổi chế độ. Ngài nói: "Nước nhà đã có nền nếp sẵn rồi, nếu nghe mưu kế muốn cho lời mình được đắt của bạch diện thư sinh2 kia thì sẽ sinh rối ren đấy!". Có điều đáng tiếc là ngài nghe lời gian nịnh của Trần Khắc Chung mà giết Quốc Trấn: đó là một điều làm vấp cho trí thông minh của ngài. Tháng 4, mùa hạ. Phong anh là Thiên Trạch làm Cung Tín vương. Đào sông ở Nghệ An và Thanh Hóa. Lời chua - Nghệ An, Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20-23). Tháng 9, mùa thu. Tôn Huệ Từ thái hậu làm thái hoàng thái hậu. Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Huệ Từ là mẹ Dụ Tông. Tôn mẹ làm thái hoàng thái hậu, ấy là điển lễ ở đâu? Không biết kê cứu lễ xưa đến thế là cùng! Vậy mà các nho thần ở triều đình bấy giờ không có một ai nói đến, là cớ sao? Tháng 11, mùa đông. Táng [Minh Tông] ở Mục lăng. 1

Chỉ việc Trần Minh Tông khuyên các con không nên trì khu làm giàu.

2

Chỉ Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh. Vì không những Trần Minh Tông đã gọi họ là "bạch diện thư sinh", mà đến sau đây, Trần Nghệ Tông cũng gọi bọn làm quan ở khoảng niên hiệu Đại Trị (1358-1369) là "bạch diện thư sinh" (Toàn thư VII, 33).


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.