khamdinhvietsu

Page 309

309

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XI

được, thuyền chở quân chiến đấu ở dưới sông thì bị nước chảy xiết dồn vào một chỗ, bao nhiêu quân bộ bị giết hết, nên bị thua to. Viên tướng quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Nguyễn Chí bị giặc bắt, ngoài ra bảy mươi viên tướng cầm quân đều bị chết. Quý Ly bỏ trốn về, để tì tướng là Phạm Khả Vĩnh và viên tướng quyền quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc ở Ngu Giang. Đêm hôm ấy, Đa Phương bàn với Khả Vĩnh rằng: "Thế giặc mạnh như thế, mà quân chúng ta ít ỏi, khó có thể cầm cự lâu dài được, nếu bây giờ muốn kéo quân về, tất nhiên giặc thừa cơ đuổi theo". Họ bèn hạ lệnh cho các quân lính phong ra rất nhiều cờ, buộc thuyền lớn vào cột gỗ ở sông, canh phòng nghiêm mật, đến đêm dùng thuyền nhỏ trốn về. Giặc thừa thế, tung quân ra cướp bóc. Khi Quý Ly trốn về đến khuyết đình, xin cho xuất phát thuyền chiến để thêm sức mạnh. Thượng hoàng không chuẩn y. Nhân đấy Quý Ly xin thôi không giữ binh quyền, không đem quân ra đánh Chiêm Thành nữa. Lời phê - Việc làm của Quý Ly trước sau đều như thế1, thế mà Nghệ Tông tin dùng, có lẽ cũng như câu ngạn ngữ nói "hoạ lai thần ám" chăng? Lời chua - Nguyễn Chí: Có một thuyết nói là Trần Đình Quý. Cổ Võ: Tên làng. Ngu Giang: Tức Lương Giang. Xem Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 4 (Chính biên X, 47). Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục Đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tiền biên 20-21) Tháng 11. Quân Chiêm Thành xâm phạm đến Hoàng Giang. Nhà vua sai đô tướng2 là Trần Khát Chân đem quân ra chống cự. Được phụng mạng đem quân đánh giặc, Khát Chân khảng khái, khóc lạy Thượng hoàng để từ biệt. Thượng hoàng cũng khóc, mắt vẫn nhìn theo để tiễn đưa Khát Chân. Khi kéo quân đến Hoàng giang, gặp quân giặc, Khát Chân xem xét địa thế, thấy không có chỗ bố trận, liền lui quân đóng giữ ở sông Hải Triều. Lúc ấy tôn thất Nguyên Diệu, là em Đế Hiện, muốn báo thù, bèn đem quân đầu hàng Chiêm Thành. Lời chua - Hoàng Giang: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chính biên VI, 44). Sông Hải Triều: Nay là khúc sông giáp với hai huyện Tiên Lữ và Hưng Nhân thuộc tỉnh Hưng Yên3. Trần Khát Chân: Người ở Vĩnh Ninh thuộc Thanh Hóa. Khác Chân là dòng dõi Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Quý Ly gièm pha giết Nguyễn Đa Phương là người bè đảng với hắn. Lời phê - "Chỉ có người quân tử mới có bằng đảng"4, câu nói ấy thật đúng. Từ khi ở Ngu Giang trốn về, Đa Phương tự cho mình là có công giữ được quân trọn vẹn, thường chê bai Quý Ly là bất tài. Vì thế, Quý Ly gièm pha với Thượng hoàng rằng việc đánh Chiêm Thành thất bại là do ở Đa Phương, bèn thu lấy binh quyền do Đa Phương giữ. Đa Phương vẫn có nét mặt kiêu ngạo. Thượng hoàng nói: "Cần phải bắt chịu tội nhẹ để răn bảo hắn". Quý Ly nói: "Đa Phương là người mạnh khoẻ, tôi sợ hắn sẽ chạy sang phương Bắc với nhà Minh hay là chạy vào phương Nam với Chiêm Thành, thả cọp ra sẽ để họa về sau, chi bằng giết đi là xong". Bèn hạ lệnh bắt Đa Phương phải tự tử. Đa Phương phàn nàn rằng:

1

Chỉ việc Quý Ly trước bị thua bỏ trốn về, sau xin giải tán binh quyền, không đem quân ra đánh nữa.

2

Một chức quan chỉ huy quân đội thời cuối Trần.

3

Nay huyện Tiên Lữ vẫn thuộc tỉnh Hưng Yên, huyện Hưng Nhân thuộc tỉnh Thái Bình.

4

Câu này trích trong bài

"Bằng đảng luận" của Âu Dương Tu: "Tiên nhân vô bằng, duy quân tử tắc hữu bằng".


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.