

MỞ ĐẦU

Cư Trần Lạc Đạo Phú là bản văn đầu tiên của
Việt Nam viết bằng chữ Việt.
Quan trọng hơn nữa, nó chỉ dạy cho chúng ta
sống giải thoát ngay trong cuộc đời, được vị sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam vào thế kỷ 13
viết ra. Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của đời
Trần, có thể nói là vị vua lỗi lạc nhất của đời Trần, và cũng là một Thiền sư sáng chói.
Chúng tôi chú giảng bản văn này bằng Thiền,
Đại Toàn Thiện (Dzogchen, Maha Ati) của Ấn
Tạng và bằng Kinh, với ước nguyện làm rõ Nền
tảng của Phật giáo, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và văn hóa.
Nguyễn Thế Đăng
Hội thứ Nhất

Mình ngồi thành thị,
Nết dụng sơn lâm
Người thấy đạo, sống trong đạo thì tuy ngồi
ở thành thị, nhưng trong bản tâm hay bản tánh
của tâm vẫn tịch lặng, bình an, bao la như núi
rừng bất động. Đây chỉ là một cách nói theo đời
thường, theo chân lý tương đối, quy ước. Thật ra thành thị cũng chính là sơn lâm. Khi thấy được
bản thể của tất cả các hiện tượng, bản tánh của tất cả các hình tướng, thì các hiện tượng bình đẳng
trong bản thể ấy, các hình tướng bình đẳng trong
bản tánh ấy. Đây là Bình đẳng tánh trí. Không có
gì là thành thị lao xao của sanh tử; chỉ có một vị
bình lặng an vui của Niết bàn.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính,
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Thể là thân thể, tính là bản tánh, hay bản tánh của tâm.
Muôn nghiệp lăng xăng đều bình lặng, như khói bay lên trời mất hút. Đây là sự an nhàn của
bản tánh, xưa nay chưa từng sanh, vô sanh.
Nửa ngày, hay nửa đời, hay nửa a tăng kỳ
kiếp thân tâm vẫn rỗi (rồi) rảnh, không còn có
cái gì có thể lôi thân tâm này về chốn bụi bặm
ồn náo phiền não. Như kinh Viên Giác nói, “Vàng khi đã thật là vàng thì không thể thành
trở lại quặng vàng”.
Tham ái nguồn dừng,
Chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý.
Thị phi tiếng lặng, Được dầu (tha hồ) nghe yến thốt oanh ngâm.
Nguồn tham ái dừng tức là nguồn sanh tử dừng, tất cả tướng là tánh, tất cả là châu ngọc, còn cái gì khác mà tham lam nắm bắt?
Thị phi tiếng lặng, tâm phân biệt ta – người, tôi
và thế giới, đúng sai, xấu tốt… tan vào tánh Không.
Không có gì là bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ mạng. Chỉ một tâm rỗng rang, bao la, toàn
khắp; trong ấy tất cả đều thanh tịnh một cách bổn nguyên. Như kinh A Di Đà nói: “Ở Tịnh độ, chim
chóc đều là Phật A Di Đà biến hóa ra, mọi tiếng hót đều là Pháp”.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh,
Nhân gian có nhiều người đắc ý.
Biết đào hồng, hay liễu lục,
Thiên hạ năng mấy chủ tri âm?
Non xanh nước biếc là cái gì? Nói điều gì?
Đào thì hồng, liễu thì lục, nhưng có mấy người “biết, hay” như vậy? Nếu biết, nếu hay bèn là tri âm. Tri âm với chính mình, với người khác, và với thế giới đang hiện bày bản tánh của chúng.
Nguyệt bạc vầng (trời) xanh,
Soi mọi chỗ thiền hà lai láng.
Liễu mềm hoa tốt,
Ngất quần sinh huệ nhật sâm lâm.
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Đây là Cái Thấy của Đại Toàn Thiện (Dzogchen). Thiền gọi là thấy tánh, thấy bản tánh
của mọi sự. Dùng ngôn ngữ hiện đại là thấy thực tại. Cái thấy này khiến ta thọ dụng được thế giới,
con người, gọi là Tự thọ dụng tam muội.
Nhờ Chỉ – Quán, Chỉ – Quán đồng thời khiến
tâm đã trở lại thanh tịnh, đọc lên hai câu này liền thấy. Có cái gì chẳng phải là bản tâm, bản tánh
của ta?
Cái thấy ấy như soi thấy mặt mình trong
gương vậy.
Soi mọi chỗ sông thiền lai láng: Đầy mắt
là thực tại; đời sống tràn bờ sự thanh tịnh và niềm vui.
Ngất quần sinh huệ nhật sâm lâm1: Ánh sáng
của mặt trời trí huệ trùm khắp muôn sự muôn vật,
biến mọi sự thành ánh sáng an bình siêu thoát.
Mọi nơi mọi chỗ đều được soi sáng bởi mặt
trăng Từ Bi và mặt trời Trí Huệ này.
1 Sâm lâm: trùm khắp.
Nói theo Đại Toàn Thiện, trong cái thấy này có tinh túy là tánh Không, bản tánh là quang minh, và năng lực là sự hiện tướng của mọi sự.
Lo hoán cốt, ước phi thăng, Đan thần mới phục.
Nhắm trường sinh, về thượng giới, Thuốc thỏ (mặt trăng) còn đam.
Đây là sự tu luyện theo Lão giáo và những phái chủ trương chuyển hóa thân tâm.
Trong khi đó, Thiền và Đại Toàn Thiện giới thiệu trực tiếp vào bản tánh của tâm, vào nền tảng của mọi hiện hữu mà mỗi người đang sống, hoạt động, suy nghĩ trên và trong đó, ngay tại đây và bây giờ.
Khi đã thấy tánh thì vẫn tu, nhưng là tu cái
Không Tu, hành cái Vô hành hay nói theo Đại
Toàn Thiện và Đại Ấn (Mahamudra) là thiền
định cái Không thiền định.
Sách Dịch (dễ) xem chơi,
Yêu tính sáng hơn yêu châu báu.
Kinh nhàn đọc dấu,
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Trọng lòng rồi (rỗi) trọng nữa hoàng kim.
Thiền và Đại Toàn Thiện được xem là dễ, vì tu cái vốn có, vốn hiện hữu nơi mỗi người. Kinh Đại
Bát Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Kinh Pháp Hoa nói con đường Phật giáo là
Khai, Thị, Ngộ, Nhập, tức là Khai Thị Ngộ Nhập
cái thấy biết của Phật (Tri Kiến Phật) sẵn có nơi mỗi người.
“Dịch (dễ)” và “chơi” vì “nội Tự Tại kinh lòng hằng đọc” (Hội thứ Tám). Tâm thì luôn luôn có mặt dù tĩnh dù động, nên bản tánh của tâm luôn
luôn có mặt, đó là dễ. Tư tưởng khởi lên thì sanh
từ bản tánh của tâm, trụ trong bản tánh của tâm
và tan trong bản tánh của tâm. Sóng không ra khỏi
đại dương, sóng chính là đại dương. Đó là chơi.
Tính sáng (quang minh) thì luôn luôn hiện diện, tấm gương không sáng thì lấy gì để thấy
các bóng trong gương, không có ánh sáng căn bản thì lấy gì để mắt thấy sắc, tai nghe thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm, ý biết suy nghĩ?
Tính sáng, ánh sáng căn bản, là môi trường cho các giác quan hoạt động, và cũng là cội nguồn
của các giác quan. Tính sáng tỏa chiếu qua các giác quan, và chúng ta có đời sống, có thế giới, có con người.
Thấy bóng trong gương ở đâu tức là thấy
gương sáng ở đó, thấy tướng ở đâu tức là thấy tánh ở đó. Như Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Sắc tức
là Không, Không tức là Sắc”. Ánh sáng căn bản, tấm gương sáng ấy chiếu soi mà chẳng nhiễm ô, vì
chẳng có bóng nào dính chặt vào tấm gương sáng
được. Tính sáng này vốn là giải thoát vì không bị bất cứ hình bóng nào làm chướng ngại.
“Kinh nhàn” là kinh hiển lộ cho chúng ta thấy
tánh Không, “đọc dấu” là đọc rất yêu quý.
Trong lòng rỗi thì không cần nữa hoàng kim.
Lòng rỗi là Vô tâm, là tâm đã trở về nguồn của nó
là tánh Không, thế sự thành vô sự.
Trong Hội thứ nhất này, ngài giới thiệu cho
chúng ta bản tánh của đời sống, gồm có thế giới, chúng sanh và chính chúng ta. Bản tánh ấy là cái
hay biết (tánh biết) và tính sáng. Chúng ta chỉ an vui khi đạt đến và sống trong bản tánh ấy, và
những vấn nạn thuộc thân phận con người sẽ chấm dứt.
Hội thứ Hai

Biết vậy! Miễn được lòng rồi (rỗi),
Chẳng còn phép khác.
Lòng rỗi là tâm giải thoát, là vô tâm, là tâm
không bị vướng mắc bởi bất cứ thứ gì. Tâm giải
thoát là tâm đã thấu đạt cội nguồn, bản tánh của
nó là tánh Không. Không có pháp nào khác ngoài
sự làm việc nơi tâm để đưa nó trở lại sự thanh
tịnh bổn nguyên của nó.
Lòng rỗi là vô tâm hay tâm vô niệm. Vô tâm
là nền tảng của tâm, đạt đến nền tảng vô tâm thì
mọi thứ tâm đều được giải thoát. Cho nên “chẳng
còn phép khác”.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an.
Giữ gìn, hộ trì tính sáng vốn sẵn thì tính đó tự an định trong chính chỗ (bản vị) của nó. Tính
sáng này không bị biến chất bởi bất cứ thứ gì. Và như vậy không có vấn đề gì cả, vì tất cả là ánh sáng.
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Nói theo ngôn ngữ chúng ta thường dùng: Nén vọng niệm, niệm dừng chẳng sai. So với giữ gìn tính sáng thì nén niềm vọng chưa phải là lối tu căn bản, vì gìn tính sáng thì tự nhiên không
có vọng niệm. Nhưng nếu vọng niệm khởi thì
nó cũng tiêu tan ngay trong tính sáng. Tuy nhiên nếu tính sáng chưa rõ ràng, chưa thể tự chủ, tự
đứng riêng một mình, thì nén niềm vọng sẽ khiến
chúng ta nhận ra tính sáng trong một khoảng thời gian ngắn. Cho nên gìn tính sáng, gìn bản tánh của tâm mới là chiến lược, còn nén niềm vọng chỉ hữu ích trên mức độ chiến thuật, tạm thời.
Dứt trừ nhân ngã,
Thì ra tướng thực kim cương.
Chúng ta vốn có, vốn là tướng thực (thực tướng) kim cương, vốn là Pháp thân Phật tánh.
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Thực tướng kim cương này bao trùm và thấu
thoát qua mọi hình tướng ta, người, chúng sanh, thế giới.
“Thì ra” hàm ý thực tướng ấy luôn luôn như
vậy, xưa nay vẫn vậy, luôn luôn hiện tiền. Chỉ cần nhìn bằng một cái nhìn không bị giới hạn
bởi chủ thể và đối tượng, thì ngay lúc đó thấy
thực tại kim cương xưa nay hiện hữu: “thì ra thực tướng kim cương.”
Cái thấy thấu thoát qua mọi hình tướng chính
là bản tánh của tâm chính là tính sáng, đó cũng
chính là trí huệ bổn nguyên vô ngại và từ bi đồng
thể với chúng sanh và thế giới.
Dừng hết tham sân, Mới lảu lòng mầu viên giác.
Lòng mầu viên giác là bản tâm vốn là giác ngộ tròn đầy và kỳ diệu (mầu). Khi không có
sóng tham sân thì thấy toàn thể đại dương trong lặng. Nhưng sóng tham sân từ đâu khởi?
Từ đại dương trong lặng, từ bản tánh của tâm
lòng mầu viên giác.
Cho nên điều cốt yếu là thấy được nền tảng, bản tánh của tâm thì tham sân được chuyển hóa
thành cái dụng của bản tánh của tâm, sóng xưa nay vẫn là nước đại dương. Kinh nói: “Bản tánh
của sanh tử là Niết bàn”. Trong Mật thừa, tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ được nhìn thấy trong bản
tánh của chúng là Ngũ Trí Như Lai: A Di Đà, A
Súc Bệ, Tỳ Lô Giá Na, Bảo Sanh và Bất Không
Thành Tựu.
Khi thành Phật thì tất cả các giác quan cũng
thành Phật, và do đó những đối tượng của giác quan cũng thành Phật.
Tịnh độ là lòng trong sạch,
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương.
Kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”. Chúng ta thấy cõi này không phải là cõi
Tịnh vì tâm chúng ta bất tịnh, chúng ta thấy cõi này là sanh tử vì tâm chúng ta chứa sanh tử hư vọng giả tạo.
Khi đạt đến bản tánh của tâm vốn thanh tịnh thì thấy gì, nghe gì, nói gì, xúc chạm gì… đều
Cư Trần Lạc Đạo Phú
thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là phép mầu biến mọi
sự thành thanh tịnh. Kinh Đại Bát Nhã nói: “Tất
cả các pháp, tánh tướng bổn lai thanh tịnh”.
Di Đà là tính sáng soi,
Mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Phật A Di Đà là Phật Vô Lượng Quang, ánh
sáng không biên giới. Phật A Di Đà là tính sáng
soi, đang hiện diện trong tâm mỗi chúng ta. Dù
có nguyện về Tịnh độ Tây phương thì ở đó chúng
ta cũng phải chứng ngộ tính sáng soi, Phật A Di
Đà vốn ở nơi tâm mình.
Tính sáng soi ấy biến mọi sự, mọi cảnh thành
Cực Lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức,
Há rằng mong quả báo phô khoe.
Cầm giới hạnh, địch vô thường,
Nào có sá cầu danh bán chác.
“Xét thân tâm” là xét xem còn năm độc phiền não trong thân tâm hay không để chuyển hóa chúng.
Rèn tính thức là rèn luyện tính thức có thói quen
phân biệt khiến thế giới thành phân mảnh, xung
đột nhau. Rèn tính thức thì tính thức phân biệt ấy chính là Trí, trí vô phân biệt. Thức chuyển thành
trí là như vậy.
Giới hạnh để tương ưng và sống trong tính
thanh tịnh bổn lai, ấy là “địch vô thường”. Vô
thường sanh tử càng ngày càng bị xâm chiếm bởi chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh. Thường, lạc, ngã, tịnh là bốn đức tính của Niết
bàn theo kinh Đại Bát Niết Bàn.
Ăn rau ăn trái,
Nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay.
Vận giấy vận sồi, Thân căn có ngại chi đen bạc.
“Thửa” là sở trong Hán Việt, nghĩa là chỗ, cái, chuyện, việc.
Xem thường những vui thích của thân, miệng
để chỉ lo cho tâm thanh tịnh.
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Nhược chỉn (chỉ) vui bề đạo đức, Nửa gian lều quý nữa thiên cung.
Dầu hay mến thửa nhân nghì, Ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
“Đạo đức” là sự thanh tịnh của tâm, Phật giáo gọi là Giới. “Nhân” là tình thương, “nghĩa” (nghì) là sống đúng với bổn phận, trách nhiệm làm người, đối với người khác, với sự vật, với thiên nhiên.
Đạo đức và nhân nghĩa là Pháp, sống theo Pháp bèn có hạnh phúc mà thiên cung, lầu gác không thể so sánh.
Hội thứ hai vẫn nói về nền tảng mà chúng ta đang sống trên và trong đó: “lòng rỗi, “tính sáng”, “tướng thực kim cương”, “lòng mầu viên giác”… và cách sống để chúng ta có thể tương ương với Nó.
Hội
thứ Ba

Nếu mà cốc (biết),
Tội ắt đã không,
Phép học lại thông.
Gìn tính sáng,
Mựa (nào có) lạc tà đạo.
Sửa mình học cho phải chính tông. Biết tánh
Không thì hết tội. Tánh Không là nền tảng cho
các pháp môn, nên biết nền tảng tánh Không thì
các pháp học, các pháp tu trở nên rõ ràng thông
suốt. Các pháp tu được lập ra trên nền tảng tánh
Không để đưa hành giả trở lại nền tảng tánh
Không. Tánh Không là sự khởi đầu và kết thúc
của một pháp môn.
Hơn nữa, tánh Không là nền tảng cho mọi
biểu hiện của đời sống, nên muốn giải quyết hiện
Cư Trần Lạc Đạo Phú
tượng nào, hãy đưa nó trở về bản tánh của nó là tánh Không.
Giữ gìn, hộ trì tính sáng thì không lạc vào tà
đạo. Tu (sửa) học là tu học tánh Không và tính
sáng, đó mới là chính tông.
Thực tại nền tảng, theo Đại Toàn Thiện: tinh
túy là tánh Không, bản tánh là tính sáng, và biểu hiện là năng lực. Ở đây chúng ta thấy ngài nói đến
chính tông của Thiền là tánh Không và tính sáng.
Chỉn Bụt là lòng,
Hãy xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ.
“Chỉ Bụt là lòng” là câu nói của Thiền sư Mã
Tổ (thế kỷ thứ 8). Các bài kệ truyền pháp của
Guru Padmasambhava (Đức Liên Hoa Sinh) cho
các đệ tử (25 vị) cũng thường nói “Tâm ông chính
là Phật”. Chẳng hạn:
Hãy nghe đây, Dorje Dudjom họ Nanam!
Cái có tên là “tâm quang minh của giác ngộ”.
Là vốn sẵn bên trong, bổn nguyên tự hữu và
không tâm điểm cũng chẳng chu vi.
Chớ sửa chữa, chỉnh trang nó, mà ở ngay trong trạng thái vốn tự ngộ và trong sáng tự nhiên.
Không thay đổi, không làm biến chất, mà an trụ, giải thoát trong tánh bổn nhiên!
Ở yên như thế, tâm con thoát khỏi động niệm.
Chính tâm này là Phật!
“Chỉ tâm này là Phật” là Nền tảng, Con đường
và Quả của Đại Toàn Thiện. Nền tảng là cái có sẵn trong mỗi chúng ta. Con đường là sự khai mở, khai triển Nền tảng này. Quả là Nền tảng đã khai triển trọn vẹn.
“Chỉ tâm này là Phật”, với Thiền là một niệm tương ưng, thấy được thực tại này. Sau đó niệm niệm tương ưng, hộ trì, bảo nhậm nó cho đến viên mãn.
Với Đại Toàn Thiện, hành giả phải thấy cái nền tảng “Chỉ tâm này là Phật”, gọi là cái Thấy. Sau đó con đường là Thiền định về nó, không lìa khỏi cái thấy nền tảng này. Và Hạnh là đưa cái thấy nền tảng ấy vào mọi hoạt động của đời sống, khiến mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị
Cư Trần Lạc Đạo Phú
xúc pháp đều thấm nhuần, tràn đầy cái thấy thực tại này.
Vì tâm bao trùm tất cả và là tất cả, cho nên khi “chỉ tâm này là Phật” thì Phật cũng bao trùm tất
cả và là tất cả.
Vong tài đối sắc
Ắt tìm cho phải thói Bàng công.
Sau khi ngộ cư sĩ Bàng Uẩn đem hết đồ đạc trong nhà thả hết xuống sông. Nhắc tới Bàng Uẩn
khi đã ngộ ra tánh Không là nói đến sự xả bỏ tiền
tài, danh vọng và sắc đẹp.
Tánh Không là sự xả bỏ tối hậu, sự xả bỏ tất cả sanh tử. Mặc dù sự vật vẫn có đó, nhưng với
người chứng ngộ tánh Không thì có cũng như không, không có gì để bám luyến.
Áng tư tài tính sáng chẳng tham, Há vì ở Cánh Diều Yên Tử.
Thiền sư Trần Nhân Tông nhắc nhiều lần
“tính sáng” trong Cư Trần Lạc Đạo Phú. Đây là lần thứ năm.
Tính (tánh) sáng nơi tâm làm cho tiền tài, sản
nghiệp trở thành vô nghĩa. Tính sáng ấy vốn ở
nơi mình, chứ chẳng phải vì ở Cánh Diều của núi
Yên Tử.
Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển,
Lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Một khi đã thấu đạt tánh Không của tâm,
thì đây mới thực sự là “răn thanh sắc niệm dừng
chẳng chuyển” vì khi ấy thanh sắc là tánh Không,
không còn ảnh hưởng gì đến hành giả. Tánh
Không ấy ở đâu cũng hiện hữu, trong khi thức, trong khi ngủ, trong thiền định, sau khi thân xác này chết, chứ chẳng phải nhất thiết ngồi ở am Sạn non Đông ở núi Yên Tử.
Trần tục mà nên,
Phúc ấy càng yêu hết tấc (mức).
Sơn lâm chẳng cốc (mà chẳng biết),
Họa kia thực cả đồ uổng công.
Trong đời ‘trần tục’ mà thấy và sống được tánh
Không là bản tánh của trần tục, hạnh phúc ấy
Cư Trần Lạc Đạo Phú
càng yêu quý hết mực. Còn ở núi rừng mà chẳng
biết bản tánh, nền tảng của mọi hiện hữu là tánh
Không thì đó là tai họa lớn, uổng phí cả một đời.
Nguyền mong thân cận minh sư,
Quả Bồ đề một đêm mà chín.
Phúc gặp tình cờ tri thức,
Hoa Ưu đàm mấy kiếp đơm bông.
Nguyện mong gần gũi minh sư, vị ấy chỉ cho những thực hành sơ bộ nhắm vào nền tảng
tánh Không. Khi tâm đã chuẩn bị đầy đủ, vị ấy chỉ thẳng, giới thiệu, trực tiếp đưa đệ tử vào tánh
Không. Điều này Thiền gọi là “tâm truyền tâm”.
Mật thừa bây giờ gọi là quán đảnh: đưa đệ tử vào cái thấy thực tại.
Một minh sư như thế được gọi là thiện tri thức, có một mức độ nền tảng khá đủ, nghĩa là có
chứng ngộ tánh Không, quang minh và năng lực để trực tiếp trao truyền. Nhờ vị thiện tri thức ấy mà hoa Ưu đàm Phật tánh từ mấy kiếp nay bỗng nở hoa.
Hội thứ ba nói “tâm mình chính là Phật”. Thấy
biết được bản tâm ấy, an trụ trong đó, đây là con
đường tu. Con đường ấy có mặt ở khắp thế gian, chứ chẳng phải có riêng một chỗ nào.
Nếu gặp và thân cận được một vị thầy đã thấy biết tâm tánh, thì đó là phước đức lớn. Với
sự chỉ bày khai thị của thầy thì đóa hoa Phật tánh sẽ bừng nở, “hoa ưu đàm mấy kiếp đơm bông” là vậy.
Hội thứ Tư

Tin xem!
Miễn cốc một lòng (nhất tâm);
Thì rồi mọi hoặc.
Miễn biết được cái nền tảng Nhất Tâm này, thì mọi phiền não nghi ngờ tiêu tan.
Nhất Tâm là Pháp thân chung của tất cả chư
Phật. Các Bồ tát thì chứng ngộ được một số phần, gọi là các Địa. Nhất Tâm này mỗi kinh đều có những từ riêng để chỉ, như: Phật tâm, Phật tánh, Pháp thân, Như Lai Tạng, tánh Không, bản tánh
của tâm, tâm tánh, tâm địa… ngài Trần Nhân
Tông ở trước có nói, “Lòng mầu Viên Giác”.
Nhất Tâm này vốn không nhiễm ô nên biết được
nó thì phiền não sẽ rơi rụng một cách tự nhiên.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân.
Chuyển ba độc mới chứng ba thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Ba thân này vốn hiện
hữu nơi chúng ta nhưng bị ba độc che lấp nên
chúng ta không chứng ngộ được. Để hiển lộ Phật
tánh Ba thân, chúng ta cần chuyển hóa ba độc về
nền tảng của chúng là tánh Không.
Với Đại Toàn Thiện, Ba Thân nằm trong nền
tảng vốn có sẵn, và Ba thân là: Pháp thân là tánh
Không, Báo thân là Quang Minh và Hóa thân là
Năng lực Đại Bi.
Pháp thân là chung cho tất cả chư Phật, chư
Đại Bồ tát, thế nên kinh thường nói “Pháp thân
của tất cả chư Phật”. Pháp thân cũng là nền tảng
và quả của mọi tông phái.
Đại Toàn Thiện (Dzogchen) lấy Mười địa của
Pháp thân làm nền tảng để thiết lập Bốn Thị Kiến
của Thogal1.
1 Xem Phật Tâm, Longchen Rabjam, ban dịch thuật Thiện Tri Thức.
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Đại Ấn (Mahamudra) cũng lấy Mười địa của
Pháp thân làm nền tảng để xác định Bốn Cấp Bậc
của Yoga1.
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Lục căn là sáu giác quan mắt tai mũi lưỡi thân
ý. Đối tượng của sáu giác quan sắc thanh hương vị
xúc pháp khi quấy nhiễm tâm, làm quên mất bản
tâm thì gọi là sáu giặc. Hai cái này khi bị nhiễm
ô thì khổ đau. Một khi đã đoạn trừ được phần
nhiễm ô nơi chúng thì chúng trở lại thanh tịnh.
Kinh nói: “Các pháp bổn lai thanh tịnh.”
Tìm đường hoán cốt,
Chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn.
Hỏi phép chân không,
Hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
1 Xem Tánh Giác Lộ Toàn Thân, Karma Chagmé, ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2003.
Những người tu tiên muốn chuyển đổi thân
mình (hoán cốt) thì tìm những giải pháp ở bên
ngoài, uống thuốc và luyện đơn.
Còn người tu Phật thì học hỏi tánh Không,
nền tảng và đích đến của pháp môn. Giải quyết
thế giới hiện tượng thanh sắc thân tâm, cách
căn bản là thấy được thanh sắc, thân tâm là tánh
Không, như Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Sắc chẳng
khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Tánh Không
là phương tiện “hoán cốt, luyện đơn” hiệu quả,
căn bản và triệt để nhất.
Biết Chân Như, tin Bát nhã,
Chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông.
Chứng thực tướng, ngõ vô vi,
Nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.
Bát nhã là trí huệ thấy biết tánh Không. Kinh Đại Bát Nhã nói tánh Không cũng là tánh Như
(Chân Như). Tánh Không hay Chân Như là nền tảng của mọi hiện tướng đời sống, như tấm gương là nền tảng của mọi hình bóng hiện trong gương. Khi “biết Chân Như, tin Bát nhã” thì tất
Cư Trần Lạc Đạo Phú
cả mọi hiện hữu là tánh Không – Chân Như, như khi thấy biết tấm gương thì mọi hình bóng trong
gương đều là tấm gương.
Tất cả mọi tông phái Phật giáo đều có nền tảng
là tánh Không – Chân Như vốn sẵn đủ, vốn toàn thiện này. Con đường, dù tu kiểu nào cũng không
thể ra khỏi nền tảng tánh Không – Chân Như.
Nói cách khác, mọi con đường, mọi pháp môn là
sự biểu lộ của nền tảng tánh Không – Chân Như.
Và Quả là sự hiển lộ trọn vẹn của nền tảng tánh
Không – Chân Như này. Khi biết Nền tảng cũng
chính là Quả, hành giả Thiền và Đại Toàn Thiện
tu trên Nền tảng cũng là tu trên Quả, gọi là Quả
thừa (Phalayana). Quả thừa là mọi pháp môn là
sự biểu lộ của Quả, tức là Nền tảng đã khai mở
trọn vẹn. Người tu trên Quả thì việc tu hành nhẹ nhàng hơn, vui thú hơn, vì đích đến đã có nơi mọi bước chân của con đường. Thế nên ngài thường nói chữ “chơi”. Còn Nhân thừa (Hetuyana) là tạo ra các nhân như các hạnh Bồ tát, các ba la mật…
để đạt đến Quả.
Trong kinh Bồ tát giới, Đức Phật nói: “Ta là
Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành. Nếu tin
được điều ấy thì mọi giới đều đủ cả”. Tu trên quả là tu trên sự việc “Phật sẽ thành” này, sự tu hành
là sự triển khai cái Phật sẽ thành này, chứ không phải tạo ra nhân để làm ra Phật.
Thực tướng, kinh thường nói “thực tướng của tất cả các Pháp”. Thực tướng này cũng là tánh
Không, Chân Như. Chứng được thực tướng của mọi sự, mọi chúng sanh, mọi hình thức đời sống, người ta được giải thoát, giác ngộ.
“Ngõ” là mở, hiểu. Vô vi là ba Giải thoát môn
chung cho cả Bắc tông và Nam tông: Không, Vô
tướng, Vô tác.
Tóm lại khi thấy cái tâm thường tục chẳng rời
khỏi ta phút giây nào chính là Phật tâm, là tánh
Không, Chân Như thì không còn nghi ngờ để tìm kiếm Phật Tổ tây đông bên ngoài, để phải nhọc
hỏi kinh thiền nam bắc.
Xem Tam tạng giáo, Ắt học đòi Thiền uyển thanh quy.
Đốt ngũ phần hương,
Chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Thiền uyển thanh quy là nếp sống tinh nghiêm thanh tịnh trong Thiền viện. Nếp sống ấy giúp
người ta sống trong bản tánh của tâm, trong Phật tâm. Đó gọi là tu. Ngủ nghỉ, ăn uống, làm việc,
nói năng, im lặng… đều có mục đích làm cho tâm làm quen với Phật tâm, sống trong Phật tâm, theo
tôn chỉ “Thấy tánh thành Phật” của Thiền. Thật ra có cuộc sống nào ra khỏi được Phật tâm đâu?
Cho nên Thiền là để chỉ cho ta thấy sự thật đó, để từ nay sống trong đó.
Năm phần hương là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải
thoát tri kiến hương. Hương ấy vốn có ở trong bản tâm thanh tịnh, hay trong Pháp thân. Tâm
càng thanh tịnh thì năm loại hương ấy càng tỏa ra, mọi lúc, mọi nơi.
Tích nhân nghì, tu đạo đức
Ai hay này chẳng Thích Ca.
Nhân là lòng nhân, lòng từ bi. Nghĩa (nghì) là bổn phận trách nhiệm với người khác (nghĩa vụ).
Đạo đức là đạo đức nơi mình và lan ra ngoài
xã hội. Ngược lại, xã hội là nơi trui rèn đạo đức
cá nhân. Tóm lại đạo đức, nhân nghĩa với người
Phật giáo là Bồ tát hạnh.
Mỗi người vốn là Thích Ca, Di Lặc tiềm năng.
Chính qua Bồ tát hạnh mà Thích Ca, Di Lặc tiềm năng ấy trở thành hiện thực.
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham,
Chỉn thực ấy là Di Lặc.
Cầm giữ giới hạnh của thân tâm, những
phiền não phá hoại như tham lam ghen tỵ không
còn. Tâm thanh tịnh bổn nguyên ấy là tâm Phật, là Phật Di Lặc tương lai.
Hội thứ tư này nói, “Chỉ Phật là lòng”, “ai hay này chẳng Thích Ca”, “chỉn thực ấy là Di Lặc”.
Phật, Phật tánh vốn có sẵn nơi tâm mỗi chúng ta, nếu khéo dùng Phật pháp thì Phật ấy từ từ hiển lộ. Phật tiềm ẩn ấy bao gồm Ba thân, Pháp, Báo, Hóa, vốn có sẵn, chỉ cần “chuyển ba độc” thì ba thân hiện ra.
Từ “Như vậy tôi nghe…”, câu mở đầu các kinh do ngài A Nan nói, chúng ta sẽ đi đến chỗ tự mình nói được, “Như vậy tôi thấy, như vậy tôi biết”.
Hội thứ Mười

Tượng chúng ấy:
Cốc một Chân Không,
Dùng đòi căn khí.
Phàm chúng ấy: Biết một Chân Không, thực
hành theo (dùng đòi) căn khí riêng của mỗi
người. Nền tảng là một Chân Không, chung cho
cả thánh và phàm, cho cả tâm và cảnh, chủ thể
và đối tượng, nhưng thực hành pháp môn nào là
tùy theo căn cơ từng người. Điều quan trọng nhất
là thực hành pháp môn nào, tùy theo căn cơ nào, cũng đều đưa vào một Chân Không. Một Chân
Không vừa là Nền tảng, vừa là Con đường, vừa là Quả.
Chính ngay nơi căn khí này, thân tâm này là
Nền tảng, Con đường và Quả.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông.
Há cơ Tổ nay còn thửa bí.
Vì lòng ta vướng chấp nên tánh Không, Ánh sáng (Quang minh) và Năng lực vốn có nhưng không thông. Thông được thì ta và người khác, ta và vũ trụ đều thông nhau trong một tánh Không, một Ánh sáng, một Năng lực.
Cơ của Tổ là Thiền, đâu có chỗ nào mắc nghẽn (bí) hay bí mật (bí). Đó cũng là Tâm của Tổ, Tâm của Phật, tất cả chỉ Nhất Tâm. Thực hành là thấy được Tâm Phật, Tổ và hòa thành một với Tâm ấy.
Chúng Tiểu thừa cốc hay chửa đến, Bụt xá ngăn Bảo sở Hóa thành.
Đấng Thượng sĩ chứng thực mà nên, Ai ghẻ có sơn lâm thành thị.
Các vị Tiểu thừa sự hiểu biết chưa đến chỗ trọn vẹn của Phật, cho nên dừng lại ở Bảo sở Hóa thành (chữ trong kinh Pháp Hoa, để chỉ mới ở giữa con đường). Tánh Không của các vị Tiểu thừa là một tánh Không không có sanh tử, không
Cư Trần Lạc Đạo Phú
có vũ trụ và chúng sanh. Đây là Niết bàn, một
Niết bàn có nơi chốn là một mặt tánh Không.
Gọi là một mặt tánh Không vì thiếu tánh Như (kinh Đại Bát Nhã).
Tánh Không của các vị Thượng sĩ hay Bồ tát là
Chân Không, một Chân Không Diệu Hữu, không
là gì cả mà có tất cả. Diệu hữu vì có, nhưng là tánh
Không. Chân Không vì không, nhưng là Diệu hữu. Tánh Không của Bồ tát gồm cả tánh Như, hay Chân Như. Niết bàn của Bồ tát là Vô trụ xứ
Niết bàn, cũng tức là bản tánh của tâm, không trụ
nơi sanh tử cũng không trụ ở Niết bàn.
“Ghẻ” là phân biệt, chia tách. Thực tại thì
không chia tách sơn lâm (tượng trưng cho sự an tịnh của Niết bàn) với thành thị (tượng trưng cho
sự ồn náo của sanh tử). Kinh Duy Ma Cật gọi là
Bất Nhị, “Nhập Bất nhị pháp môn.”
Núi hoang rừng quạnh,
Ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.
Chiền vắng am thanh,
Chỉn thực cảnh đạo nhân du hý.
Dật sĩ là người ở ẩn dật. Đạo nhân là người tu đạo.
Đặt trong ngữ cảnh không phân biệt, không chia rẽ giữa sơn lâm và thành thị, cả hai chỉ là
tùy duyên mà sống nơi nào thì “núi hoang rừng
quạnh, chùa vắng am thanh” ở đây không hẳn
là một nơi chốn địa lý mà có ý nghĩa trong tâm nhiều hơn. Núi hoang rừng quạnh là một cái tâm vắng vẻ, trống trải, không xôn xao nhân ngã,
không rộn ràng tham sân. Chùa vắng am thanh
là một cái tâm như chùa vắng am thanh, nghĩa là
một cái tâm vắng lặng, thanh tịnh, một vị, thông
suốt không còn vướng chấp.
Tóm lại, chỉ có cái tâm không bị ngoại cảnh vướng chấp, một tâm “biết một Chân Không”, nên thấy tất cả mọi hiện tượng là Chân Không
mới là tâm an vui, hạnh phúc, tự tại.
Ngựa cao tán cả,
Diêm vương nào kể đứa nghênh ngang.
Gác ngọc lầu vàng,
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Ngục tốt thiếu chi người yêu quý.
Những người sang giàu, quyền thế ngựa cao
lọng lớn, nhưng nghênh ngang không để ý đến
nhân quả thì khi chết vì quả báo xấu phải chịu tội,
bị Diêm vương xét xử phạt tội.
Người ở gác ngọc lầu vàng, quyền quý sang
trọng mà sống không chánh nghiệp cũng phải tù tội ở đây và cả dưới địa ngục.
Giàu sang nào cho bằng người thấy Tánh, vì
thấy tất cả là mình.
Chuộng công danh,
Lồng nhân ngã,
Thực ấy phàm ngu.
Say đạo đức,
Dời thân tâm,
Định nên thánh trí.
Ham chuộng công danh, chạy theo thế giới vật chất, lồng nhân ngã vào đời sống của mình, đó là một cuộc chiến đấu do mình tự đặt ra cho đến
khi chết, ấy là kẻ phàm ngu. Lấy hạnh phúc nhỏ
nhoi và vô thường này làm tất cả mục đích cho cuộc sống mình ấy là ngu dại, vì khi chết, ra đi
chẳng mang được gì theo ngoài mớ nghiệp mình đã tạo.
Say đạo đức là say mê con đường giải thoát và giác ngộ, say mê con đường Bồ tát hạnh tự độ,
độ người. Muốn thế phải chuyển hóa (dời) thân tâm, thì quyết định tựu thành thánh trí, sống
trong bốn đức Thường Lạc Ngã Tịnh, cho mình và cho người.
Mày ngang mũi dọc,
Tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau.
Mặt thánh lòng phàm,
Thực cách nhẫn (đến) vàn vàn thiên lý.
Hai câu này chúng ta nên đối chiếu với hai
câu của Thượng sĩ Tuệ Trung, thầy của ngài
Trần Nhân Tông, để hiểu đúng hơn. Thượng sĩ
Tuệ Trung nói trong bài Phàm thánh bất dị: Mày
ngang mũi dọc cũng như nhau, Phật cùng chúng sanh cùng một mặt.
Cư Trần Lạc Đạo Phú Hai câu trên ý nói Phật và chúng sanh cùng một khuôn mặt xưa nay, cùng một Phật tánh.
Câu của ngài Trần Nhân Tông cũng có nghĩa tương tự. “Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt
bằng nhau” nghĩa là tướng khác nhau (lạ) nhưng xem ắt bằng nhau, vì bằng nhau trong Phật tánh, cùng một Phật tánh. Nhưng cùng một Phật tánh
ấy mà không biết “dời thân tâm” mà lại tạo nhiều
hành động (nghiệp) xấu thì bèn chia hai đường:
người thì “mặt thánh”, kẻ lại “lòng phàm”, cách xa
nhau đến vàn vàn ngàn dặm.
Kệ rằng:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói thì ăn, hề, mệt ngủ yên
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.)
Hội thứ Mười
Đây là bài kệ kết thúc Cư Trần Lạc Đạo và bài
kệ cũng bắt đầu bằng bốn chữ “Cư trần lạc đạo.”
Tại sao ở đời vui đạo? Sao không ở đời vui đời hay bỏ đời vui đạo? Bởi vì đời, từ bản tánh đến
hiện tướng của nó, là đạo.
Khi thế giới, con người, sự vật đều biến thành
vàng ròng thì duyên nào cũng là vàng: “Ấy là nơi dật sĩ tiêu dao, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý.”
Ở đời vui đạo là nhậm vận, vô công dụng đạo,
mỗi hành động đều là tự do vì nó không khởi
sanh từ một tâm có phiền não, một tâm phân biệt ta người, một tâm chia cắt chủ thể đối tượng. Mỗi
hành động đều tự phát, nghĩa là không vì nhân duyên gì, trong tánh Không, hiện hữu trong tánh
Không, và tiêu tan trong tánh Không. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Chữ “thì” (tức) này nói lên sự không
có chủ thể và đối tượng, hành động không có chủ thể và đối tượng tức là không hành động. Không hành động tức là không có nghiệp vì nghiệp (karma) có nghĩa là hành động.
Sự tìm kiếm hay sự tu hành dụng công đã
chấm dứt, vì “trong nhà có báu thôi tìm kiếm”.
Cư Trần Lạc Đạo Phú
Báu không chỉ ở trong nhà, mà còn ở thế giới, sự
vật, con người ngoài kia, tất cả đều là báu vì tâm
đã là báu. Trong nhà có báu nghĩa là trong thân tâm này có báu và thân tâm là báu thì thế giới
thành báu.
“Thôi tìm kiếm” nói lên tính cách vô sự. Vô sự
vì “tâm giải thoát và tuệ giải thoát” (kinh Nikaya).
Phiền não không còn, không ước vọng điều gì (vô nguyện) do đó không lo sợ điều gì (vô úy).
“Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền”: khi tâm đã
trở về bản tánh của tâm vốn vô tâm, thì không
còn tâm đối với cảnh, cảnh đối với tâm, chỉ có
“một Chân Không”, trong đó nói thiền, nói định
đều là thừa thãi.
Vua Trần Nhân Tông ngộ đạo, có cái Thấy từ lúc trẻ, khi học với Thượng sĩ Tuệ Trung.
Sau đó sống trong cuộc đời làm vua, lại là một vị vua trong thời chiến tranh, ngài vẫn trau dồi cái Thấy ấy trong hạnh Bồ tát, “nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm”, “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu. Chăm hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.”
Hội thứ Mười
Thế nên, nói về Đời, chắc khó có ai sống một cuộc đời nhiều việc đời bằng ngài. Thế nhưng
chính trong cuộc đời với nhiều sự kiện, nhiều việc phải đối phó, giải quyết như vậy, ngài vẫn có thể tự tại, “ở đời vui đạo hãy tùy duyên”, Đời và Đạo không hai.
Có lẽ ngài là tấm gương sáng nhất, một cuộc đời lý tưởng cho mọi người Việt học hỏi và sống theo, để được “ở đời vui đạo”, đời đạo Nhất Như.
(tái bản)
NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI
Trụ sở chính:
Số 59 Thợ Nhuộm, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: 0084.24.38253841
Chi nhánh:
Số 7. Nguyễn Thị Minh Khai, Quận I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 0084.28.38220102
Email: thegioi@ thegioipublishers.vn
Website: www.thegioipublishers.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:
BÙI THỊ HƯƠNG
GIÁM ĐỐC – TỔNG BIÊN TẬP: PHẠM TRẦN LONG
Biên tập viên nhà xuất bản: Vương Văn Huy
Biên tập viên Thiện Tri Thức:
Sửa bản in:
Thiết kế bìa:
Trình bày:
Thủy Mộc
Thiện Tri Thức
Thái Hiền
Khánh Minh
LIÊN KẾT XUẤT BẢN
Công ty TNHH Xuất bản Thiện Tri Thức
Địa chỉ: Số 1/75B, phố Yên Phụ, P. Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (84) 328033988
Email: contact@thientrithuc.com.vn
Biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam
Trần Nhân Tông
Cư Trần Lạc Đạo Phú / Trần Nhân Tông ; Nguyễn Thế Đăng chú giải. - H. : Tôn giáo ; Công ty Xuất bản Thiện Tri Thức, 2025. - 136 tr. ; 19 cm
ISBN 978-632-604-177-4
1. Đạo Phật 2. Thiền phái Trúc Lâm 3. Giáo lí 4. Thơ 5. Việt Nam
294.392709597 - dc23
TOM0019p-CIP
In 1.500 cuốn, khổ 13 x 19 cm, tại Công ty TNHH In Thanh Bình, số 432, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Số xác nhận đăng ký xuất bản số: 5092-2024/CXBIPH/21-209/DT
Quyết định xuất bản số: 911-2025/CXBIPH/05-45/ThG, cấp ngày 25/03/2025
In xong, nộp lưu chiểu năm 2025. ISBN 978-632-604-177-4